Tính thời sự của học thuyết Mác
Một số kẻ như Phucưyama từng tuyên bố chủ nghĩa Mác đã chết, chủ nghĩa cộng sản đã cáo chung và "lịch sử đã kết thúc" từ cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ 20 do những biến đổi kịch tính ở Liên Xô, Ðông Âu, họ nói thế nào bây giờ khi chủ nghĩa Mác được chính phương Tây làm "hồi sinh"?
Có vài người nhỡ tuyên bố chủ nghĩa Mác ra đời cách đây hơn 150 năm, lại là một lý luận "còn dang dở", lý luận ấy đã không còn sức sống, những anh em đó nói thế nào bây giờ về chủ nghĩa Mác khi một số nhân vật nổi tiếng phương Tây tìm đọc "Tư bản" để xem Mác cắt nghĩa thế nào nguyên nhân cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế hiện nay?
Giáo sư lịch sử và các vấn đề quốc tế thuộc Ðại học Prinxtơn (Mỹ) và Giáo sư viện Ðại học châu Âu tại Phlorenxơ (Italia) nhấn mạnh "sự phục hồi ảnh hưởng chủ nghĩa Mác trên thế giới cho thấy quan điểm thống trị hiện nay là chủ nghĩa tư bản đang ở thế thoái trào". Nhật báo kinh tế Thụy Sĩ đăng bài của hai giáo sư đó và dẫn chứng Tổng thống Pháp N.Xáccôdi, Bộ trưởng Tài chính Ðức đang tìm đọc "Tư bản" của Mác, đi đến kết luận: "Chính do khủng hoảng hiện nay mà sự hồi sinh chủ nghĩa Mác trở thành tất yếu".
Chủ nghĩa tư bản đã có lịch sử hơn 500 năm. Nó đã có những cống hiến cực kỳ to lớn cho loài người. Nó đã tạo ra những lực lượng sản xuất không những đồ sộ mà ngày càng tinh xảo, tinh vi, những máy móc "thông minh", những vật liệu, năng lượng kỳ diệu, v.v. Với đại công nghiệp, nó đã tạo ra thị trường thế giới thay cho tình trạng biệt lập trước đó của các địa phương và dân tộc vốn tự cung tự cấp. Do xâm chiếm thuộc địa, bóp nặn thị trường thế giới, chủ nghĩa tư bản đã làm cho sản xuất và tiêu dùng của tất cả các nước mang tính chất thế giới. Chính chủ nghĩa tư bản đã có công làm cho lịch sử biến thành lịch sử thế giới.
Sau khi Liên Xô và Ðông Âu tan rã, chủ nghĩa tư bản chiếm lĩnh đa phần thế giới, bản đồ chính trị thế giới với hai hệ thống đối lập đã thay đổi căn bản. Lịch sử phải chăng "kết thúc" ở chủ nghĩa tư bản, tột đỉnh của văn minh loài người? Thực tiễn thế giới "hậu Xô viết" đã sớm bác bỏ kết luận sai lầm ấy. Có điều cần ghi nhận: Ngày nay ít ai còn mang ảo tưởng chủ nghĩa tư bản sắp chết đến nơi, nhưng phải chăng số người tin tuyệt đối vào sức sống vĩnh hằng của chủ nghĩa tư bản cũng ngày càng vơi dần? Xem ra, đa số đánh giá chủ nghĩa tư bản còn sức sống nhất định nhưng cuối cùng dứt khoát nó không tránh khỏi tiêu vong.
