Thứ ba, 10/01/2023 - 23:40(GMT+7)

Nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 10 về kiện toàn tổ chức, cải tiến lề lối làm việc

Hội nghị Trung ương lần thứ 10 nhận định rằng những khuyết điểm về tổ chức và lề lối làm việc của Trung ương, nhất là của Bộ Chính trị và Ban Bí thư...

Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 10 về kiện toàn tổ chức, cải tiến lề lối làm việc

1. Hội nghị Trung ương lần thứ 10 nhận định rằng những khuyết điểm về tổ chức và lề lối làm việc của Trung ương, nhất là của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, là một nguyên nhân quan trọng đã đưa đến những sai lầm về lãnh đạo tư tưởng và chính sách trong thời gian vừa qua.

Những khuyết điểm chủ yếu về tổ chức và lề lối làm việc đó là:

- Không quán triệt đầy đủ những nguyên tắc cơ bản của Đảng: làm việc thiếu dân chủ, tập thể; phê bình tự phê bình không được sâu sắc; chính sách cán bộ không được phân minh.

- Tác phong quan liêu sự vụ, xa thực tế: không nắm vững việc lãnh đạo về phương châm chính sách; không nắm vững các công tác trọng tâm, thiếu nghiên cứu lý luận và tổng kết kinh nghiệm, thiếu kiểm tra thi hành chính sách; xa cán bộ, xa quần chúng.

- Tổ chức không được kiện toàn, việc phân công không rành mạch, trách nhiệm, quyền hạn không rõ ràng. Vì bao biện, nên đã không thực hiện đúng vai trò của chính quyền liên hiệp dân chủ, chưa phát huy đầy đủ tác dụng của mặt trận dân tộc thống nhất, chưa sử dụng các cơ quan trực thuộc Trung ương được đúng mực; đồng thời việc lãnh đạo thiếu bao quát, chặt chẽ.

2. Những khuyết điểm đó đã đưa đến các tai hại như sau:

- Vai trò của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là người lãnh đạo tập thể của Đảng không được thực hiện đúng.

- Sinh hoạt Bộ Chính trị, Ban Bí thư không được sinh động, trái lại có lúc hầu như bị tê liệt.

- Sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự đoàn kết với cán bộ ngoài Đảng, liên hệ giữa Đảng và quần chúng bị lỏng lẻo.

- Sự lãnh đạo của Trung ương, nhất là của Bộ Chính trị phạm nhiều sai lầm nhưng phát hiện chậm, sửa chữa chậm; gây ra nhiều tổn thất cho Đảng và cho nhân dân.

3. Từ trước đến nay, chúng ta đã nhiều lần quyết định phải cải tiến tổ chức và lề lối làm việc, những sai lầm nói trên đã được nêu lên một phần, nhưng vì sao về cǎn bản chúng ta chưa sửa chữa được?

Chủ yếu là vì chúng ta chưa đi sâu vào những nguyên nhân về tư tưởng, chưa đấu tranh với những trở ngại về tư tưởng trong việc cải tiến tổ chức và lề lối làm việc.

Những tư tưởng ấy chủ yếu là:

- Bệnh sùng bái cá nhân đã tạo ra nền nếp làm việc theo lối "gia đình", đưa đến thói quen thiếu dân chủ trong cấp uỷ.

- Tư tưởng chủ quan tự mãn và tinh thần trách nhiệm không đầy đủ, đưa đến quan liêu, xa cán bộ, xa quần chúng.

Ngoài ra, phương pháp tư tưởng thường một chiều, phạm giáo điều và kinh nghiệm chủ nghĩa.

II

1. Việc kiện toàn tổ chức và cải tiến lề lối làm việc là một vấn đề hết sức bức thiết để củng cố sự lãnh đạo của Đảng, trước hết là của Trung ương.

Điều cǎn bản là chúng ta phải chuyển mạnh về tư tưởng. Cần đề cao tư tưởng của giai cấp công nhân, triệt để chống bệnh sùng bái cá nhân và chủ quan tự mãn.

Sự lãnh đạo của Ban Chấp hành trung ương và của Bộ Chính trị phải kết tinh trí tuệ sáng suốt nhất của toàn Đảng. Muốn thế, phải thực hành đúng nguyên tắc sinh hoạt dân chủ và lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng; phải giữ gìn kỷ luật nghiêm minh để bảo vệ nguyên tắc của Đảng; trong tác phong lãnh đạo phải đi đúng đường lối quần chúng, thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng. Phải ra sức học tập lý luận, học tập một cách có sáng tạo kinh nghiệm phong phú của các đảng anh em, tổng kết các kinh nghiệm lớn của Đảng ta để nâng cao trình độ chính trị của toàn Đảng, trước hết là của Trung ương.

Đó là những vấn đề về nguyên tắc không thể thiếu sót được trong sinh hoạt của một đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, nhất là trong sinh hoạt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư là những cơ quan đầu não của Đảng.

