Chủ nhật, 18/12/2022 - 15:29(GMT+7)

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V trình tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V trình tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V trình tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng

(Do đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa V), Chủ tịch Hội đồng Nhà nước trình bày ngày 15 tháng 12 năm 1986)

Thưa các đồng chí,

Sau khi đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, hoàn thành sự nghiệp giải phóng Tổ quốc, thực hiện thống nhất nước nhà, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân cả nước tiến vào giai đoạn cách mạng mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Năm năm qua là một đoạn đường đầy thử thách. Bên cạnh những thắng lợi giành được, chúng ta đã mắc một số khuyết điểm và sai lầm. Cách mạng nước ta có những nhân tố thuận lợi mới nhưng cũng đang đứng trước nhiều khó khăn gay gắt.

Trong quá trình chuẩn bị đại hội, các đồng chí trong toàn Đảng, đồng bào trong cả nước và ở nước ngoài đã góp nhiều ý kiến thẳng thắn vào bản dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương và nêu nhiều kiến nghị đầy tâm huyết. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang theo dõi, trông đợi Đại hội lần thứ VI của Đảng đánh giá đúng tình hình, tổng kết được những kinh nghiệm quý báu, xác định những nhiệm vụ, mục tiêu, chính sách và biện pháp để ổn định tình hình, đưa sự nghiệp cách mạng tiếp tục tiến lên.

Đại hội chúng ta có nhiệm vụ làm hết sức mình để đáp ứng lòng mong mỏi chính đáng của đồng bào và đồng chí.

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH VÀ NHIỆM VỤ

Thưa các đồng chí,

Thái độ của Đảng ta trong việc đánh giá tình hình là nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật. Cùng với việc đánh giá đúng những thành tích đã đạt được, ở Đại hội này, chúng ta chú trọng kiểm điểm những mặt yếu kém, phân tích sâu sắc những sai lầm và khuyết điểm, vạch rõ nguyên nhân, nêu ra biện pháp khắc phục, xác định nhiệm vụ và mục tiêu phấn đấu cho những năm còn lại của chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ.

Năm năm qua, cách mạng nước ta diễn ra trong bối cảnh quốc tế và trong nước có những thuận lợi cơ bản, nhưng cũng có nhiều mặt phức tạp.

Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, nhân dân ta tiếp tục nhận được sự giúp đỡ to lớn và sự hợp tác nhiều mặt của Liên Xô vĩ đại và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác, cũng như sự cổ vũ, ủng hộ của nhiều nước bầu bạn và nhân dân yêu chuộng tự do trên thế giới. Cùng với sự cải thiện thế chiến lược chung của cách mạng ba nước Đông Dương, quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam, Lào và Campuchia đã tạo thêm những nhân tố thuận lợi cho công cuộc xây dựng cuộc sống mới ở mỗi nước.

Song, đất nước ta cùng với Lào và Campuchia phải thường xuyên đối phó với những hành động xâm lược, phá hoại và bao vây kinh tế của các thế lực thù địch. Những biến động bất lợi trên thị trường thế giới cũng gây thêm cho chúng ta không ít khó khăn.

Từ điểm xuất phát rất thấp về kinh tế, lại chịu hậu quả của chiến tranh lâu dài, nhân dân ta phải thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược, vừa thực hiện nhiệm vụ dân tộc, vừa làm nghĩa vụ quốc tế, phải đáp ứng cùng một lúc những yêu cầu vừa cơ bản, vừa cấp bách là ổn định và cải thiện đời sống, tích luỹ để xây dựng chủ nghĩa xã hội và củng cố quốc phòng.

Về tình hình kinh tế - xã hội trong nước, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, sự giảm sút của sản xuất vào cuối những năm 70 cùng với những sai lầm trong bố trí cơ cấu kinh tế, nhất là bố trí đầu tư và xây dựng cơ bản của 5 năm 1976-1980, đã để lại hậu quả nặng nề.

Thực hiện những nhiệm vụ và mục tiêu do Đại hội lần thứ V của Đảng vạch ra, nhân dân ta anh dũng phấn đấu, khắc phục khó khăn, vượt qua trở ngại, đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, đã ngăn chặn được đà giảm sút của những năm 1979-1980, từ năm 1981 đến nay, đạt được nhiều tiến bộ rõ rệt.

Nông nghiệp tăng bình quân hằng năm 4,9% so với 1,9% hằng năm của thời kỳ 1976-1980. Sản xuất lương thực có bước phát triển quan trọng, mức bình quân hằng năm từ 13,4 triệu tấn trong thời kỳ 1976-1980 đã tăng lên 17 triệu tấn trong thời kỳ 1981-1985. Sản xuất công nghiệp tăng bình quân hằng năm 9,5% so với 0,6% hằng năm trong thời kỳ 1976-1980. Thu nhập quốc dân tăng bình quân hằng năm 6,4% so với 0,4% trong 5 năm trước.

Về xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, trong 5 năm 1981-1985, đã hoàn thành mấy trăm công trình tương đối lớn và hàng nghìn công trình vừa và nhỏ, trong đó có một số cơ sở quan trọng về điện, dầu khí, ximăng, cơ khí, dệt, đường, thuỷ lợi, giao thông... Về năng lực sản xuất, tăng thêm 456 nghìn kilôoát điện; 2,5 triệu tấn than; 2,4 triệu tấn ximăng; 33 nghìn tấn sợi; 58 nghìn tấn giấy; thêm 309 nghìn hécta được tưới nước, 186 nghìn hécta được tiêu úng, 241 nghìn hécta được khai hoang đưa vào sản xuất; dầu mỏ bắt đầu được khai thác. Các công trình thủy điện Hoà Bình, Trị An đang được xây dựng, chuẩn bị đưa vào hoạt động trong những năm tới.

Công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đã tiến thêm một bước, đại bộ phận nông dân Nam Bộ đi vào con đường sản xuất tập thể, đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên có tiến bộ trong sự nghiệp xây dựng cuộc sống mới. Cùng với việc áp dụng những thành tựu về khoa học, kỹ thuật, việc thực hiện rộng rãi phương thức khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động trong nông nghiệp, tuy chưa hoàn thiện và còn nhiều thiếu sót, đã góp một phần quan trọng tạo nên bước phát triển của sản xuất nông nghiệp, mở ra phương hướng đúng đắn cho việc củng cố quan hệ kinh tế tập thể ở nông thôn.

Nhà nước và nhân dân ta cố gắng chăm lo bảo đảm các nhu cầu của quốc phòng và an ninh, thi hành chính sách hậu phương quân đội.

Chăm lo đời sống của nhân dân là một nhiệm vụ thường xuyên và hết sức khó khăn của Đảng và Nhà nước ta trong hoàn cảnh nền kinh tế còn yếu kém, thiên tai dồn dập, dân số tăng nhanh. Các ngành kinh tế quốc dân đã thu hút thêm 4 triệu lao động. Sự nghiệp văn hoá, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, văn học, nghệ thuật phát triển và có những đóng góp nhất định vào việc xây dựng nền văn hoá mới, con người mới. Các hoạt động khoa học, kỹ thuật được triển khai, góp phần thúc đẩy sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp.

Trong cả nước, đã xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh khá, nhiều đơn vị chiến đấu giỏi, nhiều huyện làm ăn tốt; một số địa phương và ngành có cách làm năng động, sáng tạo đã đạt những thành tích đáng phấn khởi. Thực tiễn sinh động của các cơ sở, các địa phương, các ngành cung cấp kinh nghiệm quý báu cho sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Cũng trong 5 năm qua, cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh chính trị và làm nghĩa vụ quốc tế của nhân dân và các lực lượng vũ trang ta đã giành thêm những thắng lợi to lớn.

Chúng ta đã làm thất bại thêm một bước quan trọng âm mưu của bọn bá quyền chống nước ta, củng cố hơn nữa khả năng quốc phòng của đất nước.

Trên vùng biên giới phía bắc, quân và dân ta đã xây dựng thế trận phòng thủ ngày càng vững chắc, chiến đấu dũng cảm và có hiệu quả...

Chúng ta đã làm thất bại một bước chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch, tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận lớn bọn phản động FULRO ở vùng Tây Nguyên, bắt gọn nhiều nhóm phản động khác và bọn gián điệp, thám báo, đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Công cuộc xây dựng nền quốc phòng toàn dân đạt được những kết quả đáng kể trên một số mặt: củng cố thế trận chiến tranh nhân dân, củng cố cơ sở chính trị ở những địa bàn xung yếu, xây dựng lực lượng dự bị. Quân đội ta đã có một bước phát triển theo hướng chính quy, hiện đại; sức mạnh chiến đấu được nâng cao. Lực lượng dân quân, tự vệ được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, huy động lực lượng quân đội tham gia xây dựng kinh tế đã đạt một số kết quả, nhất là xây dựng các công trình công nghiệp và giao thông.

Quân và dân ta tiếp tục thực hiện nghĩa vụ quốc tế đối với Lào và Campuchia, củng cố liên minh chiến lược với hai nước láng giềng anh em, cùng nhau tăng cường thế và lực của cách mạng ở cả ba nước.

Những thành tựu đạt được trong việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, sự tăng cường quan hệ đoàn kết và hợp tác toàn diện với Liên Xô, Lào, Campuchia, với các nước anh em khác trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa, việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước độc lập dân tộc, các lực lượng tiến bộ và hoà bình đã tạo cho sự nghiệp cách mạng nước ta những nhân tố mới để tiếp tục tiến lên.

Những thành tựu ấy bắt nguồn từ đường lối chung và đường lối kinh tế được xác định tại Đại hội lần thứ IV và Đại hội lần thứ V, gắn liền với những chính sách đối nội và đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

Những thành tựu đã đạt được làm nổi bật tinh thần lao động cần cù, chiến đấu dũng cảm của quân và dân ta. Trong điều kiện sản xuất, chiến đấu và đời sống hết sức khó khăn, giai cấp công nhân, giai cấp nông dân tập thể, tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa và các lực lượng vũ trang nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần làm chủ tập thể, đã sáng tạo ra một khối lượng sản phẩm nhiều hơn rõ rệt so với 5 năm trước, chiến đấu rất kiên cường, thông minh, dũng cảm, lập nhiều chiến công.

Những thành tựu ấy không tách rời sự giúp đỡ và ủng hộ quý báu của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các nước bầu bạn và nhiều tổ chức quốc tế, đặc biệt là sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, sự hợp tác và tình đoàn kết, chiến đấu của Lào và Campuchia.

Khẳng định những thành tựu đã đạt được, chúng ta đồng thời thấy rõ rằng, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đang có nhiều khó khăn:

- Sản xuất tuy có tăng, nhưng tăng chậm so với khả năng sẵn có và công sức bỏ ra, so với yêu cầu cần nhanh chóng ổn định đời sống của nhân dân, có tích lũy để công nghiệp hóa và củng cố quốc phòng. Một số chỉ tiêu quan trọng của kế hoạch 5 năm vừa qua như sản xuất lương thực, than, ximăng, gỗ, vải, hàng xuất khẩu ... không đạt đã ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động kinh tế và đời sống của nhân dân lao động.

- Hiệu quả sản xuất và đầu tư thấp. Các xí nghiệp nói chung chỉ sử dụng được khoảng một nửa công suất thiết kế, năng suất lao động giảm, chất lượng sản phẩm sút kém.

- Tài nguyên của đất nước chưa được khai thác tốt, lại bị sử dụng lãng phí, nhất là đất nông nghiệp và tài nguyên rừng; môi trường sinh thái bị phá hoại.

- Lưu thông không thông suốt, phân phối rối ren, vật giá tăng nhanh đang tác động tiêu cực đến sản xuất, đời sống và xã hội.

- Những mất cân đối lớn trong nền kinh tế giữa cung và cầu về lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, năng lượng, nguyên liệu, vận tải..., giữa thu và chi, xuất khẩu và nhập khẩu chậm được thu hẹp, có mặt còn gay gắt hơn trước.

- Quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa chậm được củng cố. Vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh suy yếu. Các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa chưa được sử dụng và cải tạo tốt.

- Đời sống của nhân dân, nhất là công nhân, viên chức còn nhiều khó khăn. Nhiều người lao động chưa có và chưa đủ việc làm. Nhiều nhu cầu chính đáng tối thiểu của nhân dân về đời sống vật chất và văn hoá chưa được bảo đảm. Nông thôn thiếu hàng tiêu dùng thông thường và thuốc men; nhà ở, điều kiện vệ sinh, sinh hoạt văn hoá ở nhiều nơi còn thiếu thốn, nghèo nàn.

- Hiện tượng tiêu cực trong xã hội phát triển. Công bằng xã hội bị vi phạm. Pháp luật, kỷ cương không nghiêm. Những hành vi lộng quyền, tham nhũng của một số cán bộ và nhân viên nhà nước, những hoạt động của bọn làm ăn phi pháp... chưa bị trừng trị nghiêm khắc và kịp thời.

Thực trạng nói trên làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của các cơ quan nhà nước.

Nhìn chung, chúng ta chưa thực hiện được mục tiêu do Đại hội lần thứ V đề ra là về cơ bản ổn định tình hình kinh tế - xã hội, ổn định đời sống của nhân dân.

Vì sao có tình hình như vậy?

Chúng ta không đánh giá thấp những khó khăn khách quan; những khó khăn đó rất lớn. Song điều quan trọng là phân tích sâu sắc những nguyên nhân chủ quan, nêu rõ những sai lầm, khuyết điểm trong hoạt động của Đảng và Nhà nước.

1. Về đánh giá tình hình, xác định mục tiêu và bước đi

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên cơ sở nhận định đúng những đặc điểm cơ bản của tình hình cách mạng nước ta, Đảng ta đã kịp thời quyết định thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, đề ra đường lối chung và đường lối kinh tế trong cả thời kỳ quá độ. Nhưng việc đánh giá tình hình cụ thể về các mặt kinh tế, xã hội của đất nước, đã có nhiều thiếu sót. Do đó, trong mười năm qua, đã phạm nhiều sai lầm trong việc xác định mục tiêu và bước đi về xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, cải tạo xã hội chủ nghĩa và quản lý kinh tế.

Do chưa nhận thức đầy đủ rằng thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một quá trình lịch sử tương đối dài, phải trải qua nhiều chặng đường, và do tư tưởng chỉ đạo chủ quan, nóng vội, muốn bỏ qua những bước đi cần thiết, Đại hội lần thứ IV chưa xác định những mục tiêu của chặng đường đầu tiên. Trong 5 năm 1976-1980, trên thực tế, chúng ta đã chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hoá trong khi chưa có đủ các tiền đề cần thiết, mặt khác, chậm đổi mới cơ chế quản lý kinh tế đã lỗi thời.

Đại hội lần thứ V, cùng với việc khẳng định hai nhiệm vụ chiến lược, đã cụ thể hoá một bước đường lối kinh tế trong chặng đường trước mắt, đề ra những mục tiêu tổng quát, các chính sách lớn về kinh tế, xã hội. Nhưng trong chỉ đạo thực hiện đã không quán triệt những kết luận quan trọng nói trên, chưa kiên quyết khắc phục tư tưởng nóng vội và bảo thủ thể hiện chủ yếu trong các chủ trương về cơ cấu kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa và cơ chế quản lý kinh tế.

2. Về bố trí cơ cấu kinh tế

Trong việc bố trí cơ cấu kinh tế, trước hết là cơ cấu sản xuất và đầu tư, thường chỉ xuất phát từ lòng mong mưuốn đi nhanh, không tính tới điều kiện và khả năng thực tế, không kết hợp chặt chẽ ngay từ đầu công nghiệp với nông nghiệp thành một cơ cấu hợp lý, chưa sử dụng có hiệu quả những khả năng mở rộng quan hệ kinh tế với nước ngoài.

Trong 5 năm 1976-1980, đã đề ra những chỉ tiêu kế hoạch quá cao về xây dựng cơ bản và phát triển sản xuất, không coi trọng đúng mức việc khôi phục và sắp xếp lại nền kinh tế, thiên về xây dựng công nghiệp nặng và những công trình quy mô lớn, không tập trung sức giải quyết về căn bản vấn đề lương thực, thực phẩm, phát triển sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Kết quả là đầu tư nhiều, nhưng hiệu quả rất thấp.

Trên cơ sở xác định lại bước đi của công nghiệp hoá, Đại hội lần thứ V chủ trương trong 5 năm 1981-1985 phải vừa phát triển, vừa sắp xếp lại sản xuất, bố trí lại xây dựng cơ bản để nâng cao hiệu quả đầu tư, nhằm ổn định tình hình kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân, tạo tiền đề đẩy mạnh công nghiệp hoá.

Như­ng chúng ta đã không thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết của Đại hội lần thứ V. Nông nghiệp chưa thật sự được coi là mặt trận hàng đầu, không được bảo đảm những điều kiện cần thiết để phát triển, nhất là vật tư, tiền vốn và các chính sách khuyến khích. Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, kể cả tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, vẫn bị coi nhẹ về tổ chức, đầu tư, chính sách. Công nghiệp nặng không phục vụ kịp thời nông nghiệp và công nghiệp nhẹ. Một khuyết điểm lớn là đã hầu như không sắp xếp lại các cơ sở sản xuất để khắc phục sự chồng chéo, bất hợp lý, không tập trung được nguồn năng lượng, nguyên liệu, vật tư có hạn vào những cơ sở trọng điểm nhằm khai thác tốt nhất năng lực sản xuất hiện có. Mặt khác, trong xây dựng cơ bản, tuy đã đình, hoãn một số công trình tương đối lớn, tập trung hơn cho các trọng điểm, nhưng về căn bản, vẫn chưa điều chỉnh hợp lý, không kiên quyết đình, hoãn những công trình chưa thật cấp bách và kém hiệu quả, còn ham xây dựng nhiều công trình quy mô lớn. Khối lượng xây dựng dở dang quá nhiều, khiến cho vốn bị đọng quá lâu. Các địa phương và các ngành còn xây thêm nhiều công trình ngoài kế hoạch, làm tăng thêm sự phân tán về tiền vốn và vật tư.

3. Về cải tạo xã hội chủ nghĩa, củng cố quan hệ sản xuất mới, sử dụng các thành phần kinh tế

Trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, đi đôi với việc ra sức xây dựng những cơ sở và lực lượng kinh tế mới, phải rất coi trọng cải tạo và sử dụng tốt các cơ sở và lực lượng kinh tế sẵn có bằng những hình thức và bước đi thích hợp. Nhưng chúng ta chưa xác định rõ ràng, nhất quán những quan điểm, chủ trương và chính sách chỉ đạo công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa. Đã có những biểu hiện nóng vội mưuốn xoá bỏ ngay các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa, nhanh chóng biến kinh tế tư bản tư nhân thành quốc doanh. Đối với kinh tế tiểu sản xuất hàng hoá, ít chú ý những đặc điểm về tính chất của từng ngành, từng nghề, để lựa chọn hình thức tổ chức thích hợp, có xu hướng muốn tổ chức ngay các hợp tác xã quy mô lớn, không tính đến khả năng trang bị kỹ thuật, trình độ quản lý và năng lực của cán bộ. Về nội dung cải tạo, thường nhấn mạnh việc thay đổi quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất mà không coi trọng giải quyết các vấn đề tổ chức quản lý và chế độ phân phối. Cách làm thường theo kiểu chiến dịch, gò ép, chạy theo số lượng, coi nhẹ chất lượng và hiệu quả; sau những đợt làm nóng vội, lại buông lỏng. Do đó, không ít tổ chức kinh tế được gọi là công tư hợp doanh, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, chỉ có hình thức, không có thực chất của quan hệ sản xuất mới.

Việc chưa sắp xếp lại các ngành và các cơ sở sản xuất, chậm thay đổi cơ chế quản lý kinh tế đã dẫn tới làm suy yếu vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh, làm cho kinh tế tập thể chậm được củng cố, hạn chế việc sử dụng và cải tạo các thành phần kinh tế khác. Thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán chưa được mở rộng, ít tiến bộ về tổ chức và phương thức kinh doanh để làm chủ thị trường; một bộ phận bị lôi cuốn vào những hoạt động tiêu cực, tuồn hàng cho tư thương. Thương nghiệp tư nhân chậm được cải tạo. Chúng ta cũng chưa đánh trúng và nghiêm trị bọn đầu cơ, buôn lậu, bọn địch phá hoại thị trường.

Trong nhận thức cũng như hành động, chúng ta chưa thật sự thừa nhận cơ cấu kinh tế nhiều thành phần ở nước ta còn tồn tại trong một thời gian tương đối dài, chưa nắm vững và vận dụng đúng quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất.

4. Về cơ chế quản lý kinh tế

Từ Hội nghị lần thứ sáu của Trung ương (khoá IV) năm 1979 đến nay, nhiều nghị quyết của Trung ương, nhiều quyết định của Đảng và Nhà nước về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế đã được ban hành, đặc biệt Nghị quyết tám của Trung ương (khoá V) và Nghị quyết 306 (dự thảo) của Bộ Chính trị có ý nghĩa đổi mới sâu sắc. Một số ngành và nhiều địa phương, cơ sở đã tiến hành những cuộc thử nghiệm, tìm tòi về cách làm ăn mới nhằm khai thác khả năng tiềm tàng của nền kinh tế để phát triển sản xuất, cải tiến lưu thông, phân phối, đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân. Đó là một nhân tố trực tiếp tạo nên thành tựu kinh tế trong 5 năm qua.

Song, cho tới nay, cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp về căn bản chưa bị xoá bỏ. Cơ chế mới chưa được thiết lập đồng bộ. Nhiều chính sách, thể chế đã lỗi thời chưa được thay đổi, một số thể chế quản lý mới còn chắp vá, không ăn khớp, thậm chí trái ngược nhau. Tình trạng tập trung quan liêu còn nặng, đồng thời những hiện tượng vô tổ chức, vô kỷ luật cũng khá phổ biến.

Việc chậm đổi mới cơ chế và bộ máy quản lý, việc điều hành không nhạy bén, là những nguyên nhân quan trọng dẫn tới hành động không thống nhất từ trên xuống dưới. Một số người và cơ sở đã lợi dụng những sơ hở của cơ chế quản lý để mưu lợi ích cá nhân và lợi ích cục bộ.

Chúng ta mới nêu ra được phương hướng chủ yếu của cơ chế mới, còn nội dung, hình thức, bước đi, cách làm cụ thể, thì còn nhiều vấn đề chưa giải đáp được thoả đáng cả về lý luận và thực tiễn.

Rõ ràng là chúng ta còn thiếu hiểu biết và ít kinh nghiệm quản lý, lại chưa chú trọng tổng kết kinh nghiệm. Hiện nay cần phải khắc phục cả hai khuynh hướng: bảo thủ, trì trệ, không muốn đổi mới; và nóng vội, giản đơn, mưuốn giải quyết xong mọi vấn đề trong một thời gian ngắn.

5. Về phân phối, lưu thông

Suốt 5 năm qua, lĩnh vực phân phối, lưu thông luôn luôn căng thẳng và rối ren. Các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã dành nhiều thời giờ vào công việc này, nhưng các giải pháp đưa ra chưa thật sự có hiệu quả.

Tình hình nói trên là hậu quả tổng hợp của nhiều yếu tố cùng tác động trong nền kinh tế và đời sống xã hội.

Trước hết, đó là những sai lầm trong bố trí cơ cấu kinh tế và trong cải tạo xã hội chủ nghĩa, là tác hại của cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp tồn tại nhiều năm trong quản lý kinh tế, dẫn tới sản xuất chậm phát triển, mâu thuẫn giữa cung và cầu ngày càng gay gắt. Trong lúc đó, lại chưa cảnh giác đầy đủ, thiếu những biện pháp có hiệu lực ngăn chặn những phần tử xấu và kẻ thù lợi dụng sơ hở của ta để phá hoại.

Chúng ta chưa có chính sách cơ bản về tài chính gắn liền với chính sách đúng đắn về giá cả, tiền tệ - tín dụng, tiền lương. Nhà nước không điều tiết đúng mức thu nhập của tư thương, không tước đoạt những nguồn thu nhập bất chính, không bảo vệ tốt tài sản quốc gia, chưa tập trung những nguồn thu quan trọng vào ngân sách và phân phối đúng các nguồn vốn, vật tư, hàng hoá có trong tay. Các khoản chi của ngân sách mang nặng tính bao cấp và trong một thời gian dài vượt quá nguồn thu. Việc sử dụng các nguồn vốn vay và viện trợ kém hiệu quả. Chúng ta đã tiêu dùng cả một phần quan trọng nguồn vốn từ bên ngoài và quỹ khấu hao cơ bản. Tất cả những cái đó gây ra thâm hụt ngân sách, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến lạm phát trầm trọng.

Việc giải quyết vấn đề giá, lương, tiền đã phạm sai lầm. Thiếu biện pháp đồng bộ, có hiệu quả để Nhà nước nắm được hàng và tiền. Các giải pháp cụ thể về định mức giá và quản lý giá, về định mức l­ương và quản lý quỹ lương, về đổi tiền và bước đi trong việc điều chỉnh giá, lương, tiền được tiến hành thiếu chuẩn bị chu đáo, không phù hợp với tình hình thực tế.

Sai lầm trong lĩnh vực phân phối, lưu thông là sai lầm rất nghiêm trọng trong lãnh đạo và quản lý kinh tế 5 năm qua.

6. Về thực hiện chuyên chính vô sản

Tình trạng buông lỏng chuyên chính vô sản thể hiện ở nhiều khuyết điểm trong cải tạo xã hội chủ nghĩa, quản lý kinh tế, xã hội, đấu tranh tư tưởng, văn hoá và trong việc chống lại những âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù. Chưa sử dụng đầy đủ sức mạnh tổng hợp của chuyên chính vô sản để thiết lập và giữ vững trật tự xã hội chủ nghĩa trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế và xã hội, đã để cho pháp luật và kỷ cương của Nhà nước bị vi phạm ngày càng phổ biến.

Thưa các đồng chí,

Những sai lầm nói trên là những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện.

Khuynh hướng tư tưởng chủ yếu của những sai lầm ấy, đặc biệt là những sai lầm về chính sách kinh tế, là bệnh chủ quan, duy ý chí, lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội chạy theo nguyện vọng chủ quan, là khuynh hướng buông lỏng trong quản lý kinh tế, xã hội, không chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và nguyên tắc của Đảng. Đó là tư tưởng tiểu tư sản, vừa "tả" khuynh vừa hữu khuynh.

Đúng như Đại hội lần thứ V nhận định, chúng ta vừa chủ quan nóng vội, vừa bảo thủ trì trệ, trong thực tế hai mặt đó cùng tồn tại và đều cản trở bước tiến của cách mạng.

Những sai lầm và khuyết điểm trong lãnh đạo kinh tế, xã hội bắt nguồn từ những khuyết điểm trong hoạt động tư tưởng, tổ chức và công tác cán bộ của Đảng. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.

Trong lĩnh vực tư tưởng và tổ chức, Đảng ta đã làm được một số việc có kết quả tốt, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ có một bước trưởng thành, đã có nhiều kinh nghiệm mới về xây dựng đảng trong điều kiện đảng cầm quyền. Nhưng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, trước những biến động và thử thách của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, hoạt động tư tưởng và tổ chức của Đảng đã không theo kịp yêu cầu của cách mạng.

Trong lĩnh vực tư tưởng, đã bộc lộ sự lạc hậu về nhận thức lý luận và vận dụng các quy luật đang hoạt động trong thời kỳ quá độ; đã mắc bệnh duy ý chí, giản đơn hoá, muốn thực hiện nhanh chóng nhiều mục tiêu của chủ nghĩa xã hội trong điều kiện nước ta mới ở chặng đường đầu tiên. Chúng ta đã có những thành kiến không đúng, trên thực tế, chưa thật sự thừa nhận những quy luật của sản xuất hàng hoá đang tồn tại khách quan; do đó, không chú ý vận dụng chúng vào việc chế định các chủ trương, chính sách kinh tế. Chưa chú ý đầy đủ việc tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của mình và nghiên cứu kinh nghiệm của các nước anh em.

Trong công tác tổ chức, khuyết điểm lớn nhất là sự trì trệ, chậm đổi mới công tác cán bộ. Việc lựa chọn, bố trí cán bộ vào các cơ quan lãnh đạo và quản lý các cấp còn theo một số quan niệm cũ kỹ và tiêu chuẩn không đúng đắn, mang nặng tính hình thức, không xuất phát từ yêu cầu của nhiệm vụ chính trị và yêu cầu của công việc; cách làm lại thiếu quy hoạch, chưa chú ý lắng nghe ý kiến của quần chúng. Công tác giáo dục và quản lý cán bộ, đảng viên thiếu chặt chẽ.

Phong cách lãnh đạo và lề lối làm việc mang nặng chủ nghĩa quan liêu, lời nói không đi đôi với việc làm, không tuân thủ quy trình làm việc và ra quyết định. Việc chỉ đạo, điều hành thường không tập trung, thiếu kiên quyết và nhất quán. Trong các đảng bộ và các cấp uỷ có sự vi phạm nguyên tắc Lêninnít trong sinh hoạt đảng, trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thiểu số phục tùng đa số, cấp d­ưới phục tùng cấp trên, toàn Đảng phục tùng Trung ương.

Về mặt tổ chức, đã để cho bộ máy nhà nước, bộ máy của Đảng và các đoàn thể phình ra quá lớn, chồng chéo và phân tán.

Những sai lầm và khuyết điểm trong công tác lãnh đạo của Đảng trước hết thuộc về trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội đồng Bộ trưởng. Cần nhấn mạnh rằng, việc chậm bố trí đúng sự chuyển tiếp hạt nhân lãnh đạo là một nguyên nhân trực tiếp làm cho sự lãnh đạo của Đảng trong những năm gần đây không đáp ứng những đòi hỏi của tình hình mới. Ban Chấp hành Trung ương xin tự phê bình nghiêm túc về những khuyết điểm của mình trước Đại hội.

Từ thực tiễn cách mạng trong những năm qua, chúng ta có thể rút ra những bài học kinh nghiệm sau đây:

Một là, trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động.

Đảng ta không có mục đích nào khác là đấu tranh vì hạnh phúc của nhân dân. Quần chúng là người làm nên lịch sử.

Nhân dân ta rất cách mạng, có những phẩm chất rất quý báu, trải qua trên nửa thế kỷ chiến đấu liên tục, chịu đựng biết bao hy sinh, gian khổ, luôn luôn nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lao động cần cù, chiến đấu dũng cảm vì độc lập, tự do của Tổ quốc và vì chủ nghĩa xã hội. Trong hoàn cảnh Đảng có sai lầm, khuyết điểm, nhân dân vẫn thiết tha mong đợi Đảng khắc phục sai lầm, đưa đất nước tiến lên. Đảng ta không thể phụ lòng mong đợi đó của nhân dân.

