Quan niệm của C. Mác và Ph. Ăngghen về gia đình trong mối quan hệ với sự phát triển kinh tế - xã hội
Khẳng định trong quan niệm của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác, gia đình là tế bào của xã hội, gia đình tham gia vào mọi quá trình sản xuất và luôn chịu sự tác động trở lại của tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, trong bài viết này, tác giả tập trung luận giải quan niệm của các ông về sự biến đổi và phát triển của gia đình trong mối quan hệ biện chứng với sự phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại và qua đó, khẳng định chủ trương xây dựng gia đình Việt Nam mới của Đảng ta là định hướng chiến lược đúng đắn trong công cuộc đổi mới đất nước.
Nghiên cứu di sản lý luận của C. Mác và Ph. Ăngghen, chúng ta thấy, trong suốt tiến trình xây dựng quan niệm duy vật về lịch sử, bao giờ các ông cũng dựa vào những tiền đề hiện thực. Những tiền đề hiện thực này thường được các ông sử dụng với tư cách những phạm trù xuất phát để nghiên cứu, mổ xẻ các quá trình xã hội nhằm phát hiện ra các quy luật, các mâu thuẫn, các xu hướng vận động và phát triển của nó. Những tiền đề hiện thực này được biểu hiện một cách cụ thể qua các phạm trù, như phạm trù hàng hóa, phạm trù con người, phạm trù sở hữu,... Ở đây, điều đáng nói là, tất cả các phạm trù này đều có liên quan đến phạm trù gia đình. Bởi, trong quan niệm của các ông, gia đình là tế bào của xã hội, tham gia vào mọi quá trình sản xuất, từ sản xuất hàng hóa đến tiêu thụ sản phẩm; từ việc tái tạo ra con người đến việc đào tạo, bồi dưỡng con người; từ chỗ tạo ra sự khác biệt về sở hữu đến chỗ giải quyết vấn đề sở hữu. Và, ngược lại, các quá trình sản xuất, tiêu dùng, cải tiến và sử dụng công cụ lao động, giáo dục và đào tạo, v.v. đều tác động trở lại gia đình, củng cố hoặc làm biến đổi hình thức và kết cấu gia đình.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề gia đình như vậy, nên trong các tác phẩm của mình, C. Mác và Ph. Ăngghen đã sử dụng một số lượng trang sách không ít để viết, để nói về gia đình. Các ông đã xem xét gia đình với tư cách một xã hội thu nhỏ, xem xét các hình thức lịch sử của gia đình, xem xét gia đình với sự xuất hiện của sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất; nghiên cứu mối quan hệ giữa gia đình và nhà nước, nghiên cứu gia đình dưới chế độ tư bản chủ nghĩa và gia đình dưới chế độ xã hội chủ nghĩa tương lai. Không chỉ thế, các ông còn nghiên cứu gia đình trong quan hệ tính giao - vấn đề trong hôn nhân, và gia đình với tư cách yếu tố cấu thành lực lượng sản xuất trong lịch sử phát triển xã hội.
Có thể nói, vấn đề gia đình trong di sản lý luận của C. Mác và Ph. Ăngghen không chỉ lại dừng ở khái niệm "gia đình" thuần túy, mà còn vượt qua hình thức gia đình để khám phá nguồn gốc gia đình, tác động của gia đình tới xã hội và ảnh hưởng của những biến đổi xã hội tới gia đình, đặc biệt là ảnh hưởng của sự biến đổi kinh tế, của tiến trình công nghiệp hoá.
Trong Hệ tư tưởng Đức, khi nói về tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại, C. Mác và Ph. Ăngghen đã xem xét ba mối quan hệ con người đã được hình thành trong lịch sử nhân loại. Quan hệ thứ nhất là quan hệ giữa con người với tự nhiên, quan hệ phản ánh khát vọng chinh phục tự nhiên, nghiên cứu tự nhiên để tồn tại và cũng để nhằm thỏa mãn những nhu cầu không ngừng nảy sinh của con người. Quan hệ thứ hai là quan hệ giữa con người với con người trong quá trình sản xuất, quan hệ phản ánh các quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản xuất, các quan hệ trong tổ chức và quản lý sản xuất, các quan hệ trong phân phối sản phẩm lao động. Quan hệ thứ ba là quan hệ gia đình. Theo các ông, quan hệ gia đình “tham dự ngay từ đầu vào quá trình phát triển của lịch sử: hàng ngày tái tạo ra đời sống của bản thân mình, con người bắt đầu tạo ra những người khác, sinh sôi nảy nở - đó là quan hệ giữa chồng và vợ, cha mẹ và con cái”[1]. Cũng theo các ông, ba quan hệ này tồn tại đan xen với nhau, hòa vào nhau, cùng tồn tại bên nhau: "Sự sản xuất ra đời sống - ra đời sống của bản thân mình bằng lao động, cũng như ra đời sống của người khác bằng việc sinh con đẻ cái - biểu hiện ngay ra là một quan hệ song trùng: một mặt là quan hệ tự nhiên, mặt khác là quan hệ với xã hội"[2]. Khẳng định sự tồn tại đan xen của ba mối quan hệ này, trong Thư gửi Paven Vaxilievích Annencốp, ngày 28 tháng Chạp 1846, C. Mác còn chỉ rõ: Khi xem xét “một trình độ phát triển nhất định của lực lượng sản xuất của con người”, chúng ta “thấy được một hình thức nhất định của trao đổi [commerce] và của tiêu dùng” và khi xem xét “một trình độ phát triển nhất định của sản xuất, của trao đổi và tiêu dùng”, chúng ta “thấy một chế độ xã hội nhất định, một hình thức tổ chức nhất định của gia đình, của các đẳng cấp và giai cấp”[3].