Tất cả chúng ta đều phải phấn đấu dũng cảm, kiên quyết và bền bỉ để trừ bỏ tư tưởng cũ và tác phong cũ, để khôi phục những nguyên tắc cơ bản của Đảng. Đó là điều kiện cốt yếu nhất để củng cố sự lãnh đạo của Đảng.

2. Đi đôi, cần phải bước đầu kiện toàn tổ chức và ra sức cải tiến lề lối làm việc, xây dựng một nền nếp lãnh đạo mới, một không khí làm việc mới trong toàn Đảng.

Trước hết phải kiện toàn tổ chức, cải tiến lề lối làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời chú trọng kiện toàn tổ chức, cải tiến lề lối làm việc của Chính phủ và các cơ quan trực thuộc Trung ương.

Yêu cầu cụ thể là:

- Đảm bảo vai trò của Ban Chấp hành Trung ương là người lãnh đạo tập thể của Đảng và kiện toàn Bộ Chính trị, Ban Bí thư là những cơ quan trung ương của Đảng.

- Cải tiến hoạt động của Quốc hội; kiện toàn Chính phủ và các cơ quan chủ yếu của Chính phủ; thực hiện đúng cách làm việc theo lối hiệp thương trong mặt trận và lề lối lãnh đạo đối với các đoàn thể quần chúng, đảm bảo vai trò của chính quyền liên hiệp dân chủ và tác dụng của mặt trận dân tộc thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng.

- Kiện toàn các cơ quan chủ yếu trực thuộc Trung ương, nhằm nâng cao trình độ chính sách và theo dõi việc thi hành chính sách, triệt để phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của cán bộ, đồng thời giữ vững nguyên tắc và chế độ.

- Hết sức mở rộng dân chủ trên nguyên tắc lãnh đạo thống nhất của Đảng, tǎng cường đi sát thực tế và lý luận, đẩy mạnh phê bình và tự phê bình, thống nhất tư tưởng, đoàn kết cán bộ, đoàn kết toàn Đảng, thắt chặt liên hệ giữa Đảng và quần chúng.

III

1. Đảm bảo vai trò lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương và kiện toàn Bộ Chính trị, Ban Bí thư

a) Hội nghị Ban Chấp hành trung ương cần họp đều kỳ và dày hơn (từ ba đến bốn tháng một lần); một kỳ tập trung giải quyết sâu sắc một, hai vấn đề lớn có tính chất chuyên đề. Bộ Chính trị cần báo cáo hoạt động của mình để Hội nghị Trung ương phê phán nhận xét. Hội nghị Trung ương cần thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh để đảm bảo sự lãnh đạo về tư tưởng, đường lối và nền nếp dân chủ và kỷ luật của Đảng.

Giữa hai kỳ hội nghị Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần giữ liên hệ chặt chẽ với các đồng chí Trung ương, tranh thủ ý kiến của các đồng chí Trung ương về các vấn đề cần thiết.

Mỗi đồng chí Trung ương cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, theo dõi sát tình hình chung, nhất là các công tác lớn, giữ liên hệ chặt chẽ với cán bộ và quần chúng, tích cực góp sức vào sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

b) Bộ Chính trị dựa theo đường lối chủ trương của hội nghị Ban Chấp hành Trung ương giải quyết các vấn đề về phương châm chính sách, cho chỉ thị toàn diện cho các địa phương, cho những công tác lớn của các ngành đảng, chính, dân, quân.

Để đảm bảo nhiệm vụ ấy, cần kiện toàn Bộ Chính trị: đi đôi với việc thi hành kỷ luật, cần bổ sung một số đồng chí vào Bộ Chính trị. Các đồng chí Bộ Chính trị không nên kiêm nhiệm quá nhiều việc, cần sắp xếp dành 50% thì giờ để làm nhiệm vụ của Bộ Chính trị; cần chú trọng việc nghiên cứu lý luận, đi sát cơ sở và mở rộng việc tiếp xúc với cán bộ, với quần chúng. Hội nghị Bộ Chính trị cần tập trung thảo luận những vấn đề chính, có kết luận dứt khoát và có quyết nghị, biên bản. Cần xây dựng nền nếp đấu tranh tư tưởng và phê bình tự phê bình nghiêm chỉnh trong sinh hoạt của Bộ Chính trị.

c) Ban Bí thư có nhiệm vụ: tổ chức và kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành trung ương và Bộ Chính trị; giải quyết các vấn đề cụ thể dựa theo nghị quyết của Ban Chấp hành trung ương và Bộ Chính trị.

Cần cải tiến cách làm việc của Ban Bí thư để đảm bảo sự lãnh đạo hằng ngày của Trung ương được sát, nhanh, chặt chẽ, đồng thời để giúp Bộ Chính trị tǎng cường lãnh đạo. Hội nghị Ban Bí thư cũng cần được chuẩn bị chu đáo và tập trung giải quyết các vấn đề quan trọng cho kịp thời gian và có nghị quyết, biên bản. Thường trực Ban Bí thư cần tập trung vào việc chính là giúp theo dõi tình hình, giúp chuẩn bị cho các cuộc hội nghị, hết sức tránh bao biện những công việc sự vụ. Đồng chí Tổng Bí thư là người chủ trì, cần nắm bao quát các mặt, đi sâu những vấn đề chính trong sự lãnh đạo chung của Trung ương.