Bài học lớn rút ra từ những năm qua là trong điều kiện đảng cầm quyền, phải đặc biệt chăm lo củng cố sự liên hệ giữa Đảng và nhân dân; tiến hành thường xuyên cuộc đấu tranh ngăn ngừa và khắc phục chủ nghĩa quan liêu. Mỗi đảng viên cộng sản phải thật sự vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng và khả năng của nhân dân lao động, phải khơi dậy được sự đồng tình, hưởng ứng của quần chúng. Quan liêu, mệnh lệnh, xa rời quần chúng, đi ngược lại lợi ích của nhân dân là làm suy yếu sức mạnh của Đảng.

Hai là, Đảng phải luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Năng lực nhận thức và hành động theo quy luật là điều kiện bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng.

Để khắc phục được khuyết điểm, chuyển biến được tình hình, Đảng ta trước hết phải thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy. Phải nhận thức đúng đắn và hành động phù hợp với hệ thống quy luật khách quan, trong đó các quy luật đặc thù của chủ nghĩa xã hội ngày càng chi phối mạnh mẽ phương hướng phát triển chung của xã hội.

Tiêu chuẩn đánh giá sự vận dụng đúng đắn các quy luật thông qua chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là sản xuất phát triển, lưu thông thông suốt, đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân từng bước được ổn định và nâng cao, con người mới xã hội chủ nghĩa ngày càng hình thành rõ nét, xã hội ngày càng lành mạnh, chế độ xã hội chủ nghĩa được củng cố. Mọi chủ trương, chính sách gây tác động ngược lại là biểu hiện sự vận dụng không đúng quy luật khách quan, phải được sửa đổi hoặc bãi bỏ.

Ba là, phải biết kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại trong điều kiện mới. Nước ta có thể từ một nền sản xuất nhỏ tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa là vì cuộc cách mạng ở nước ta diễn ra trong thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Nhân dân ta có sự giúp đỡ to lớn và hợp tác toàn diện của Liên Xô, của các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác, có sự liên minh và hợp tác toàn diện của hai nước láng giềng anh em Lào và Campuchia. Sự giúp đỡ và hợp tác ấy là điều kiện vô cùng quan trọng để nhân dân ta xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Nhân dân ta còn có sự ủng hộ, giúp đỡ của nhiều nước bầu bạn khác, của các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên toàn thế giới. Sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật ngày nay và xu thế mở rộng phân công, hợp tác giữa các nước, kể cả các nước có chế độ kinh tế - xã hội khác nhau, cũng là những điều kiện rất quan trọng đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta. Trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của mình, chúng ta phải đặc biệt coi trọng kết hợp các yếu tố dân tộc và quốc tế, các yếu tố truyền thống và thời đại, sử dụng tốt mọi khả năng mở rộng quan hệ thương mại, hợp tác kinh tế và khoa học, kỹ thuật với bên ngoài để phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, và luôn luôn làm tròn nghĩa vụ quốc tế của mình đối với các nước anh em và bầu bạn.

Bốn là, phải xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ chính trị của một đảng cầm quyền lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Để bảo đảm cho Đảng ta làm tròn sứ mệnh lịch sử vẻ vang đó, vấn đề cấp bách là tăng cường sức chiến đấu và nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực tổ chức thực tiễn của Đảng. Phải giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng cũng như trong lãnh đạo kinh tế, xã hội. Không ngừng trau dồi và nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng của đảng viên, thực hiện thường xuyên tự phê bình và phê bình trong Đảng và trước quần chúng. Trong Đảng, phải tăng cường sự đoàn kết nhất trí, sự thống nhất ý chí và hành động, nêu cao tính tổ chức và tính kỷ luật, lời nói đi đôi với việc làm.

Đại hội lần thứ VI phải là Đại hội đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa quyết định trong việc tăng cường sức mạnh của Đảng, nâng cao uy tín của Đảng trong quần chúng, bảo đảm cho Đảng vươn lên ngang tầm những nhiệm vụ mới. Đảng ta phải trở thành một đảng lãnh đạo vững mạnh trong cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Thưa các đồng chí,

Những nhiệm vụ mới to lớn và nặng nề đang đặt ra trước mắt chúng ta.

Trên mười năm lãnh đạo đất nước ta đi vào chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ, Đảng ta đã có điều kiện để nhận thức sâu sắc hơn những đặc điểm của chặng đường đó. Nền sản xuất nhỏ với những nhược điểm vốn có của nó, hậu quả của những cuộc chiến tranh lâu dài trước đây và cả của cuộc chiến tranh mới, tàn dư của chế độ cũ, đang là những trở ngại trên con đường phát triển của nước ta. Bằng những thành tựu đã đạt được trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta đã khắc phục một bước sự phân tán và lạc hậu của nền kinh tế, cải biến một phần cơ cấu kinh tế - xã hội, đặt những cơ sở đầu tiên cho bước phát triển mới. Nhưng chúng ta chưa tiến xa được mấy so với điểm xuất phát quá thấp. Những sai lầm và khuyết điểm đã mắc phải càng làm cho tình hình thêm khó khăn.

Thực trạng kinh tế, xã hội phức tạp đòi hỏi Đảng ta phải có những quyết sách xoay chuyển tình hình, tạo ra một bước ngoặt cho sự phát triển.

Trong những năm tới, cách mạng nước ta tiếp tục phát triển trong bối cảnh quốc tế có nhiều sự biến đổi.

Các lực lượng cách mạng của thời đại đang không ngừng mạnh lên và rõ ràng ở thế chủ động, tiến công. Lực lượng mọi mặt của hệ thống xã hội chủ nghĩa, do Liên Xô làm trụ cột, ngày càng được tăng cường. Đại hội lần thứ XXVII Đảng Cộng sản Liên Xô mở ra một giai đoạn mới có tính chất bước ngoặt, giai đoạn phát triển năng động trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội trên đất nước Xôviết. Với chiến lược đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, nền kinh tế Xôviết đang chuyển mạnh sang hướng phát triển theo chiều sâu nhằm thực hiện những mục tiêu to lớn trong những năm còn lại của thế kỷ XX.

Hệ thống xã hội chủ nghĩa tiến vào giai đoạn phát triển mới với chất lượng mới. Những thành tựu mọi mặt của cộng đồng xã hội chủ nghĩa, sức mạnh phối hợp về chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hoá và quốc phòng của cả cộng đồng là nhân tố quyết định thắng lợi của chủ nghĩa xã hội trong cuộc đấu tranh giữa hai hệ thống chính trị - xã hội đối lập trên thế giới. Đó cũng là bảo đảm quan trọng hàng đầu của cả loài người trong cuộc đấu tranh chung bảo vệ hoà bình, ngăn ngừa và đẩy lùi nguy cơ chiến tranh hạt nhân huỷ diệt.

Phong trào độc lập dân tộc phát triển với những đặc điểm mới, xu thế độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, chống chủ nghĩa đế quốc ngày càng mạnh. Bọn đế quốc câu kết với các thế lực phản động quốc tế khác một mặt đe dọa quân sự từ bên ngoài, kết hợp với bao vây phá hoại về kinh tế, chính trị, thực hiện diễn biến hoà bình và lật đổ từ bên trong, mặt khác, tiến hành các cuộc chiến tranh trực tiếp hoặc qua tay người khác chống các nhà nước cách mạng và tiến bộ.

Với sự ra đời của hàng loạt nước mới giành được độc lập dân tộc, phong trào không liên kết tập hợp trên một trăm nước đã trở thành một lực lượng chính trị rộng lớn, có vai trò ngày càng quan trọng trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, bảo vệ độc lập và hoà bình.

Hố ngăn cách giữa các nước tư bản phát triển và các nước đang phát triển ngày càng sâu rộng. Sự bóc lột ngày càng nặng nề của các nước đế quốc chủ nghĩa khiến nhiều nước Á, Phi, Mỹ latinh ngày càng bần cùng và nợ nần chồng chất. Cuộc đấu tranh phá bỏ trật tự kinh tế thế giới cũ, thiết lập một trật tự kinh tế thế giới mới công bằng ngày càng có sức lôi cuốn.

Ở các nước tư bản chủ nghĩa, phong trào đấu tranh của công nhân có bước phát triển mới gắn liền với cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng của chủ nghĩa đế quốc, với phong trào dân chủ và hoà bình chống chủ nghĩa đế quốc và nguy cơ chiến tranh hạt nhân.

Một đặc điểm nổi bật của thời đại là cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật đang diễn ra mạnh mẽ, tạo thành bước phát triển nhảy vọt của lực lượng sản xuất và đẩy nhanh quá trình quốc tế hoá các lực lượng sản xuất. Cuộc cách mạng này làm gay gắt thêm những mâu thuẫn của thời đại. Trên thế giới đang hình thành một thị trường, trong đó hai hệ thống kinh tế đối lập đấu tranh với nhau quyết liệt, mặt khác, sự hợp tác kinh tế là yêu cầu phát triển tất yếu của cả hai hệ thống.

Cuộc đấu tranh trên lĩnh vực kinh tế có ý nghĩa chính trị ngày càng quan trọng đối với kết cục của cuộc đấu tranh giữa hai hệ thống. Các nước xã hội chủ nghĩa phát huy tính ưu việt của chế độ mới, sử dụng ngày càng có hiệu quả hơn những thành tựu của cách mạng khoa học - kỹ thuật, đang thay đổi cơ cấu sản xuất, cơ chế quản lý, bằng một cuộc cải tổ rộng lớn, có ý nghĩa cách mạng sâu sắc, chắc chắn sẽ tạo ra những biến đổi to lớn trong một thời gian không xa.

Nền kinh tế của chủ nghĩa tư bản vẫn chưa hết khả năng phát triển, nhưng cách mạng khoa học - kỹ thuật và lực lượng sản xuất càng phát triển, càng làm cho các mâu thuẫn cơ bản trong hệ thống tư bản chủ nghĩa sâu sắc thêm, trước hết là mâu thuẫn giữa lao động và tư bản. Sự phát triển của lực lượng sản xuất cũng đưa tới những đảo lộn lớn trong quan hệ kinh tế giữa các nước tư­ bản chủ nghĩa với nhau, nhất là giữa ba trung tâm Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản. Các nước tư bản chủ nghĩa mâu thuẫn và cạnh tranh với nhau, đồng thời chúng cố tìm mọi phương pháp và phương tiện, lợi dụng cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật để phát triển, để hoà hoãn những mâu thuẫn bên trong và liên minh với nhau chống các lực lượng cách mạng.

Nắm trong tay những lực lượng kinh tế và quân sự to lớn, chủ nghĩa đế quốc, trước hết là đế quốc Mỹ và các thế lực phản động quốc tế khác, vẫn rất ngoan cố bám giữ những mục tiêu của chúng. Chúng không từ bỏ chính sách chạy đua vũ trang, nhất là vũ trang hạt nhân, và gây ra những cuộc xung đột cục bộ, phản kích các lực lượng cách mạng và hoà bình. Chưa bao giờ nguy cơ chiến tranh hạt nhân do chủ nghĩa đế quốc gây ra lại lớn như hiện nay. Các tập đoàn tư bản lũng đoạn Mỹ, mà các lực lượng chủ yếu của chúng là các tổ hợp quân sự - công nghiệp, thu lợi lớn trong việc làm cho tình hình quốc tế căng thẳng. Chúng dựa vào đó để biện hộ cho chi phí quân sự khổng lồ, cho những tham vọng toàn cầu và sự can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác, cho việc tiến công vào quyền lợi của chính nhân dân lao động Mỹ.

Sự phản kích quyết liệt của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế, tuy có gây tổn thất và trở ngại cho hoà bình và cách mạng, nhưng cuộc đấu tranh mạnh mẽ của các lực lượng cách mạng và hoà bình mà Liên Xô là trụ cột đã làm thất bại một bước những âm mưu của chúng. Việc Liên Xô và Mỹ ngồi vào đàm phán ở cấp cao làm cho hình thái đấu tranh trong cùng tồn tại hoà bình giữa hai hệ thống xã hội đối lập được củng cố và phát triển. Cuộc đấu tranh bảo vệ hoà bình thế giới đang tập hợp những lực lượng đông đảo của tất cả các nước. Đấu tranh cho hoà bình và đấu tranh cách mạng là hai mũi tiến công cùng đánh mạnh và làm suy yếu chủ nghĩa đế quốc.

Loài người đang đứng trước sự lựa chọn về nhiều vấn đề mới có tính toàn cầu. Chiến tranh hạt nhân chỉ dẫn đến sự huỷ diệt cho tất cả các bên tham chiến và cho sự sống trên trái đất. Giữa các nước có chế độ xã hội khác nhau, sự lựa chọn duy nhất đúng đắn là thi đua về kinh tế, về lối sống. Các bên cần phối hợp với nhau giải quyết những vấn đề toàn cầu đang đặt ra trước tất cả các dân tộc và cộng đồng nhân loại, như các vấn đề: bùng nổ dân số, lương thực, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường... Các nước xã hội chủ nghĩa đã khẳng định dứt khoát sự lựa chọn của mình là con đường thi đua về kinh tế, về lối sống và cuộc thi đua này chỉ có thể thực hiện trong hoàn cảnh hoà bình được bảo đảm vững chắc.

Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng đang diễn ra những biến đổi quan trọng. Các lực lượng cách mạng và hoà bình tiếp tục lớn mạnh. Nền kinh tế khu vực tiếp tục phát triển với nhịp độ nhanh. Châu Á - Thái Bình Dương là một trung tâm đấu tranh gay gắt giữa cách mạng và phản cách mạng, đồng thời ở khu vực này, quan hệ giữa các nước có chế độ chính trị khác nhau cũng ở trong xu thế chung là đấu tranh trong hình thái cùng tồn tại hoà bình. Chiến lược châu Á - Thái Bình Dương mà các thế lực hiếu chiến Mỹ đang ráo riết triển khai thực chất là chiến lược tập hợp lực lượng mới nhằm phục vụ lợi ích đế quốc chủ nghĩa của chúng chĩa mũi nhọn chống Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa khác và các lực lượng yêu chuộng hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ trong khu vực.

Đối với Đông Dương, thế lực bá quyền và chủ nghĩa đế quốc chưa từ bỏ âm mưu lâu dài làm suy yếu, hòng khuất phục nhân dân ba nước. Các thế lực ấy có thể tiếp tục kéo dài chính sách đối đầu, dùng uy hiếp quân sự và bao vây, cô lập, hòng làm cho chúng ta chảy máu, không tập trung sức xây dựng kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân. Nhưng rõ ràng chúng đã thất bại và nhất định sẽ thất bại hoàn toàn. Nhân dân ta đã có những khả năng mới để giữ vững hoà bình, tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Tại Đại hội này, chúng ta khẳng định: Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng, quyết tâm đem hết tinh thần và lực lượng tiếp tục thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đồng thời tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Nhân dân ta quyết tâm tiếp tục làm hết sức mình để tăng cường tình đoàn kết chiến đấu, nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác toàn diện với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác; củng cố và phát triển liên minh đặc biệt với hai nước Lào và Campuchia, coi đó là nghĩa vụ quốc tế thiêng liêng, là nhiệm vụ có tầm quan trọng chiến lược gắn liền với lợi ích sống còn của độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội ở nước ta và trên toàn bán đảo Đông Dương.

Vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước và xã hội, quyết đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt, đồng thời có kế hoạch sẵn sàng đối phó thắng lợi với mọi tình huống do kẻ thù gây ra.

Chúng ta phải thấu suốt và thực hiện đúng quan điểm "Toàn dân xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc", "Toàn quân bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước", kiên trì chấp hành và cụ thể hoá đường lối quân sự của Đảng trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chuyên chính vô sản, sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, kết hợp chặt chẽ kinh tế, quốc phòng và an ninh, đẩy mạnh công cuộc xây dựng nền quốc phòng và an ninh toàn dân, xây dựng hậu phương đất nước một cách toàn diện.

Xây dựng Quân đội nhân dân chính quy, ngày càng hiện đại, có chất lượng tổng hợp ngày càng cao, có tổ chức hợp lý, cân đối, gọn và mạnh, có kỷ luật chặt chẽ, có trình độ sẵn sàng chiến đấu và sức chiến đấu cao. Tổ chức tốt việc bảo vệ chủ quyền và giữ vững an ninh các tuyến biên giới, vùng trời, vùng biển và hải đảo, xây dựng và củng cố bộ đội biên phòng vững mạnh. Tiếp tục phát triển dân quân, tự vệ với số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ mới. Tăng cường xây dựng lực lượng dự bị. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển nền khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Phối hợp cố gắng của Nhà nước, nhân dân và các lực lượng vũ trang để bảo đảm những nhu cầu của nhiệm vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, những nhu cầu thiết yếu về đời sống vật chất và tinh thần của các lực lượng vũ trang. Thực hiện đầy đủ các chính sách hậu phương quân đội. Từng bước phát triển công nghiệp quốc phòng đi đôi với tăng cường tiềm lực kinh tế của đất nước. Trên cơ sở bảo đảm nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu và sản xuất quốc phòng, huy động một phần lực lượng quân đội, sử dụng một phần năng lực công nghiệp quốc phòng vào việc xây dựng kinh tế.

Thực hiện đúng cơ chế Đảng lãnh đạo đối với quân đội và sự nghiệp quốc phòng.

Công cuộc bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội cần được tiến hành bằng sức mạnh của mọi lực lượng vũ trang và không vũ trang và bằng mọi phương tiện cần thiết. Cuộc đấu tranh này cần được tổ chức chặt chẽ và thường xuyên trong từng địa bàn, ở tất cả mọi đơn vị trong cả nước dưới sự lãnh đạo tập trung và thống nhất của các cấp uỷ đảng. Thực hiện có nền nếp công tác quản lý hộ khẩu; xây dựng xí nghiệp, cơ quan, trường học, bệnh viện... phường, xã, quận, huyện an ninh và trật tự, hình thành các khu vực, các tuyến an toàn ở các địa phương; xây dựng nội bộ trong sạch, vững mạnh; ngăn ngừa và trừng trị những hành động phá hoại về kinh tế, chính trị, tư tưởng và các hoạt động tình báo, gián điệp của địch.

Là lực lượng vũ trang cách mạng nòng cốt của cuộc đấu tranh trọng yếu này, Công an nhân dân phải được xây dựng thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy và tiến lên hiện đại, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, có cơ sở vững chắc trong quần chúng, có trình độ nghiệp vụ ngày càng cao, thật sự là công cụ tin cậy, sắc bén của Đảng và Nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc phải được bảo đảm bằng sức mạnh tổng hợp của chế độ mới. Trong khi không ngừng chăm lo nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Đảng và nhân dân ta tiếp tục đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng chế độ làm chủ tập thể, nền kinh tế mới, nền văn hoá mới và con người mới xã hội chủ nghĩa.

Đại hội lần thứ VI của Đảng khẳng định tiếp tục thực hiện đường lối chung của cách mạng xã hội chủ nghĩa và đường lối xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa do các Đại hội lần thứ IV và lần thứ V của Đảng xác định. Tập trung trí tuệ toàn Đảng và toàn dân, Đại hội chúng ta tổng kết những kinh nghiệm sáng tạo phong phú của các ngành, các cấp và các đơn vị cơ sở, giải quyết một số vấn đề quan trọng về lý luận và thực tiễn, phát triển đường lối và nâng cao năng lực chỉ đạo thực hiện của Đảng.

Ngày nay đã có những điều kiện để hiểu biết đầy đủ hơn về con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội phải trải qua thời kỳ quá độ là một tất yếu khách quan, và độ dài của thời kỳ đó phụ thuộc vào điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của mỗi nước. Thời kỳ quá độ ở nước ta, do tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội từ một nền sản xuất nhỏ, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, đương nhiên phải lâu dài và rất khó khăn. Đó là một thời kỳ cải biến cách mạng sâu sắc, toàn diện, triệt để nhằm xây dựng từ đầu một chế độ xã hội mới cả về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng. Đó là một thời kỳ đấu tranh giai cấp phức tạp, đấu tranh giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm giải quyết vấn đề "ai thắng ai". Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, thực hiện công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa là những nội dung cơ bản của đường lối cách mạng của Đảng ta. Sau Đại hội này, với tinh thần cách mạng và khoa học, tiếp tục phát triển đường lối đã được xác định, Đảng ta cần xúc tiến xây dựng một cương lĩnh hoàn chỉnh cho toàn bộ cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ. Trên cơ sở cương lĩnh đó, sẽ xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển khoa học - kỹ thuật, v.v..

Thảo ra một cương lĩnh cách mạng hoàn chỉnh và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội là sự kiện chính trị có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự chỉ đạo cách mạng trong một thời kỳ tương đối dài, đặt nền tảng chính trị, tư tưởng cho mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước và xã hội.

Chặng đường đầu tiên là một bước quá độ nhỏ trong bước quá độ lớn. V.I. Lênin nói: "Suốt cả thời kỳ đó (thời kỳ quá độ), trong chính sách của chúng ta, lại chia ra thành nhiều bước quá độ nhỏ hơn nữa. Và tất cả cái khó khăn của nhiệm vụ chúng ta phải làm, tất cả cái khó khăn của chính sách và tất cả sự khéo léo của chính sách là ở chỗ biết tính đến những nhiệm vụ đặc thù của từng bước quá độ đó"1.

Đảng ta đã nhiều lần chỉ rõ nhiệm vụ chủ yếu của chặng đường đầu tiên là xây dựng những tiền đề chính trị, kinh tế, xã hội cần thiết để triển khai công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa trên quy mô lớn.

Chúng ta đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong việc xây dựng những tiền đề đó. Đáng tiếc là những việc đã làm không đồng bộ, có nhiều mặt thiếu sót, gây ra đảo lộn. Vì vậy, trong những năm còn lại của chặng đường đầu tiên, phải thực hiện những biện pháp có hiệu quả để nhanh chóng ổn định tình hình kinh tế - xã hội, đưa mọi mặt hoạt động vào quỹ đạo phát triển bình thường và tiến hành những cuộc cải cách về tổ chức, quản lý, thiết lập cơ cấu sản xuất và cơ chế mới quản lý kinh tế - xã hội. Đại hội lần thứ VI xác định nhiệm vụ bao trùm, mục tiêu tổng quát của những năm còn lại của chặng đường đầu tiên là ổn định mọi mặt tình hình kinh tế - xã hội, tiếp tục xây dựng những tiền đề cần thiết cho việc đẩy mạnh công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa trong chặng đường tiếp theo.

Ổn định tình hình kinh tế - xã hội bao gồm cả ổn định sản xuất, ổn định phân phối, lưu thông, ổn định đời sống vật chất và văn hoá, tăng cường hiệu lực của tổ chức quản lý, lập lại trật tự, kỷ cương và thực hiện công bằng xã hội.

Ổn định và phát triển gắn liền với nhau trong quá trình vận động tiến lên, ổn định để phát triển và có phát triển mới ổn định được.

Xuất phát từ nhiệm vụ bao trùm và mục tiêu tổng quát, Đại hội xác định những mục tiêu cụ thể về kinh tế - xã hội sau đây cho những năm còn lại của chặng đường đầu tiên:

1. Sản xuất đủ tiêu dùng và có tích luỹ. Hướng mọi cố gắng vào việc đáp ứng những nhu cầu cấp bách và thiết yếu của xã hội, dần dần ổn định và tiến lên cải thiện một bước đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân. Cụ thể là bảo đảm ăn đủ no, có thêm dinh dưỡng, mặc đủ ấm; đáp ứng tốt hơn các nhu cầu về bảo vệ sức khoẻ và chữa bệnh, đi lại, học hành và hưởng thụ văn hoá, tăng thêm đồ dùng thiết yếu của các gia đình, khắc phục một bước khó khăn về nhà ở, nhất là tại các thành phố và khu công nghiệp tập trung. Đó chính là yêu cầu của quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa xã hội trong những điều kiện hiện nay.

Ổn định đời sống nhân dân phải đi đôi với bảo đảm yêu cầu có tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế quốc dân để đủ sức tiếp nhận và đưa vào tái sản xuất mở rộng vốn vay và viện trợ của nước ngoài.

2. Bước đầu tạo ra một cơ cấu kinh tế hợp lý nhằm phát triển sản xuất. Để làm đủ ăn và có tích luỹ, phải ra sức phát triển sản xuất, giảm tỷ lệ sinh đẻ, và để sản xuất phát triển, phải xây dựng được một cơ cấu kinh tế hợp lý, trước hết là cơ cấu các ngành kinh tế, phù hợp với tính quy luật về sự phát triển các ngành sản xuất vật chất, phù hợp với khả năng của đất nước và phù hợp với sự phân công lao động và hợp tác quốc tế. Cơ cấu kinh tế đó bảo đảm cho nền kinh tế phát triển cân đối với nhịp độ tăng trưởng ổn định. Phải thông qua việc sắp xếp lại sản xuất đi đôi với việc xây dựng thêm một số cơ sở vật chất - kỹ thuật cần thiết, tạo ra cho được một cơ cấu kinh tế hợp lý, hướng vào việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là lương thực, thực phẩm, đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.

3. Xây dựng và hoàn thiện một bước quan hệ sản xuất mới phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.Củng cố thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa bao gồm cả khu vực quốc doanh và khu vực tập thể một cách toàn diện, cả về chế độ sở hữu, chế độ quản lý, chế độ phân phối, làm cho thành phần kinh tế này giữ vai trò chi phối trong nền kinh tế quốc dân, thể hiện tính ưu việt về năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, thu nhập của người lao động và tích luỹ cho sự nghiệp công nghiệp hoá. Bằng những biện pháp thích hợp, sử dụng mọi khả năng của các thành phần kinh tế khác trong sự liên kết chặt chẽ và dưới sự chỉ đạo của thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa theo nguyên tắc bảo đảm phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người lao động. Hình thành đồng bộ hệ thống mới về quản lý kinh tế, lấy kế hoạch hoá làm khâu trung tâm, thực hiện hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa theo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Phát huy hiệu quả của cơ chế mới quản lý kinh tế nhằm khai thác tốt năng lực của các cơ sở sản xuất, củng cố trật tự, kỷ cương trong quản lý kinh tế.

4. Tạo ra chuyển biến tốt về mặt xã hội. Giải quyết một phần quan trọng việc làm cho người lao động và bảo đảm về cơ bản phân phối theo lao động. Thực hiện công bằng xã hội phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta. Loại bỏ các nguồn thu nhập do làm ăn phi pháp mà có. Trong sự nghiệp xây dựng nền văn hoá mới, đặc biệt chú ý xây dựng quan hệ xã hội và lối sống lành mạnh, khắc phục các hiện tượng tiêu cực; giữ gìn và phát huy tinh thần dân chủ, nhân đạo, chủ nghĩa anh hùng và những giá trị văn hoá khác của truyền thống dân tộc và cách mạng. Mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật của nhân dân, củng cố kỷ cương xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự công cộng, thực hiện nguyên tắc: mọi người sống và làm việc theo pháp luật.

5. Bảo đảm nhu cầu củng cố quốc phòng và an ninh. Quốc phòng và an ninh được xây dựng và củng cố ngày càng vững mạnh bảo đảm điều kiện thuận lợi cho công cuộc xây dựng kinh tế. Trên cơ sở phát triển kinh tế, đáp ứng ngày càng đầy đủ và ổn định các nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần của các lực lượng vũ trang; củng cố thế trận bảo vệ Tổ quốc cả về quốc phòng và an ninh; bảo đảm cơ sở vật chất - kỹ thuật và từng bước trang bị cho các lực lượng vũ trang; bảo đảm vật tư, tài chính cho sản xuất quốc phòng.

Những mục tiêu trên đây sẽ được cụ thể hoá, định lượng thành các chỉ tiêu cụ thể của các kế hoạch kinh tế, xã hội. Cái mốc đánh dấu chặng đường đầu tiên kết thúc là đạt được năm mục tiêu nói trên. Độ dài của chặng đường đầu tiên tuỳ thuộc một phần quan trọng vào việc vận dụng những bài học đã rút ra từ thực tiễn mười năm qua, để đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian tới.

Phần thứ hai

NHỮNG PHƯƠNG HƯỚNG CƠ BẢN CỦA CHÍNH SÁCH KINH TẾ, XÃ HỘI

Thưa các đồng chí,

Chúng ta có những khả năng trong tầm tay để thực hiện những nhiệm vụ, mục tiêu đề ra cho chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ. Muốn biến những khả năng đó thành hiện thực, điều quan trọng hàng đầu là đổi mới chính sách kinh tế, chính sách xã hội, nhằm phát huy vai trò làm chủ và nhiệt tình của người lao động, tạo nên phong trào quần chúng hăng hái thực hiện đồng thời cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật và cách mạng tư tưởng - văn hoá.

Các chính sách kinh tế phải nhằm khai thác nhanh và có hiệu quả mọi khả năng hiện có và tiềm tàng của nền kinh tế. Đó là khoảng một nửa công suất thiết bị chưa được sử dụng; là ruộng đất còn nhiều khả năng thâm canh; là rừng, biển và các tài nguyên khác chưa được khai thác tốt; là sức lao động dồi dào, lực lượng khoa học, kỹ thuật chưa được tận dụng; là khả năng tiết kiệm năng lượng, vật tư, và huy động mọi nguồn vốn vào việc phát triển sản xuất... Những lực lượng sản xuất ấy đang bị kìm hãm vì những sai lầm, thiếu sót trong việc bố trí cơ cấu kinh tế, tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa và trong cơ chế quản lý.

Tư tưởng chỉ đạo của kế hoạch và các chính sách kinh tế là giải phóng mọi năng lực sản xuất hiện có, khai thác mọi khả năng tiềm tàng của đất nước và sử dụng có hiệu quả sự giúp đỡ quốc tế để phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất đi đôi với xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Tư tưởng chỉ đạo đó thể hiện trong các chính sách và biện pháp lớn dưới đây:

1. Bố trí lại cơ cấu sản xuất, điều chỉnh lớn cơ cấu đầu tư

Muốn đưa nền kinh tế sớm thoát khỏi tình trạng rối ren, mất cân đối, phải dứt khoát sắp xếp lại nền kinh tế quốc dân theo cơ cấu hợp lý,trong đó các ngành, các vùng, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất có quy mô và trình độ kỹ thuật khác nhau phải được bố trí cân đối, liên kết với nhau, phù hợp với điều kiện thực tế, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển ổn định. Để thực hiện sự sắp xếp đó, trước hết phải bố trí lại cơ cấu sản xuất, điều chỉnh lớn cơ cấu đầu tư.