Thật ra sức sống còn lại của chủ nghĩa tư bản mà đôi khi có người choáng ngợp, một phần do nó vốn chưa thật cạn kiệt, còn một phần rất quan trọng là do những yếu kém, sai lầm dẫn đến sụp đổ cay đắng một mảng lớn chủ nghĩa xã hội hiện thực. Một sự thật nữa rất đáng lưu ý là tâm trạng hoan hỉ của phương Tây trước sự sụp đổ của Liên Xô chỉ được nhất thời; sau đó, khi không còn địch thủ đáng gờm nhất phải đối mặt, thì những đầu óc ít nhiều tỉnh táo, sáng suốt trong các học giả và chính khách phương Tây bình tĩnh quay về nhìn lại bản thân chủ nghĩa tư bản, đã kịp thời cảnh báo: Coi chừng nguy cơ đe dọa vận mệnh chủ nghĩa tư bản vốn ra không phải từ phía chủ nghĩa xã hội, từ Liên Xô, mà chính từ ngay trong lòng chủ nghĩa tư bản. Rõ ràng chủ nghĩa tư bản đang "tự phản tỉnh", "tự phê phán", đang thấy khó mà tự duy trì nếu không có phép gì mầu nhiệm hơn những phép đã dùng gần như cạn kiệt để tự điều chỉnh, thích nghi. Những khái niệm "xã hội hậu tư bản", hay "chủ nghĩa tư bản mới", "chủ nghĩa tư bản nhân dân", hay "chủ nghĩa tư bản của những người lao động", v.v. mà một số học giả phương Tây ưa dùng nói lên hai mặt: nó vừa là một sự ngụy biện rằng, chủ nghĩa tư bản đã không còn là chủ nghĩa tư bản nữa vì nó không còn bóc lột; vừa là - về khách quan - mặc nhiên thừa nhận chế độ tư bản đích thực, truyền thống như bản thân nó, đã hết lý do tồn tại, đã hết khả năng tự biện minh; có nghĩa, ngay các nhà tư tưởng tư sản cũng đã mất niềm tin ở chính chủ nghĩa tư bản, đã mặc nhiên và gián tiếp phải nói đến một chế độ mới đang gõ cửa chủ nghĩa tư bản.
Học thuyết Mác cho rằng, sự phát triển của xã hội loài người, sự chuyển biến từ hình thái kinh tế - xã hội này lên hình thái kinh tế - xã hội khác, suy đến cùng, luôn được thực hiện trên cơ sở phát triển nền sản xuất vật chất và lực lượng sản xuất của xã hội. Ở giai đoạn hiện nay, sự phát triển rất cao lực lượng sản xuất dưới tác động của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đang sinh ra những xu hướng phát triển về khách quan mang tính đối kháng với quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa đồng thời tự phát tạo ra những cơ sở và tiền đề dẫn tới chế độ mới - chủ nghĩa xã hội. Tất nhiên, chế độ mới không thể ra đời mà không thông qua những chuyển biến cách mạng trong chế độ chính trị dưới hình thức này hay hình thức khác, hoặc bạo lực vũ trang hoặc bạo lực chính trị, hòa bình, hoặc thông qua các cuộc bầu cử và đấu tranh nghị trường dựa trên sức mạnh nhân dân.
Sự phát triển của lực lượng sản xuất ở giai đoạn xã hội hóa ngày càng cao hiện nay đang thúc đẩy những quá trình tập trung, sáp nhập, liên kết ngày càng cao không chỉ trong phạm vi quốc gia mà cả trên quy mô thế giới, không chỉ về lực lượng sản xuất mà cả sở hữu tư bản, thành những hình thức "chủ nghĩa tư bản tập đoàn" của các nhà tư bản kếch xù, thậm chí siêu quốc gia.
Rõ ràng, cái vỏ tư nhân tư bản chủ nghĩa đã quá chật chội đối với nội dung sức sản xuất cực kỳ đồ sộ mà nó chứa đựng; thậm chí quá chật cả với hình thức sở hữu tư bản độc quyền cá nhân. Mác và Ăngghen viết trong Tuyên ngôn của Ðảng cộng sản: "Xã hội tư sản hiện đại, với những quan hệ sản xuất và trao đổi tư sản của nó, với những quan hệ sở hữu tư sản, đã tạo ra những tư liệu sản xuất và trao đổi hết sức mạnh mẽ như thế, thì giờ đây, giống như một tay phù thủy không còn đủ sức trị những âm binh mà y đã triệu lên". Chính chủ nghĩa tư bản - một cách khách quan - đang tự phủ định mình và đang "làm việc" chuẩn bị cho tương lai chủ nghĩa xã hội.