Như vậy, có thể nói, trong quan niệm của C. Mác và Ph. Ăngghen, nhờ nghiên cứu các hình thức gia đình, chúng ta mới có thể hiểu rõ hơn nội dung của lực lượng sản xuất (quan hệ thứ nhất), nội dung của quan hệ sản xuất (quan hệ thứ hai) và ngược lại .
Không chỉ thế, khi nhấn mạnh vai trò của gia đình đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, C. Mác và Ph. Ăngghen còn cho rằng, thực ra, gia đình là “quan hệ xã hội duy nhất” trong buổi đầu của lịch sử xã hội. Nhờ quan hệ thứ ba này, với chức năng sinh con đẻ cái, quan hệ gia đình đã sản sinh ra và duy trì các quan hệ xã hội khác. Và, theo ý nghĩa đó, gia đình là một xã hội thu nhỏ: gia đình sản sinh ra các cá thể người, gắn kết các cá thể người thành xã hội và khi xã hội loài người được hình thành thì những hoạt động của nó thường xuyên tác động tới gia đình làm cho gia đình biến đổi về cả hình thức, cấu trúc cũng như vai trò của nó đối với xã hội. Chính vì vậy, các ông luôn đòi hỏi nghiên cứu gia đình, nghiên cứu lịch sử loài người phải gắn liền với lịch sử của công nghiệp và của sự trao đổi sản phẩm[4].
Nói về vấn đề này, trong Hệ tư tưởng Đức, C. Mác và Ph. Ăngghen đã chỉ rõ, con vật nói chung, con cừu nói riêng cũng có chức năng sinh con đẻ cái giống như con người, nhưng sự khác biệt giữa con cừu với con người là ở chỗ, con cừu không có khả năng chuyển cái bản năng thành ý thức, còn con người lại có khả năng vượt qua được cái bản năng ấy, biến "ý thức bầy đàn" nguyên sơ thành cái "bản năng đã được ý thức". Bước ngoặt vĩ đại này chỉ có thể đạt được bằng hoạt động sản xuất và hình thành trong quá trình sản xuất vật chất. Phân công lao động là hoạt động đặc thù của xã hội loài người và có nguồn gốc từ cuộc sống gia đình. “Xã hội của những con cừu” cùng lắm cũng chỉ đạt đến sự "phân công" một cách hoang sơ, hồn nhiên về “hành vi theo giới tính”, còn "xã hội của con người" lại có khả năng vượt qua được trình độ "phân công lao động trong hành vi theo giới tính" và sau đó, còn có thể vượt qua cả “phân công lao động tự hình thành” hoặc “hình thành một cách tự nhiên” do những “thiên tính bẩm sinh”, do nhu cầu, do sự ngẫu nhiên, v.v. để đạt đến một trình độ phân công thực sự vượt lên trên “sự phân công lao động nảy sinh một cách tự nhiên trong gia đình” nhờ sự xuất hiện việc “phân chia thành lao động vật chất và lao động tinh thần”[5] và nhờ tách chăn nuôi ra khỏi trồng trọt, tách thủ công nghiệp ra khỏi nông nghiệp, nâng chất lượng lao động từ hoạt động cơ bắp là chủ yếu lên thành hoạt động dựa trên trí lực, trên một nền đại công nghiệp sản xuất chủ yếu bằng máy móc.