Trong những năm còn lại của chặng đường đầu tiên, trước mắt là trong kế hoạch 5 năm 1986-1990, phải thật sự tập trung sức người, sức của vào việc thực hiện cho được ba chương trình mục tiêu về lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, để đến khi kết thúc chặng đường đầu tiên đạt được kết quả như sau:

- Về lương thực, thực phẩm: bảo đảm lương thực đủ ăn cho toàn xã hội và có dự trữ. Đáp ứng một cách ổn định nhu cầu thiết yếu về thực phẩm. Mức tiêu dùng lương thực, thực phẩm phải bảo đảm tái sản xuất sức lao động.

- Về hàng tiêu dùng: sản xuất đáp ứng được nhu cầu bình thường của nhân dân thành thị và nông thôn về những sản phẩm công nghiệp thiết yếu.

- Về hàng xuất khẩu: tạo được một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực; đạt kim ngạch xuất khẩu đáp ứng được phần lớn nhu cầu nhập khẩu vật tư, máy móc, phụ tùng và những hàng hoá cần thiết.

Các chương trình mục tiêu trên cụ thể hóa nội dung chính của công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong chặng đường đầu tiên đã được Đại hội lần thứ V của Đảng xác định.

Yêu cầu cấp bách về lương thực, thực phẩm, về nguyên liệu sản xuất hàng tiêu dùng, về hàng xuất khẩu quyết định vị trí hàng đầu của nông nghiệp. Phải đưa nông nghiệp tiến một bước theo hướng sản xuất lớn, nhằm yêu cầu chủ yếu là tăng nhanh khối lượng và tỷ suất hàng hoá nông sản. Nông nghiệp phải được ưu tiên đáp ứng những nhu cầu về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, về vật tư, về lao động kỹ thuật; những nguồn đầu tư ấy phải được sử dụng có hiệu quả. Đầu tư cho nông nghiệp phải đồng bộ từ sản xuất đến chế biến, vận chuyển, bảo quản để có nhiều sản phẩm cuối cùng. Mở rộng và hoàn chỉnh các hệ thống thuỷ lợi, ứng dụng rộng rãi những thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ sinh học, đưa vào sử dụng phổ biến và ổn định các loại giống mới; đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu về phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc thú y; tăng thêm sức kéo, bảo đảm đủ công cụ thường và công cụ cải tiến, thực hiện từng bước và có trọng điểm việc cơ giới hoá; hạ thấp mức hư hao nông sản trong các khâu thu hoạch, bảo quản, vận chuyển, chế biến; chủ động phòng, chống lụt bão.

Phương châm phát triển nông nghiệp là kết hợp chuyên môn hoá với phát triển toàn diện, cân đối giữa trồng trọt và chăn nuôi, lúa và màu, cây lương thực và cây công nghiệp. Phát triển mạnh cây công nghiệp ngắn ngày; việc mở rộng diện tích cây công nghiệp dài ngày phải chú trọng chất lượng, thâm canh ngay từ đầu. Phát triển nông nghiệp phải lấy thâm canh, tăng vụ là chính, đồng thời mở rộng diện tích một cách vững chắc và có hiệu quả. Sửa đổi, bổ sung các chính sách về đất ruộng và các loại đất khác để quản lý, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên đất.

Phát triển lâm nghiệp theo hướng bảo vệ và sử dụng có hiệu quả tài nguyên rừng, tăng thêm vốn rừng, phát triển có trọng điểm việc trồng rừng tập trung chuyên canh, đẩy nhanh nhịp độ phủ xanh đất trống, đồi núi trọc theo phương thức nông - lâm kết hợp; ngăn chặn nạn phá rừng, cháy rừng; phát triển rộng khắp phong trào trồng cây, chú ý cả cây lấy gỗ, cây làm nguyên liệu và làm củi. Tiến hành tích cực việc định canh, định cư, giao đất, giao rừng cho các đơn vị tập thể và nhân dân sử dụng lâu dài để làm chủ đất rừng như làm chủ đất ruộng. Xây dựng các khu kinh tế tổng hợp lâm - nông - công nghiệp; khai thác, bảo quản, chế biến, sử dụng gỗ và các loại lâm sản khác với hiệu quả kinh tế ngày càng cao.

Hải sản và thuỷ sản nước ngọt, nước lợ là một nguồn lợi lớn. Coi trọng cả đánh bắt và nuôi trồng, đi đôi với giải quyết tốt việc chế biến, vận chuyển để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và tăng nhanh hàng xuất khẩu. Tăng đầu tư và bổ sung chính sách nhằm tận dụng mọi diện tích mặt nước có thể nuôi trồng thuỷ sản. Những diện tích mặt nước mà các cơ sở quốc doanh và tập thể quản lý không sử dụng hết, thì giao cho nhân dân mượn hoặc nhận khoán để mở rộng sản xuất.

Công nghiệp nhẹ và tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp đáp ứng cho được nhu cầu của nhân dân về những loại hàng thông thường, bảo đảm yêu cầu chế biến nông, lâm, thuỷ sản, tăng nhanh việc làm hàng gia công xuất khẩu và các mặt hàng xuất khẩu khác, đồng thời mở rộng mặt hàng đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Khai thác triệt để mọi nguồn nguyên liệu; tận dụng các loại phế liệu; tranh thủ nguồn nguyên liệu gia công của nước ngoài.

Phát triển công nghiệp nhẹ trước hết dựa vào việc tổ chức lại sản xuất, đầu tư chiều sâu và đầu tư đồng bộ để tận dụng công suất thiết bị của các cơ sở hiện có; coi trọng các cơ sở có năng lực và hiệu suất chế biến cao. Sử dụng hợp lý khả năng sản xuất hàng tiêu dùng của các xí nghiệp công nghiệp nặng, xí nghiệp quốc phòng. Có chính sách đúng đắn huy động rộng rãi nguồn vốn và kỹ thuật của nhân dân, kể cả của Việt kiều, để phát triển các cơ sở làm ra nguyên liệu và cơ sở chế biến dưới nhiều hình thức. Phát triển và củng cố các cơ sở kinh tế quốc doanh trong những khâu chi phối quá trình sản xuất và lưu thông.

Các cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng phải gắn chặt với thị trường, nắm chắc nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng. Các tổ chức thương nghiệp xã hội chủ nghĩa vươn lên làm đúng vai trò đại diện cho người tiêu dùng, đặt hàng và ký hợp đồng với cơ sở sản xuất. Áp dụng hình thức đấu thầu để ưu tiên đặt hàng và cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở làm ra sản phẩm tốt, giá rẻ, không phân biệt đó là cơ sở quốc doanh hay tập thể. Các cơ sở làm ăn kém cỏi mà không vư­ơn lên được, thì phải thay đổi ph­ương hướng sản xuất, thu hẹp sản xuất hoặc giải thể.

Việc phát triển công nghiệp nặng xây dựng kết cấu hạ tầng phải nhằm phục vụ các mục tiêu kinh tế, quốc phòng trong chặng đường đầu tiên, và theo khả năng thực tế, chuẩn bị tiền đề cho sự phát triển kinh tế trong chặng đường tiếp theo. Ưu tiên phát triển công nghiệp năng lượng (điện than, dầu khí). Ngành công nghiệp cơ khí của tất cả các bộ và các địa phương phải được sắp xếp lại, đồng bộ hoá, chuyên môn hoá, từng bước đổi mới thiết bị. Trong công nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật liệu, chú ý đến nguyên liệu khoáng sản và các nguyên liệu khác để sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc thú y; sử dụng hết năng lực hiện có và phát triển thêm một số cơ sở nhỏ về vật liệu xây dựng, hoá chất, kim loại. Sản phẩm nào mà công nghiệp nặng nhất thiết phải tạo ra trong nước để phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, thì cố gắng làm với quy mô và kỹ thuật thích hợp. Những sản phẩm nào trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất chưa đủ, thì thông qua xuất khẩu để nhập khẩu. Nông nghiệp và các ngành công nghiệp nhẹ phải tạo ra sản phẩm xuất khẩu đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu của mình và đóng góp ngoại tệ cho Nhà nước. Không bố trí xây dựng công nghiệp nặng vượt quá điều kiện và khả năng thực tế, ngay cả để phục vụ nông nghiệp và công nghiệp nhẹ.

Về kết cấu hạ tầng, chú trọng phát triển giao thông vận tải và thông tin liên lạc: bảo dưỡng, nâng cấp, đồng bộ hoá và chấn chỉnh tổ chức quản lý để sử dụng có hiệu quả những cái đã có, chọn lọc xây dựng thêm những cơ sở cần thiết bảo đảm cho sản xuất, lưu thông hàng hoá, phục vụ đời sống nhân dân và chuẩn bị cho việc đẩy mạnh công nghiệp hoá. Ưu tiên phát triển giao thông vận tải đường thuỷ, tăng tỷ trọng vận tải đường sắt, sắp xếp hợp lý vận tải đ­ờng bộ, phát triển vận tải đường không. Động viên các tổ chức kinh tế tập thể và nhân dân góp sức, góp vốn mở mang đường giao thông nông thôn, miền núi, phát triển các phương tiện vận tải, nhất là phương tiện thô sơ, nửa cơ giới. Khắc phục sự ách tắc trong vận tải hàng hoá, cải thiện một bước sự đi lại của nhân dân. Nâng cao năng lực, chất lượng phục vụ và giảm nhẹ tình trạng lạc hậu về thông tin liên lạc, hiện đại hoá những khâu có điều kiện.

Đi đôi với việc tăng thêm nguồn điện, cần xây dựng cân đối mạng lưới dẫn điện. Các thành phố và thị xã phải xây dựng và cải tạo mạng lưới cấp nước, thoát nước và hệ thống cống rãnh.

Phát triển rộng rãi các loại hoạt động dịch vụ: kỹ thuật, phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

Theo phương hướng nêu trên, ba chương trình mục tiêu về lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu phải được xây dựng khẩn trương để triển khai thực hiện trong kế hoạch 1986-1990 như nhiệm vụ trung tâm về kinh tế - xã hội của tất cả các ngành và các cấp.

Các chương trình này phải hiện thực, bảo đảm cân đối giữa mục tiêu, phương tiện, biện pháp, chính sách. Đối với mỗi loại sản phẩm, phải tính đến tất cả các yếu tố của chu trình tái sản xuất, từ điều kiện sản xuất đến chế biến, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ, phải giải quyết đồng bộ cả về kỹ thuật, tổ chức sản xuất và chính sách kinh tế.

Cả ba chương trình phải kết hợp kinh tế với quốc phòng, coi trọng việc phân bố lực lượng sản xuất trên các vùng lãnh thổ, nhằm phát huy thế mạnh của các vùng trong mối quan hệ liên kết, bổ sung cho nhau theo quan điểm phát triển kinh tế hàng hoá, mở rộng trao đổi trong nước và với nước ngoài, khắc phục khuynh hướng tự cấp, tự túc. Kết hợp chặt chẽ giữa nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp, giữa sản xuất và lưu thông, dịch vụ trên địa bàn từng huyện, từng tỉnh, từng vùng kinh tế. Kinh tế trên địa bàn huyện có vị trí quan trọng trong việc xây dựng và thực hiện ba chương trình mục tiêu. Phương hướng xây dựng huyện không phải là tạo ra một bộ máy quản lý hành chính - kinh tế nặng nề, mà phải phát triển, củng cố, sắp xếp, liên kết các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế khác nhau nhằm khai thác tốt nhất lao động, đất đai, rừng, biển, ngành nghề trên địa bàn huyện.

Theo phương hướng bố trí lại cơ cấu kinh tế, phải điều chỉnh lớn cơ cấu đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước nhằm tập trung cho việc thực hiện ba chương trình mục tiêu nói trên và bảo đảm phát huy hiệu quả. Việc xác định hiệu quả đầu tư phải chú ý tới yêu cầu tốn ít vốn, tạo ra nhiều việc làm, đưa công trình vào sử dụng nhanh.

Phải soát xét thật chặt chẽ các công trình xây dựng dở dang, kể cả công trình trên hạn ngạch và dưới hạn ngạch, của cả trung ương và địa phương, trong tất cả các ngành, cũng như các công trình chưa khởi công, nhưng đã ký nhập thiết bị toàn bộ của nước ngoài. Kiên quyết giãn tiến độ hoặc đình hẳn việc xây dựng những công trình chưa thật sự cấp bách hoặc làm xong sẽ không đủ điều kiện sử dụng có hiệu quả, hoặc xét trong khả năng cân đối chung, cần dành ưu tiên cho các công trình khác. Tập trung sức hoàn thành nhanh và đồng bộ một số công trình trọng điểm. Cùng với việc lựa chọn chặt chẽ các công trình chuyển tiếp, cần ưu tiên đầu tư đồng bộ và đầu tư chiều sâu cho các cơ sở hiện có. Việc xây dựng thêm công trình mới chỉ đặt ra khi các cơ sở hiện có, dù được mở rộng thêm, cũng không đáp ứng được yêu cầu, và phải nhằm đúng phương hướng, mục tiêu đã định, làm quy mô nhỏ và vừa là chính, tranh thủ kỹ thuật tiến bộ, bảo đảm xây dựng nhanh, đưa vào sử dụng kịp thời từng phần công trình.

Phương châm chỉ đạo này cũng phải được thấu suốt trong việc xây dựng các cơ sở về khoa học - kỹ thuật, giáo dục, y tế, văn hoá. Đầu tư có trọng điểm để giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân, viên chức, chú ý sửa chữa nhà cửa cũ, đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân xây dựng thêm ở cả thành thị và nông thôn.

Việc đầu tư cho sự nghiệp phát triển kinh tế trong chặng đường tiếp theo phải được chuẩn bị chu đáo, trước hết là đối với các công trình gối đầu.

Đi đôi với việc điều chỉnh phương hướng và cơ cấu đầu tư, phải quy định lại chế độ, thể lệ đầu tư nhằm nêu cao trách nhiệm trong việc xây dựng phương án và quyết định chủ trương đầu tư, đặc biệt là đối với các công trình lớn do Trung ương quyết định. Tránh xét duyệt riêng rẽ từng công trình tách khỏi các quan hệ cân đối chung. Gắn trách nhiệm và lợi ích vật chất của đơn vị chủ đầu tư với hiệu quả đầu tư. Kiểm soát chặt chẽ toàn bộ các công trình xây dựng cơ bản của khu vực nhà nước, bất kể thuộc nguồn vốn nào. Thực hiện chế độ đấu thầu xây dựng theo tiêu chuẩn bảo đảm thời hạn huy động, chất lượng công trình và giảm chi phí xây lắp.

Muốn dứt khoát chuyển hướng trong việc bố trí cơ cấu sản xuất, cơ cấu đầu tư, phải đổi mới cách nghĩ và cách làm, dám thừa nhận và thay đổi những quyết định sai lầm, dám xử lý kiên quyết những trường hợp phức tạp. Tất cả các ngành, các địa phương và đơn vị cơ sở phải chủ động, quyết tâm sắp xếp lại sản xuất và xây dựng trong phạm vi của mình, cùng với Trung ương thực hiện việc điều chỉnh lớn cơ cấu sản xuất và đầu tư trong cả nước, quyết giành lại thế chủ động để ổn định tình hình kinh tế - xã hội.

2. Xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, sử dụng và cải tạo đúng đắn các thành phần kinh tế

Muốn phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, đi đôi với việc bố trí lại cơ cấu sản xuất, cơ cấu đầu tư theo ngành và theo vùng, phải xác định đúng cơ cấu thành phần kinh tế.

Trong xã hội ta, còn nhiều người có sức lao động chưa có việc làm và chưa sử dụng hết thời gian lao động. Khả năng thu hút sức lao động của khu vực nhà nước trong những năm trước mắt còn có hạn. Cũng không thể đưa tất cả những người làm ăn cá thể vào các tổ chức kinh tế tập thể trong một thời gian ngắn. Có những ngành, nghề đưa vào làm ăn tập thể chưa bảo đảm hiệu quả. Trong khi nguồn vốn của Nhà nước và của tập thể còn eo hẹp, thì nguồn vốn còn dư trong nhân dân hầu như chỉ đưa vào tiêu dùng hoặc cất giữ và mua hàng tích trữ. Phải có chính sách mở đường cho người lao động tự tạo ra việc làm, kích thích mọi người đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm tiêu dùng để tích luỹ, mở rộng tái sản xuất trên quy mô toàn xã hội.

Xuất phát từ sự đánh giá những tiềm năng tuy phân tán nhưng rất quan trọng trong nhân dân, cả về sức lao động, kỹ thuật, tiền vốn, khả năng tạo việc làm, chúng ta chủ trương: đi đôi với việc phát triển kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, tăng cường nguồn tích luỹ tập trung của Nhà nước và tranh thủ vốn ngoài nước, cần có chính sách sử dụng và cải tạo đúng đắn các thành phần kinh tế khác.

Chính sách đó cho phép sử dụng nhiều hình thức kinh tế với quy mô và trình độ kỹ thuật thích hợp trong từng khâu của quá trình sản xuất và lưu thông nhằm khai thác mọi khả năng của các thành phần kinh tế liên kết với nhau, trong đó kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo. Đó là một giải pháp có ý nghĩa chiến lược, góp phần giải phóng và khai thác mọi khả năng để phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý.

Giải pháp đó xuất phát từ thực tế của nước ta và là sự vận dụng quan điểm của Lênin coi nền kinh tế có cơ cấu nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ. Ở nước ta, các thành phần đó là:

- Kinh tế xã hội chủ nghĩa bao gồm khu vực quốc doanh và khu vực tập thể, cùng với bộ phận kinh tế gia đình gắn liền với thành phần đó.

- Các thành phần kinh tế khác gồm: kinh tế tiểu sản xuất hàng hoá (thợ thủ công, nông dân cá thể, những người buôn bán và kinh doanh dịch vụ cá thể); kinh tế tư bản tư nhân; kinh tế tư bản nhà nước dưới nhiều hình thức, mà hình thức cao là công tư hợp doanh; kinh tế tự nhiên, tự cấp, tự túc trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và các vùng núi cao khác.

Chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa phải xuất phát từ đặc trưng nói trên mà đề ra những chủ trương và biện pháp đúng đắn.

Theo quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa phải có bước đi và hình thức thích hợp. Kinh nghiệm thực tế chỉ rõ: lực lượng sản xuất bị kìm hãm không chỉ trong trường hợp quan hệ sản xuất lạc hậu, mà cả khi quan hệ sản xuất phát triển không đồng bộ, có những yếu tố đi quá xa so với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Tình hình thực tế của nước ta đòi hỏi phải coi trọng những hình thức kinh tế trung gian, quá độ từ thấp lên cao, từ quy mô nhỏ lên quy mô lớn. Trong mỗi bước đi của quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa, phải đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, tạo ra lực lượng sản xuất mới; trên cơ sở đó tiếp tục đưa quan hệ sản xuất lên hình thức và quy mô mới thích hợp để thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển.

Cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ sản xuất mới bao gồm cả ba mặt: xây dựng chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, chế độ quản lý và chế độ phân phối xã hội chủ nghĩa. Tuy chế độ công hữu về tư liệu sản xuất là nền tảng của quan hệ sản xuất mới, nhưng khi chế độ quản lý và chế độ phân phối không phù hợp, thì ngay cả các tổ chức kinh tế thuộc sở hữu toàn dân, được trang bị kỹ thuật cao hơn, cũng làm ăn kém hiệu quả. Xây dựng quan hệ sản xuất mới về cả ba mặt, làm cho nó thật sự mang bản chất xã hội chủ nghĩa, gắn với mỗi bước phát triển của lực lượng sản xuất, là công việc to lớn, không thể làm xong trong một thời gian ngắn.

Mười năm qua, hai kỳ đại hội Đảng đều ghi vào nghị quyết nhiệm vụ căn bản hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa trong nhiệm kỳ đại hội đó, song đều chưa thực hiện được. Cuộc sống cho ta một bài học thấm thía là không thể nóng vội làm trái quy luật. Nay phải sửa lại cho đúng như sau: đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, với những hình thức và bước đi thích hợp, làm cho quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, luôn luôn có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất.

Trong những năm trước mắt, để tiến hành vững chắc công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa, phát huy tác dụng tích cực của cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, điều quan trọng nhất là củng cố và phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa, trước hết là làm cho kinh tế quốc doanh thật sự giữ vai trò chủ đạo, chi phối được các thành phần kinh tế khác.

Phải đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm cho các đơn vị kinh tế quốc doanh có quyền tự chủ, thật sự chuyển sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động kinh tế. Sắp xếp lại sản xuất, tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật và đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Trên cơ sở đó, ổn định và từng bước nâng cao tiền lương thực tế của công nhân, viên chức, tăng tích luỹ cho xí nghiệp và cho Nhà nước. Kinh tế quốc doanh chủ động mở rộng liên kết với các thành phần kinh tế khác, hướng các thành phần đó vào quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội.

Để củng cố kinh tế tập thể, phải nâng cao trình độ tổ chức, quản lý và tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật đi đôi với thực hiện quan hệ trao đổi và liên kết với kinh tế quốc doanh, kinh tế gia đình, trước hết là về mặt cung ứng vật tư, nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm. Trong nông nghiệp, giải quyết đúng đắn quan hệ giữa Nhà nước, kinh tế quốc doanh với hợp tác xã, đồng thời cải tiến quản lý nội bộ hợp tác xã, hoàn thiện phương thức khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động, gắn liền việc xây dựng quan hệ sản xuất mới, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật với xây dựng nông thôn mới. Các tập đoàn sản xuất ở Nam Bộ phải được củng cố theo đúng tính chất tổ chức kinh tế tập thể. Việc đưa các tập đoàn sản xuất lên hợp tác xã bậc cao, quy mô lớn phải căn cứ vào các điều kiện cụ thể đã chín muồi, không làm vội vã.

Kinh tế gia đình có vị trí quan trọng và khả năng dồi dào, cần được khuyến khích và giúp đỡ phát triển trong mối quan hệ hỗ trợ và gắn bó với kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể. Trên nguyên tắc bảo đảm trách nhiệm và nghĩa vụ đối với nhà nước và tập thể, gia đình công nhân, viên chức, gia đình xã viên có thể mở rộng sản xuất bằng lao động của gia đình mình, kinh doanh trong các ngành nghề theo đúng pháp luật và chính sách. Thu nhập của kinh tế gia đình không những góp phần cải thiện đời sống, mà còn là một nguồn tích luỹ để tái sản xuất mở rộng.

Nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa đặt ra cho chặng đường đầu tiên là kinh tế xã hội chủ nghĩa với khu vực quốc doanh làm nòng cốt phải giành được vai trò quyết định trong nền kinh tế quốc dân, cụ thể là chiếm tỷ trọng lớn cả trong sản xuất và lưu thông, thể hiện được tính ưu việt và chi phối được các thành phần kinh tế khác thông qua liên kết kinh tế.

Đối với kinh tế tiểu sản xuất hàng hoá, Nhà nước thừa nhận sự cần thiết của bộ phận kinh tế này trong thời kỳ quá độ, hướng dẫn và giúp đỡ nó sản xuất, kinh doanh, liên kết với kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể. Vận động những người lao động cá thể đi vào làm ăn tập thể theo nguyên tắc tự nguyện và cùng có lợi. Không nên có thành kiến, phân biệt đối xử, gây khó khăn cho những người lao động cá thể chưa mưuốn tham gia các tổ chức kinh tế tập thể hoặc xin rút ra khỏi các tổ chức đó.

Đối với tiểu thương, thông qua nhiều hình thức tuỳ theo ngành hàng, để sắp xếp, cải tạo và sử dụng họ thành lực lượng bổ sung cho thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, giúp đỡ số người không cần thiết trong lĩnh vực lưu thông chuyển sang sản xuất và dịch vụ.

Nhà nước cho phép những nhà tư sản nhỏ sử dụng vốn, kiến thức kỹ thuật và quản lý của họ để tổ chức sản xuất, kinh doanh trong một số ngành, nghề thuộc khu vực sản xuất và dịch vụ ở những nơi cần thiết trong cả nước. Quy mô và phạm vi hoạt động của các cơ sở kinh tế tư bản tư nhân được quy định tuỳ theo ngành nghề và mặt hàng. Hoạt động của kinh tế tư bản tư nhân được hướng dẫn đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội bằng nhiều hình thức của kinh tế tư bản nhà nước, thông qua sự kiểm soát của Nhà nước và sự liên kết với kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể. Kinh tế tư bản nhà nước là hình thức kinh tế quá độ, có thể được tổ chức từ thấp đến cao, từ đại lý cung ứng và tiêu thụ hàng hoá, làm gia công, cho đến hợp doanh với nhà nước.

Trong lĩnh vực lưu thông, phải xoá bỏ thương nghiệp tư bản tư nhân. Đối với một số người buôn bán loại vừa, có tay nghề trong một số ngành hàng tươi sống, Nhà nước dùng hình thức liên doanh để sử dụng họ kinh doanh theo pháp luật và chính sách.

Như vậy, quá trình sử dụng kinh tế tiểu sản xuất hàng hoá và kinh tế tư bản tư nhân luôn luôn gắn liền với quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần đó bằng nhiều hình thức.

Thừa nhận sự tồn tại của kinh tế tiểu sản xuất hàng hoá và kinh tế tư bản tư nhân, thì đương nhiên cũng phải thường xuyên đấu tranh với xu hướng tự phát tư bản chủ nghĩa và những mặt tiêu cực trong hoạt động kinh tế của các thành phần đó. Nhà nước dùng pháp luật và chính sách, dựa vào sức mạnh của kinh tế xã hội chủ nghĩa để kiểm soát và chi phối các thành phần kinh tế đó theo phương châm "sử dụng để cải tạo, cải tạo để sử dụng tốt hơn".

Cần sửa đổi, bổ sung và công bố rộng rãi chính sách nhất quán đối với các thành phần kinh tế. Những quy định có tính nguyên tắc phải trở thành pháp luật để mọi người yên tâm, mạnh dạn kinh doanh.

Xoá bỏ những thành kiến thiên lệch trong sự đánh giá và đối xử với người lao động thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Nhà nước có chính sách ưu đãi về kinh tế (như chính sách đầu tư, thuế, tín dụng...) đối với thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa; song về pháp luật phải thực hiện nguyên tắc bình đẳng. Những người làm ra của cải và những việc có ích cho xã hội, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật và chính sách đều được tôn trọng, được quyền hưởng thu nhập tương xứng với kết quả lao động, kinh doanh hợp pháp của họ. Đối với những kẻ lười biếng, ăn bám, phải phê phán và cưỡng bức lao động. Những kẻ phạm pháp đều bị trừng trị theo pháp luật. Ai vi phạm hợp đồng kinh tế, đều bị xử phạt và phải bồi thường. Đó là chính sách nhất quán đối với mọi công dân, không phân biệt họ thuộc thành phần kinh tế nào. Quan điểm đó phải thấu suốt trong các chính sách cụ thể, trong công tác tuyên truyền, giáo dục và văn hoá, để xây dựng những nhận thức đúng đắn trong nhân dân, tạo nên môi trường tâm lý xã hội thuận lợi cho việc thực hiện chính sách sử dụng và cải tạo nền kinh tế nhiều thành phần.

3. Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế

Việc bố trí lại cơ cấu kinh tế phải đi đôi với đổi mới cơ chế quản lý kinh tế.

Cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp từ nhiều năm nay không tạo được động lực phát triển, làm suy yếu kinh tế xã hội chủ nghĩa, hạn chế việc sử dụng và cải tạo các thành phần kinh tế khác, kìm hãm sản xuất, làm giảm năng suất, chất lượng, hiệu quả, gây rối loạn trong phân phối lưu thông, và đẻ ra nhiều hiện tượng tiêu cực trong xã hội.

Cơ chế đó quản lý nền kinh tế bằng mệnh lệnh hành chính là chủ yếu, với hệ thống chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh chi tiết từ trên giao xuống, không phù hợp với nguyên tắc tập trung dân chủ. Các cơ quan quản lý hành chính - kinh tế can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị cơ sở, nhưng lại không chịu trách nhiệm gì về vật chất đối với các quyết định của mình; các đơn vị kinh tế cơ sở vừa không có quyền tự chủ, vừa không bị ràng buộc trách nhiệm với kết quả sản xuất, kinh doanh.

Cơ chế đó chưa chú ý đầy đủ đến quan hệ hàng hoá - tiền tệ và hiệu quả kinh tế, dẫn tới cách quản lý và kế hoạch hoá thông qua chế độ cấp phát và giao nộp theo quan hệ hiện vật là chủ yếu, hạch toán kinh tế chỉ là hình thức, không ràng buộc trách nhiệm và lợi ích vật chất đối với hiệu quả sử dụng tiền vốn, tài sản, vật tư, lao động, tách rời việc trả công lao động với số lượng và chất lượng lao động.

Cơ chế đó đẻ ra bộ máy quản lý cồng kềnh, với những cán bộ quản lý kém năng động, không thạo kinh doanh, với phong cách quản lý quan liêu, cửa quyền.

Cơ chế cũ gắn liền với tư duy kinh tế dựa trên những quan niệm giản đơn về chủ nghĩa xã hội, mang nặng tính chất chủ quan, duy ý chí.

Phương hướng đổi mới cơ chế quản lý kinh tế đã được khẳng định là xoá bỏ tập trung quan liêu, bao cấp, xây dựng cơ chế mới phù hợp với quy luật khách quan và với trình độ phát triển của nền kinh tế.

Ngay sau khi giành chính quyền, nắm được những mạch máu kinh tế chủ yếu của đất nước, Nhà nước xã hội chủ nghĩa có điều kiện và nhất thiết phải quản lý nền kinh tế quốc dân theo một kế hoạch thống nhất. Tính kế hoạch là đặc trưng số một của cơ chế quản lý kinh tế ngay từ buổi đầu của thời kỳ quá độ.

Quá trình từ sản xuất nhỏ đi lên sản xuất lớn ở nước ta là quá trình chuyển hoá nền kinh tế còn nhiều tính chất tự cấp, tự túc thành nền kinh tế hàng hoá. Chúng ta đang quản lý có kế hoạch một nền kinh tế sản xuất hàng hoá với những đặc điểm của thời kỳ quá độ. Việc sử dụng đầy đủ và đúng đắn quan hệ hàng hoá - tiền tệ trong kế hoạch hoá nền kinh tế quốc dân là một tất yếu khách quan. Sử dụng đúng đắn quan hệ hàng hoá - tiền tệ là đặc trưng thứ hai của cơ chế mới về quản lý kinh tế mà chúng ta đang xây dựng.

Việc sử dụng quan hệ hàng hoá - tiền tệ đòi hỏi sản xuất phải gắn với thị trường, mọi hoạt động kinh tế phải so sánh chi phí với hiệu quả, các tổ chức và đơn vị kinh tế phải tự bù đắp chi phí và có lãi để tái sản xuất mở rộng, tức là phải thực hiện hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa.

