Thứ ba, 08/11/2022 - 15:39(GMT+7)

Sự thống nhất giữa cái tất yếu và cái có thể - nét đặc sắc trong phương pháp luận nghiên cứu của Ph. Ăngghen

Nói đến Ph. Ăngghen, người ta nghĩ ngay đến ông cùng với Mác là những nhà phương pháp luận thiên tài...

Nói đến Ph. Ăngghen, người ta nghĩ ngay đến ông cùng với Mác là những nhà phương pháp luận thiên tài. Và trong phương pháp luận của các ông, người ta thường chỉ nghĩ đến các ông đã sáng tạo và xây dựng nên phép biện chứng duy vật với tư cách là một khoa học có đầy đủ nguyên lý, qui luật và các phạm trù cấu thành như chúng ta đã và đang giảng dạy. Điều đó, theo chúng tôi, đúng, song có lẽ chưa đủ.

Đọc, suy ngẫm và nghiên cứu kỹ cách tiếp cận nghiên cứu của Ph. Ăngghen, chúng tôi thấy còn một điểm rất đặc sắc, riêng có tạo nên nét độc đáo của ông - đó chính là sự thống nhất giữa cái tất yếu và cái có thể trong cách tiếp cận, phương pháp luận nghiên cứu của Ph. Ăngghen, mặc dù ông chưa một lần tuyên bố về vấn đề đó.

Hơn thế nữa, tính đặc sắc của sự thống nhất giữa cái tất yếu và cái có thể không phải và không chỉ được thể hiện trong một số trường hợp, một số lĩnh vực nghiên cứu mà là sự xuyên suốt, nhất quán và được tuân thủ triệt để trong toàn bộ quá trình ở tất cả các lĩnh vực nghiên cứu của Ph. Ăngghen. Sự thể hiện và minh chứng rõ cho phương pháp luận nghiên cứu đặc sắc này của ông được tiếp cận như sau:

Thứ nhất, khi tiếp cận nghiên cứu về giới tự nhiên, cũng như về toàn bộ thế giới khách quan, Ăngghen đã nhận thấy và phát hiện ra một trong những mối quan hệ rất phổ biến, bao quát, chi phối toàn thể thế giới hiện thực - đó chính là mối quan hệ giữa cái tất yếu và cái có thể. Cái tất yếu phải xảy ra, khi chín muồi, thì nó phải xảy ra, song trong trường hợp này, quan hệ này lai diễn ra thế này, và trong trường hợp khác, quan hệ khác, điều kiện khác thì nó có thể diễn ra khác đi. Từ mối quan hệ có tính phổ biến này, Ph. Ăngghen đã đi đến khái quát thành cặp phạm trù tất nhiên và ngẫu nhiên. Tất nhiên là cái tất yếu tuân theo qui luật thép, không thể khác được. Còn cái ngẫu nhiên là cái tất yếu nhưng có thể biểu hiện khác, mang sắc thái khác trong những điều kiện, môi trường khác. Rõ ràng mối quan hệ giữa cái tất yếu và cái có thể đã hiện diện và được bao chứa trong hiện thực khách quan.

Thứ hai, trong toàn bộ sự vận động của tiến trình lịch sử nhân loại thì loài người tất yếu phải đi lên, phải phát triển từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện hơn, nghĩa là con người phải tất yếu bước từ vương quốc của tất yếu sang vương quốc của tự do. Cái vương quốc của tất yếu ở đây được hiểu như là những bước quá độ của các nấc thang mông muội, dã man và văn minh mà chính Ăngghen đã đề cập phân tích trong tác phẩm nổi tiếng “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của Nhà nước”. Còn vương quốc tự do chính là xã hội cộng sản tương lai mà loài người đang vươn tới. Do sự phát triển thường xuyên, liên tục của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, do ý thức tự vươn lên ngày càng sâu sắc hơn của loài người mà nhân loại sẽ tất yếu bước từ vương quốc tất yếu sang vương quốc tự do. Song do những điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau, thể chế chính trị - pháp luật khác nhau, truyền thống tâm lý và lối sống khác nhau mà ở dân tộc này, hay dân tộc khác có thể bỏ qua một bước quá độ nào đó trong số những bước đi chung mà nhân loại phải trải qua. Nói cách khác, nhân loại tất yếu sẽ cùng đi đến một đích, song đến bằng cách nào thì lại là sự có thể. Như vậy, sự thống nhất của cái tất yếu và cái có thể đã được đan xen chuyển hoá và quện chặt trong sự vận động của lịch sử nhân loại và do đó làm cho hình thức phát triển xã hội của loài người rất đa dạng và phong phú.