Chiến công đó của con người, theo C. Mác và Ph. Ăngghen, không do một vị thần thánh nào giúp đỡ, mà nó xuất phát từ nhu cầu khách quan đầu tiên của sự tồn tại của con người: ăn, mặc và ở. Nhu cầu ăn, mặc và ở ngày một cao hơn đòi hỏi con người phải tìm cách chinh phục tự nhiên để sao cho hiệu quả sản xuất ngày càng cao hơn, năng suất lao động cũng ngày một cao hơn... và nhờ đó, quá trình sáng tạo, đổi mới công cụ sản xuất, cải tiến, hợp lý hoá quá trình sản xuất được hình thành và ngày càng phát triển.
Cũng theo C. Mác và Ph. Ăngghen, chế độ phường hội bị phá vỡ do những hạn chế trong khả năng khai thác nguyên liệu, khả năng cung cấp và tiêu thụ sản phẩm... đã tạo nên sự ra đời của công trường thủ công - hình thức sản xuất gắn liền với sự xuất hiện của máy móc. Đến lượt mình, công trường thủ công đã tạo ra sản phẩm nhiều hơn nhờ máy móc, tạo ra khả năng tìm kiếm, khai thác thị trường lớn hơn…, và nhờ đó, đã tạo ra những quan hệ mới giữa con người với con người, giữa gia đình với xã hội, giữa thói quen và tâm lý với sự biến động của các quá trình kinh tế - xã hội. Không chỉ thế, sự xuất hiện công trường thủ công còn khiến cho quan hệ giữa thợ bạn và thợ cả bị phá vỡ và do vậy, cũng phá vỡ luôn quan hệ gia trưởng để tạo lập quan hệ mới - "quan hệ tiền bạc" giữa công nhân và nhà tư bản.
Như vậy, có thể nói, trong Hệ tư tưởng Đức, khi xem xét mối quan hệ biện chứng giữa gia đình và sự phát triển của nền công nghiệp, C. Mác và Ph. Ăngghen đã khẳng định sự tồn tại song trùng của hai quá trình. Thứ nhất, quá trình tồn tại và phát triển của gia đình với những nhu cầu vật chất và tinh thần đã thúc đẩy quá trình phát triển nền công nghiệp. Thứ hai, quá trình phát triển nền công nghiệp đã tác động trở lại gia đình, làm thay đổi kết cấu gia đình, thay đổi nhu cầu vật chất và tinh thần của mỗi một thành viên trong gia đình.
Tiếp tục luận giải hai quá trình này, trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C. Mác và Ph. Ăngghen đã khẳng định sự vận hành của mỗi quá trình đó đều mang tính khách quan và phổ biến. Các ông cho rằng, sự ra đời của nền sản xuất bằng máy móc hiện đại - nền đại công nghiệp tư bản chủ nghĩa với lực lượng sản xuất mới đã dần xóa bỏ toàn bộ hệ thống công trường thủ công, đã thay đổi sự phân bố dân cư và kết cấu ngành nghề của xã hội và do vậy, sự "yên ấm” của từng gia đình cũng bị phá vỡ theo dòng xoáy của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa. Không chỉ thế, nó còn làm thay đổi vị trí và điều kiện sinh sống của gia đình, thay đổi nhu cầu thưởng thức những giá trị vật chất và tinh thần của mọi thành viên trong gia đình. Nếu trước đây, nhu cầu tiêu dùng "được thỏa mãn bằng những sản phẩm trong nước", thì nay đã "nảy sinh ra những nhu cầu mới, đòi hỏi được thỏa mãn bằng những sản phẩm đưa từ những miền và xứ xa xôi nhất về” và một khi “sản xuất vật chất đã như thế thì sản xuất tinh thần cũng không kém như thế”, nó làm cho “những thành quả của hoạt động tinh thần của một dân tộc trở thành tài sản chung của tất cả các dân tộc”[6]. Nền đại công nghiệp tư bản chủ nghĩa cũng xóa bỏ tình trạng cát cứ của các địa phương và các dân tộc để thay thế nó bằng những quan hệ phổ biến giữa các dân tộc.
Nền đại công nghiệp tư bản chủ nghĩa cũng phá vỡ các quan hệ sản xuất phong kiến, thay đổi kết cấu xã hội, thay đổi quan hệ giữa các giai tầng xã hội. Sự thay đổi này khiến cho quan hệ giữa người tự do và nô lệ, quý tộc và bình dân, chúa đất và nông nô, thợ cả và thợ bạn,… bị xóa bỏ để nhường chỗ cho sự hình thành và lớn mạnh của hai giai cấp lớn đối lập nhau là giai cấp tư sản và giai cấp vô sản.
Trên hết, nền đại công nghiệp tư bản chủ nghĩa còn tạo ra một chế độ xã hội và chính trị thích ứng với quan hệ sản xuất mới, với cơ sở hạ tầng mới. Nó xóa bỏ mọi phẩm chất và đức hạnh do chế độ phong kiến tạo dựng; nó "tước hết hào quang thần thánh của tất cả những hoạt động xưa nay vẫn được trọng vọng và tôn sùng"; nó biến đổi cả quan hệ gia đình vốn được xem là thiêng liêng nhất, "xé toang tấm màn tình cảm bao phủ những quan hệ gia đình và làm cho những quan hệ ấy chỉ còn là những quan hệ tiền nong đơn thuần"[7].