Muốn kế hoạch hoá quá trình tái sản xuất hàng hoá, phải vận dụng tổng hợp hệ thống các quy luật đang tác động lên nền kinh tế. Trong hệ thống các quy luật đó, quy luật kinh tế cơ bản cùng với các quy luật đặc thù khác của chủ nghĩa xã hội ngày càng phát huy vai trò chủ đạo, được vận dụng trong một thể thống nhất với các quy luật của sản xuất hàng hoá, đặc biệt là quy luật giá trị, quan hệ cung cầu... Kế hoạch hoá phải luôn luôn gắn liền với việc sử dụng đúng đắn các đòn bẩy kinh tế. Nền kinh tế phải được quản lý bằng các phương pháp kinh tế là chủ yếu, với động lực thúc đẩy là sự kết hợp hài hoà lợi ích của toàn xã hội, lợi ích của tập thể và lợi ích riêng của người lao động. Mức thu nhập của tập thể và của người lao động phải phụ thuộc vào kết quả lao động và hiệu quả kinh tế.

Các đơn vị kinh tế quốc doanh và tập thể là những đơn vị sản xuất hàng hoá xã hội chủ nghĩa, có quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh, tự chủ về tài chính. Các tập thể lao động thật sự có vai trò của người làm chủ trong việc tổ chức và quản lý sản xuất, kinh doanh.

Những điều nêu trên dẫn tới yêu cầu phân cấp kế hoạch hoá và quản lý kinh tế theo nguyên tắc tập trung dân chủ, trên cơ sở phân biệt rõ chức năng quản lý hành chính - kinh tế của các cơ quan nhà nước trung ương và địa phương với chức năng quản lý sản xuất - kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở.

Đi đôi với việc xác định đúng chức năng, nhiệm vụ quản lý của các cấp, các ngành, phải đổi mới cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý, đổi mới công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có phẩm chất và năng lực đáp ứng được yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý. Việc bố trí đúng những cán bộ có trách nhiệm chủ yếu trong các cơ quan quản lý kinh tế ở trung ương, địa phương và các cơ sở kinh tế lớn là vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với việc xây dựng và vận hành cơ chế quản lý mới.

Thực chất của cơ chế mới về quản lý kinh tế là cơ chế kế hoạch hoá theo phương thức hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, đúng nguyên tắc tập trung dân chủ.

Đổi mới cơ chế quản lý là một quá trình cải cách có ý nghĩa cách mạng sâu sắc, là cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, cái tiến bộ và cái lạc hậu. Cuộc đấu tranh để đổi mới không những bị sức mạnh của thói quen níu lại, mà còn vấp phải những đặc quyền, đặc lợi của một số người gắn bó với cơ chế cũ. Đây là cuộc đấu tranh trong nội bộ đảng và cơ quan nhà nước, đấu tranh giữa những người đồng chí, đấu tranh với chính bản thân mình. Khó khăn, phức tạp là ở chỗ đó. Chúng ta phải khắc phục trở ngại chính hiện nay là tư tưởng bảo thủ mưuốn quay trở lại cơ chế cũ đã quen thuộc, do dự không dám giải quyết những vấn đề đã chín muồi.

Phương hướng và nội dung chủ yếu của việc đổi mới cơ chế quản lý đã được xác định. Song điều quan trọng và khó khăn hơn là tìm ra được những hình thức kinh tế cụ thể, bước đi và nội dung đổi mới trong từng bước. Chúng ta còn ít kinh nghiệm; vì thế phải coi trọng việc nghiên cứu, học tập, thử nghiệm, tổng kết thực tiễn. Khuynh hướng nóng vội, giản đơn mưuốn đổi mới xong xuôi trong một thời gian ngắn là không phù hợp với thực tế.

Trong quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, phải nắm vững những vấn đề có tính nguyên tắc dưới đây:

Thực hiện tập trung dân chủ trong quản lý kinh tế.

Tình trạng tập trung quan liêu trong công tác quản lý và điều hành còn nặng. Tình trạng phân tán, vô tổ chức trong hoạt động kinh tế cũng phổ biến.

Phải lập lại trật tự, kỷ cương trong quản lý kinh tế, xã hội. Chính cơ chế quản lý còn nặng tính chất tập trung quan liêu, vừa gò bó cấp dưới, vừa làm giảm hiệu lực quản lý tập trung là nguyên nhân trực tiếp làm rối loạn trật tự, kỷ cương. Vì vậy, không thể khắc phục sự rối ren bằng cách quay trở lại cơ chế cũ, mà phải kiên quyết thực hiện phân cấp quản lý theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

Việc phân cấp quản lý phải bảo đảm quyền làm chủ của ba cấp: quyền quyết định của trung ương (bao gồm cả các ngành trung ương) đối với những lĩnh vực then chốt, những vấn đề có ý nghĩa chiến lược, bảo đảm cho sự phát triển cân đối của toàn bộ nền kinh tế; quyền chủ động của các địa phương trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý kinh tế - xã hội trên địa bàn lãnh thổ; quyền tự chủ sản xuất - kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở và vai trò làm chủ của các tập thể lao động. Trong sự phân công, phân cấp quản lý, trách nhiệm phải đi đôi với quyền hạn, nghĩa vụ gắn liền với lợi ích.

Yêu cầu cấp bách là thể hiện những nguyên tắc đó trong các lĩnh vực quản lý cụ thể đang có nhiều vướng mắc, như kế hoạch hoá, quản lý vật tư, hàng hoá, xuất khẩu, nhập khẩu, ngoại tệ, đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính, tiền tệ, giá cả, lao động, tiền lương.

Vai trò quản lý kinh tế của các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương, nói cho cùng, là nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở kinh tế hoạt động có hiệu quả. Nhà nước kiểm soát và điều khiển các xí nghiệp và đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế bằng pháp luật, chính sách kinh tế, chính sách tiến bộ kỹ thuật, thay cho sự can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của xí nghiệp. Pháp luật quy định những giới hạn mà các xí nghiệp không được vi phạm. Các chính sách buộc các xí nghiệp tự lựa chọn các quyết định về sản xuất, kinh doanh có lợi nhất theo phương hướng của kế hoạch nhà nước. Cần có những quy định bảo đảm sự kiểm tra, giám sát thống nhất của Nhà nước đối với toàn bộ hoạt động của các đơn vị cơ sở. Những hiện tượng giấu giếm, khai man, hạch toán và báo cáo sai sự thật phải bị xử lý.

Việc xây dựng chế độ tự chủ sản xuất, kinh doanh của các xí nghiệp và chế độ làm chủ tập thể của quần chúng lao động ở cơ sở phải được tiếp tục bổ sung, sửa đổi qua thử nghiệm, tổng kết thực tiễn. Trên cơ sở đó mà làm rõ và giải quyết đúng đắn chức năng, nhiệm vụ và sự phân cấp quản lý hành chính - kinh tế giữa trung ương và địa phương, giữa tỉnh và huyện.

Nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý kinh tế đòi hỏi phải đề cao kỷ luật và pháp luật. Sự chỉ đạo và điều hành từ trên xuống dưới, trước hết là từ các cơ quan trung ương, phải thống nhất theo nghị quyết của Đảng và Nhà nước, theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã được xác định. Cấp dưới phải phục tùng cấp trên; cấp trên phải chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.

Đổi mới kế hoạch hoá.

Kế hoạch kinh tế quốc dân trong những năm tới phải bảo đảm thực hiện phương hướng sắp xếp lại nền kinh tế, bố trí đúng cơ cấu sản xuất, cơ cấu đầu tư theo các chương trình mục tiêu. Các cân đối kế hoạch được xây dựng từ cơ sở và tổng hợp từ dưới lên, với sự hướng dẫn và điều hoà của trung ương. Kết hợp chặt chẽ kế hoạch hoá theo ngành và kế hoạch hoá trên địa bàn lãnh thổ.

Với quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh, các đơn vị kinh tế cơ sở chủ động tiếp cận nhu cầu của thị trường, khai thác mọi khả năng để phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch nhà nước. Hợp đồng kinh tế giữa các đơn vị sản xuất, kinh doanh vừa là cơ sở để xây dựng kế hoạch vừa là công cụ pháp lý bảo đảm cho việc thực hiện kế hoạch. Cần tăng cường chế độ hợp đồng kinh tế và bảo đảm hiệu lực của nó bằng chế độ trọng tài kinh tế nhà nước.

Nhà nước sử dụng các đòn bẩy kinh tế cả trong kế hoạch hoá trực tiếp và kế hoạch hoá gián tiếp để bảo đảm thực hiện những ph­ương hướng, mục tiêu của kế hoạch kinh tế quốc dân. Việc giao kế hoạch pháp lệnh chỉ hạn chế trong một số chỉ tiêu thật cần thiết nhằm bảo đảm những cân đối cơ bản và những nghĩa vụ cam kết với nước ngoài. Phấn đấu xây dựng từng bước lực lượng dự trữ của Nhà nước để chủ động xử lý những trường hợp bất thường trong quá trình thực hiện kế hoạch.

Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và các cơ quan khác ở trung ương có chức năng quản lý hành chính - kinh tế được giải thoát bớt những công việc sự vụ, phải tập trung nhiều hơn vào việc nghiên cứu chiến lược kinh tế - xã hội, xây dựng kế hoạch dài hạn và trung hạn, bảo đảm các quan hệ cân đối tổng hợp trong nền kinh tế, xây dựng chính sách và luật lệ kinh tế. Đó là những yếu tố quan trọng để từng bước nâng cao chất lượng kế hoạch hoá nền kinh tế quốc dân.

Sử dụng tốt các đòn bẩy kinh tế.

Để kích thích sản xuất phát triển, lập lại trật tự và ổn định thị trường, phải có chính sách mở rộng giao lưu hàng hoá, xoá bỏ tình trạng ngăn sông, cấm chợ, chia cắt thị trường theo địa giới hành chính.

Trong nền kinh tế còn nhiều thành phần, bên cạnh sự lưu thông hàng hoá của thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, còn có thị trường tự do bao gồm hoạt động mua bán trực tiếp giữa người sản xuất và người tiêu dùng trong dân cư và hoạt động lưu thông, dịch vụ của những người kinh doanh tư nhân ở cả thành thị và nông thôn. Nhà nước sử dụng những biện pháp có hiệu quả để cải tạo và xoá bỏ thương nghiệp tư bản tư nhân, nghiêm trị bọn đầu cơ, buôn lậu. Nhưng không thể xoá bỏ thương nghiệp nhỏ tự do theo ý mưuốn chủ quan bằng mệnh lệnh hành chính, mà chỉ có thể thu hẹp nó bằng sự thay thế tốt hơn của thương nghiệp xã hội chủ nghĩa và biết sử dụng nó trong những lĩnh vực mà thương nghiệp xã hội chủ nghĩa chưa thể kinh doanh tốt hoặc chưa cần kinh doanh.

Kinh nghiệm của nhiều địa phương và cơ sở cho thấy: nếu biết kinh doanh, biết vận dụng những biện pháp kinh tế là chủ yếu, kết hợp với biện pháp giáo dục và hành chính, được sự tham gia trực tiếp của quần chúng nhân dân, thì thương nghiệp xã hội chủ nghĩa hoàn toàn có khả năng thực hiện được độc quyền kinh doanh những mặt hàng thiết yếu và làm chủ được thị trường.

Đối với những mặt hàng hoàn toàn do kinh tế quốc doanh sản xuất hoặc nhập khẩu, đương nhiên, thương nghiệp quốc doanh độc quyền bán trên thị trường và Nhà nước có biện pháp hành chính để bảo đảm sự độc quyền ấy. Nhưng ngay đối với những vật tư, hàng hoá đó, biện pháp kinh tế cũng rất quan trọng. Chính sách giá cả và phương thức mưua bán không hợp lý thì không thể ngăn chặn được chúng chạy ra thị trường tự do bằng nhiều con đường ngang tắt.

Đối với những sản phẩm do các thành phần kinh tế ngoài khu vực quốc doanh sản xuất, biện pháp chủ yếu để các tổ chức kinh tế quốc doanh nắm được sản phẩm hàng hoá là có chính sách giá cả và phương thức mưua bán thích hợp theo nguyên tắc thoả thuận, chủ yếu là thông qua hợp đồng kinh tế với người sản xuất. Chính sách kinh tế đúng đắn đi đôi với công tác điều tra, phát hiện, trừng trị bọn đầu cơ, buôn lậu là những biện pháp có hiệu quả để xoá bỏ chợ đen. Chính sách ép giá và phương thức mưua bán phiền hà, đi đôi với các biện pháp ngăn cấm hay hạn chế nông dân và người sản xuất tiêu thụ hàng hoá trên thị trường sẽ đẩy họ vào thế đối phó với Nhà nước bằng cách giữ hàng không bán, bán lén lút cho tư thương, hoặc thu hẹp sản xuất. Kết quả cuối cùng là sản xuất giảm sút, cung cầu căng thẳng, giá cả bị đẩy lên. Chính sách đó càng tạo điều kiện cho tư thương hoạt động mạnh hơn và làm suy yếu liên minh công - nông.

Chính sách giá cả phải vận dụng tổng hợp nhiều quy luật, trong đó quy luật giá trị có tác động trực tiếp. Giá cả phải phù hợp với giá trị, đồng thời phù hợp với sức mua của đồng tiền và tính đến quan hệ cung - cầu. Các yêu cầu điều tiết thu nhập, bảo đảm chính sách xã hội, thúc đẩy cải tạo xã hội chủ nghĩa, cần được thực hiện thông qua sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó có các biện pháp giá cả, tài chính, tín dụng...; chỉ dùng biện pháp giá cả để đáp ứng những yêu cầu đó sẽ đẩy giá cả tới mức thoát ly giá trị.

Muốn ổn định giá cả, chính sách giá cả phải nhằm trước hết kích thích các cơ sở sản xuất và mọi người lao động làm ra nhiều sản phẩm hàng hoá, hạ giá thành, hăng hái bán sản phẩm cho Nhà nước. Không thể ổn định giá cả bằng cách giữ giá một cách cứng nhắc, bất chấp sức mua của đồng tiền, bất chấp quan hệ cung - cầu và sự biến động của các yếu tố hình thành giá cả; mặt khác, phải có biện pháp tích cực khắc phục từng bước tính tự phát của giá cả thị trường tự do.

Phấn đấu thi hành chính sách một giá, đó là giá kinh doanh thương nghiệp. Chính sách một giá gắn liền với cơ chế hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa có tác dụng kích thích sản xuất và mở rộng lưu thông hàng hoá, tạo điều kiện cho thương nghiệp xã hội chủ nghĩa chuyển sang kinh doanh, chiếm lĩnh và làm chủ thị trường, không tạo ra nhu cầu giả tạo, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng thất thoát hàng hoá.

Trong tình hình cụ thể hiện nay, ở những nơi, những lúc nhất định, đối với một số ít mặt hàng thiết yếu mà cung cầu căng thẳng, giá cả biến động mạnh, Nhà nước chưa đủ lực lượng để kìm giá lại, thì tạm thời áp dụng chính sách hai giá trong việc mưua nông sản và bán lẻ hàng tiêu dùng.

Để tạo điều kiện cho thương nghiệp quốc doanh thoát khỏi tình trạng khó mưua, khó bán, bỏ trống trận địa, cần phải sớm ban hành cơ chế định giá và quản lý giá đúng đắn.

Chính sách tiền lương phải đáp ứng yêu cầu cấp bách là bảo đảm tiền lương thực tế của người ăn lương trong tình hình quỹ hàng của Nhà nước chưa đủ và giá cả chưa ổn định.

Vấn đề cơ bản là phát triển sản xuất, Nhà nước nắm quỹ hàng lương thực, thực phẩm và hàng thiết yếu khác, có phương thức bán thích hợp, bảo đảm cho người ăn lương mưua được hàng hoá cần thiết; hết sức hạn chế việc quay trở lại chế độ tem phiếu.

Việc thực hiện đúng nguyên tắc phân phối theo lao động đòi hỏi sửa đổi một cách căn bản chế độ tiền lương theo hướng bảo đảm yêu cầu tái sản xuất sức lao động, khắc phục tính chất bình quân, xoá bỏ từng bước phần cung cấp còn lại trong chế độ tiền lương, áp dụng các hình thức trả lương gắn chặt với kết quả lao động và hiệu quả kinh tế. Những vấn đề đó phải được giải quyết cùng với việc thực hiện chế độ hợp đồng lao động, tinh giản bộ máy quản lý hành chính nhà nước và bộ phận quản lý gián tiếp của các tổ chức sản xuất, kinh doanh. Việc thực hiện phải đi từng bước vững chắc, phù hợp với khả năng cân đối tiền - hàng và với nhịp độ tăng năng suất lao động.

Chính sách tài chính, tiền tệ có vai trò trọng yếu trong việc chuyển các hoạt động kinh tế sang cơ chế hạch toán kinh doanh, đấu tranh chống lạm phát, ổn định sức mua của đồng tiền.

Xây dựng và hoàn chỉnh từng bước chính sách tài chính quốc gia theo hướng: bảo đảm quyền tự chủ tài chính của các cơ sở kinh tế, kích thích mạnh mẽ kinh tế quốc doanh và các thành phần kinh tế khác phát triển sản xuất với năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, tạo ra nguồn tích luỹ ngày càng tăng cho từng đơn vị và cho Nhà nước; điều tiết và phân phối hợp lý các nguồn thu nhập nhằm thực hiện công bằng xã hội và bảo đảm quan hệ tích luỹ và tiêu dùng phù hợp với các mục tiêu kinh tế - xã hội.

Đổi mới các chính sách, chế độ tài chính, trước hết là chính sách thuế. Chấm dứt chế độ bao cấp qua ngân sách, như bù lỗ tràn lan, cấp phát vốn mà không ràng buộc trách nhiệm vật chất với hiệu quả sử dụng vốn; tránh dùng vốn tín dụng không đúng quan điểm hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa; sửa đổi một số chế độ phúc lợi vượt quá khả năng của nền kinh tế. Các chế độ tài chính cần quán triệt chính sách tiết kiệm nghiêm ngặt cả trong sản xuất và tiêu dùng.

Bội chi ngân sách ngày càng tăng là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới lạm phát, đẩy giá cả tăng nhanh. Phấn đấu giảm bội chi, tiến tới cân bằng thu chi ngân sách là nhiệm vụ hàng đầu của công tác tài chính trong 5 năm 1986-1990. Bên cạnh những biện pháp cơ bản, thường xuyên trong chính sách tài chính quốc gia, cần có những biện pháp bất thường áp dụng trong một thời gian ngắn để tăng thu, giảm chi, hạn chế, đi tới chấm dứt phát hành để chi cho ngân sách.

Ngân hàng có nhiệm vụ khẩn cấp cùng với hoạt động tài chính và các ngành kinh tế khác phấn đấu giảm lạm phát, điều chỉnh hợp lý khối lượng tiền lưu thông trên cơ sở tăng nhanh vòng quay của đồng tiền và áp dụng phổ biến các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần tích cực vào việc lập lại cân đối về tiền - hàng, ổn định sức mua của đồng tiền, đáp ứng nhu cầu về tiền cho việc mở rộng sản xuất và lưu thông hàng hoá.

Bên cạnh nhiệm vụ quản lý lưu thông tiền tệ của ngân hàng nhà nước, cần xây dựng hệ thống ngân hàng chuyên nghiệp kinh doanh tín dụng và dịch vụ ngân hàng, hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế. Phải trên cơ sở phục vụ tốt mà thực hiện chức năng giám sát bằng đồng tiền các hoạt động sản xuất, kinh doanh, chống thái độ cửa quyền. Phát triển rộng rãi các tổ chức tín dụng tập thể trong nhân dân, ngăn chặn nạn tư nhân cho vay nặng lãi.

Chính sách tiết kiệm phải được thấu suốt trong kế hoạch hoá và các đòn bẩy kinh tế. Chuyển mạnh sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, gắn chặt trách nhiệm và lợi ích vật chất với hiệu quả sử dụng tài sản, tiền vốn, vật tư, lao động là phương hướng chủ yếu để thực hành tiết kiệm trong mọi hoạt động kinh tế. Trong môi trường hạch toán kinh doanh, cần đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học và tiến bộ kỹ thuật, xây dựng và áp dụng các định mức kinh tế - kỹ thuật để giảm chi phí sản xuất. Đi đôi với tiết kiệm năng lượng, vật tư, cần nâng cao hiệu quả sử dụng thiết bị, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào việc bảo dưỡng, nâng cao tuổi thọ của máy. Bảo đảm chất lượng sản phẩm là tiết kiệm cả trong sản xuất và tiêu dùng; các chính sách kinh tế phải đi đôi với biện pháp hành chính, giáo dục nhằm khuyến khích làm hàng tốt, ngăn chặn làm hàng xấu, nghiêm trị làm hàng giả.

Khuyến khích mọi người tiết kiệm tiêu dùng, dành vốn để tích luỹ, mở rộng sản xuất dưới nhiều hình thức. Chính sách tiết kiệm tiêu dùng phải khuyến khích dùng hàng sản xuất trong nước, hạn chế tiêu dùng những loại hàng có thể dành cho xuất khẩu, ngăn chặn việc nhập hàng xa xỉ. Chống lãng phí trong việc sử dụng tài sản, phương tiện thuộc của công. Nghiêm cấm việc dùng tiền của công để chè chén, biếu xén.

Quá trình đổi mới quản lý kinh tế đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết để chuyển toàn bộ hệ thống các chính sách, chế độ, thể lệ quản lý và tổ chức bộ máy quản lý sang cơ chế mới. Cuộc cải cách có ý nghĩa cách mạng này phải được tiến hành đồng bộ, kết hợp giữa bên trên và bên dưới, giữa sự đổi mới của các cơ quan quản lý với phong trào quần chúng. Việc sửa đổi và ban hành các chính sách, chế độ quản lý phải xuất phát từ thực tế, tập hợp sáng kiến và kinh nghiệm của các địa phương và cơ sở, không thể chỉ là công việc nghiên cứu của một số ít cán bộ ở bàn giấy.

Trước mắt, thực hành những biện pháp có hiệu quả để hãm bớt lạm phát và tốc độ tăng giá, giảm bớt khó khăn về đời sống của người ăn lương. Có làm được việc đó mới tạo được những tiền đề về kinh tế, xã hội và tâm lý cho việc đẩy mạnh quá trình cải cách. Qua từng bước khẩn trương và vững chắc, phấn đấu đến năm 1990 về cơ bản hình thành được cơ chế quản lý mới và chấn chỉnh bộ máy quản lý, sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ bảo đảm cho cơ chế đó được vận hành thông suốt.

4. Phát huy mạnh mẽ động lực khoa học, kỹ thuật

Trong điều kiện thế giới đang tiến nhanh vào giai đoạn mới của cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật và qua tình hình thực tế của nước ta, càng thấy rõ sự bức bách phải làm cho khoa học, kỹ thuật thật sự trở thành một động lực to lớn đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Vị trí then chốt của cách mạng khoa học - kỹ thuật trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội phải được thể hiện trong cuộc sống. Trên cơ sở những việc đã làm được, cần xúc tiến và hoàn thành việc xác định chiến lược phát triển khoa học và kỹ thuật, làm luận cứ khoa học cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và định hướng cho công tác khoa học, kỹ thuật.

Sự lựa chọn về phương hướng khoa học, kỹ thuật phải thống nhất với sự lựa chọn về mục tiêu, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội. Trong những năm tới, phải lựa chọn và tổ chức áp dụng rộng rãi các thành tựu khoa học và kỹ thuật thích hợp, nhằm trước hết phục vụ ba chương trình về lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Trong nông nghiệp, áp dụng rộng rãi các thành tựu sinh học và các thành tựu khoa học, kỹ thuật khác làm tăng thêm màu mỡ cho đất canh tác, tăng nhanh năng suất trồng trọt, chăn nuôi, nâng cao hệ số sử dụng đất, giảm hư hao lương thực và nông sản khác. Trong công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, hoạt động khoa học, kỹ thuật phải hướng vào việc cải tiến, đổi mới và hoàn thiện công nghệ, hợp lý hoá tổ chức sản xuất, đổi mới thiết bị, sản xuất nguyên liệu, vật liệu và phụ tùng thay thế, giảm mạnh tiêu hao vật tư, tận dụng nguyên liệu, đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là chất lượng hàng xuất khẩu.

Triển khai một số đề tài được chọn lọc thuộc các hướng khoa học, kỹ thuật hiện đại, như công nghệ sinh học, vật liệu và công nghệ mới, điện tử và tin học... Xúc tiến công tác điều tra và đánh giá kinh tế tài nguyên thiên nhiên, điều kiện tự nhiên, dân cư và kinh tế - xã hội, công tác dự báo và nghiên cứu chiến lược, phân vùng quy hoạch và phân bố lực lượng sản xuất, xây dựng các luận chứng kinh tế - kỹ thuật cho các chủ trương lớn về phát triển kinh tế và xã hội, sử dụng tốt nhất đi đôi với bảo vệ có hiệu quả môi trường sinh thái.

Các ngành khoa học tự nhiên đẩy mạnh công tác nghiên cứu những đề tài bảo đảm cơ sở khoa học cho việc phát triển các ngành kỹ thuật, cho việc ứng dụng có chọn lọc các thành tựu khoa học và kỹ thuật hiện đại, từng bước hình thành các hướng khoa học, kỹ thuật mũi nhọn.

Thực hiện những biện pháp đồng bộ, có hiệu quả để sớm khắc phục sự chậm trễ của khoa học xã hội. Nhiệm vụ chủ yếu của các ngànhkhoa học xã hội trong những năm tới là tham gia đắc lực vào công tác lý luận của Đảng, góp phần xây dựng cương lĩnh về cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong thời kỳ quá độ, làm sáng tỏ những vấn đề lý luận, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý kinh tế, quản lý xã hội trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của nước ta và nắm bắt nhanh nhạy những thành tựu lý luận của các nước anh em. Khoa học xã hội phải trở thành công cụ sắc bén trong việc đổi mới nhận thức, đổi mới phương pháp tư duy, xây dựng ý thức xã hội và nhân cách xã hội chủ nghĩa.

Đẩy mạnh sự kết hợp một cách hữu cơ khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật. Mỗi phương án phát triển kinh tế đều phải xét đến tất cả các mặt kinh tế, kỹ thuật, xã hội, môi trường. Tập trung lực lượng giải quyết những vấn đề khoa học, kỹ thuật cấp bách, có hiệu quả thiết thực.

Lực lượng khoa học và kỹ thuật cần được tổ chức lại, bố trí và sử dụng có hiệu quả. Có cơ chế, chính sách và biện pháp đúng đắn nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ khoa học, cán bộ kỹ thuật phát huy lao động sáng tạo, hướng về cơ sở sản xuất, về các địa bàn kinh tế đang cần sự có mặt của họ. Đảng và Nhà nước cố gắng tạo những điều kiện thuận lợi để những người làm công tác khoa học, kỹ thuật hoạt động có kết quả, và đòi hỏi mọi người phải có cống hiến cho đất nước bằng những sáng chế, bằng kết quả đưa nhanh tiến bộ khoa học và kỹ thuật vào sản xuất, bằng việc nghiên cứu giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội.

Các cơ quan khoa học cần được sắp xếp lại và bố trí hợp lý trên các vùng lãnh thổ, theo nguyên tắc gắn chặt khoa học, kỹ thuật với sản xuất và đời sống, nhằm sử dụng tiềm lực khoa học, kỹ thuật như một bộ phận cấu thành của lực lượng sản xuất xã hội, tạo điều kiện rút ngắn quá trình từ nghiên cứu đến sản xuất, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp, tản mạn. Theo nguyên tắc đó, chuyển một số cơ quan nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật chuyên ngành về trực thuộc các liên hiệp xí nghiệp hoặc xí nghiệp lớn. Mở rộng các hình thức liên kết giữa khoa học và sản xuất. Xây dựng các tổ chức liên hiệp khoa học - sản xuất với hình thức và quy mô thích hợp. Tổ chức tốt hoạt động của các trung tâm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Tăng cường các bộ phận sản xuất thử cho các cơ quan nghiên cứu và triển khai. Phát huy hơn nữa vai trò của các trường đại học và trung học chuyên nghiệp trong công tác nghiên cứu triển khai theo nguyên tắc kết hợp chặt chẽ các khâu: khoa học - đào tạo - sản xuất. Thành lập một số trung tâm khoa học - kỹ thuật tổng hợp cho những vùng kinh tế quan trọng. Chuẩn bị điều kiện để thành lập Viện hàn lâm khoa học Việt Nam.

Tăng mức đầu tư cho khoa học, kỹ thuật từ nhiều nguồn khác nhau: ngân sách nhà nước, quỹ tự có của các cơ sở sản xuất, quỹ tập trung của ngành, tín dụng ưu đãi của ngân hàng, v.v.. Coi trọng đầu tư chiều sâu và quản lý tốt để sử dụng có hiệu quả các cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện có của các cơ quan khoa học - kỹ thuật.

Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về khoa học và kỹ thuật. Thông qua hợp tác để nhanh chóng nắm bắt các thành tựu khoa học, kỹ thuật, tránh lãng phí do nghiên cứu trùng lắp. Gắn chặt hợp tác khoa học, kỹ thuật với hợp tác kinh tế. Xây dựng và thực hiện chính sách chuyển giao công nghệ có chọn lọc, kết hợp với công tác nghiên cứu và triển khai trong nước. Tích cực tham gia chương trình tổng hợp tiến bộ khoa học, kỹ thuật theo các hướng ưu tiên của Hội đồng tương trợ kinh tế đến năm 2000.

Việc phát huy vai trò động lực của khoa học, kỹ thuật tuỳ thuộc một phần quan trọng ở cơ chế quản lý. Cơ chế quản lý kinh tế, quản lý khoa học - kỹ thuật phải đòi hỏi và khuyến khích việc sáng tạo và ứng dụng rộng rãi các thành tựu khoa học và kỹ thuật, đưa lại hiệu quả thiết thực. Áp dụng rộng rãi phương thức ký kết hợp đồng nghiên cứu và triển khai giữa các tổ chức khoa học, kỹ thuật với các tổ chức sản xuất, kinh doanh. Chuyển dần một số cơ sở nghiên cứu ứng dụng và triển khai kỹ thuật sang chế độ hạch toán kinh tế. Các cơ sở đó có quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm về hoạt động khoa học, kỹ thuật của mình. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện chế độ mua sáng chế và hạch toán vào giá thành sản phẩm. Các chính sách và biện pháp về giá cả, lợi nhuận, thuế, tín dụng, tiền lương, tiền thưởng, quỹ chuyên dùng... phải thật sự thôi thúc các cơ sở sản xuất, kinh doanh tìm đến khoa học, đặt hàng cho khoa học, sử dụng khoa học và kỹ thuật như yếu tố quyết định để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Các chế độ về bản quyền tác giả, khen thưởng việc tạo ra và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật phải được thực hiện đầy đủ. Hội đồng giải thưởng nhà nước về khoa học và kỹ thuật phải hoạt động một cách thiết thực. Xây dựng và phát triển các hoạt động về sở hữu công nghiệp (như bản quyền sáng chế, nhãn hiệu hàng hoá, v.v.).