Thứ ba, trong phương pháp luận tổng kết thực tiễn cách mạng của Ph. Ăngghen, luôn luôn có sự thống nhất giữa cái tất yếu và cái có thể. Nghiên cứu sự vận động và phát triển của xã hội loài người. C.Mác cũng như Ph.Ăngghen đã thấy rằng: xã hội luôn luôn vận động, phát triển, và do vậy loài người sẽ đến một lúc đạt đến một trình độ hoàn thiện hơn, cao hơn, tốt đẹp hơn so với trạng thái xã hội hiện có. Theo lôgíc không thể bàn cãi đó, xã hội cộng sản chủ nghĩa một xã hội cao hơn, tốt đẹp hơn, hoàn chỉnh hơn xã hội tư bản nhất định sẽ ra đời, điều đó cũng có nghĩa là cách mạng vô sản sẽ diễn ra, khả năng phát triển của xã hội loài người lên chủ nghĩa cộng sản là tất yếu bởi vì nó tuân theo qui luật “thép” của lịch sử và nó là quá trình lịch sử tự nhiên trong sự vận động của xã hội loài người. Song, cách mạng vô sản… nổ ra bao giờ, ở đâu, trong những điều kiện, hoàn cảnh nào thì lại phụ thuộc vào những nhân tố khách quan và chủ quan của lịch sử nghĩa là sự phát triển lên chủ nghĩa cộng sản ở một nước nào đó, ở một tình thế, một trạng thái nào đó không phải đã được qui định trước, không phải cái đã được định sẵn mà chỉ là sự có thể. Chính vì tuân thủ nguyên tắc phương pháp luận này mà C. Mác cũng như Ph. Ăngghen đã chỉ ra: Sự phát triển của xã hội loài người lên chủ nghĩa cộng sản là tất yếu; song nó là sự phát triển trực tiếp (từ chủ nghĩa tư bản lên), hay nó là sự phát triển gián tiếp (từ trạng thái tiền tư bản lên) thì đó chỉ là những khả năng, những sự có thể mang tính tất yếu trong tiến trình vận động của lịch sử. Và cũng chính tuân thủ nguyên tắc phương pháp luận này mà Ph. Ăngghen đã rút ra những khả năng phát triển khác nhau của cùng một cuộc cách mạng - cách mạng vô sản.

Thứ tư, trong quan niệm về tự do, Ph. Ăngghen cũng đã áp dụng phương pháp luận của cái tất yếu và cái có thể để giải quyết khá hay, khá chặt chẽ và khá độc đáo về vấn đề này. Theo Ph. Ăngghen, tự do có thể là cái tất yếu, song cũng có thể là cái có thể. Tự do là cái tất yếu, hợp qui luật, là tự do theo đúng nghĩa của nó khi và chỉ khi người ta nhận thức được cái tất yếu (qui luật) và hành động theo cái tất yếu đó. Còn nếu thiếu một trong hai điều kiện đó thì tự do chỉ là cái có thể, là cái khả năng và người ta chỉ được hưởng tự do trong tiềm năng mà thôi. Chính từ đây, Ph. Ăngghen đã triệt để phê phán quan điểm có tính chất duy tâm, tư biện của Đuyrinh về tự do và tất yếu khi Đuyrinh cho rằng tự do là cái trung bình giữa phán đoán và bản năng, giữa cái hợp lý và cái phi lý. Trên cơ sở sự phê phán này, Ph.Ăngghen đã trình bày rõ ràng tự do là tất yếu đã được nhận thức. Tự do có nghĩa là đã nhận được và hành động tuân theo các qui luật của hiện thực khách quan. Ở đây Ph. Ăngghen đã dùng phương pháp luận của cái tất yếu và cái có thể để trực tiếp phê phán Đuyrinh và gián tiếp phê phán tất cả những người nào chỉ muốn coi tự do là cái có thể, nghĩa là đã là tự do thì có thể làm được tất cả, hành động hoàn toàn tuỳ ý muốn chủ quan.

Qua đây, ông cũng phê phán những hành động tuỳ tiện, bất chấp qui luật của con người. Thêm vào đó, Ph. Ăngghen muốn cảnh báo sự tuỳ tiện, sự bất chấp qui luật (tức chỉ là sự có thể) trong hành động của con người, thì chính con người sẽ bị cái tất yếu (qui luật) trừng phạt. Cái giá mà con người phải trả cho sự tuỳ tiện, bất chấp qui luật là vô giá. Sự cảnh báo này rất có ý nghĩa thiết thực trong việc giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường trong điều kiện hiện nay.