Từ tính chất xã hội hóa cao của sản xuất và lực lượng sản xuất, cũng xuất hiện trong các nước tư bản phát triển ngày càng nhiều nhân tố mầm mống những quan hệ xã hội tương lai, chẳng hạn các công ty cổ phần có sự tham gia của những người lao động vào sở hữu và quản lý. Hình thức công ty cổ phần có loại thuộc những "nhà tư bản tập thể" (Ăngghen) hoặc "trực tiếp mang hình thái tư bản xã hội... đối lập với tư bản tư nhân" (C. Mác); có loại "nửa nọ nửa kia", một nửa thuộc các chủ tư bản vừa và nhỏ, một nửa cổ đông là những người lao động. C.Mác nói: "Những xí nghiệp cổ phần tư bản chủ nghĩa cũng như những nhà máy hợp tác, đều phải coi là những hình thái quá độ từ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa sang phương thức sản xuất tập thể" (toàn tập Mác - Ăngghen, Nxb.CTQG, 1994, Tập 25, trang 667, 673). Không chỉ thế, ngay một số hình thức tổ chức và quản lý kinh tế, quản lý văn hóa, xã hội của chủ nghĩa tư bản hiện đại cũng đang gợi ý cho tương lai chủ nghĩa xã hội. V. I. Lênin chỉ rõ: "Ngày nay thì chủ nghĩa xã hội nhìn sang chúng ta từ tất cả khung cửa của chủ nghĩa tư bản hiện đại; chủ nghĩa xã hội đang hiện ra trực tiếp, trên thực tiễn, trong mỗi biện pháp quan trọng tạo thành một bước tiến trên cơ sở chủ nghĩa tư bản hiện đại ấy" (Lênin toàn tập, Tập 34, trang 258).
Ngay trong những biện pháp giải cứu khỏi phá sản các ngân hàng và công ty công nghiệp lớn, Mỹ và một số nước tư bản khác đã phải dùng đến biện pháp Nhà nước hóa (quốc hữu hóa) toàn bộ hoặc góp một phần vốn cổ phần khiến dư luận tư sản gán cho là khuynh tả, là ngã theo chủ nghĩa xã hội. Tháng 9/2008, trong một cuộc họp tại Ðiện Êlidê (Pháp), Tổng thống Vênêxuêla Ugô Chavết đã mỉa mai gọi Tổng thống Pháp N. Xáccôdi là "đồng chí". Ugô nói: "Ðồng chí N. Xáccôdi là một người bạn tốt, song vẫn là tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên đồng chí ấy đang đến gần chủ nghĩa xã hội. Ðồng chí N. Xáccôdi nói rằng phải làm lại chủ nghĩa tư bản, bằng không sẽ nổ ra một cuộc cách mạng toàn cầu. Ðồng chí N. Xáccôdi này, cuộc cách mạng ấy ở châu Mỹ la-tinh chúng tôi đã nổ ra cách đây ít lâu rồi. Không cách chi làm lại chủ nghĩa tư bản mà phải sáng tạo một hệ thống mới, hoàn toàn mới, một "chủ nghĩa xã hội của thế kỷ 21" (dẫn theo báo Tuổi trẻ cuối tuần, ngày 15-3-2009).
Không đâu! Tổng thống N. Xáccôdi phê phán chủ nghĩa tư bản kiểu Mỹ nhưng không từ bỏ chủ nghĩa tư bản nói chung, trái lại ông ta đang tìm cách bảo vệ đến cùng và chỉnh đốn nó. Trong diễn văn khai mạc cuộc hội thảo hai ngày 8 và 9-1-2009 tại Pari với chủ đề "Một thế giới mới, một chủ nghĩa tư bản mới", Tổng thống Pháp N. Xáccôdi nói: "Khủng hoảng của tư bản tài chính không phải là khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản, và liều thuốc chữa trị cuộc khủng hoảng không phải là một thứ chủ nghĩa chống tư bản, mà phải là những biện pháp nhằm đạo đức hóa chủ nghĩa tư bản chứ không phải nhằm tiêu hủy nó" (xem Tài liệu tham khảo đặc biệt ngày 13-1-2009).