Tăng cường hoạt động về tiêu chuẩn hoá, bảo đảm đo lường, kiểm nghiệm và quản lý chất lượng sản phẩm; gắn trách nhiệm và lợi ích của người sản xuất với chất lượng sản phẩm; xây dựng kỷ luật sản xuất theo tiêu chuẩn, định mức; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá và chứng nhận chất lượng sản phẩm; thể chế hoá và thực hiện nghiêm ngặt chế độ giám định công nghệ.

Tăng cường hệ thống thông tin kinh tế và khoa học, kỹ thuật, nâng cao năng lực bảo đảm thông tin cho công tác lãnh đạo và quản lý, cho hoạt động nghiên cứu, triển khai và sản xuất. Tạo thuận lợi cho việc tiếp nhận thông tin kinh tế và khoa học, kỹ thuật từ ngoài nước. Phát triển mạnh và nâng cao chất lượng công tác thông tin đại chúng cả về nội dung và hình thức. Tổ chức tốt công tác lưu trữ; bảo vệ an toàn và sử dụng có hiệu quả tài liệu lưu trữ quốc gia.

Cách mạng khoa học - kỹ thuật là sự nghiệp của quần chúng. Đảng ta thi hành nhất quán chính sách đẩy mạnh phong trào quần chúng tiến quân vào khoa học và kỹ thuật. Chính sách đó khuyến khích các sáng kiến, cổ vũ việc phổ biến các kiến thức khoa học và kỹ thuật, tổng kết và áp dụng rộng rãi các kinh nghiệm và điển hình tiên tiến, động viên hàng chục triệu người tham gia các hoạt động khoa học, kỹ thuật thông qua lao động sáng tạo của mình.

Cán bộ lãnh đạo và quản lý các ngành, các cấp có vai trò quan trọng và trách nhiệm to lớn trong việc bảo đảm thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển khoa học, kỹ thuật. Nâng cao hơn nữa trình độ của các cán bộ có trách nhiệm cho kịp yêu cầu của bước phát triển mới về khoa học, kỹ thuật.

5. Mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại

Nhiệm vụ ổn định và phát triển kinh tế trong chặng đường đầu tiên cũng nh­ư sự nghiệp phát triển khoa học - kỹ thuật và công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa của nước ta tiến hành nhanh hay chậm, điều đó phụ thuộc một phần quan trọng vào việc mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại.

Muốn kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, nước ta phải tham gia sự phân công lao động quốc tế; trước hết và chủ yếu là mở rộng quan hệ phân công, hợp tác toàn diện với Liên Xô, Lào và Campuchia, với các nước khác trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa; đồng thời tranh thủ mở mang quan hệ kinh tế và khoa học - kỹ thuật với các nước thế giới thứ ba, các nước công nghiệp phát triển, các tổ chức quốc tế và tư nhân nước ngoài trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi.

Chương trình tổng hợp của Hội đồng t­ương trợ kinh tế giúp đỡ và hợp tác với Việt Nam đến năm 2000 theo những điều kiện ưu đãi là một thuận lợi lớn cho việc phát triển quan hệ kinh tế đối ngoại và tiến hành công nghiệp hoá, xây dựng cơ cấu kinh tế mới của nước ta. Chúng ta phải chủ động cùng các nước anh em trong Hội đồng tương trợ kinh tế xây dựng chương trình này và làm tròn phần trách nhiệm của mình trong việc thực hiện chương trình. Việc bắt đầu cải tiến một cách cơ bản phương thức hoạt động của Hội đồng tương trợ kinh tế, cải tổ cơ cấu và các hình thức hợp tác kinh tế và khoa học - kỹ thuật giữa các nước thành viên đòi hỏi chúng ta đổi mới cơ chế quản lý, nhất là trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại, cho phù hợp.

Trong toàn bộ công tác kinh tế đối ngoại, khâu quan trọng nhất là đẩy mạnh xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu.

Chương trình xuất khẩu cho những năm tới phải tính toán cụ thể và chính xác hiệu quả kinh tế của từng mặt hàng để lựa chọn các sản phẩm xuất khẩu có lợi nhất, xác định các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, vừa có kim ngạch cao, vừa có điều kiện ổn định và phát triển cả về sản xuất và thị trường tiêu thụ. Trên cơ sở đó, có kế hoạch đầu tư đồng bộ từ nguyên liệu đến chế biến, bảo quản, vận chuyển, đi đôi với tổ chức sản xuất và lưu thông hợp lý, đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng các chính sách đòn bẩy để thực hiện cho được chương trình xuất khẩu.

Trong cơ cấu xuất khẩu của những năm trước mắt, các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp chiếm vị trí quan trọng nhất. Tăng nhanh khối lượng sản phẩm, nâng cao trình độ chế biến, phấn đấu hạ giá thành, tăng hiệu suất thu ngoại tệ. Kiên quyết tổ chức tốt việc xuất khẩu nông sản sang vùng Viễn Đông của Liên Xô, giành vị trí ổn định và ngày càng tăng trên thị trường này.

Tận dụng nguồn lao động dồi dào và khéo tay để gia công cho nước ngoài, làm những sản phẩm thủ công, mỹ nghệ và một số hàng xuất khẩu khác, từ những sản phẩm thông thường đến những sản phẩm tinh vi; khai thác khả năng to lớn ấy để hợp tác với các nước thành viên Hội đồng tương trợ kinh tế.

Đẩy mạnh xuất khẩu các loại khoáng sản có hiệu suất thu ngoại tệ hợp lý.

Việc hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết với nước ngoài, thực hiện đúng các hợp đồng xuất khẩu cả về số lượng, chất lượng, thời hạn giao hàng phải được đặt vào vị trí ưu tiên. Dù khó khăn, trở ngại đến đâu cũng nhất thiết phải làm cho được điều đó. Tăng cường kỷ luật giao hàng xuất khẩu theo kế hoạch, đồng thời gắn việc phân phối hàng nhập khẩu với việc thực hiện kế hoạch giao hàng xuất khẩu, không phân phối theo lối bao cấp, bình quân như trước.

Để khắc phục tình trạng kích giá, tranh mưua hàng xuất khẩu, đi đôi với biện pháp hành chính và tổ chức, cần có chính sách thuế xuất khẩu, đặc biệt là đối với một số mặt hàng có hiệu suất thu ngoại tệ cao.

Cơ cấu nhập khẩu phải phù hợp và phục vụ tốt cho việc bố trí lại cơ cấu sản xuất, điều chỉnh cơ cấu đầu tư. Để khắc phục tình trạng nhập khẩu không hợp lý, ngăn chặn việc nhập hàng xa xỉ, cần ban hành chính sách thuế nhập khẩu. Xử lý đúng và kịp thời giá bán hàng nhập khẩu để chống sử dụng lãng phí, chống thất thoát hàng và khuyến khích sản xuất, sử dụng hàng trong nước thay thế hàng nhập khẩu.

Hoạt động xuất, nhập khẩu phải chuyển mạnh sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa trên nguyên tắc nhà nước độc quyền ngoại thương, trung ương thống nhất quản lý xuất, nhập khẩu theo kế hoạch, pháp luật và chính sách. Vấn đề quan trọng hàng đầu là đổi mới cơ chế quản lý đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu. Bên cạnh những quy định chung về quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh của các đơn vị cơ sở, cần bổ sung chính sách khuyến khích sản xuất hàng xuất khẩu, tạo điều kiện cho các đơn vị làm hàng xuất khẩu theo sát được nhu cầu, thị hiếu, giá cả và các điều kiện kinh doanh khác trên thị trường thế giới. Các đơn vị sản xuất có quy mô xuất khẩu t­ương đối lớn được trực tiếp giao dịch với khách hàng nước ngoài, theo sự quản lý của Bộ Ngoại thương.

Sắp xếp hợp lý các tổ chức kinh doanh xuất, nhập khẩu, loại bỏ những khâu trung gian và những thủ tục phiền hà; thống nhất đầu mối xuất, nhập khẩu đối với một số mặt hàng quan trọng, khắc phục tình trạng tranh mua trên thị trường trong nước và tranh mua, tranh bán trên thị trường ngoài nước. Các tổ chức kinh doanh được giao nhiệm vụ thống nhất đầu mối xuất, nhập khẩu phải hoạt động theo phương thức kinh doanh, không làm theo lối quan liêu, cửa quyền, bắt bí và gây phiền hà cho người làm hàng xuất khẩu hoặc người cần nhập khẩu. Việc hạch toán và phân chia lợi nhuận xuất khẩu phải sòng phẳng, công khai, để cho các cơ sở và địa phương thấy xuất khẩu qua tổ chức đầu mối có lợi hơn là tự mình xuất khẩu.

Ngân hàng ngoại thương thống nhất việc quản lý ngoại hối, song phải bảo đảm quyền sử dụng ngoại tệ của các chủ tài khoản ngoại tệ theo đúng chính sách của Nhà nước. Nghiên cứu chế độ mua, bán ngoại tệ qua Ngân hàng ngoại th­ương để tạo điều kiện áp dụng khi ổn định được giá trị đồng tiền trong nước. Có cơ chế điều chỉnh kịp thời tỷ giá kết toán nội bộ về ngoại tệ, và tỷ giá hối đoái phi mậu dịch, kiều hối, không để lạc hậu so với tình hình thực tế. Có chính sách khuyến khích Việt kiều gửi tiền và vật tư về nước, thay cho việc gửi hàng tiêu dùng.

Cùng với việc mở rộng xuất, nhập khẩu, tranh thủ vốn viện trợ và vay dài hạn, cần vận dụng nhiều hình thức đa dạng để phát triển quan hệ kinh tế đối ngoại.

Mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác, từ các hình thức bạn đưa gia công, liên doanh đến đầu tư trực tiếp; tăng cường quan hệ hợp tác, liên kết trực tiếp trong lĩnh vực sản xuất và khoa học giữa các tổ chức kinh tế, khoa học - kỹ thuật của nước ta với các tổ chức tương ứng của các nước anh em.

Công bố chính sách khuyến khích nước ngoài đầu tư vào nước ta dưới nhiều hình thức, nhất là đối với các ngành và cơ sở đòi hỏi kỹ thuật cao, làm hàng xuất khẩu. Đi đôi với việc công bố luật đầu tư­, cần có các chính sách và biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài và Việt kiều vào nước ta để hợp tác kinh doanh.

Coi trọng việc tổ chức, động viên Việt kiều góp phần xây dựng đất nước bằng nhiều cách, bao gồm cả đầu tư kỹ thuật và vốn; phát huy khả năng của kiều bào trong việc giúp đỡ mở rộng quan hệ hợp tác với các nước, các công ty, các tổ chức kinh tế ở nước ngoài.

Đẩy mạnh hợp tác khoa học, kỹ thuật và đào tạo cán bộ, công nhân. Tổ chức tốt việc đưa lao động và chuyên gia đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài dưới nhiều hình thức; chú ý tới hình thức nhận thầu đồng bộ công trình xây dựng và các loại dịch vụ. Nhanh chóng khai thác các điều kiện thuận lợi của đất nước để mở mang du lịch bằng vốn đầu tư trong nước và hợp tác với nước ngoài. Phát triển vận tải quốc tế, dịch vụ cung ứng tàu biển và máy bay...

Trong quan hệ liên minh đặc biệt với Lào và Campuchia về kinh tế, khoa học - kỹ thuật, cần coi trọng hiệu quả thiết thực, bảo đảm cho nền kinh tế của cả ba nước đều có lợi và cùng phát triển. Nhanh chóng đi ngay vào phân công, hợp tác sản xuất, phối hợp đầu tư trong những lĩnh vực có điều kiện; tăng nhanh khối lượng trao đổi hàng hoá, dịch vụ giữa ba nước. Tiếp tục giúp Lào và Campuchia điều tra cơ bản, phân vùng quy hoạch, đào tạo cán bộ.

Việc mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại sẽ làm nảy sinh những vấn đề phức tạp, cần có biện pháp hạn chế và ngăn ngừa những hiện tượng tiêu cực, song không vì thế mà đóng cửa lại. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về phẩm chất và năng lực kinh doanh cho đội ngũ cán bộ làm kinh tế đối ngoại, kể cả những cán bộ chuyên làm công tác này và những cán bộ ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh có quan hệ giao dịch với nước ngoài.

Thưa các đồng chí,

Dưới đây xin trình bày một số phương hướng, nhiệm vụ của chính sách xã hội.

Chính sách xã hội bao trùm mọi mặt của cuộc sống con người: điều kiện lao động và sinh hoạt, giáo dục và văn hoá, quan hệ gia đình, quan hệ giai cấp, quan hệ dân tộc... Cần thể hiện đầy đủ trong thực tế quan điểm của Đảng và Nhà nước về sự thống nhất giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội, khắc phục thái độ coi nhẹ chính sách xã hội, tức là coi nhẹ yếu tố con người trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trình độ phát triển kinh tế là điều kiện vật chất để thực hiện chính sách xã hội, nhưng những mục tiêu xã hội lại là mục đích của các hoạt động kinh tế. Ngay trong khuôn khổ của hoạt động kinh tế, chính sách xã hội có ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, là một nhân tố quan trọng để phát triển sản xuất. Do đó, cần có chính sách xã hội cơ bản, lâu dài và xác định được những nhiệm vụ, mục tiêu phù hợp với yêu cầu, khả năng trong chặng đường đầu tiên.

Trong việc phát huy yếu tố con người và lấy việc phục vụ con người làm mục đích cao nhất của mọi hoạt động, cần có kế hoạch chủ động xây dựng cơ cấu giai cấp của xã hội mới, cụ thể hoá và thực hiện đúng chính sách dân tộc và chính sách tự do tín ngưỡng.

Cùng với việc tiến tới xoá bỏ cơ sở kinh tế - xã hội của sự bất công xã hội, phải đấu tranh kiên quyết chống những hiện tượng tiêu cực, làm cho những nguyên tắc công bằng xã hội, và lối sống lành mạnh được khẳng định trong cuộc sống hằng ngày của xã hội ta.

1. Kế hoạch hóa dân số, giải quyết việc làm cho người lao động

Phấn đấu hạ tỷ lệ phát triển dân số đến năm 1990 xuống 1,7%. Các cấp đảng, chính quyền và đoàn thể phải chỉ đạo chặt chẽ và thường xuyên cuộc vận động kế hoạch hoá dân số, coi đó là một điều kiện quan trọng để tăng thu nhập quốc dân bình quân đầu người, thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội.

Đi đôi với đầu tư mở rộng mạng lưới bảo đảm kỹ thuật phục vụ cho việc sinh đẻ có kế hoạch, cần sửa đổi các chính sách, chế độ của Nhà nước, coi trọng các biện pháp giáo dục, văn hoá nhằm làm thay đổi tâm lý, tập quán của nhân dân, trước nhất là nam nữ thanh niên, đối với việc kế hoạch hoá gia đình. Chỉ đạo thực hiện đúng Luật Hôn nhân và gia đình sau khi được Quốc hội thông qua.

Bảo đảm việc làm cho người lao động, trước hết là ở thành thị và cho thanh niên, là nhiệm vụ kinh tế - xã hội hàng đầu trong những năm tới. Nhà nước cố gắng tạo thêm việc làm và có chính sách để ng­ời lao động tự tạo ra việc làm bằng cách khuyến khích phát triển kinh tế gia đình, khai thác mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế khác, kể cả thành phần kinh tế tư bản tư nhân. Ban hành và thực hiện Luật Lao động.

Phương hướng giải quyết việc làm là mở mang ngành nghề tại chỗ để thu hút số lao động thừa và mới tăng, đi đôi với phân bố lao động đến các địa bàn khác, vừa nhằm vào lĩnh vực nông nghiệp, vừa phát triển thủ công nghiệp, tiểu công nghiệp, dịch vụ và các ngành sản xuất khác, làm hàng xuất khẩu và gia công.

Mở rộng hợp tác lao động với nước ngoài kết hợp với việc đào tạo tay nghề cho thanh niên và nâng cao trình độ cho chuyên gia; bố trí cơ cấu ngành nghề thích hợp; chọn lựa người đúng tiêu chuẩn; quản lý chặt chẽ về tổ chức và tư tưởng. Cùng với nước sở tại, chăm sóc đời sống vật chất, văn hoá của những người đi lao động ở nước đó; tổ chức chu đáo việc gửi tiền, hàng hoá về cho gia đình. Sắp xếp việc làm cho những người đã làm việc, học nghề ở nước ngoài về.

Đẩy mạnh công tác định canh, định c­ ở miền núi gắn liền với việc quy hoạch, xây dựng kinh tế trên địa bàn huyện. Bổ sung chính sách đối với việc xây dựng các vùng kinh tế mới và công tác định canh, định cư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội, tạo điều kiện cho người mới đến ổn định sản xuất và đời sống.

Trong khu vực nhà nước, giảm mạnh số lao động gián tiếp và quản lý hành chính, chuyển sang sản xuất và dịch vụ.

2. Thực hiện công bằng xã hội, lối sống có văn hóa; bảo đảm an toàn xã hội, khôi phục trật tự, kỷ cương trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội

Bảo đảm cho người lao động có thu nhập thoả đáng phụ thuộc trực tiếp vào kết quả lao động, có tác dụng khuyến khích nhiệt tình lao động. Tôn trọng lợi ích chính đáng của những hoạt động kinh doanh hợp pháp, có ích cho xã hội. Ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc các nguồn thu nhập bất chính. Kết hợp sức mạnh của các cơ quan chức năng và sự đấu tranh của quần chúng, nghiêm trị những kẻ phạm pháp bất kỳ ở cương vị nào. Việc phê bình công khai trên báo là quyền chính đáng của mọi công dân, cần được thực hiện có nền nếp. Bảo đảm sự công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ đối với mọi công dân, chống đặc quyền, đặc lợi.

Xây dựng nền nếp sống và làm việc theo pháp luật, khôi phục trật tự, kỷ cương trong mọi hoạt động của Nhà nước và sinh hoạt xã hội; nêu cao tính tự giác, ý thức tự trọng của mỗi người kết hợp với các biện pháp giáo dục và hành chính của các tổ chức xã hội và các cơ quan nhà nước. Sự quan tâm đến con người và thái độ tôn trọng lẫn nhau phải trở thành một tiêu chuẩn đạo đức trong mọi hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là trong các dịch vụ phục vụ đông đảo nhân dân.

3. Chăm lo đáp ứng các nhu cầu giáo dục, văn hóa, bảo vệ và tăng cường sức khỏe của nhân dân

Trên cơ sở phát triển sản xuất, tăng thêm thu nhập quốc dân, từng bước mở rộng quỹ tiêu dùng xã hội, làm cho nó giữ vị trí ngày càng lớn trong việc phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hoá và các sự nghiệp phúc lợi khác.

Về sự nghiệp giáo dục

Giáo dục nhằm mục tiêu hình thành và phát triển toàn diện nhân cách xã hội chủ nghĩa của thế hệ trẻ, đào tạo đội ngũ lao động có kỹ thuật, đồng bộ về ngành nghề, phù hợp với yêu cầu phân công lao động của xã hội. Sự nghiệp giáo dục, nhất là giáo dục đại học và chuyên nghiệp, trực tiếp góp phần vào việc đổi mới công tác quản lý kinh tế và xã hội. Tổng kết kinh nghiệm thực hiện cải cách giáo dục, điều chỉnh, nâng cao chất lượng của cuộc cải cách này. Phát triển có kế hoạch hệ thống giáo dục, từ giáo dục mầm non đến đại học và trên đại học, bảo đảm chất lượng và hiệu quả đào tạo. Bố trí hợp lý cơ cấu hệ thống giáo dục, thể hiện tính thống nhất của quá trình giáo dục, bao gồm nhiều hình thức: đào tạo và bồi dưỡng, chính quy và không chính quy, tập trung và tại chức. Mục tiêu đào tạo của từng loại hình trường học phải được cụ thể hoá thành các kế hoạch đào tạo và các tiêu chuẩn đánh giá kết quả đào tạo. Cải tiến chế độ thi cử, cấp chứng chỉ, văn bằng và học vị theo hướng bảo đảm chất lượng và sự công minh.

Xây dựng ngành giáo dục mầm non, nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ em, phát triển các lớp mẫu giáo. Xoá bỏ nạn mù chữ còn lại ở một số địa phương, hoàn thành cơ bản phổ cập cấp I cho trẻ em, phổ cập cấp II ở những nơi có điều kiện, từng bước mở rộng giáo dục phổ thông trung học bằng nhiều hình thức. Các trường phổ thông phải dạy kiến thức phổ thông cơ bản, lao động, kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp và dạy nghề phổ thông. Đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục ở miền núi; thực hiện chủ trương dùng tiếng nói và chữ viết dân tộc cùng với tiếng phổ thông.

Mở rộng và củng cố các trường, các lớp dạy nghề để đào tạo, bồi dưỡng công nhân lành nghề, phát triển các trung tâm dạy nghề rộng rãi cho thanh niên và nhân dân lao động. Sắp xếp lại mạng lưới các trường đại học và trung học chuyên nghiệp, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng dạy và quản lý, nhanh chóng hình thành đội ngũ cán bộ chuyên môn đầu ngành. Đi đôi với việc nâng cao chất lượng đào tạo chuyên môn và năng lực thực hành, coi trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, pháp luật, giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng. Kết hợp giảng dạy, học tập với lao động sản xuất, thực nghiệm và nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Chuẩn bị cho thanh niên bước vào cuộc sống lao động sản xuất và chiến đấu, hiểu và làm tốt nghĩa vụ công dân.

Thường xuyên bồi dưỡng phẩm chất và năng lực cho cán bộ giáo dục và giáo viên. Nâng cao vị trí xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của những người dạy học. Có chính sách học bổng hợp lý đối với học sinh các trường đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

Kế hoạch phát triển giáo dục phải gắn bó với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương và trong cả nước. Đầu tư­ đúng mức cho sự nghiệp giáo dục nhằm trước hết bảo đảm đủ sách giáo khoa và cơ sở cần thiết cho dạy và học. Ngoài ngân sách của nhà nước, cần quy định rõ sự đóng góp của các ngành và các địa phương, các tổ chức kinh tế, xã hội và các gia đình cho sự nghiệp giáo dục. Tranh thủ sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục. Chuẩn bị ban hành Luật Giáo dục.

Về hoạt động văn hoá, văn nghệ.

Công tác văn hoá, văn học, nghệ thuật phải được nâng cao chất lượng. Mỗi hoạt động văn hoá, văn nghệ đều phải tính đến hiệu quả xã hội, tác động tốt đến tư tưởng, tâm lý, tình cảm, nâng cao trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa và trình độ thẩm mỹ của nhân dân. Quan tâm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu lành mạnh của các tầng lớp xã hội và các lứa tuổi.

Đẩy mạnh các hoạt động văn hoá quần chúng thành nền nếp, nhất là trong thanh niên, khắc phục bệnh phô trương, hình thức. Xây dựng và sử dụng các hệ thống thư viện, câu lạc bộ, nhà văn hoá, viện bảo tàng, nhà truyền thống từ trung ương đến cơ sở, ở các ngành và các địa phương. Quản lý chặt chẽ công tác xuất bản, công tác điện ảnh, và công tác phát hành sách, báo, phim ảnh. Phát triển các phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao chất lượng thông tin; đưa đến tận các đơn vị cơ sở những giá trị văn hóa, nghệ thuật của dân tộc và thế giới, những kiến thức phổ thông và hiện đại về khoa học, kỹ thuật. Đưa văn hoá, văn nghệ đến vùng rừng núi và nông thôn hẻo lánh. Coi trọng nghệ thuật kiến trúc vừa dân tộc, vừa hiện đại, giản dị trong việc xây dựng các công trình văn hoá cũng như dân dụng, các khu dân cư.

Cải tiến chính sách đối với người làm công tác nghệ thuật chuyên nghiệp, đãi ngộ xứng đáng lao động nghệ thuật, động viên sáng tạo, khuyến khích tài năng. Kết hợp giữa cơ quan nhà nước với các hội sáng tạo văn học, nghệ thuật và các đoàn thể quần chúng khác, theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo của cá nhân và tập thể văn nghệ sĩ, liên hệ với quần chúng lao động. Nhà nước cùng với nhân dân xây dựng những cơ sở vật chất - kỹ thuật cần thiết cho văn hoá và nghệ thuật, giữ gìn và tôn tạo những di tích lịch sử, văn hoá. Hoàn thành việc sưu tầm vốn văn hoá và nghệ thuật các dân tộc, khuyến khích tìm tòi và thể nghiệm, bảo đảm cho các đơn vị nghệ thuật hoạt động ổn định và ngày một nâng cao chất lượng, ngăn chặn khuynh hướng thương mại và các hiện tượng tiêu cực khác.

Chống những tàn tích văn hoá phong kiến, thực dân, tư sản. Làm thất bại âm mưu và hoạt động của các thế lực thù địch biến văn hoá, văn nghệ thành phương tiện gieo rắc tâm lý bi quan và lối sống sa đọa. Bài trừ mê tín dị đoan, hủ tục.

Về chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ của nhân dân

Sức khoẻ của nhân dân, tương lai của giống nòi là mối quan tâm thường xuyên của Đảng và Nhà nước ta, là trách nhiệm của tất cả các ngành, các đoàn thể, là trách nhiệm và lợi ích thiết thân của mỗi công dân.

Trên cơ sở tiếp tục quán triệt các quan điểm y học dự phòng, kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền và phương châm "nhà nước và nhân dân cùng làm", trước mắt tập trung sức nâng cao chất lượng các hoạt động y tế và đạt được tiến bộ rõ rệt trong việc chăm sóc sức khoẻ của nhân dân.

Có biện pháp tích cực và chính sách thích hợp nhanh chóng củng cố mạng lưới y tế, nhất là y tế huyện, quận và cơ sở. Phát động rộng rãi phong trào quần chúng và huy động lực lượng các ngành tham gia bảo vệ và làm sạch môi trường, phòng và chống dịch, phòng và chống các bệnh xã hội, nghề nghiệp... Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác khám và chữa bệnh. Tăng cường giáo dục cán bộ, nhân viên y tế về thái độ, tinh thần phục vụ. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế, không ngừng nâng cao trình độ của nền y học và y tế nước ta. Cố gắng đầu tư thêm cho công tác y tế và chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, văn hoá của đội ngũ cán bộ y tế.

Phát triển sản xuất d­ợc phẩm và thiết bị, dụng cụ y tế. Mở rộng nuôi trồng, chế biến và sử dụng có hiệu quả thuốc ta. Có chính sách đầu tư để hình thành các vùng dược liệu tập trung, tạo nguồn nguyên liệu cho sản xuất dược phẩm và cho xuất khẩu, mở rộng sản xuất hoá dược, xây dựng công nghiệp kháng sinh. Nâng cao năng lực xuất khẩu để nhập khẩu những thứ chưa sản xuất được. Xây dựng ngành công nghiệp dược phẩm.

Tranh thủ sự hợp tác quốc tế và sử dụng đúng các nguồn viện trợ trong lĩnh vực bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Cùng với công tác y tế, công tác thể dục, thể thao góp phần khôi phục và tăng cường sức khoẻ của nhân dân.

Mở rộng và nâng cao chất lượng phong trào thể dục, thể thao quần chúng, từng bước đưa việc rèn luyện thân thể thành thói quen hằng ngày của nhân dân đông đảo, trước hết là của thế hệ trẻ. Nâng cao chất lượng giáo dục thể chất trong các trường học. Củng cố và mở rộng hệ thống trường, lớp năng khiếu thể thao, phát triển lực lượng vận động viên trẻ. Lựa chọn và tập trung sức nâng cao thành tích một số môn thể thao. Coi trọng việc giáo dục đạo đức, phong cách thể thao xã hội chủ nghĩa. Cố gắng bảo đảm các điều kiện về cán bộ, về khoa học, kỹ thuật, cơ sở vật chất, và nhất là về tổ chức, quản lý cho công tác thể dục, thể thao.

4. Xây dựng chính sách bảo trợ xã hội

Nước ta vừa trải qua cuộc chiến đấu lâu dài và hiện nay vẫn phải làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và nghĩa vụ quốc tế, số lượng thương binh, cựu binh, gia đình liệt sĩ rất lớn. Số người về hư­u trong xã hội ngày càng đông.

Từng bước xây dựng chính sách bảo trợ xã hội xã hội chủ nghĩa đối với toàn dân, theo phương châm "nhà nước và nhân dân cùng làm", mở rộng và phát triển các công trình sự nghiệp bảo trợ xã hội, tạo lập nhiều hệ thống và hình thức bảo trợ xã hội cho những người có công với cách mạng và những người gặp khó khăn. Nghiên cứu bổ sung chính sách, chế độ bảo trợ xã hội phù hợp với quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, quản lý xã hội.

Thực hiện đúng chế độ về hưu. Tổ chức tốt hơn việc phục vụ về xã hội, y tế, văn hoá, thông tin cho người về hưu. Thu hút các cán bộ hoạt động cách mạng lâu năm, các cựu chiến binh, thương binh tham gia hoạt động chính trị, văn hoá, xã hội bằng nhiều hình thức phù hợp với sức khoẻ và kinh nghiệm của mỗi người, nhất là tham gia công tác giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ.

Có kế hoạch và biện pháp thiết thực thu hút những người còn khả năng lao động tham gia các hoạt động sản xuất, dịch vụ, tổ chức dạy nghề và dành những nghề thích hợp cho thương binh. Ưu tiên sắp xếp việc làm, tuyển lao động, tuyển sinh và chăm lo việc học của thương binh, con liệt sĩ, quân nhân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự.

Tổ chức nuôi dưỡng và chăm sóc chu đáo thương binh, bệnh binh nặng, thân nhân liệt sĩ và những người có công với cách mạng già yếu, không nơi nương tựa. Chăm sóc trẻ mồ côi, người tàn tật, người già cô đơn.

Gia đình là tế bào của xã hội, có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, con người mới. Đảng, Nhà nước và các đoàn thể quần chúng cần đề ra phương hướng, chính sách và có biện pháp tổ chức thực hiện về xây dựng gia đình văn hoá mới, bảo đảm hạnh phúc gia đình. Nâng cao trình độ tự giác xây dựng những quan hệ tình cảm, đạo đức trong từng gia đình, bảo đảm sinh đẻ có kế hoạch và nuôi dạy con ngoan, tổ chức tốt cuộc sống vật chất, văn hoá của gia đình.