Thứ năm, đặc biệt là trong quá trình tìm tòi, nghiên cứu của mình Ph. Ăngghen đã dùng phương pháp luận của cái tất yếu và cái có thể để đi đến kết luận về tính khoa học cao, tính biện chứng sâu sắc, tính cách mạng triệt để của chính học thuyết Mác. Theo Ph. Ăngghen, học thuyết của Mác là sự thống nhất giữa cái tất yếu và cái có thể. Với tư cách là con đẻ của nền đại công nghiệp, là đại biểu cho phương thức sản xuất tiến bộ trong tương lai, thì khi bước lên vũ đài lịch sử chính trị giai cấp công nhân tất yếu phải tìm, đưa ra và xây dựng được một học thuyết riêng, một tuyên ngôn riêng mà thông qua đó giai cấp công nhân tuyên bố công khai về vai trò lịch sử của chính mình và cũng qua học thuyết đó để giai cấp công nhân thiết kế và định hướng cho một mô hình phát triển xã hội cho nhân loại trong tương lai. Đó là sự tất yếu và do vậy, học thuyết của Mác - Ăngghen là một kết quả tất yếu của sự vận động lịch sử tư duy nhân loại. Song, học thuyết đó cụ thể là như thế nào thì đó lại là cái có thể. Chính vì vậy mà Ph. Ăngghen đã đi đến kết luận: “... toàn bộ thế giới quan của Mác không phải là một học thuyết mà là một phương pháp. Nó không đem lại những giáo điều có sẵn mà đem lại những điểm xuất phát cho việc tiếp tục nghiên cứu và phương pháp cho sự nghiên cứu đó.” Và vì nó là cái có thể nên nó là hệ mở, nó có thể và cần phải được mở rộng, bổ sung phát triển thêm. Đây là chỉ dẫn cực kỳ quan trọng, mang tính kinh điển và là phương pháp luận, là cơ sở để những người mácxít chân chính sau này phải có nhiệm vụ bổ sung thêm, phát triển và hoàn chỉnh học thuyết của Mác, nếu như họ, theo cách nói của Lênin: “không muốn lạc hậu so với cuộc sống”.

Từ những trình bày trên về phương pháp luận nghiên cứu của Ăngghen - sự thống nhất giữa cái tất yếu và cái có thể trong cách tiếp cận và giải quyết vấn đề có thể rút ra một số kết luận sau:

l. Phương pháp luận nghiên cứu của sự thống nhất giữa cái tất yếu và cái có thể mà Ph. Ăngghen đã tạo dựng nên và đã áp dụng giải quyết mọi vấn đề đặt ra ở thời đại mình là một nét đặc sắc nổi bật trong hệ thống phép biện chứng của các nhà kinh điển mácxít. Nó có giá trị khoa học và thực tiễn to lớn không chỉ đối với thời đại của chính ông mà còn rất hữu ích cho chúng ta ngày nay. Qua phương pháp luận này của Ph. Ăngghen, chúng ta có thể thấy cái tất yếu chỉ là cái tất yếu trong trường hợp này, trong mối quan hệ này, trong hoàn cảnh này, môi trường và điều kiện này, còn cái tất yếu là cái có thể trong những mối quan hệ khác, trong môi trường và điều kiện khác. Nói cách khác cái tất yếu chỉ là cái tất yếu trong những trường hợp cụ thể. Chính vì vậy mà Lênin đã rất có lý khi ông cho rằng: “Bản chất, linh hồn sống của chủ nghĩa Mác là phân tích cụ thể mỗi tình hình cụ thể” từ phương pháp luận này chính là cơ sở, là định hướng rất cụ thể và thiết thực cho hoạt động lý luận và thực tiễn của các nhà mácxít, các đảng mácxít về sau này. Đó là kim chỉ nam rất quí cho những người cộng sản muốn tuân theo chủ nghĩa Mác - Lênin để xây dụng một xã hội mới, xã hội xã hội chủ nghĩa phù hợp và thích dựng được với đất nước mình, dân tộc mình, tìm ra nét riêng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước.