Dẫu sao, việc Tổng thống Pháp N. Xáccôdi đọc "Tư bản" của Mác cũng như Tổng thống Mỹ Ôbama góp vốn cổ phần Nhà nước hoặc quốc hữu hóa một số ngân hàng và công ty công nghiệp lớn nhằm giải cứu khỏi khủng hoảng là thêm những bằng chứng nói lên chủ nghĩa tư bản - về khách quan - đang tự phủ định mình và cho thấy chưa bao giờ chủ nghĩa tư bản lại "đến gần" chủ nghĩa xã hội như hiện nay.
Nói chủ nghĩa tư bản đang khủng hoảng và ở thế thoái trào, vậy chủ nghĩa xã hội thì sao? Chẳng phải chủ nghĩa xã hội cũng đang lâm vào tình cảnh như thế? Có phần đúng, nhưng ở đây có sự khác nhau căn bản. Chủ nghĩa tư bản khủng hoảng và thoái trào từ lâu rồi và về mặt lịch sử đang ở thế đi xuống. Còn chủ nghĩa xã hội lâm vào khủng hoảng nhưng khủng hoảng trong quá trình phát triển lịch sử đang ở thế đi lên.
Có người thường hay nói về cái thuyết "phá hủy - sáng tạo". Với cuộc khủng hoảng hiện nay của chủ nghĩa tư bản, dường như họ cũng dùng cái thuyết đó để chứng minh rằng qua cuộc khủng hoảng lớn này, chủ nghĩa tư bản lại tự điều chỉnh để đi lên với nhiều sức sống mới. Sự thể không thể diễn ra như thế. Khủng hoảng chu kỳ khoảng 10 năm một lần và chu kỳ ngày càng rút ngắn, khủng hoảng lần sau trầm trọng hơn lần trước, nhất là khi chủ nghĩa tư bản đã trở thành chủ nghĩa tư bản tài chính tiền tệ trong đó, tiền tách ra khỏi hàng hóa vật chất, tiền đẻ ra tiền, lượng tiền khổng lồ mỗi ngày lại được lưu chuyển cực kỳ nhanh, bằng các phương tiện điện tử không thể kiểm soát nổi. Nền "kinh tế ảo" ấy trong phút chốc có thể lật nhào những nền kinh tế thật. Tình hình như thế làm sao có thể nói đến "phá hủy - sáng tạo"!
Với chủ nghĩa xã hội đang vận động thay thế mô hình cũ tập trung quan liêu bao cấp thông qua cải cách, đổi mới, mở cửa hiện nay thì có thể nói đúng là quá trình "phá hủy - sáng tạo". Từ trong bản chất, chủ nghĩa xã hội có tiềm năng sáng tạo lớn. Nhưng sẽ là đơn giản và ảo tưởng nếu nghĩ rằng chủ nghĩa xã hội với mô hình mới thật sự khoa học và thật hoàn thiện sẽ nhanh chóng được xác lập như trở bàn tay. Cũng là ảo tưởng nếu nghĩ rằng chủ nghĩa xã hội sẽ sớm được xác lập trên khắp thế giới thay cho chủ nghĩa tư bản đã hết sứ mệnh lịch sử. Tất cả đều là những quá trình dài. Chủ nghĩa xã hội đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách cả trong thực tiễn, cả trong lý luận. Về khách quan, đúng là chủ nghĩa tư bản đã tạo ra những tiền đề vật chất cho chủ nghĩa xã hội. Nhưng thắng lợi của chủ nghĩa xã hội phụ thuộc một cách quyết dịnh vào những nhân tố chủ quan của cách mạng.