Nhà ở là một trong những vấn đề cơ bản trong chính sách xã hội của Nhà nước ta. Xây dựng một chính sách toàn diện về vấn đề nhà ở, huy động nhiều hơn vốn đầu tư của Nhà nước, của các đơn vị tập thể và nhân dân để phát triển vật liệu xây dựng, xây thêm nhà ở. Thực hiện việc phân phối công bằng nhà ở tại các thành phố và thị xã.

5. Thực hiện đúng chính sách giai cấp và chính sách dân tộc

Chính sách giai cấp (bao gồm chính sách đối với mỗi giai cấp và chính sách xử lý mối quan hệ giữa các lợi ích của các giai cấp) và chính sách dân tộc luôn luôn là một bộ phận trọng yếu trong chính sách xã hội.

Trong thời kỳ quá độ, cơ cấu giai cấp xã hội cũ dần dần được thay thế bằng cơ cấu giai cấp của xã hội mới. Quá trình đó cần được thực hiện có kế hoạch gắn liền với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội.

Cần có quan điểm đúng đắn và thống nhất, kèm theo những chính sách, biện pháp có hiệu quả xây dựng toàn diện giai cấp công nhân, giai cấp nông dân tập thể và tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa, làm cho nền tảng chính trị - xã hội của xã hội mới ngày càng vững chắc, ưu thế của lực lượng xã hội chủ nghĩa trong cuộc đấu tranh giữa hai con đường ngày càng được phát huy mạnh mẽ. Tiến hành điều tra cơ bản, nắm chắc cơ cấu giai cấp và xã hội của cả nước và từng địa phương sau hơn mười năm cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát hiện những vấn đề cần được giải quyết về mặt chính sách giai cấp.

Các cấp lãnh đạo phải quan tâm đầy đủ và có sự nhạy cảm đối với dư luận và nguyện vọng của quần chúng để điều chỉnh, bổ sung các chính sách, nhất là trong các vấn đề quan hệ tới lợi ích thiết thân của mỗi giai cấp và tầng lớp xã hội.

Sự nghiệp đẩy mạnh ba cuộc cách mạng ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đòi hỏi tăng cường công tác nghiên cứu về dân tộc học và công tác điều tra xã hội học, hiểu biết đầy đủ những khác biệt cụ thể của từng vùng, từng dân tộc. Trên cơ sở đó, bổ sung, cụ thể hoá và thực hiện tốt hơn chính sách dân tộc, tránh những sai lầm rập khuôn hoặc chủ quan áp đặt những hình thức tổ chức không phù hợp trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội ở các vùng dân tộc.

Đầu tư thêm và tập trung sự cố gắng của các ngành, các cấp, kết hợp với động viên tinh thần tự lực, tự cường của nhân dân các dân tộc để khai thác, bảo vệ và phát triển thế mạnh về kinh tế ở các vùng có đồng bào dân tộc thiểu số cư trú. Đẩy mạnh công tác định canh, định cư, ổn định sản xuất và đời sống của đồng bào trước hết ở các vùng cao, biên giới, các vùng căn cứ cũ của cách mạng và kháng chiến.

Trong việc phát triển kinh tế, xã hội ở những nơi có đông đồng bào các dân tộc thiểu số, cần thể hiện đầy đủ chính sách dân tộc, phát triển mối quan hệ tốt đẹp gắn bó giữa các dân tộc trên tinh thần đoàn kết, bình đẳng, giúp đỡ nhau, cùng làm chủ tập thể; kết hợp phát triển kinh tế và phát triển xã hội, đẩy mạnh sản xuất và chăm lo đời sống con người, kể cả những người từ nơi khác đến và dân tại chỗ.

Kế hoạch đưa đồng bào miền xuôi lên miền núi để thực hiện sự phân bố lại lao động xã hội trên phạm vi cả nước, cần bao gồm cả kế hoạch hình thành cơ cấu giai cấp xã hội mới của vùng các dân tộc. Thực hành những hình thức, biện pháp thích hợp thu hút đồng bào các dân tộc tại chỗ tham gia quá trình phát triển kinh tế với tư cách là người làm chủ thật sự bình đẳng.

Sự phát triển mọi mặt của từng dân tộc đi liền với sự củng cố, phát triển của cộng đồng các dân tộc trên đất nước ta. Sự tăng cường tính cộng đồng, tính thống nhất là một quá trình hợp quy luật, nhưng tính cộng đồng, tính thống nhất không mâu thuẫn, không bài trừ tính đa dạng, tính độc đáo trong bản sắc của mỗi dân tộc. Tình cảm dân tộc, tâm lý dân tộc sẽ còn tồn tại lâu dài và là một lĩnh vực nhạy cảm. Trong khi xử lý các mối quan hệ dân tộc, phải có thái độ thận trọng đối với những gì liên quan đến lợi ích của mỗi dân tộc, tình cảm dân tộc của mỗi người. Chống những thái độ, hành động biểu thị tư tưởng "dân tộc lớn" và những biểu hiện của tư tưởng dân tộc hẹp hòi.

Phần thứ ba

NHIỆM VỤ VÀ CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TA

Một vấn đề có tính quy luật của cách mạng trong thời đại hiện nay là sự kết hợp cuộc đấu tranh của nhân dân mỗi nước với cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới. Thắng lợi của cách mạng mỗi nước cũng là thắng lợi của cả loài người tiến bộ trong cuộc đấu tranh chung chống chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động khác.

Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thể hiện sinh động sự kết hợp sức mạnh của dân tộc ta với sức mạnh của các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới. Ngày nay sự nghiệp cách mạng của nước ta càng có nhiều điều kiện thuận lợi mở rộng sự hợp tác và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế.

Trong những năm tới, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước ta trên lĩnh vực đối ngoại là ra sức kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, phấn đấu giữ vững hoà bình ở Đông Dương, góp phần tích cực giữ vững hoà bình ở Đông Nam Á và trên thế giới, tăng cường quan hệ đặc biệt giữa ba nước Đông Dương, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với Liên Xô và các nước trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa, tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta phải phục vụ cho cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, làm thất bại cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch, tiếp tục làm tròn nghĩa vụ quốc tế đối với Campuchia và Lào. Chúng ta cần tranh thủ những điều kiện thuận lợi mới về hợp tác kinh tế và khoa học, kỹ thuật, tham gia ngày càng rộng rãi việc phân công và hợp tác trong Hội đồng tương trợ kinh tế, đồng thời tranh thủ mở rộng quan hệ với các nước khác.

Tăng cường đoàn kết và hợp tác toàn diện với Liên Xô luôn luôn là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Liên Xô - Tổ quốc của V.I. Lênin vĩ đại, quê hương của Cách mạng Tháng Mười mà năm tới chúng ta sẽ kỷ niệm lần thứ 70 - là biểu tượng sáng ngời của sức mạnh và tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội và của chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa. Đảng ta, một lần nữa, bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn chính sách đối nội và đối ngoại được thông qua tại Đại hội lần thứ XXVII Đảng Cộng sản Liên Xô, ủng hộ hoàn toàn Cương lĩnh (bản viết mới) của Đảng Cộng sản Liên Xô, coi đó là một mẫu mực của sự vận dụng sáng tạo học thuyết mácxít - lêninnít. Trên cơ sở Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt - Xô, chúng ta ra sức phấn đấu, không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác về mọi mặt vì lợi ích của hai nước, đồng thời tăng cường sự phối hợp với Liên Xô và với các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác trong cuộc đấu tranh vì hoà bình và cách mạng trên thế giới, trước hết là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Các cuộc gặp gỡ cấp cao của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam và Liên Xô, mới đây là cuộc gặp gỡ tháng 11 vừa qua giữa đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh và đồng chí Tổng Bí thư M.X. Goócbachốp thể hiện sự nhất trí cao giữa hai đảng và hai nhà nước, đánh dấu những bước phát triển không ngừng của tình đoàn kết anh em và quan hệ hợp tác toàn diện giữa nước ta với Liên Xô.

Đảng ta nhận thức sâu sắc rằng: phát triển và củng cố mối quan hệ đặc biệt giữa ba nước Đông Dương, đoàn kết và tôn trọng độc lập, chủ quyền của mỗi nước, hợp tác toàn diện, giúp đỡ lẫn nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là quy luật sống còn và phát triển của cả ba dân tộc anh em. Bằng những biện pháp thiết thực và có hiệu quả, chúng ta ra sức phát triển quan hệ giữa nước ta với Lào và Campuchia, làm cho mỗi nước và cả ba nước ngày càng vững mạnh, làm thất bại âm mưu và thủ đoạn chia rẽ của kẻ thù. Trước sau như một, Việt Nam trung thành với nghĩa vụ quốc tế của mình đối với cách mạng Lào và cách mạng Campuchia. Chúng ta coi mỗi thành tựu trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc của hai nước anh em như thành tựu của chính mình, cũng như mỗi thành tựu của chúng ta đều không tách rời tình đoàn kết, sự ủng hộ và giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước anh em.

Chúng ta tiếp tục tăng cường quan hệ hữu nghị và sự hợp tác với các nước thành viên Hội đồng tương trợ kinh tế: Ba Lan, Bungari, Cuba, Cộng hoà Dân chủ Đức, Hunggari, Mông Cổ, Rumani, Tiệp Khắc. Chúng ta cũng mở rộng quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác: Anbani, Triều Tiên...

Cuộc gặp gỡ các Tổng Bí thư và Bí thư thứ nhất của các đảng các nước thành viên Hội đồng tương trợ kinh tế vừa qua ở Mátxcơva đánh dấu một bước phát triển mới trong việc nâng cao trình độ hợp tác giữa các nước xã hội chủ nghĩa trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế, phục vụ sự nghiệp đẩy nhanh tiến bộ của các nước anh em. Điều làm cho chúng ta đặc biệt phấn khởi là các đồng chí lãnh đạo các nước anh em đã nhất trí về sự cần thiết đề ra một chương trình nâng cao hiệu quả hợp tác và giúp đỡ của Hội đồng tương trợ kinh tế đối với Việt Nam, Cuba và Mông Cổ phù hợp với đặc điểm của mỗi nước. Theo khả năng của mình, nước ta cố gắng góp phần vào việc nâng cao hiệu quả của sự hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật trong Hội đồng tương trợ kinh tế, cùng các nước anh em củng cố sự thống nhất, tăng cường sức mạnh và phát huy ảnh hưởng của cộng đồng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta tích cực tham gia cương trình hợp tác tiến bộ khoa học - kỹ thuật giữa các nước thành viên Hội đồng t­ương trợ kinh tế. Với ý thức tự lực, tự cường và chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa, nhân dân ta ra sức khai thác tốt mọi khả năng của đất nước vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời làm tròn nghĩa vụ và những cam kết của mình vì sự nghiệp củng cố và tăng cường sức mạnh chung của cộng đồng xã hội chủ nghĩa.

Là một đội ngũ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Đảng ta tích cực góp phần vào việc tăng cường đoàn kết của phong trào trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, tăng cường sự hợp tác giữa các đảng anh em trong cuộc đấu tranh vì những mục tiêu chung là hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Chúng ta ủng hộ một cách nhất quán và triệt để phong trào đấu tranh giải phóng và độc lập dân tộc, lên án chính sách của các giới đế quốc, trước hết là đế quốc Mỹ, tiến hành chống phá hòng xoá bỏ thành quả cách mạng của các nước độc lập trẻ tuổi. Chúng ta đoàn kết với các phong trào giải phóng dân tộc, các lực lượng độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của mỗi nước và quyền bình đẳng giữa các nước, vì một trật tự kinh tế thế giới mới, chống chủ nghĩa thực dân dưới mọi hình thức, chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa apácthai, chủ nghĩa xiôn. Chúng ta ủng hộ mạnh mẽ và nêu cao tình đoàn kết, sự hợp tác với các nước độc lập đã lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa.

Là một thành viên của Phong trào không liên kết, chúng ta phấn khởi trước sự trưởng thành và vai trò ngày càng to lớn của phong trào trong đời sống chính trị quốc tế, trong đó có những đóng góp quan trọng của Cộng hoà Cuba và Cộng hoà Ấn Độ, Chủ tịch phong trào trong hai khoá thứ sáu và thứ bảy đầy khó khăn vừa qua. Chúng ta hoàn toàn tán thành những mục tiêu cao cả là hoà bình, giải trừ quân bị, độc lập dân tộc do Hội nghị cấp cao lần thứ tám của Phong trào không liên kết đề ra và kiên quyết góp phần xứng đáng vào bước phát triển mới của phong trào.

Chúng ta ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh anh dũng của giai cấp công nhân và nhân dân ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển, chống sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản lũng đoạn, chống chạy đua vũ trang hạt nhân, vì hoà bình, dân chủ, việc làm và cải thiện mức sống. Chúng ta ủng hộ chính sách đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng dân chủ và tiến bộ của các đảng cộng sản và công nhân anh em.

Đảng và Nhà nước ta ủng hộ chính sách của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa châu Âu xây dựng một nền hoà bình và an ninh vững chắc ở châu Âu trên cơ sở tôn trọng thực trạng lãnh thổ - chính trị đã hình thành từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Chính sách ấy thể hiện tinh thần của các hội nghị Henxinki, Xtốckhôm, góp phần vào việc phát triển quan hệ láng giềng tốt và hợp tác hoà bình giữa các nước có chế độ kinh tế xã hội khác nhau ở châu Âu.

Là một dân tộc đã từng chịu đựng nhiều hy sinh trong cuộc đấu tranh lâu dài vì độc lập, tự do, chúng ta thông cảm sâu sắc và bày tỏ tình đoàn kết chiến đấu, sự ủng hộ mạnh mẽ đối với nhân dân châu Phi, đặc biệt là nhân dân các nước miền Nam châu Phi, đang kiên cường đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa apácthai. Chúng ta luôn luôn đứng bên cạnh nhân dân các nước Ănggôla, Êtiôpia, Môdămbích trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập của mình và xây dựng cuộc sống mới. Cuộc đấu tranh của nhân dân Nam Phi dưới sự lãnh đạo của Đại hội dân tộc Phi (ANC) chống chế độ cầm quyền độc tài, của nhân dân Namibia dưới sự lãnh đạo của tổ chức SWAPO đòi trả lại độc lập, của nhân dân các nước tiền tuyến châu Phi chống chế độ phân biệt chủng tộc Nam Phi nhất định thắng lợi. Chúng ta ủng hộ những cố gắng của Dimbabuê, nước tiền tuyến châu Phi trẻ tuổi, đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Phong trào không liên kết và tích cực góp phần vào việc giải quyết những vấn đề nóng bỏng của châu Phi.

Chúng ta đoàn kết chặt chẽ với nhân dân các nước anh em Angiêri và Cộng hoà dân chủ nhân dân Yêmen đang xây dựng cuộc sống mới. Chúng ta ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Xarauy củng cố và hoàn thành nền độc lập của mình. Chúng ta đòi Mỹ và các nước đế quốc khác phải từ bỏ âm mưu bao vây kinh tế và những hành động chống Libi và Xyri. Chúng ta kịch liệt lên án Ixraen tiếp tục chiếm đóng một phần lãnh thổ của Libăng, kiên quyết ủng hộ cuộc đấu tranh vì những quyền dân tộc cơ bản thiêng liêng của nhân dân Palextin mà Tổ chức giải phóng Palextin (PLO) là người đại diện; kiên quyết ủng hộ nhân dân các nước Arập khác chống chủ nghĩa xiôn của Ixraen được Mỹ giúp sức.

Những người cộng sản và nhân dân ta hết sức vui mừng trước những thắng lợi rực rỡ của nhân dân Cuba trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, của đất nước Nicaragoa anh hùng, sục sôi tinh thần chiến đấu, đang bảo vệ những thành quả cách mạng của mình, của nhân dân En Xanvađo dưới sự lãnh đạo của Mặt trận giải phóng dân tộc Pharabunđô Mácti trong cuộc đấu tranh bất khuất chống sự can thiệp của chủ nghĩa đế quốc Mỹ và chế độ độc tài phát xít.

Đảng và Nhà nước ta kiên trì thực hiện chính sách đối ngoại hoà bình và hữu nghị. Chúng ta chủ trương và ủng hộ chính sách cùng tồn tại hoà bình giữa các nước có chế độ chính trị và xã hội khác nhau, loại trừ chiến tranh xâm lược và mọi hình thức của chủ nghĩa khủng bố, nhất là chủ nghĩa khủng bố nhà nước mà đế quốc Mỹ coi là quốc sách của họ. Chúng ta ủng hộ những cố gắng không mệt mỏi của Liên Xô nhằm loại trừ vũ khí hạt nhân, thiết lập một hệ thống an ninh quốc tế toàn diện cả về quân sự, chính trị, kinh tế và xã hội. Chúng ta đòi hỏi phía Mỹ phải có thái độ nghiêm chỉnh trong quan hệ với Liên Xô, cùng Liên Xô thảo luận để tìm ra những biện pháp cụ thể và thực tế nhằm ngăn chặn chạy đua vũ trang, trước mắt là chấm dứt các cuộc thử vũ khí hạt nhân. Chúng ta vạch trần thái độ ngoan cố của Mỹ không chịu từ bỏ cuộc chạy đua vũ trang cả trên trái đất và trong khoảng không vũ trụ, gây thêm tình hình căng thẳng trong các quan hệ quốc tế.

Trong tình hình châu Á đang diễn biến phức tạp, do Mỹ xúc tiến việc hình thành liên minh quân sự kiểu NATO ở phương Đông gây nên, Đảng, Chính phủ và nhân dân ta đánh giá cao và hoàn toàn ủng hộ kế hoạch hoà bình toàn diện về châu Á - Thái Bình Dương do đồng chí Tổng Bí thư Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô M. X. Goócbachốp đưa ra tại Vlađivôxtốc.

Đảng và Nhà nước ta đánh giá cao tinh thần đoàn kết và sự hợp tác nhiều mặt giữa Liên Xô và Cộng hoà Ấn Độ mà cuộc đi thăm Ấn Độ của đồng chí Tổng Bí thư M. X. Goócbachốp trong tháng 11 vừa qua đánh dấu một bước phát triển mới tốt đẹp. Đó là một nhân tố rất quan trọng của sự nghiệp hoà bình ở châu Á và trên thế giới. Chúng ta hoan nghênh Tuyên bố Niu Đêli, một văn kiện quan trọng thể hiện ý chí và nguyện vọng của cả loài người đấu tranh cho một thế giới không có vũ khí hạt nhân và không dùng bạo lực trong quan hệ quốc tế.

Chúng ta:

Ủng hộ chính sách của Liên Xô cải thiện quan hệ với Trung Quốc.

Ủng hộ sáng kiến của Mông Cổ về việc tiến tới một hiệp ước không dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực giữa các nước trong khu vực. Ủng hộ những nỗ lực nhằm biến Ấn Độ Dương thành khu vực hoà bình, những sáng kiến nhằm thiết lập các khu vực phi hạt nhân ở Đông Nam Á. Ủng hộ phong trào độc lập dân tộc và đòi phi hạt nhân của các nước nam Thái Bình D­ương và trên bán đảo Triều Tiên.

Ủng hộ những sáng kiến của Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên nhằm làm giảm tình hình căng thẳng và tiến tới thống nhất hai miền đất nước bằng con đường hoà bình và dân chủ.

Ủng hộ những biện pháp kiên quyết của Ápganixtan chống cuộc chiến tranh không tuyên bố của các thế lực đế quốc và tay sai. Nhân dân ta đánh giá cao lập trường đầy thiện chí của Liên Xô trong quyết định rút một bộ phận, đi tới rút toàn bộ các đơn vị quân đội Liên Xô khỏi Ápganixtan khi đạt được một giải pháp chính trị bảo đảm chấm dứt vĩnh viễn sự can thiệp vũ trang từ bên ngoài vào nước này.

Chúng ta mong muốn cuộc xung đột vũ trang giữa hai nước Iran và Irắc sớm chấm dứt.

Chúng ta không ngừng tăng cường và mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác với Cộng hoà Ấn Độ, nước có vị trí đặc biệt quan trọng ở châu Á và trên thế giới, người bạn lớn đã luôn luôn dành cho nhân dân ta những tình cảm tốt đẹp, sự ủng hộ và giúp đỡ chí tình.

Nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc, vốn có quan hệ hữu nghị lâu đời, đã từng đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, giành độc lập, tự do và xây dựng đất nước. Nhân dân hai nước có lợi ích chung là hoà bình, độc lập và phát triển kinh tế. Chính phủ và nhân dân Việt Nam, trước sau như một, quý trọng và nhất định làm hết sức mình để khôi phục tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, và đã đưa ra nhiều đề nghị nhằm sớm bình thường hoá quan hệ giữa nước ta và Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Lập trường của chúng ta là lấy lợi ích cơ bản và lâu dài của hai nước làm trọng. Chúng ta cho rằng đã đến lúc hai bên cần ngồi lại cùng nhau thương lượng để giải quyết các vấn đề trước mắt cũng như lâu dài trong quan hệ giữa hai nước. Một lần nữa, chúng ta chính thức tuyên bố rằng: Việt Nam sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc bất cứ lúc nào, bất cứ cấp nào và bất cứ ở đâu nhằm bình thường hoá quan hệ giữa hai nước, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hoà bình ở Đông Nam Á và trên thế giới.

Chúng ta hoan nghênh chủ tr­ương hợp tình, hợp lý của Chính phủ Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào nhằm bình thường hoá quan hệ với Cộng hoà nhân dân Trung Hoa trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không xâm lược, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và cùng tồn tại hoà bình. Chúng ta hoàn toàn đồng tình với Chính phủ Lào sẵn sàng làm hết sức mình để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau với Vương quốc Thái Lan, trước hết là nối lại đàm phán nhằm bình thường hoá quan hệ giữa hai nước.

Chúng ta hoàn toàn ủng hộ lập trường của Cộng hoà nhân dân Campuchia sẵn sàng đàm phán với các cá nhân và nhóm đối lập để thực hiện hoà hợp dân tộc trên cơ sở loại trừ bọn tội phạm diệt chủng Pôn Pốt. Chính phủ ta chủ trương tiếp tục rút quân tình nguyện Việt Nam khỏi Campuchia, đồng thời sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên để đi tới một giải pháp chính trị đúng đắn về Campuchia.

Chính phủ và nhân dân Việt Nam không ngừng phấn đấu nhằm phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác với Inđônêxia và các nước Đông Nam Á khác. Chúng ta mong mưuốn và sẵn sàng cùng các nước trong khu vực thương lượng để giải quyết các vấn đề ở Đông Nam Á, thiết lập quan hệ cùng tồn tại hoà bình, xây dựng Đông Nam Á thành khu vực hoà bình, ổn định và hợp tác.

Nhà nước ta chủ tr­ương tăng cường và mở rộng quan hệ hữu nghị với Thụy Điển, Phần Lan, Pháp, Ôxtrâylia, Nhật Bản và với các nước phương Tây khác trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi. Chính phủ ta tiếp tục bàn bạc với Mỹ giải quyết các vấn đề nhân đạo do chiến tranh để lại và sẵn sàng cải thiện quan hệ với Mỹ vì lợi ích của hoà bình, ổn định ở Đông Nam Á.

Trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, thấm nhuần những tư tưởng và tình cảm cách mạng trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Đảng ta tiếp tục giương cao ngọn cờ hoà bình, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản, giữ vững độc lập tự chủ, tăng cường hợp tác quốc tế, ra sức làm tròn nhiệm vụ dân tộc và làm tốt nghĩa vụ quốc tế đối với nhân dân thế giới.

Phần thứ tư

PHÁT HUY QUYỀN LÀM CHỦ TẬP THỂ CỦA NHÂN DÂN LAO ĐỘNG, NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ CỦA NHÀ NƯỚC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Bài học "cách mạng là sự nghiệp của quần chúng" bao giờ cũng quan trọng. Thực tiễn cách mạng chứng minh rằng: ở đâu, nhân dân lao động có ý thức làm chủ và được làm chủ thật sự, thì ở đấy xuất hiện phong trào cách mạng.

Vận dụng bài học này vào giai đoạn cách mạng mới, Đảng ta coi làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa cần được thể hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống. Chúng ta đã xác định mối quan hệ Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý thành cơ chế chung trong quản lý toàn bộ xã hội.

Những thành tựu trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc chứng tỏ nhân dân ta giàu lòng yêu nước, thiết tha với chủ nghĩa xã hội, có nghị lực dồi dào, chịu đựng gian khổ, lao động cần cù và sáng tạo, chiến đấu anh dũng; bộ máy Đảng và Nhà nước có cố gắng trong việc thực hiện chức năng của mình.

Bên cạnh những biểu hiện tốt đẹp ấy, trong xã hội ta đang có những hiện tượng không bình thường: sự thiếu gắn bó chặt chẽ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, tình trạng quan liêu trong các cơ quan lãnh đạo, quản lý và các tổ chức chuyên trách về công tác quần chúng. Nguyên nhân chủ yếu là cơ chế kết hợp hoạt động giữa Đảng, nhân dân và Nhà nước chưa được cụ thể hoá thành thể chế.

Cùng với những hậu quả của cơ chế cũ về quản lý kinh tế, tệ quan liêu trong thái độ, phong cách làm việc của cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành, kể cả ở các đơn vị kinh tế, đơn vị hành chính cơ sở, chưa được phê phán và khắc phục. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức quyền, quên những năm tháng cùng nhân dân đồng cam cộng khổ trong chiến tranh giải phóng, đã sống xa dân, không quan tâm giải quyết những vấn đề bức thiết do quần chúng đặt ra. Có những cấp uỷ đảng coi nhẹ công tác quần chúng, không dựa vào nhân dân để chỉ đạo và kiểm tra các tổ chức cơ sở đảng. Không ít cơ quan chính quyền không tôn trọng ý kiến của nhân dân, không làm công tác vận động quần chúng, chỉ quen dùng các biện pháp hành chính. Đảng chưa phát huy vai trò và chức năng của các đoàn thể trong việc giáo dục, động viên quần chúng tham gia quản lý kinh tế, xã hội. Các đoàn thể chưa tích cực đổi mới phương thức hoạt động đúng với tính chất của tổ chức quần chúng.

Toàn Đảng, từ các đồng chí lãnh đạo đến mọi đảng viên, phải thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: "Đảng ta đại biểu cho lợi ích chung của giai cấp công nhân, của toàn thể nhân dân lao động, chứ không phải mưu cầu lợi ích riêng của một nhóm người nào, của cá nhân nào"1). Ý thức phục vụ nhân dân phải được thấu suốt trong hoạt động của cán bộ, đảng viên, nhân viên nhà nước. Đó là tiêu chuẩn hàng đầu đánh giá phẩm chất mỗi người.

Quyền làm chủ của nhân dân cần được thể chế hoá bằng pháp luật và tổ chức. Dân chủ đi đôi với kỷ luật, quyền hạn và lợi ích đi đôi với trách nhiệm và nghĩa vụ. Mỗi người đều phải làm chủ lao động của mình, làm việc có kỷ luật, với năng suất và hiệu quả cao, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng đất nước. Mọi công dân phải tham gia việc giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, chống địch phá hoại, bảo vệ Tổ quốc, coi đó là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của mình.

Những mục tiêu do Đại hội Đảng đề ra chỉ có thể đạt được bằng hành động cách mạng sáng tạo của hàng triệu quần chúng.

Công tác quản lý không phải việc riêng của những người quản lý chuyên nghiệp, mà là sự nghiệp của nhân dân. Trong công tác quản lý của các cơ quan nhà nước, dù là quản lý hành chính hay quản lý sản xuất, kinh doanh, quản lý trật tự, trị an, đều cần có sự tham gia của quần chúng. Việc phát huy vai trò của nhân dân lao động tham gia quản lý kinh tế, quản lý xã hội cần được các cơ quan lãnh đạo và quản lý đặt ra và thực hiện đúng ngay từ khi chuẩn bị và quyết định chủ trương, chính sách. Xoá bỏ nhận thức sai lầm coi công tác quần chúng chỉ là biện pháp để tổ chức, động viên nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách. Đối với những chủ trương có quan hệ trực tiếp tới đời sống nhân dân trên phạm vi cả nước cũng như ở các địa phương và đơn vị cơ sở, cấp uỷ đảng hoặc cơ quan chính quyền phải trưng cầu ý kiến nhân dân trước khi quyết định. Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, đó là nền nếp hằng ngày của xã hội mới, thể hiện chế độ nhân dân lao động tự quản lý nhà nước của mình.

Động viên quần chúng tham gia rộng rãi và thường xuyên vào công cuộc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế. Tập thể những người lao động có quyền hạn và nghĩa vụ trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, bố trí lao động, tuyển lựa cán bộ quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động của cơ quan quản lý. Các cấp uỷ đảng phải lãnh đạo tổ chức các đại hội công nhân, viên chức trong các xí nghiệp, cơ quan, đại hội xã viên trong các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp, các hợp tác xã tiểu, thủ công nghiệp, tạo điều kiện cho các tập thể lao động thực hiện tốt vai trò của người làm chủ trực tiếp ở đơn vị cơ sở.

Ở các xã, phường và khu dân c­ phải phát huy vai trò của Công Đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân tập thể, Mặt trận Tổ quốc trong việc vận động nhân dân phát triển sản xuất, làm kinh tế gia đình, tổ chức phân phối, lưu thông, dịch vụ, hoạt động văn hoá, giáo dục, bảo vệ sức khoẻ và môi trường, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Cùng với việc chăm lo đời sống nhân dân, các cơ quan nhà nước phải tôn trọng và bảo đảm những quyền công dân mà Hiến pháp đã quy định. Tiếp sau việc ban hành Bộ luật Hình sự và dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình, Nhà nước ta còn phải ban hành các luật khác. Chỉnh đốn tổ chức, thi hành những biện pháp có hiệu lực trừ diệt các tệ hối lộ, cửa quyền, loại bỏ và nghiêm trị những phần tử biến chất lợi dụng danh nghĩa đảng và chính quyền để đục khoét nhân dân, áp bức quần chúng. Các cơ quan toà án, kiểm sát, thanh tra, an ninh... dựa vào nhân dân để phát hiện và xử lý kịp thời những vụ vi phạm quyền công dân.