2. Là một đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng và kim chỉ nam cho hoạt động của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam, trong quá trình hoạt động của mình, đã biết tuân theo và vận dụng sáng tạo phương pháp luận về sự thống nhất của cái tất yếu và cái có thể vào giải quyết những vấn đề thực tiễn của cách mạng ở nước ta. Khi nhận thấy những điều kiện khách quan và chủ quan cả ở trong nước và trên thế giới đã đủ chín muồi và cho phép, Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng việc tiến hành thiết lập và xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và sự cần thiết, tất yếu, là công việc mang tính hợp qui luật. Song, việc xây dựng chủ nghĩa xã hội đó như thế nào, mô hình ra sao, bằng con đường gì, thông qua những giai đoạn nào, sử dụng những biện pháp và công cụ gì thì điều đó chỉ mang tính có thể vì đây là quá trình chưa có tiền lệ trong lịch sử. Chính vì vậy mà ở giai đoạn đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã lựa chọn mô hình phát triển kinh tế - xã hội là kế hoạch hoá tập trung, song qua thực tế cho thấy trong giai đoạn đầu của quá trình xây dựng CNXH, hơn nữa lại ở một nước còn sản xuất nhỏ, phân tán, lạc hậu, thì mô hình này không thích hợp, cần phải được thay bằng mô hình khác tương thích và có hiệu quả hơn và nó có thể giải phóng được sức sản xuất, phù hợp trình độ quản lý hiện tại, đem lại sự năng động và hiệu quả cao chơ phát triển xã hội. Và vì thế, bắt đầu từ 1986 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lựa chọn mô hình phát triển kinh tế - xã hội là mô hình sản xuất hàng hoá, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của nhà nước về sau này được định danh là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Như vậy, việc xây dựng CNXH ở Việt Nam là một tất yếu, song theo mô hình nào, con đường nào thì lại là sự có thể.

3. Nghiên cứu kỹ và kế thừa phương pháp luận này của Ph. Ăngghen, chúng ta thấy rằng, định hướng xây dựng thành công CNXH trên đất nước ta, điều mà chính Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam đã lựa chọn là rõ ràng. Song làm được điều này lại đòi hỏi biết “phân tích cụ thể mỗi tình hình cụ thể”, từ đó đưa vào thực thi những cách làm, những con đường, những giải pháp mới phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh trong nước và quốc tế để phát triển đất nước. Nghĩa là trong cách làm, cách thực hiện lại là sự có thể - một sự có thể được qui định bởi tính tất yếu, chứ không phải là sự có thể tuỳ tiện, vô nguyên tắc. Chỉ có như vậy thì chúng ta mới có thể hoàn thành được sứ mệnh cao cả mà dân tộc giao phó, xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”. Đa dạng và phong phú hơn nữa về mô hình, con đường đi; năng động, tìm tòi hơn nữa về tư duy, cách nghĩ; sáng tạo độc đáo hơn nữa về cách làm đó là tinh thần cơ bản của phương pháp luận về sự thống nhất giữa cái tất yếu và cái có thể mà những người cộng sản Việt Nam phải rút ra được khi nghiên cứu Ph.Ăngghen và đó cũng là tinh thần xuyên suốt của bài học 20 năm đổi mới đất nước.

.
Theo Dangcongsan.vn
Phòng vệ thương mại thời hội nhập: Mệnh lệnh thị trường và tiếng gọi trưởng thành

Phòng vệ thương mại thời hội nhập: Mệnh lệnh thị trường và tiếng gọi trưởng thành

Phòng vệ thương mại đã góp phần xứng đáng vào hoạt động xuất khẩu, với bước đi mạnh mẽ trong chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa.
Vụ án chuyến bay giải cứu: Nỗi đau mất cán bộ và lời Bác Hồ năm xưa về “đạn bọc đường”

Vụ án chuyến bay giải cứu: Nỗi đau mất cán bộ và lời Bác Hồ năm xưa về “đạn bọc đường”

Vụ án chuyến bay giải cứu đã để lại những bài học sâu sắc về công tác quản lý cán bộ.
Sắp diễn ra hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới

Sắp diễn ra hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới

Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số phối hợp cùng Amazon Global Selling dự kiến tổ chức Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới vào 2 ngày 7 và 9/6.
Ngày này năm xưa 11/4: Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bạc Liêu

Ngày này năm xưa 11/4: Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bạc Liêu

Ngày này năm xưa 11/4: Ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bạc Liêu, ngày truyền thống Hợp tác xã Việt Nam.
Ngày này năm xưa ngày 10/4: Quyết định về việc thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái

Ngày này năm xưa ngày 10/4: Quyết định về việc thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái

Ngày này năm xưa 10/4, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Khu kinh tế của khẩu Móng Cái, Ban hành sắc lệnh "Đảm phụ quốc phòng".
Mobile VerionPhiên bản di động