1. Nhân tố chủ quan trước hết phải kể đến các nước xã hội chủ nghĩa đang tồn tại sau khi Liên Xô và Ðông Âu sụp đổ. Sự kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa, sự ổn định, vững mạnh toàn diện và không ngừng phát triển về mọi mặt của các nước XHCN còn lại; đường lối chính trị đúng đắn trong nước, ngoài nước của các nước này; tất cả điều đó, về lý thuyết mà nói, phải có ý nghĩa quyết định nhất. Ðã có những thắng lợi to lớn, rất quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Chỉ riêng sự trụ vững của các nước XHCN còn lại này trong cơn sóng gió quốc tế và trước bao nhiêu âm mưu, thủ đoạn và hành động phá hoại của kẻ thù 20 năm qua đã là một thành quả lịch sử khiến loài người không mất đi niềm hy vọng vào tương lai chủ nghĩa xã hội. Tuy vậy, những khó khăn, thách thức còn nhiều, rất nhiều. V. I. Lênin từng chỉ rõ: "Sự xuất hiện một giai cấp mới trên vũ đài lịch sử với tư cách là người lãnh đạo xã hội, không bao giờ diễn ra mà không có một thời kỳ "tròng trành" hết sức dữ dội, một thời kỳ chấn động, đấu tranh và bão táp, đó là một mặt; mặt khác không bao giờ diễn ra mà không có một thời kỳ mò mẫm, thí nghiệm, do dự, ngả nghiêng trong việc lựa chọn những phương pháp mới đáp ứng đúng với tình thế khách quan mới (Lênin Toàn tập, Tập 36, tr.235). Các nước xã hội chủ nghĩa đang tồn tại, nước ít, nước nhiều, trong quá trình đi lên đều đã trải qua và đang trải qua những kinh nghiệm thực tế như Lênin nói.
Sự kiện lớn làm nức lòng người là những diễn biến gần đây và đang tiếp tục diễn ra ở Mỹ la-tinh. Thắng lợi bước đầu tuy còn rất mong manh và đầy thách thức từ phía chủ nghĩa đế quốc, song đây là một chứng minh mới rất hùng hồn về sức sống không gì ngăn cản nổi của lý tưởng xã hội chủ nghĩa, của "quy luật tiến hóa của lịch sử" trong thời đại ngày nay như được khẳng định trong Cương lĩnh của Ðảng ta.
2. Ở những nước Ðảng Cộng sản chưa cầm quyền tình hình còn rất khó khăn, phức tạp. Khối cánh tả nhiều nơi dường như có tăng thêm về lượng nhưng lại yếu về chất, đang trong tình trạng phân tán và chia năm sẻ bảy ngay trong lực lượng nòng cốt là các Ðảng Cộng sản. Không ít Ðảng biến chất, chuyển sang chủ nghĩa xã hội dân chủ; tình trạng "trong Ðảng có phái, ngoài Ðảng có Ðảng" khá phổ biến. Thực trạng đó tất nhiên ảnh hưởng tiêu cực đến phong trào công nhân, công đoàn và các tổ chức quần chúng khác: thiếu mục tiêu chính trị rõ ràng, thiếu sự lãnh đạo tổ chức hiệu quả, thiếu hành động thống nhất.
Những năm gần dây, tình hình chuyển biến có chiều tốt hơn, nhiều cuộc đấu tranh đòi tăng lương, bớt giờ làm, đòi trợ giá nông sản, v.v. khá quy mô và quyết liệt. Những cuộc biểu tình chống mặt trái của toàn cầu hóa tập hợp hết sức đông đảo và rộng rãi nhiều lực lượng và khuynh hướng khác nhau. Trong nghị trường nhiều nước tư bản, đại biểu khối cánh tả chiếm những vị trí đáng kể. Tuy nhiên, nói chung phong trào vẫn mang nhiều tính tự phát, thiếu sự lãnh đạo thống nhất, có hiệu quả.