Việc bài trừ những hành động phạm pháp, bảo vệ sản xuất, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa chỉ có thể thực hiện có hiệu quả nếu thật sự dựa vào sự kiểm tra, giám sát của quần chúng. Ở đây, các đoàn thể quần chúng giữ một vai trò quan trọng. Sự kiểm tra và giám sát của nhân dân đối với các cơ quan nhà nước, mưuốn đạt kết quả tốt, phải được các đoàn thể quần chúng tổ chức và chỉ đạo. Sử dụng hệ thống kiểm tra nhân dân, tăng cường hệ thống kiểm tra của công nhân, viên chức trong các xí nghiệp, cơ quan, phát triển rộng rãi các hình thức tham gia kiểm tra của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ và Mặt trận. Kỷ luật lao động, kỷ cương xã hội chỉ có thể được củng cố khi có một cơ chế quản lý đúng, có những biện pháp mạnh mẽ mang tính luật pháp cùng với việc giáo dục đạo đức xã hội.

Thực hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động thực chất là tôn trọng con người, phát huy sức sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân, hướng sự sáng tạo đó vào sự nghiệp xây dựng xã hội mới, và thông qua quá trình xây dựng kinh tế - xã hội mà đào tạo, rèn luyện con người mới, hình thành những tập thể lao động mới. Muốn tạo nên một tập thể vững mạnh, phải xây dựng từng con người, quan tâmphát hiện và bồi dưỡng nhân tài. Việc xây dựng nếp sống mới, con người mới có tầm quan trọng đặc biệt trong xã hội ta. Không xây dựng được ý thức tự giác, tự làm chủ của mỗi người, không thể bảo đảm được quyền làm chủ tập thể của mọi người.

Các ngành văn hoá, văn nghệ, giáo dục và thông tin đại chúng vừa phải hiểu rõ nguyện vọng, tâm tư của quần chúng để phục vụ tốt và phản ánh với Đảng, vừa có trách nhiệm tạo cho được những dư luận quần chúng đúng đắn, hỗ trợ đắc lực cho việc thực hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Khẩu hiệu "dân tin Đảng, Đảng tin dân" phải được thể hiện hằng ngày trong cuộc sống thông qua những việc làm cụ thể.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội và các đoàn thể quần chúng, trước hết là Công đoàn, Hội Liên hiệp Nông dân tập thể, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp Phụ nữ, có vai trò to lớn trong việc động viên các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng, quản lý kinh tế và quản lý xã hội. Các cấp, các ngành, chính quyền phải tôn trọng các đoàn thể quần chúng và Mặt trận, phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi để các đoàn thể và Mặt trận hoạt động có kết quả thiết thực. Đảng viên, cán bộ chính quyền, bộ đội, công an hằng ngày cũng phải tự mình trực tiếp vận động quần chúng, coi đó là một công việc tất yếu để thực hiện được tốt công tác chuyên môn của mình.

Các cấp uỷ đảng phải lãnh đạo chặt chẽ các đoàn thể, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng đoàn thể mà đề ra nhiệm vụ, mục tiêu hành động và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các đoàn thể. Nhưng cấp uỷ đảng phải tôn trọng tính độc lập về tổ chức của các đoàn thể, khuyến khích tính chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện các nhiệm vụ cách mạng. Các đoàn thể cũng phải mau chóng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của mình cho phù hợp với những cuộc cải cách về quản lý kinh tế, xã hội. Hoạt động đoàn thể phải chuyển mạnh về cơ sở, thu hút đông đảo quần chúng vào các phong trào cách mạng.

Lợi ích chính đáng của quần chúng đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Trước mắt, tập trung sức giải quyết những vấn đề có thể giải quyết được, phù hợp với từng đối tượng.

Đối với giai cấp công nhân, Đảng cần có những biện pháp cụ thể nhằm nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa và trình độ hiểu biết về mọi mặt để xứng đáng với vị trí giai cấp tiên phong của cách mạng, đồng thời chăm lo đời sống vật chất và văn hoá, tạo ra những điều kiện cần thiết để giai cấp công nhân hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình; có chế độ tiền lương và phúc lợi xã hội hợp lý, bảo đảm đời sống vật chất và văn hoá của công nhân, viên chức và gia đình. Đảng cần tổng kết kinh nghiệm và ra nghị quyết về xây dựng giai cấp công nhân. Nhà nước cần bổ sung Luật Công đoàn.

Đối với nông dân, phải giải quyết tốt quan hệ giữa nghĩa vụ đóng góp cho đất nước và quyền lợi của nông dân. Nhà nước phải soát lại các chính sách quan hệ đến nông dân, bãi bỏ những chính sách không đúng.

Đối với trí thức, điều quan trọng nhất là bảo đảm quyền tự do sáng tạo. Đánh giá đúng năng lực và tạo điều kiện cho năng lực được sử dụng đúng và phát triển. Phá bỏ những quan niệm hẹp hòi, không thấy tầng lớp trí thức ngày nay là những người lao động xã hội chủ nghĩa, được Đảng giáo dục và lãnh đạo, ngày càng gắn bó chặt chẽ với công nhân, nông dân.

Thanh niên phải được bảo đảm việc làm khi bước vào đời và được quan tâm giáo dục về nhân cách, bản lĩnh và lý tưởng theo ph­ương châm "sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại". Phải có ý thức đầy đủ rằng chính thanh niên là lớp người có sứ mệnh lịch sử xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Mạnh dạn giao trách nhiệm cho thanh niên, và thông qua các hoạt động xã hội mà đào tạo và bồi dưỡng họ. Thiếu niên và nhi đồng phải được học tập và chăm sóc trong tình thương của gia đình và xã hội. Các cấp bộ đảng và Đoàn Thanh niên phải chăm lo xây dựng Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

Phụ nữ nói chung, và lao động nữ nói riêng, có những đặc điểm cần được chú ý. Để phát huy vai trò to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng, cần làm cho đường lối vận động phụ nữ của Đảng được thấu suốt trong cả hệ thống chuyên chính vô sản, được cụ thể hoá thành chính sách, luật pháp. Các cơ quan nhà nước, với sự phối hợp của các đoàn thể, cần có biện pháp thiết thực tạo thêm việc làm, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ nữ, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, thực hiện đúng Luật Hôn nhân và gia đình. Tạo điều kiện cho phụ nữ kết hợp được nghĩa vụ công dân với chức năng làm mẹ, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Đảng cần tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết và đấu tranh cách mạng kiên cường, dũng cảm của các dân tộc thiểu số ở nước ta nhằm củng cố và nâng cao thêm một bước khối đoàn kết các dân tộc, hướng vào việc xây dựng miền núi giàu mạnh, thực hiện thắng lợi các mục tiêu và nhiệm vụ cách mạng do Đại hội đề ra. Tăng cường việc giáo dục chính sách dân tộc trong cán bộ, đảng viên, trong quân đội và đồng bào cả nước, nâng cao cảnh giác, kịp thời vạch trần và làm thất bại âm mưu, hành động của kẻ thù chia rẽ dân tộc. Có quy hoạch và kế hoạch tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số nhất là cán bộ các dân tộc thiểu số ở vùng cao, biên giới và một số vùng ở miền Nam.

Đảng và Nhà nước ta, trước sau như một, thực hành chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng. Lãnh đạo và giúp đỡ đồng bào theo tôn giáođoàn kết xây dựng cuộc sống mới và hăng hái tham gia bảo vệ Tổ quốc. Cảnh giác, kiên quyết và kịp thời chống lại âm mưu, thủ đoạn của bọn đế quốc và phản động chia rẽ đồng bào có đạo với đồng bào không có đạo, giữa đồng bào theo đạo này với đồng bào theo đạo khác.

Người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài đang hình thành một cộng đồng vừa hòa nhập vào xã hội sở tại vừa gắn bó với quê hương. Đảng và Nhà nước ta thông cảm và đánh giá cao lòng yêu nước của đồng bào, sẽ tạo thêm những điều kiện thuận lợi để đồng bào xây dựng khối đoàn kết cộng đồng, tiếp xúc với bà con trong nước, đóng góp ngày càng nhiều hơn vào công cuộc xây dựng Tổ quốc.

Thưa các đồng chí,

Nhà nước ta là công cụ của chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, do giai cấp công nhân và nhân dân lao động tổ chức thành cơ quan quyền lực chính trị. Trong thời kỳ quá độ, đó là nhà nước chuyên chính vô sản thực hiện chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chức năng của Nhà nước là thể chế hóa bằng pháp luật quyền hạn, lợi ích, nghĩa vụ của nhân dân lao động và quản lý kinh tế, xã hội theo pháp luật. Nhà nước ta phải bảo đảm quyền dân chủ thật sự của nhân dân lao động, đồng thời kiên quyết trừng trị những kẻ vi phạm quyền làm chủ của nhân dân.

Tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước là công tác cấp bách, là điều kiện tất yếu bảo đảm huy động lực lượng to lớn của quần chúng nhân dân để hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị do Đảng đề ra, đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân.

Bộ máy nhà nước của ta còn cồng kềnh và kém hiệu lực. Cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp là nguyên nhân trực tiếp làm cho bộ máy nặng nề, nhiều tầng, nhiều nấc. Chức năng, nhiệm vụ của tổ chức và chức năng, tiêu chuẩn cán bộ chưa được xác định rõ ràng. Một số ngành ở trung ương và địa phương đang có xu hướng chia tách thành nhiều cơ quan và đơn vị chuyên môn hóa theo lối khép kín; nhiều tổ chức trùng lắp, chồng chéo; nhiều trường hợp bố trí cán bộ, nhân viên không tương xứng với nhiệm vụ. Chế độ trách nhiệm không rõ ràng. Phong cách làm việc nặng về hình thức, giấy tờ, hội họp quá nhiều, mà quyết định thì chậm, thiếu cơ sở khoa học, nhiều khi không dứt khoát, việc tổ chức thực hiện lại yếu.

Để thiết lập cơ chế quản lý mới, cần thực hiện một cuộc cải cách lớn về tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước theo phương hướng sau đây:

Xây dựng và thực hiện một cơ chế quản lý nhà nước thể hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động ở tất cả các cấp. Tăng cường bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương và cơ sở thành một hệ thống thống nhất, có sự phân định rành mạch nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm từng cấp theo nguyên tắc tập trung dân chủ, phân biệt rõ chức năng quản lý hành chính - kinh tế với quản lý sản xuất - kinh doanh, kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo địa ph­ương và vùng lãnh thổ phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế, xã hội.

Đó là bộ máy nhà nước có đủ năng lực thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu:

- Thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành pháp luật, chính sách cụ thể.

- Xây dựng chiến lược kinh tế - xã hội và cụ thể hóa chiến lược đó thành những kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

- Quản lý hành chính - xã hội và hành chính - kinh tế; điều hành các hoạt động kinh tế, xã hội trong toàn xã hội theo kế hoạch, giữ vững pháp luật, kỷ cương nhà nước và trật tự xã hội, giữ vững quốc phòng và an ninh.

- Kiểm tra việc thực hiện kế hoạch của Nhà nước, phát hiện những mất cân đối và đề ra những biện pháp để khắc phục.

- Thực hiện một quy chế làm việc khoa học, có hiệu suất cao.

- Xây dựng bộ máy gọn nhẹ, có chất lượng cao, với một đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị và có năng lực quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội.

Nhà nước phải làm tròn nhiệm vụ xây dựng các kế hoạch kinh tế - xã hội, các chương trình tiến bộ khoa học - kỹ thuật, xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách, chế độ. Phải nâng cao năng lực quản lý hành chính, bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa, thực hiện đầy đủ quyền lực nhà nước; đồng thời xây dựng hệ thống quản lý kinh tế theo cơ chế quản lý mới, phát huy quyền chủ động sản xuất, kinh doanh của đơn vị kinh tế cơ sở.

Tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước, trước hết là nêu cao vị trí của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, vai trò của Hội đồng nhân dân các cấp. Vẫn còn tình trạng các cơ quan dân cử các cấp được lựa chọn, bầu cử và hoạt động một cách hình thức chủ nghĩa. Trong nhiều trường hợp, cấp ủy đảng còn bao biện, làm thay công việc của chính quyền. Việc lựa chọn người bầu vào các cơ quan dân cử ở nhiều nơi còn gò ép. Nhiều Uỷ ban nhân dân chưa thật sự tôn trọng Hội đồng nhân dân.

Các cơ quan dân cử từ Quốc hội đến Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thường xuyên cải tiến và kịp thời tổng kết các mặt hoạt động; nâng cao chất lượng các kỳ họp, bàn và quyết định những vấn đề thiết thực; tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và công tác giám sát đối với hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước.

Hội đồng Bộ trưởng và Uỷ ban nhân dân các cấp nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành để tổ chức thực hiện có kết quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Vấn đề cấp bách là phải sắp xếp lại các bộ, ủy ban nhà nước, tổng cục và tinh giản bộ máy quản lý hành chính nhà nước của các bộ. Bộ máy quản lý hành chính của bộ không được can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các xí nghiệp. Giảm bớt những tổ chức trung gian như vụ, cục, phòng, ban, chuyển mạnh sang cách làm việc trực tiếp theo lối chuyên gia. Giảm bớt chức phó ở tất cả các cấp và các cơ quan. Theo ph­ương hướng sắp xếp lại bộ máy nhà nước trung ương, bộ máy các uỷ ban nhân dân địa ph­ương cũng phải tổ chức lại gọn và tinh, có đủ quyền hạn, nhiệm vụ và năng lực quản lý trên địa bàn lãnh thổ.

Quản lý đất nước bằng pháp luật, chứ không chỉ bằng đạo lý. Pháp luật là thể chế hóa đường lối, chủ tr­ương của Đảng, thể hiện ý chí của nhân dân, phải được thực hiện thống nhất trong cả nước. Tuân theo pháp luật là chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng. Quản lý bằng pháp luật đòi hỏi phải quan tâm xây dựng pháp luật. Từng bước bổ sung và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật để bảo đảm cho bộ máy nhà nước được tổ chức và hoạt động theo pháp luật.

Coi trọng công tác giáo dục, tuyên truyền, giải thích pháp luật. Đưa việc dạy pháp luật vào hệ thống các trường của Đảng, của Nhà nước (kể cả các trường phổ thông, đại học), của các đoàn thể nhân dân. Cán bộ quản lý các cấp từ trung ương đến đơn vị cơ sở phải có kiến thức về quản lý hành chính và hiểu biết về pháp luật. Cần sử dụng nhiều hình thức và biện pháp để giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật và làm tư vấn pháp luật cho nhân dân.

Pháp luật phải được chấp hành nghiêm chỉnh, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Trong điều kiện đảng cầm quyền, mọi cán bộ, bất cứ ở cương vị nào, đều phải sống và làm việc theo pháp luật, gương mẫu trong việc tôn trọng pháp luật. Không cho phép bất cứ ai dựa vào quyền thế để làm trái pháp luật. Mọi vi phạm đều phải được xử lý. Bất cứ ai phạm pháp đều đưa ra xét xử theo pháp luật, không được giữ lại để xử lý "nội bộ". Không làm theo kiểu phong kiến: dân thì chịu hình pháp, quan thì xử theo "lễ". Hiến pháp quy định: "Khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật". Cấm bao che hành động phạm pháp và người phạm pháp dưới bất cứ hình thức nào.

Phải dùng sức mạnh của pháp chế xã hội chủ nghĩa kết hợp với sức mạnh của dư luận quần chúng để đấu tranh chống những hành vi phạm pháp. Các cấp ủy đảng, từ trên xuống dưới, phải thường xuyên lãnh đạo công tác pháp chế, tăng cường cán bộ có thẩm chất và năng lực cho lĩnh vực pháp chế, và kiểm tra chặt chẽ hoạt động của các cơ quan pháp chế.

Đổi mới phong cách làm việc. Để lãnh đạo và quản lý tốt phải ra quyết định đúng, kịp thời và tổ chức thực hiện các quyết định đó. Việc chuẩn bị quyết định và ra quyết định phải tuân theo một quy trình chặt chẽ. Chấm dứt chế độ làm việc theo lối quan liêu qua nhiều nấc trung gian không cần thiết. Thực hiện phong cách làm việc có điều tra, nghiên cứu, xử lý công việc nhanh chóng, bãi bỏ những thủ tục phức tạp, gây phiền hà cho nhân dân. Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm về những quyết định của mình.

Mưuốn nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, xã hội, phải có một đội ngũ cán bộ giỏi, có năng lực, có kinh nghiệm, có phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng. Cán bộ quản lý hành chính nhà nước (từ bộ trưởng, thứ trưởng, chủ tịch các cấp, cục, vụ trưởng...) đều phải là những người hiểu biết nguyên tắc và chế độ quản lý hành chính, hiểu biết pháp luật, hiểu biết chuyên môn. Có loại cán bộ làm công tác tổng hợp, nhưng không có loại cán bộ được coi như thích hợp với mọi công tác. Để tăng hiệu lực quản lý của Nhà nước, tăng trách nhiệm của cán bộ giữ vị trí chủ chốt ở các ngành, từ nay chấm dứt tình trạng bổ nhiệm cán bộ không có hiểu biết hoặc kém chuyên môn vào các cương vị lãnh đạo và quản lý cơ quan chuyên môn. Thực hiện chế độ bãi miễn đối với các cán bộ vô trách nhiệm, thiếu năng lực.

Để phát triển và nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, sắp xếp lại hệ thống các trường đào tạo, có kế hoạch bồi dưỡng cho các đối tượng khác nhau theo những chương trình thích hợp. Các cán bộ lãnh đạo và quản lý ở các cương vị chủ chốt từ trung ương đến tỉnh, huyện, xã, từ tổng giám đốc đến cán bộ quản lý cơ sở, đều phải qua các lớp bồi dưỡng định kỳ có sát hạch, theo chương trình thiết thực và có hệ thống về đường lối, chính sách, cơ chế quản lý và kiến thức quản lý mới, về chuyên môn, nghiệp vụ và về pháp luật.

Tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân lao động trên thực tế là một thể thống nhất. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, tất cả đều do dân và vì dân, có thật sự do dân mới thật sự vì dân một cách đầy đủ. Nguyên lý cơ bản đó được thực hiện từng bước vững chắc là điều kiện quyết định cho mọi thắng lợi của cách mạng.

Phần thứ năm

NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG

Thưa các đồng chí,

Năm năm qua là một thời kỳ hoạt động phong phú và đầy thử thách của Đảng. Từ những thành tựu cũng như những sai lầm, Đảng ta đã trưởng thành một bước trong công tác lãnh đạo. Đại hội này là một cái mốc đánh dấu bước trưởng thành ấy. Song tất cả những gì đã làm được và chưa làm được cũng chứng tỏ rằng sự lãnh đạo của Đảng chưa ngang tầm những nhiệm vụ của giai đoạn mới. Đảng chưa đáp ứng được yêu cầu trong việc giải quyết nhiều vấn đề kinh tế - xã hội, trong phong cách lãnh đạo và cả trong việc rèn luyện phẩm chất cán bộ, đảng viên. Nguồn gốc sâu xa của sự không ngang tầm ấy là ở chỗ, trong nhiều năm, chúng ta đã coi nhẹ và có khuyết điểm trong công tác xây dựng đảng. Đây là điều mà toàn Đảng, từ Ban Chấp hành Trung ương đến các tổ chức cơ sở và mỗi đảng viên, cần nhận thức đầy đủ với ý thức trách nhiệm cao.

Quy mô rộng lớn và tính chất phức tạp của những nhiệm vụ kinh tế, xã hội trong thời kỳ quá độ, cuộc đấu tranh "ai thắng ai" giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, cuộc đấu tranh giữa nhân dân ta với chủ nghĩa đế quốc và bọn phản động quốc tế đang đòi hỏi tăng cường không ngừng năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Đảng phải trưởng thành về lãnh đạo chính trị, phát triển và cụ thể hóa đường lối, đề ra những giải pháp đúng đắn đối với những vấn đề mới của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Để tăng cường sức chiến đấu và năng lực tổ chức thực tiễn của mình, Đảng phải đổi mới về nhiều mặt: đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; đổi mới tổ chức; đổi mới đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác.

Đảng phải chăm lo xây dựng mình vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, để từ đó tác động quyết định đến sự phát triển của cách mạng nước ta.

1. Đổi mới tư duy, nâng cao phẩm chất cách mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân là nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng.

Thế giới ngày nay đang thay đổi nhanh chóng. Chủ nghĩa xã hội đang phấn đấu thể hiện rõ tính ưu việt về mọi mặt so với chủ nghĩa tư bản. Đối với các nước xã hội chủ nghĩa anh em, đổi mới là con đường vươn lên đáp ứng đòi hỏi của thời đại, đối phó thắng lợi với mọi thử thách, đáp ứng những nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Đối với nước ta, đổi mới đang là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Nhiều năm nay, trong nhận thức của chúng ta về chủ nghĩa xã hội có nhiều quan niệm lạc hậu, nhất là những quan niệm về công nghiệp hóa, về cải tạo xã hội chủ nghĩa, về cơ chế quản lý kinh tế, về phân phối, lưu thông, v.v.. Đó là một nguyên nhân chậm phát triển và cụ thể hóa đường lối chung và đường lối kinh tế trong chặng đường đầu của thời kỳ quá độ. Vì vậy, phải đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy, chúng ta mới có thể vượt qua khó khăn, thực hiện được những mục tiêu do Đại hội lần thứ VI đề ra.

Muốn đổi mới tư duy, Đảng ta phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của đồng chí Lê Duẩn và các đồng chí lãnh đạo khác của Đảng, tiếp thụ những thành tựu lý luận, những kinh nghiệm mới phong phú của các đảng anh em, những kiến thức khoa học của thời đại. Phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết có hệ thống sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, rút ra những kết luận đúng đắn, khắc phục những quan niệm sai lầm hoặc lỗi thời. Đổi mới tư duy không có nghĩa là phủ nhận những thành tựu lý luận đã đạt được, phủ nhận những quy luật phổ biến của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, phủ nhận đường lối đúng đắn đã được xác định, trái lại, chính là bổ sung và phát triển những thành tựu ấy.

Các văn kiện của Đại hội lần thứ VI thể hiện bước đầu sự đổi mới tư duy của Đảng. Mỗi chúng ta, từ người lãnh đạo đến đảng viên thường, dù hoạt động trong lĩnh vực nào cũng cần kiểm tra lại nhận thức của mình, sớm lĩnh hội được những quan niệm mới, kiên quyết gạt bỏ những quan niệm sai lầm. Làm quán triệt các nghị quyết của Đại hội đến từng đảng viên, từng người lao động, tạo nên sự đổi mới về nhận thức, nâng cao nhiệt tình cách mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu của công tác tư tưởng.

Đổi mới tư duy trong mọi lĩnh vực hoạt động của Đảng và Nhà nước là việc cấp bách, đồng thời là việc thường xuyên, lâu dài. Tính bảo thủ, sức ỳ của những quan niệm cũ là trở ngại không nhỏ, nhất là những quan niệm ấy lại gắn chặt với những người mang nặng chủ nghĩa cá nhân và đầu óc thủ cựu. Cần tạo những điều kiện xã hội thuận lợi cho quá trình đổi mới tư duy: bầu không khí dân chủ trong xã hội, nhất là trong sinh hoạt đảng, trong nghiên cứu khoa học; tinh thần tôn trọng sự thật, tôn trọng chân lý; hệ thống thông tin chính xác; tự phê bình và phê bình được tiến hành một cách thường xuyên và nghiêm túc, v.v.. Điều quan trọng là phải coi trọng công tác lý luận nhằm cung cấp nội dung khoa học cho việc đổi mới tư duy.

Cùng với việc đổi mới tư duy, công tác tư­ tưởng phải hướng vào việc bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức mới, nâng cao tinh thần yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội, tinh thần quốc tế vô sản và tinh thần quốc tế xã hội chủ nghĩa, khơi dậy ý chí cách mạng của quần chúng. Phẩm chất chính trị của mỗi người phải thể hiện ở lập trường vững vàng trong cuộc đấu tranh giữa hai con đường, giữa ta và địch, giữa cái lành mạnh và cái hư hỏng; ở ý chí bền bỉ, tính năng động, sáng tạo, ý thức trách nhiệm cao, làm việc có hiệu quả thiết thực; ở lòng tin vào sức mạnh của nhân dân, vào sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh thực hiện nhiệm vụ. Tâm trạng bi quan, dao động, mất lòng tin, mất phương hướng, trái với bản chất tốt đẹp của người chiến sĩ cách mạng tiên phong phải được khắc phục. Vấn đề đạo đức xã hội đang được đặt ra một cách cấp bách. Trong xã hội ta đang diễn ra cuộc đấu tranh giữa hai lối sống: lối sống có lý tưởng, lành mạnh, trung thực, sống bằng lao động của mình, có ý thức tôn trọng và bảo vệ của công, chăm lo lợi ích của tập thể và của đất nước, với lối sống thực dụng, dối trá, ích kỷ, ăn bám, chạy theo đồng tiền. Các lực lượng làm công tác tư tưởng phải tích cực tham gia cuộc đấu tranh này, lên án, vạch trần bản chất thối nát của lối sống cũ, khẳng định mạnh mẽ và truyền bá rộng rãi những giá trị đạo đức mới, thúc đẩy quá trình hình thành lối sống mới.

Trên thế giới và trong nước ta, cuộc đấu tranh giữa hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa và hệ tư tưởng tư sản đang diễn ra gay gắt. Kẻ thù ở ngoài nước và trong nước thường xuyên tìm cách phá chúng ta về tư tưởng. Chúng tung ra đủ loại luận điệu xuyên tạc nhằm phá hoại Đảng và chế độ ta. Những người cộng sản phải nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, nhạy cảm nắm bắt tình hình, kịp thời đập tan mọi luận điệu phản tuyên truyền của chúng. Nhưng thời gian qua, công tác tư tưởng chưa thực sự tiến hành theo hướng đó. Đã có lúc, có nơi, một số đảng viên thụ động, bàng quan, bất lực trước sự lan tràn của những tin đồn nhảm, những dư luận ác ý, tê liệt trước sự tiến công của địch về tư tưởng. Để khắc phục tình trạng không bình thường đó, cần tổ chức lại công tác đấu tranh chống chiến tranh tâm lý của địch, nhất là ở những thành phố lớn.

Hiệu quả công tác tư tưởng phụ thuộc trước hết vào sự lãnh đạo của các tổ chức đảng. Đảng ta lãnh đạo chính quyền, có hệ thống các cơ quan làm công tác tư tưởng, phương tiện tuy chưa hiện đại, nhưng so với trước, đã tăng nhiều, lại có gần hai triệu đảng viên, trên mười vạn chi bộ, nhưng vì sao kết quả công tác tư tưởng lại không tương xứng, trận địa tư tưởng ở nhiều nơi lại bị bỏ trống? Nguyên nhân quan trọng là nhiều tổ chức đảng chưa thật sự lãnh đạo và chưa biết lãnh đạo công tác tư tưởng, nhiều đồng chí được phân công vào các vị trí quan trọng của các cơ quan nhà nước cũng không làm công tác tuyên truyền, giáo dục. Mưuốn làm chủ trận địa tư tưởng, mỗi cấp ủy phải hiểu rõ tâm trạng của quần chúng, có kế hoạch công tác tư tưởng, biết tổ chức, bồi dưỡng và sử dụng các cơ quan, các cán bộ, đảng viên làm công tác tư tưởng, biến các lực lượng ấy thành một đội quân hùng hậu có sức chiến đấu cao.

Công tác tư tưởng phải đổi mới về nội dung và hình thức, tổ chức và phương pháp, con người và phương tiện.

Phải nâng cao chất lượng sinh hoạt của các tổ chức đảng từ trung ương đến chi bộ. Hiệu quả các cuộc hội nghị phải thể hiện trên hai mặt: đề ra được chủ trương, biện pháp để giải quyết các nhiệm vụ; có tác dụng giúp những người tham gia sinh hoạt nắm vững quan điểm của Đảng, tiếp nhận được thông tin, kinh nghiệm, hiểu biết mới, tăng thêm ý thức trách nhiệm. Các cuộc sinh hoạt có chất lượng của cấp ủy và tổ chức cơ sở đảng là điều kiện đầu tiên để triển khai có hiệu quả công tác tư tưởng.

Các tổ chức đảng phải xây dựng được đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên có phẩm chất cách mạng, có trình độ chính trị và nghiệp vụ ngày càng được nâng cao, thường xuyên bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ ấy trong công tác tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng. Việc chậm hình thành đội ngũ này là do coi nhẹ hình thức tuyên truyền miệng, thiếu nội dung phong phú, hấp dẫn và những phương tiện vật chất cần thiết cho các báo cáo viên.

Các phương tiện thông tin đại chúng có nhiệm vụ truyền bá đường lối, chính sách của Đảng, đi sát thực tế, thông tin kịp thời và phân tích sâu sắc những sự kiện mới; phát hiện và phản ánh trung thực những điển hình tiên tiến, nhiệt tình ủng hộ, cổ vũ những nhân tố mới, dũng cảm đấu tranh chống những hiện tượng lạc hậu, trì trệ và mọi biểu hiện tiêu cực khác; đề cập và chỉ ra phương hướng giải quyết những vấn đề thiết thực mà xã hội quan tâm; xây dựng dư luận xã hội lành mạnh, động viên quần chúng tích cực hoàn thành nhiệm vụ cách mạng.

Báo chí là tiếng nói của Đảng, đồng thời cũng phản ánh tiếng nói của quần chúng. Trình độ mọi mặt của nhân dân ta ngày càng cao đòi hỏi báo chí và các phương tiện thông tin khác phải bảo đảm tính chân thực, nâng cao chất lượng, tăng cường tính quần chúng và tính chiến đấu, khắc phục tình trạng giản đơn, đơn điệu, hời hợt, sáo rỗng, một chiều.

Nâng cao chất lượng công tác xuất bản cả ở trung ương và địa phương, bảo đảm có nhiều sách bổ ích, kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm nguyên tắc và thiếu trách nhiệm dẫn tới xuất bản và phát hành văn hóa phẩm có hại. Cố gắng xuất bản một số sách chính trị, khoa học, kỹ thuật, văn học có chất lượng, với khối lượng tương đối lớn, đủ cung cấp cho mỗi cơ sở một tủ sách hay.

Các tổ chức đảng phải quan tâm chỉ đạo công tác văn hóa, văn nghệ.