Như vậy, có thể nói, trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C. Mác và Ph. Ăngghen cũng đã khẳng định, với sự hình thành và phát triển của nền đại công nghiệp thì không chỉ các quan hệ xã hội, mà cả quan hệ gia đình cũng đã bị thay đổi.
Trong thời đại ngày nay, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là vấn đề mang ý nghĩa sống còn đối với mọi dân tộc, trong đó có Việt Nam. Trong quá trình này, không thể không xét đến mối quan hệ của nó đối với vấn đề gia đình và do vậy, không thể không vận dụng lý luận về gia đình trong kho tàng lý luận của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác. Nghiên cứu quan hệ gia đình trong sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là mối quan hệ giữa gia đình và sự phát triển của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong di sản lý luận của C. Mác và Ph. Ăngghen không những giúp cho chúng ta thấy được tác động của quá trình cải tạo và phát triển kinh tế - xã hội, thấy được những khuynh hướng biến đổi tất yếu của gia đình, mà còn giúp chúng ta nhận thức được vai trò của gia đình đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay. Đó là vai trò của gia đình trong việc trang bị trí thức mới cho thế hệ lao động tương lai, trang bị những hiểu biết căn bản về những giá trị và văn hóa đạo đức; nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải bảo vệ những ngành, nghề truyền thống trước những tác động tiêu cực do mặt trái kinh tế thị trường gây ra.
Chúng ta đang đứng trước cơ hội không nhỏ trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhưng trước mắt chúng ta còn nhiều thách thức to lớn cần phải vượt qua, trong đó có thách thức về xây dựng gia đình Việt Nam đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của công cuộc đổi mới đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế.
Gia đình là bộ "giảm xóc" khổng lồ của mọi thời đại. Vấn đề gia đình, do vậy, không chỉ dừng ở giá trị lý luận, mà còn có ý nghĩa thực tiễn to lớn. Hiểu rõ điều này, trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho việc xây dựng gia đình Việt Nam mới. Nhờ vậy, sau hơn 20 năm đổi mới, ở Việt Nam chúng ta, phong trào xây dựng gia đình văn hoá đã có những thành công đáng kể. Quá trình đổi mới đã đem đến cho gia đình Việt Nam những cơ hội phát triển mới, mức sống của đại bộ phận các gia đình Việt Nam được nâng cao, các chức năng cơ bản của gia đình có nhiều biến đổi theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, mở rộng hợp tác và giao lưu văn hoá, gia đình Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn. Mặt trái của cơ chế thị trường đã tạo ra lối sống thực dụng tôn thờ đồng tiền, coi thường đạo đức gia đình truyền thống. Bên cạnh đó, các sản phẩm văn hoá độc hại từ bên ngoài du nhập vào đã dẫn đến nhiều tệ nạn xã hội, đặt lối sống gia đình Việt Nam truyền thống trước nguy cơ bị mai một. Trước thực trạng này, việc giữ gìn và phát huy giá trị gia đình truyền thống càng trở nên quan trọng và cấp bách.
Đánh giá cao vai trò của gia đình trong đời sống xã hội, coi gia đình là tế bào của xã hội, là nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của xã hội Việt Nam, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, một lần nữa, Đảng ta đã khẳng định chủ trương “xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[8].
Từ quan niệm của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác về gia đình trong mối quan hệ với sự phát triển kinh tế -xã hội, có thể khẳng định chủ trương đó của Đảng ta là định hướng chiến lược không chỉ đối với việc xây dựng gia đình Việt Nam mới, mà còn đối với việc phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam thích ứng với những đòi hỏi của sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
---------------
[1] C. Mác và Ph. Ăngghen. Toàn tập, t.3. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.41.
[2] C. Mác và Ph. Ăngghen. Sđd., t.3, tr.42.
[3] C. Mác và Ph. Ăngghen. Sđd., t.27, tr.657.
[4] Xem: C. Mác và Ph. Ăngghen. Sđd., t.3, tr.42.
[5] Xem: C. Mác và Ph. Ăngghen. Sđd., t.3, tr.44 - 45, 46.
[6] C. Mác và Ph. Ăngghen. Sđd., t.4, tr.601, 602.
[7] C. Mác và Ph. Ăngghen. Sđd., t.4, tr.600.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.103 -104.
-
Ths. Phạm Thị Bình, Trường Đại học Vinh