Đào tạo đội ngũ giáo viên giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh
NGND Lê Mậu Hãn
Cùng với các bộ môn lý luận chính trị, việc giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường đại học, cao đẳng nhằm trang bị cho sinh viên những hiểu biết chủ yếu và hệ thống quan điểm toàn diện, sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, về đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua việc nghiên cứu nguồn gốc, những nội dung cơ bản tư tưởng Hồ Chí Minh, sinh viên phải hiểu biết sâu sắc về phương pháp tư duy biện chứng Hồ Chí Minh, rèn luyện tư cách đạo đức, lối sống, tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Việc nghiên cứu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh đang được triển khai rộng rãi trong các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong cả nước. Từ năm học 2003 - 2004, tư tưởng Hồ Chí Minh bắt đầu được giảng dạy trong tất cả các trường Đại học, Cao đẳng. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, cần xây dựng và biên soạn giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, chuẩn bị về cơ sở vật chất ..., song yếu tố có tính quyết định bảo đảm chất lượng giảng dạy là đội ngũ giảng viên có kiến thức chuyên sâu về tư tưởng Hồ Chí Minh, có phương pháp giảng dạy khoa học. Và chính đội ngũ giáo viên là tấm gương rèn luyện về tư tưởng, đạo đức, giàu tâm huyết giảng dạy và nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ. Hiện nay ngành giáo dục Đại học, Cao đẳng mới có hơn một nghìn cán bộ giảng dạy được bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh và một số môn học bổ trợ qua một khóa học khoảng sáu tháng, với tấm chứng chỉ về môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cấp. Đây là khó khăn trong việc triển khai giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh ở các trường Cao đẳng, Đại học.
Để thực hiện tốt yêu cầu, nhiệm vụ giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường Cao đẳng, Đại học nói riêng và nhiệm vụ nghiên cứu, giáo dục, tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, các cơ sở đào tạo Đại học và sau đại học đã được Nhà nước cho phép nhanh chóng bổ sung, hoàn chỉnh chương trình, kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ đại học và sau đại học về khoa học chính tri. Trên cơ sở học tập, nắm vững tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, có tâm huyết và say sưa với môn học, giảng viên phải được trang bị những kiến thức cơ bản và chuyên sâu về tư tưởng Hồ Chí Minh và các kiến thức hỗ trợ liên ngành cần thiết. Giảng viên tư tưởng Hồ Chí Minh được đào tạo ở bậc đại học phải được nghiên cứu kỹ các chuyên đề tư tưởng Hồ Chí Minh về Cách mạng Việt Nam; về văn hóa, về đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu Hồ Chí Minh; những giá trị văn hóa phương Đông và phương Tây; phương pháp duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin; nhũng vấn đề cơ bản về chính tri hiện đại thế giới và Việt Nam; những giá tri văn hóa, tinh thần truyền thống và hiện đại Việt Nam...
Cũng cần quan tâm đặc biệt nhiệm vụ tổ chức sinh hoạt và nghiên cứu khoa học trong đội ngũ cán bộ giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh ngay khi họ còn là sinh viên.
Thế giới đang đổi thay, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp. Đất nước qua hơn 17 năm đổi mới đã giành được nhũng thành tựu to lớn và rất quan trọng, song cũng còn không ít yếu kém, khuyết điểm; thời cơ và thách thức đan xen. Chính vì vậy phải đẩy mạnh hơn nữa nhiệm vụ giáo dục chính tri, đạo đức, lối sống, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, bất kỳ trong hoàn cảnh nào cũng kiên định và quyết tâm xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, như Đại hội lần thứ IX của Đảng khẳng định.
Nghiêm túc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, ngẫm suy những lời nhắn gửi của các nhà cách mạng lão thành, chúng ta hãy đẩy mạnh việc giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh với những hình thức phong phú, hấp dẫn, nhất là đối với thế hệ trẻ Việt Nam.
Trước mắt, nhanh chóng bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, đặc biệt đội ngũ được đào tạo ở bậc Đại học và sau đại học về tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách và có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh. Mong các cơ quan giáo dục, đào tạo ở bậc đại học và sau đại học tổ chức tốt hơn nữa việc đào tạo, cung cấp cho các trường đại học và cao đẳng những cán bộ giảng dạy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và các môn lý luận chính trị, có năng lực tốt để hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh - một bộ môn khoa học có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chúng ta.