Không hình thái tư tưởng nào có thể thay thế được văn học và nghệ thuật trong việc xây dựng tình cảm lành mạnh, tác động sâu sắc vào việc đổi mới nếp nghĩ, nếp sống của con người. Văn học, nghệ thuật phải không ngừng nâng cao tính đảng và tính nhân dân, gắn bó với hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng, nắm bắt nhạy bén hiện thực đang diễn biến phức tạp, sớm phát hiện và biểu dương cái mới, tạo nên những điển hình sống động, khẳng định những mầm non đang nảy sinh trong cuộc sống, mạnh dạn phê phán những mặt tiêu cực cản trở sự đổi mới của xã hội. Tính chân thực, tính tư tưởng và tính nghệ thuật bao giờ cũng là tiêu chuẩn của giá trị tác phẩm hiện thực xã hội chủ nghĩa. Đảng yêu cầu các văn nghệ sĩ thường xuyên trau dồi ý thức trách nhiệm của công dân, chiến sĩ, thực hiện chức trách cao quý: tạo nên những giá trị tinh thần, bồi dưỡng tâm hồn và tình cảm, xây dựng nhân cách và bản lĩnh của các thế hệ công dân, xây dựng môi trường đạo đức trong xã hội. Đẩy mạnh công tác phê bình văn học, nghệ thuật với tinh thần xây dựng, dũng cảm và vô tư, khắc phục thói nể nang và những khuynh hướng lệch lạc, loại trừ các biểu hiện thô thiển.

Đảng bộ các cấp cần tạo những điều kiện thuận lợi cho việc sáng tác và biểu diễn của những người làm công tác văn hóa, văn nghệ, bồi dưỡng thế giới quan khoa học và nhân sinh quan cách mạng cho văn nghệ sĩ, chú trọng lực lượng trẻ xuất hiện từ phong trào lao động, sản xuất và chiến đấu. Nâng cao trình độ lãnh đạo văn hóa, văn nghệ của cán bộ quản lý các cấp cho phù hợp với tính đặc thù và yêu cầu phát triển của văn hóa, văn nghệ, chống lối gò ép hoặc buông lỏng.

Cải cách toàn diện công tác của các trường đảng, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp.

Hệ thống trường đảng phải tập trung sức đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận được lựa chọn theo quy hoạch và thường kỳ tổ chức bồi dưỡng cho các cán bộ lãnh đạo và quản lý đương chức. Các cấp ủy phải xây dựng quy hoạch cán bộ để trên cơ sở đó thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng cán bộ. Đổi mới đội ngũ cán bộ giảng dạy, viết lại sách giáo khoa và đổi mới phương pháp dạy và học.

Mở rộng hình thức học tập tại chức, tổ chức cho hàng triệu cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên, v.v. học tập chủ nghĩa Mác - Lênin theo các ch­ương trình đã được quy định, nhằm trang bị cho họ thế giới quan, phương pháp luận khoa học, nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa và đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Sau Đại hội lần thứ VI, phải tổ chức một đợt học tập rộng lớn để quán triệt các nghị quyết, gắn liền với quá trình thực hiện những nhiệm vụ chính trị.

Đào tạo, bồi dưỡng và đổi mới đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng. Tuyển lựa những cán bộ đã trải qua công tác thực tiễn bổ sung cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, giáo dục. Luân phiên đưa các cán bộ này đi làm công tác thực tế một thời gian. Quan tâm đáp ứng những yêu cầu chính đáng về cơ sở vật chất - kỹ thuật của công tác tư tưởng: giấy in, phương tiện nghe nhìn, trường sở, phương tiện dạy và học, điều kiện sinh hoạt và học tập cho học viên các trường đảng.

2. Đổi mới đội ngũ cán bộ, kiện toàn các cơ quan lãnh đạo và quản lý

Đảng ta đã thay đổi một phần và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, nhưng sự thay đổi còn chậm chạp, chất lượng đội ngũ cán bộ vẫn chưa đáp ứng những yêu cầu mới. Đổi mới cán bộ lãnh đạo các cấp là mắt xích quan trọng nhất mà Đảng ta phải nắm chắc để thúc đẩy những cuộc cải cách có ý nghĩa cách mạng. Được rèn luyện trong quá trình chiến đấu lâu dài, nhiều thế hệ cán bộ đã trưởng thành, đó là cơ sở để giải quyết vấn đề đổi mới cán bộ.

Trên cơ sở xác định tiêu chuẩn cụ thể, cần đánh giá lại cán bộ một cách có hệ thống, sắp xếp và kiện toàn cho được các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các cơ quan quản lý các ngành quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, các chức vụ chủ chốt của 40 tỉnh, thành, đặc khu, của hơn 400 quận, huyện, các cơ sở trọng yếu của nền kinh tế quốc dân.

Đổi mới đội ngũ cán bộ có nghĩa là đánh giá, lựa chọn, bố trí lại, đi đôi với đào tạo, bồi dưỡng để có một đội ngũ cán bộ có đủ những tiêu chuẩn về phẩm chất và năng lực lãnh đạo, quản lý, ngang tầm nhiệm vụ. Muốn đổi mới đội ngũ cán bộ, trước hết phải đổi mới công tác cán bộ và đội ngũ những người làm công tác tổ chức, cán bộ. Việc đổi mới cán bộ cần được thực hiện khẩn trương, kiên quyết nhưng phải tránh thay đổi vội vàng. Tránh lối đổi mới một cách hình thức, chỉ căn cứ vào độ tuổi, bằng cấp, hoặc hiểu đổi mới chỉ đơn thuần là thay đổi người, chỉ trọng cán bộ mới, coi nhẹ cán bộ lâu năm có năng lực và phẩm chất.

Để đổi mới đội ngũ cán bộ một cách đúng đắn, cần đổi mới quan điểm đánh giá cán bộ. Phải lấy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo phẩm chất và năng lực, lấy nhu cầu nhiệm vụ làm căn cứ để bố trí cán bộ.

Nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, trước hết là nhiệm vụ xây dựng kinh tế, đang đòi hỏi những cán bộ có phẩm chất và năng lực phù hợp. Đó là những cán bộ có phẩm chất chính trị đã được thử thách, luôn luôn đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, thông suốt và chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, ham học hỏi, năng động, sáng tạo, có kiến thức quản lý kinh tế, xã hội, có tính tổ chức và kỷ luật cao. Đó là những cán bộ có đạo đức cách mạng và phong cách lãnh đạo tốt, trước hết là có ý thức tập thể, dân chủ, đi đôi với tính quyết đoán, có ý thức trách nhiệm, có tác phong sâu sát thực tế, gần gũi quần chúng, quan tâm đến con người, gương mẫu trong lối sống, đoàn kết và động viên được nhiệt tình lao động của cán bộ và nhân dân.

Phải từ lợi ích chung của cách mạng, từ chính sách cán bộ thống nhất của Đảng mà lựa chọn cán bộ một cách công minh. Mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, đầu óc địa vị, tư lợi, chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa cục bộ và bệnh quan liêu trong công tác cán bộ đều gây ra những hậu quả xấu đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và sự đoàn kết trong Đảng. Khắc phục tình trạng bố trí cán bộ theo kiểu khép kín trong từng địa phương, từng ngành, không tiếp nhận cán bộ được điều động từ nơi khác, ngành khác tới.

Đổi mới đội ngũ cán bộ bao hàm ý nghĩa trẻ hóa. Trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, tăng thêm cán bộ trẻ trong các cơ quan lãnh đạo và quản lý, kết hợp đúng cán bộ nhiều tuổi với cán bộ trẻ để tăng cường sức chiến đấu, tính năng động của đội ngũ cán bộ và để bảo đảm sự kế thừa liên tục ở các cơ quan lãnh đạo. Có khắc phục được quan niệm đẳng cấp, tôn ti theo kiểu phong kiến còn khá nặng nề, chúng ta mới có thể phát hiện và cất nhắc được những cán bộ trẻ ưu tú.

Chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế tục là nhiệm vụ thường xuyên của các tổ chức đảng và phải được tiến hành theo quy hoạch. Mọi cán bộ lãnh đạo đều có nhiệm vụ tham gia với tập thể lựa chọn, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ kế tục. Cán bộ nhiều tuổi, giàu kinh nghiệm có nghĩa vụ ủng hộ, giúp đỡ lớp cán bộ kế tục. Nhân tài không phải là sản phẩm tự phát, mà phải được phát hiện và bồi dưỡng công phu. Nhiều tài năng có thể mai một nếu không được phát hiện và sử dụng đúng chỗ, đúng lúc. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải tuân theo một quy trình chặt chẽ. Đó là kết hợp giữa bồi dưỡng kiến thức ở các trường học với rèn luyện trong thực tiễn. Phải căn cứ vào chỗ mạnh, chỗ yếu và triển vọng phát triển của cán bộ mà mạnh dạn bố trí vào những cương vị công tác phù hợp, sau đó, liên tục theo dõi, kiểm tra, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho họ trưởng thành. Việc luân chuyển cán bộ theo quy hoạch góp phần đào tạo những cán bộ lãnh đạo có tầm nhìn xa, hiểu biết rộng, có bản lĩnh và năng lực lãnh đạo.

Chống tệ quan liêu, cửa quyền trong công tác lựa chọn, bố trí cán bộ. Dân chủ hóa công tác cán bộ bằng những quy chế rõ ràng. Công tác cán bộ là công việc chung của các cơ quan đảng và nhà nước, không phải chỉ là việc riêng của cơ quan làm công tác tổ chức, cán bộ, mặc dù công tác của các cơ quan này là quan trọng.

Cơ chế quản lý cán bộ có đúng thì sự đánh giá cán bộ mới chính xác, mới phát hiện, đề bạt được cán bộ tốt, thay đổi những người xấu và yếu kém, loại trừ những yếu tố ngẫu nhiên, may rủi và những động cơ không lành mạnh trong công tác cán bộ.

Xác định chế độ trách nhiệm của các cấp ủy đảng đối với việc quản lý cán bộ chủ chốt ở các cấp, các ngành, coi đây là một chức năng quan trọng không thể thiếu của các cơ quan lãnh đạo của Đảng. Bảo đảm tính tập thể trong các quyết định về cán bộ trên cơ sở dân chủ xem xét đầy đủ ý kiến của các tổ chức và cá nhân có liên quan, đi đôi với nêu cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu; tránh tình trạng người phụ trách không có quyền và nhất là không có trách nhiệm trong việc lựa chọn cán bộ do mình phụ trách. Quy định việc phân công, phân cấp quản lý cán bộ, xác định quyền hạn, trách nhiệm, các mối quan hệ giữa cơ quan đảng và nhà nước, ngành và địa phương, cấp trên và cấp dưới, xác định quy trình lựa chọn, đánh giá, đề bạt, điều động, làm cho việc quản lý cán bộ đi vào quy chế và nền nếp.

3. Đổi mới phong cách làm việc, giữ vững các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt trong Đảng

Tập trung dân chủ là nguyên tắc quan trọng nhất chỉ đạo mọi hoạt động tổ chức, sinh hoạt nội bộ và phong cách làm việc của chúng ta. Sức mạnh tổ chức to lớn của Đảng là ở sự thực hiện đầy đủ nguyên tắc này. Tình trạng tập trung quan liêu, gia trưởng, độc đoán, không tôn trọng ý kiến cấp dưới, không phát huy trí tuệ tập thể dẫn tới những quyết định sai lầm, làm suy yếu sự đoàn kết trong Đảng. Tình trạng cục bộ, vô kỷ luật cũng gây ra những hậu quả tai hại, và làm cho sự lãnh đạo của Đảng, việc điều hành của Nhà nước kém hiệu lực.

Lập lại kỷ cương, củng cố kỷ luật trong Đảng và bộ máy nhà nước, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, nói và làm theo nghị quyết của cấp trên và của tập thể. Mọi cán bộ, đảng viên phải phục tùng kỷ luật. Mọi sự năng động, sáng tạo phải dựa trên cơ sở đường lối, chính sách. Cơ quan lãnh đạo phải nắm vững quyền chỉ đạo tập trung, điều hành thống nhất, không dung túng những việc làm sai trái. Có lập lại kỷ cương trong Đảng, trong cơ quan lãnh đạo các cấp của Nhà nước, mới có sức mạnh lập lại trật tự trong xã hội.

Bất cứ người lãnh đạo nào cũng không được tự đặt mình ra ngoài tổ chức, tự cho mình quyền nói và làm khác quyết định của tập thể. Cấp dưới, dù cho người đứng đầu là ủy viên Trung ương, cũng không thể tự cho mình quyền không thi hành hoặc làm trái chỉ thị của cấp trên.

Tăng cường sự lãnh đạo tập thể, mở rộng sinh hoạt dân chủ. Biết bao vấn đề quan trọng và mới mẻ, phức tạp đang đặt ra trước các cơ quan lãnh đạo. Sự hiểu biết và kinh nghiệm của mỗi người đều có hạn. Mọi quyết định chủ quan, độc đoán, đơn giản đều không tránh khỏi sai lầm. Phải nghiên cứu những kinh nghiệm sáng tạo của các cơ sở và địa phương, lắng nghe ý kiến của quần chúng, của các chuyên gia và cán bộ khoa học. Các chủ trương quan trọng đều phải được bàn bạc và quyết định tập thể. Người lãnh đạo phải bình tĩnh lắng nghe những ý kiến trái với ý kiến của mình. Ý kiến khác nhau phải được nói hết, nói thẳng, và trải qua thảo luận dân chủ mà đi đến chân lý.

Nâng cao chất lượng sinh hoạt của các cấp ủy là một yêu cầu quan trọng. Cung cấp những thông tin cần thiết để mỗi cấp ủy viên nắm chắc được tình hình, có điều kiện đóng góp vào quá trình ra các quyết định. Cải tiến cách điều hành hội nghị để bảo đảm thảo luận dân chủ, thẳng thắn, có kết luận rõ ràng, khi cần thì biểu quyết, kể cả bằng phiếu kín, làm cho mỗi nghị quyết được thông qua đều là sản phẩm của trí tuệ tập thể, buộc mọi người phải thực hiện, không ai được quyền tuyên truyền và thực hiện ý kiến riêng đã bị đa số bác bỏ.

Đẩy mạnh tự phê bình và phê bình đúng với ý nghĩa là quy luật phát triển của Đảng, thước đo trình độ sinh hoạt dân chủ trong Đảng và ý thức trách nhiệm của Đảng đối với nhân dân.

Người cộng sản phải dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật. Trong Đảng không thể dung thứ thái độ che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, lừa dối cấp trên, thái độ nể nang, hoặc đàn áp, trả thù người phê bình. Cuộc vận động tự phê bình và phê bình trong dịp chuẩn bị đại hội lần này được tiến hành t­ương đối rộng từ trên xuống dưới, đã phát hiện và sửa chữa một số khuyết điểm, bước đầu củng cố lòng tin của nhân dân. Cần đưa việc tự phê bình và phê bình vào chế độ sinh hoạt thường xuyên của tất cả các tổ chức đảng.

Không được coi tự phê bình và phê bình là một dịp đả kích lẫn nhau, mà phải xem đó là một sinh hoạt đảng bình thường để góp ý kiến giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, củng cố sự đoàn kết nhất trí.

Sửa đổi phong cách làm việc, đi sâu, đi sát thực tế.

Cán bộ lãnh đạo phải dành một phần thời giờ thích đáng đi cơ sở, gặp quần chúng tìm hiểu tình hình, nghe ý kiến của cấp dưới, giải quyết kịp thời tại chỗ những việc cụ thể. Đến những nơi tiên tiến để tổng kết kinh nghiệm, và đến cả những nơi khó khăn, yếu kém để giúp đỡ.

Thiết lập trong toàn Đảng một chế độ thông tin nhanh chóng và chính xác. Các cơ quan lãnh đạo của Đảng phải được thông tin đầy đủ về tình hình và nội dung các vấn đề thuộc phạm vi mình phụ trách trước khi ra quyết định.

Kiểm tra là một chức năng lãnh đạo chủ yếu của Đảng, là một khâu quan trọng của tổ chức thực hiện. Đó cũng là biện pháp hiệu nghiệm để khắc phục bệnh quan liêu. Mọi tổ chức, từ cơ quan của Đảng, Nhà nước đến đoàn thể quần chúng, mọi lĩnh vực hoạt động từ kinh tế, xã hội đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại, không có ngoại lệ, đều phải đặt dưới sự kiểm tra của tổ chức đảng có thẩm quyền. Trung ương Đảng và các cấp ủy đảng phải nắm chắc công tác kiểm tra, sử dụng kết quả kiểm tra vào việc chỉ đạo thực hiện các nghị quyết. Mỗi cấp ủy, trong từng thời gian, đều phải có chương trình kiểm tra, tập trung vào những công tác chủ yếu, những đơn vị trọng điểm; sử dụng và phát huy vai trò ủy ban kiểm tra và các ban của Đảng, kết hợp chặt chẽ kiểm tra của Đảng với thanh tra của Nhà nước và kiểm tra của quần chúng; kiểm tra phải đi tới kết luận rõ ràng và xử lý đúng đắn.

Chúng ta đã xây dựng bước đầu quy chế làm việc của các tổ chức đảng và nhà nước. Cần rút kinh nghiệm bổ sung và hoàn chỉnh những quy chế đó. Quy định cụ thể và thực hiện một số chế độ công tác và sinh hoạt nội bộ, trước hết là chế độ hội nghị, chế độ kiểm tra, chế độ tự phê bình và phê bình, chế độ tiếp xúc với quần chúng.

4. Nâng cao chất lượng đảng viên, đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực

Cùng với việc nâng cao năng lực và rèn luyện phong cách, phải tạo ra một chuyển biến mạnh mẽ trong việc rèn luyện, nâng cao phẩm chất cách mạng của cán bộ, đảng viên.

Mỗi người cộng sản chúng ta cần phải suốt đời học tập, noi gương đạo đức, tác phong của Bác Hồ, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, ghi nhớ và làm theo lời dạy của Người, nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, xứng đáng là người lãnh đạo và người đày tớ thật trung thành của nhân dân.

Hãy giữ gìn và nêu cao danh hiệu cao quý của người đảng viên cộng sản. Mọi người hãy suy nghĩ và hành động vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, vì lợi ích cách mạng, chứ không phải vì địa vị và tư lợi. Lý tưởng ấy phải được thể hiện cụ thể trong lao động, chiến đấu, học tập và trong lối sống của mỗi đảng viên. Trung thực, không giả dối, nói ít làm nhiều, lời nói đi đôi với việc làm, nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, không giấu giếm khuyết điểm - phẩm chất ấy phải được thường xuyên nhấn mạnh và rèn luyện. Ban hành những quy định ngăn ngừa thói khoa trương, thổi phồng thành tích, thi hành kỷ luật những cán bộ, những tổ chức "làm láo, báo cáo hay", có thái độ nghiêm khắc với những kẻ xu thời, vụ lợi, xu nịnh và với cả người ưa nịnh. Bất kỳ cán bộ, đảng viên nào cũng phải tôn trọng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Những hành động cửa quyền, hống hách, ức hiếp quần chúng phải bị lên án và thi hành kỷ luật.

Trong tư tưởng cũng như trong hành động phải triệt để chống tham nhũng, chống đặc quyền, đặc lợi. Với lương tâm của người cộng sản, mỗi cán bộ, đảng viên hãy nghiên khắc xem xét mình đã sống lành mạnh, sống bằng lao động của mình hay chưa? Tư tưởng và hành động chạy theo đồng tiền, tính ích kỷ, hành vi xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, xâm phạm lợi ích của nhân dân, ăn cắp của công, lấy của công để biếu xén, chè chén, "phân phối nội bộ", phải bị phê phán và xử lý nghiêm khắc.

Việc giáo dục, rèn luyện phẩm chất của cán bộ, đảng viên phải được thể hiện ở ch­ương trình công tác, ở hoạt động thực tiễn của Trung ương, các cấp ủy, các tổ chức cơ sở của Đảng. Cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu trong lối sống. Người có chức vụ càng cao thì yêu cầu về sự gương mẫu càng lớn. Không ai có quyền tự ban cho mình những đặc quyền, đặc lợi. Phải bỏ ngay những chế độ cung cấp, trang bị phương tiện sinh hoạt, v.v. do các ngành, các địa phương tự ý quy định, trái với chế độ chung.

Mỗi cấp ủy phải nắm được cụ thể và chính xác phẩm chất của từng cán bộ thuộc phạm vi quản lý của mình. Chi bộ phải kiểm tra, quản lý đảng viên - kể cả đảng viên là cán bộ lãnh đạo - về những vấn đề thuộc về đạo đức và phong cách.

Mười năm qua, trên 19 vạn đảng viên, trong đó một phần khá lớn là những người phạm sai lầm về phẩm chất, đạo đức, đã bị đưa ra khỏi đảng; có những người đã phải truy tố trước pháp luật. Việc thi hành kỷ luật vẫn chưa nghiêm, đến nay nhiều người không đủ tư cách đảng viên vẫn còn ở trong đảng. Phải làm trong sạch Đảng, trước hết loại bỏ ngay những phần tử thoái hóa, biến chất.

Cần đ­ưa công khai trên báo, đài, hoặc qua các cuộc sinh hoạt của các tổ chức đảng và đoàn thể quần chúng những vụ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cao cấp, mắc sai lầm nghiêm trọng về phẩm chất. Điều đó chỉ làm tăng lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng.

Các tỉnh ủy, huyện ủy không thể giao cho tổ chức cơ sở, nhất là nơi yếu kém, tự làm việc chọn lọc đảng viên, mà phải chỉ đạo trực tiếp, nhằm trước hết vào những cơ sở nắm của cải của Nhà nước hoặc có quan hệ đến sinh mệnh chính trị và đời sống của quần chúng.

Sau Đại hội Đảng, cần có kế hoạch tiến hành cuộc vận động làm trong sạch Đảng, khắc phục những hiện tượng hư hỏng trong bộ máy nhà nước, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Một hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương sẽ thảo luận chuyên đề về công tác xây dựng Đảng.

5. Nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở

Việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng, nâng cao chất lượng đảng viên... đều tuỳ thuộc vào sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Những thành tựu đã đạt được, những tiềm năng được khai thác, những kinh nghiệm có giá trị đều bắt nguồn từ sự nỗ lực phấn đấu của quần chúng ở cơ sở mà hạt nhân lãnh đạo là tổ chức đảng. Nhưng mặt khác, sự yếu kém của nhiều tổ chức cơ sở của Đảng đã hạn chế những thành tựu của cách mạng.

Tổ chức cơ sở phải là người nắm vững và bảo đảm cho mọi hoạt động ở cơ sở theo đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ở những nơi thực hiện chế độ thủ trưởng, tổ chức cơ sở đảng phải thực hiện đúng chức năng kiểm tra, kể cả kiểm tra người đứng đầu cơ sở. Từng thời gian, đảng ủy phải có chương trình kiểm tra, và biết tổ chức lực lượng, huy động đảng viên, cán bộ chuyên môn và quần chúng tham gia công tác kiểm tra. Lựa chọn và cử bí thư đảng ủy cơ sở có phẩm chất và năng lực tương đương với thủ trưởng của cơ sở đó.

Công tác quần chúng có vị trí quan trọng trong hoạt động của tổ chức cơ sở. Mỗi chi bộ, đảng viên phải chăm lo giáo dục chính trị, tưtưởng cho quần chúng, và bằng hành động gương mẫu của người cộng sản mà động viên quần chúng phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ lao động sản xuất và chiến đấu. Tạo điều kiện để quần chúng tham gia xây dựng Đảng, góp ý kiến phê bình, nhận xét hoạt động của chi bộ, kiểm tra tư cách đảng viên, phát hiện những người không đủ tư cách đảng viên, và giới thiệu những người ưu tú để xem xét kết nạp vào Đảng. Thực hiện rộng rãi chế độ quần chúng phê bình chi bộ, đảng viên, định kỳ mỗi năm một lần vào dịp tổng kết công tác.

Tổ chức cơ sở đảng, mà trực tiếp là chi bộ, cần chăm lo việc giáo dục, rèn luyện đảng viên. Chi bộ làm tốt việc phân công đảng viên; đảng viên nào cũng được giao công tác, và phải làm tròn nhiệm vụ.

Số đảng viên đã về hưu ngày càng nhiều và chiếm tỷ lệ lớn ở các đảng bộ phường, xã. Cần quan tâm bồi dưỡng những vấn đề thời sự, chính sách và sử dụng các đồng chí về hưu vào những công việc thích hợp với khả năng và sức khỏe mỗi người.

Đi đôi với việc kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những người không đủ t­ cách, cần thu hút vào đảng những người ưu tú xuất hiện trong phong trào cách mạng của quần chúng. Số lượng đảng viên của toàn Đảng tuy đông nhưng phân bố rất không đều. Vì vậy, phải tiếp tục coi trọng việc phát triển đảng viên đi đôi với điều chỉnh, phân bố hợp lý lực lượng đảng viên. Điều quan trọng là bảo đảm chất lượng đảng viên ngay từ khi lựa chọn, kết nạp. Đối với những cơ sở yếu kém, cấp ủy cấp trên phải chỉ đạo chặt chẽ việc củng cố tổ chức cơ sở này trước khi kết nạp đảng viên mới.

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là đội hậu bị của Đảng. Các tổ chức đảng phải chăm lo giáo dục, rèn luyện đoàn viên, giúp cho mỗi người sống và làm việc theo lý tưởng của Đoàn. Đó là nguồn chủ yếu để phát triển đảng viên mới.

Chú ý tăng thêm thành phần công nhân, phụ nữ, người dân tộc thiểu số trong việc phát triển đảng viên cũng như việc đào tạo cán bộ.

6. Tăng cường đoàn kết nhất trí trong Đảng

Đảng ta có truyền thống đoàn kết nhất trí tốt đẹp. Chẳng những lúc cách mạng phát triển bình thường, thuận lợi mà cả lúc sóng gió, ở những bước ngoặt của lịch sử, Đảng luôn luôn là một khối thống nhất về tư tưởng và hành động. Nhờ đó, Đảng đã đoàn kết được đông đảo nhân dân, đưa sự nghiệp cách mạng đến những thắng lợi vẻ vang.

Bên cạnh mặt bản chất của Đảng là đoàn kết nhất trí, chúng ta không thể xem thường tác động của một số nhân tố tiêu cực. Có tình trạng thiếu nhất trí về một số quan điểm và sự thiếu ăn khớp trong phong cách và quan hệ làm việc giữa một số cán bộ lãnh đạo các cấp. Bệnh cục bộ, địa phương còn nặng. Do đặc điểm của quá trình cách mạng ở nước ta, đội ngũ cán bộ ở mỗi miền, mỗi địa phương có sự hình thành và phát triển khác nhau; sự thông cảm và hiểu biết lẫn nhau chưa đầy đủ. Kẻ thù và những phần tử xấu lợi dụng tình hình này để kích động, gây chia rẽ.

Tăng cường đoàn kết, nhất trí về chính trị, tư tưởng và tổ chức trên cơ sở hệ tư tưởng Mác - Lênin, đường lối, quan điểm và nguyên tắc tổ chức của Đảng luôn luôn là vấn đề sống còn của cách mạng.

Đoàn kết trong Đảng không phải là "bằng mặt mà không bằng lòng"; mà là sự đoàn kết được xây dựng trên cơ sở đấu tranh để bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng. Đoàn kết không có nghĩa là không có ý kiến khác nhau. Thông qua trao đổi, thảo luận sẽ đi đến nhất trí; nếu còn khác nhau, thì quá trình thực tiễn sẽ làm sáng tỏ và đạt đến sự nhất trí cao hơn. Nhưng trong sinh hoạt của Đảng, phải tuân theo nguyên tắc tập trung dân chủ và tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách: thiểu số phục tùng đa số, cá nhân phục tùng tổ chức, cấp dưới phục tùng cấp trên, toàn Đảng phục tùng Trung ương.

Chúng ta phải chăm lo giữ gìn sự đoàn kết trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng, trên cơ sở đó, tăng cường đoàn kết trong toàn Đảng. Đảng ta quyết làm hết sức mình để giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất của Đảng, thực hiện đúng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình"1).

Thưa các đồng chí,

Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đánh dấu sự đổi mới quan trọng của Đảng trong lãnh đạo chính trị, tư tưởng, tổ chức và có ý nghĩa to lớn tăng cường hơn nữa khối đoàn kết, thống nhất của toàn Đảng.

Trước mắt chúng ta có nhiều khó khăn, nhưng Đảng và nhân dân ta có những điều kiện cần thiết để khắc phục những khó khăn ấy, đưa sự nghiệp cách mạng vẻ vang tiếp tục tiến lên.

Đảng ta là đội ngũ chiến đấu đã trưởng thành về chính trị và ngày càng có thêm nhiều kinh nghiệm mới.

Dân tộc ta là một dân tộc cách mạng. Nhân dân ta đã gắn bó với Đảng trong cuộc chiến đấu lâu dài, đánh thắng tất cả các thế lực xâm lược, giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc.

Truyền thống quý báu của Đảng và nhân dân ta là trước những khó khăn, thử thách, càng đồng tâm nhất trí, anh dũng chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc và vì lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa cộng sản.

Năm 1990, chúng ta sẽ kỷ niệm lần thứ 60 ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lần thứ 45 Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hãy hướng về những ngày ấy, tiếp tục thực hiện Di chúc của Người, dấy lên một phong trào hành động cách mạng sôi động, có hiệu quả, ra sức thi đua hoàn thành kế hoạch 5 năm 1986 - 1990.

Tất cả vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân!

Lưu tại kho Lưu trữ

Trung ương Đảng

1. V.I. Lênin: Toàn tập, tiếng Việt, Nxb. Tiến Bộ, Mátxcơva, 1977, t.40, tr. 119-120.

1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 9, tr. 288 (B.T).

1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 12, tr.510 (B.T).

.
tulieuvankien.dangcongsan.vn
Phòng vệ thương mại thời hội nhập: Mệnh lệnh thị trường và tiếng gọi trưởng thành

Phòng vệ thương mại thời hội nhập: Mệnh lệnh thị trường và tiếng gọi trưởng thành

Phòng vệ thương mại đã góp phần xứng đáng vào hoạt động xuất khẩu, với bước đi mạnh mẽ trong chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa.
Vụ án chuyến bay giải cứu: Nỗi đau mất cán bộ và lời Bác Hồ năm xưa về “đạn bọc đường”

Vụ án chuyến bay giải cứu: Nỗi đau mất cán bộ và lời Bác Hồ năm xưa về “đạn bọc đường”

Vụ án chuyến bay giải cứu đã để lại những bài học sâu sắc về công tác quản lý cán bộ.
Sắp diễn ra hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới

Sắp diễn ra hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới

Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số phối hợp cùng Amazon Global Selling dự kiến tổ chức Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới vào 2 ngày 7 và 9/6.
Ngày này năm xưa 11/4: Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bạc Liêu

Ngày này năm xưa 11/4: Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bạc Liêu

Ngày này năm xưa 11/4: Ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bạc Liêu, ngày truyền thống Hợp tác xã Việt Nam.
Ngày này năm xưa ngày 10/4: Quyết định về việc thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái

Ngày này năm xưa ngày 10/4: Quyết định về việc thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái

Ngày này năm xưa 10/4, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Khu kinh tế của khẩu Móng Cái, Ban hành sắc lệnh "Đảm phụ quốc phòng".
Mobile VerionPhiên bản di động