3. Tình trạng chia rẽ, phân hóa, phân tán về tổ chức và đấu tranh nói trên có nguyên nhân sâu xa ở sự khủng hoảng về đường lối chính trị, về chiến lược, về tư tưởng lý luận, về niềm tin XHCN. Nguyên nhân này thật ra không phải xuất hiện từ khi Liên Xô đổ vỡ mà trước đó khá lâu đã có những mầm mống và phát triển lớn dần, đến khi Liên Xô đổ thì biến thành thảm họa đối với không ít Ðảng, kể cả một số Ðảng lớn có bề dày lịch sử. Trong nhiều Ðảng hiện nay, vẫn còn ý kiến bất đồng về đánh giá chủ nghĩa xã hội mấy chục năm ở Liên Xô, về nguyên nhân Liên Xô sụp đổ. Có những ý kiến đi xa đến mức dao động về học thuyết, đến mức phủ định Chủ nghĩa Lênin, Cách mạng Tháng Mười, thậm chí phủ định cả Chủ nghĩa Mác. Từ đó, số đảng viên ra Ðảng không phải ít. Số ở lại đang cố gắng rút ra những bài học lịch sử của Chủ nghĩa xã hội, phân tích những đặc điểm mới của thế giới hậu Xô-viết, từ đó ra sức tìm kiếm con đường mới của tiến bộ xã hội và chủ nghĩa xã hội. Nhưng không ít Ðảng và những người cộng sản xem ra còn lúng túng, chưa sáng tỏ được con đường cách mạng đi lên cho đất nước mình. Sự lạc hậu và phân hóa về lý luận là tình trạng phổ biến. Quả cũng khó tránh khỏi bởi thực tiễn thế giới bước vào thế kỷ 21 đang diễn ra trước mắt chúng ta với biết bao nhiêu điều mới mẻ, phức tạp; đang đặt ra cho chúng ta biết bao câu hỏi về con đường đi lên hiện nay và sắp tới của nhân loại, của các dân tộc, mà trong di sản mác-xít chưa có sẵn câu trả lời cụ thể. Ðể trả lời cho được những câu hỏi đó, đòi hỏi phải phát triển chủ nghĩa Mác lên một giai đoạn mới về chất - giai đoạn sau Lênin. Nhưng, đó lại là một cái thiếu lớn, một chỗ yếu có thể nói là căn bản của phong trào cộng sản quốc tế hiện nay.
4. Trên ý nghĩa nhất định, tôi cho rằng khắc phục và vượt qua cho được chỗ yếu và cái thiếu lớn về mặt lý luận là một khâu then chốt, quyết định để tăng cường nhân tố chủ quan của cách mạng, bảo đảm đáp ứng ngang tầm những đòi hỏi khách quan của thực tiễn và tiến trình lịch sử trong giai đoạn hiện nay. Ðể làm được điều đó, phải có sự phối hợp cố gắng của cả phong trào cộng sản quốc tế trên cơ sở nỗ lực trí tuệ tối đa của mỗi Ðảng Cộng sản.
Xưa nay và nhất là trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, không một Ðảng Cộng sản nào có thể giải quyết đúng đắn những vấn đề nước mình mà lại không tính đến cục diện thế giới nói chung. Chủ nghĩa cộng sản, phong trào cộng sản về bản chất mang tính quốc tế mà những chân lý phổ biến của nó được phản ánh trong chủ nghĩa Mác - Lênin, trong thế giới quan và phương pháp luận mác-xít. Như Lênin đã nói, người ta không thể bắt tay giải quyết những vấn đề riêng nếu trước đó không giải quyết những vấn đề chung bởi như thế cứ mỗi lần lại "vấp phải" vấn đề chung mà "vấp phải" như thế một cách không tự giác thì không tránh khỏi dẫn đến những sai lầm có tính nguyên tắc.
Vì vậy, sự hợp tác quốc tế trong việc tiến hành một cuộc đại tổng kết thực tiễn, đại tổng kết lịch sử và lý luận chủ nghĩa xã hội, trong việc nghiên cứu và phát triển sáng tạo lý luận Mác - Lênin lúc này là cần thiết hơn bao giờ hết. Ðó là một trong những nhiệm vụ hàng đầu và then chốt nhất nhằm mở rộng và tăng cường đoàn kết quốc tế, góp phần cùng nhau xây dựng và phát triển lớn mạnh nhân tố chủ quan của phong trào cách mạng trong giai đoạn hiện nay.
Với cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu đang diễn ra, chúng ta càng tin tưởng hơn bao giờ hết ở học thuyết Mác, tin tưởng hơn bao giờ hết tính tất yếu chủ nghĩa tư bản nhất định sẽ phải tiêu vong và thắng lợi cuối cùng nhất định sẽ đến với chủ nghĩa xã hội, tin tưởng hơn bao giờ hết ở đường lối độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Ðảng ta./.