2. Kiện toàn tổ chức, cải tiến lề lối làm việc của Quốc hội, Chính phủ; cải tiến sự lãnh đạo của Trung ương đối với Chính phủ

a) Quốc hội: nghiên cứu việc tuyển cử bổ sung Quốc hội. Nghiên cứu hiến pháp mới và ban hành Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nghiên cứu chuyển quốc hội lập hiến thành quốc hội lập pháp và chấn chỉnh hoạt động của Quốc hội để thật sự là cơ quan tối cao của Nhà nước. Củng cố Ban Thường trực Quốc hội và thành lập Đảng đoàn trong Ban Thường trực Quốc hội.

b) Chính phủ: chấn chỉnh lề lối làm việc làm cho Hội đồng Chính phủ thật sự bàn bạc và quyết định các công việc lớn của chính quyền. Thành lập Ban Thường trực Hội đồng Chính phủ gồm Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Thủ tướng phủ để chỉ đạo công việc hằng ngày. Kiện toàn các phòng của Thủ tướng phủ để giúp việc Ban Thường trực Hội đồng Chính phủ. Kiện toàn các Bộ Thương nghiệp, Tài chính, Nông lâm, Nội vụ; tǎng dần từng bước quyền hạn cho các bộ, thực hiện đúng chế độ lãnh đạo tập thể của Đảng và chế độ thủ trưởng của chính quyền.

c) Cải tiến sự lãnh đạo của Trung ương đối với Chính phủ nhằm tǎng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chính quyền, đồng thời xây dựng quan hệ tốt đối với những cán bộ ngoài Đảng ở trong chính phủ, thực hiện đúng vai trò của chính phủ liên hiệp dân chủ.

Cần có chế độ hội nghị cán bộ cao cấp của Đảng trong Chính phủ để tham gia ý kiến vào việc lãnh đạo chính quyền. Lập Ban cán sự của Đảng trong Chính phủ và củng cố đảng đoàn các bộ để đảm bảo thi hành nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong Chính phủ và các bộ.

Đối với các bộ trưởng, thứ trưởng ngoài Đảng, cần hết sức giúp đỡ họ nắm được đường lối chủ trương của Đảng ta; thành khẩn lắng nghe và tranh thủ ý kiến của họ; thật sự tôn trọng nhiệm vụ và quyền hạn của họ.

3. Kiện toàn tổ chức, cải tiến lề lối làm việc của một số cơ quan chủ yếu trực thuộc Trung ương

Trước hết, cần kiện toàn các cơ quan có trách nhiệm giúp Trung ương lãnh đạo việc sửa chữa sai lầm trong các công tác lớn:

- Kiện toàn Ban Tổ chức và Ban Tuyên huấn Trung ương;

- Cải tổ Uỷ ban cải cách ruộng đất Trung ương;

- Thành lập Ban Kiểm tra Trung ương;

- Thành lập Ban Kinh tế Trung ương;

- Kiện toàn Vǎn phòng trung ương.

Ngoài ra, cần củng cố đảng đoàn trong các ban chấp hành trung ương các đoàn thể; kiện toàn các tiểu ban dân vận, chú trọng tiểu ban thanh vận và tiểu ban công vận; sửa đổi lề lối làm việc của Ban Mặt trận, nhằm giúp Trung ương nghiên cứu làm cho chính sách mặt trận của Đảng được quán triệt trong các chính sách cụ thể và sửa đổi cách làm việc của Đảng ở trong mặt trận.

4. Mấy quy định thêm về chế độ công tác

a) Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương cần thường mở rộng cho một số cán bộ phụ trách các ngành, các khu tham dự để góp ý kiến vào sự lãnh đạo của Trung ương.

Hội nghị Bộ Chính trị, Ban bí thư bàn vấn đề thuộc ngành nào thì cán bộ ngành ấy được tham dự để phát biểu ý kiến và nhận chỉ thị. Để cho các đồng chí phụ trách tuyên huấn, báo Đảng, phụ trách thanh vận, công vận được tham dự một số phiên họp cần thiết của Bộ chính trị.

Ngoài ra, Bộ Chính trị, Ban bí thư cần có chế độ để tập hợp ý kiến của cán bộ góp vào sự lãnh đạo của Trung ương và có kế hoạch kiểm tra, nhận xét công tác của các ngành, các địa phương.

b) Sự phân công phụ trách và quy định quyền hạn, trách nhiệm phải rành mạch, dứt khoát. Các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban bí thư phân công theo dõi một số ngành là để phát hiện tình hình, đề ý kiến giúp cho sự lãnh đạo tập thể của Bộ chính trị, Ban bí thư.

Các đồng chí trung ương phụ trách các ngành, các địa phương trực tiếp chịu trách nhiệm về công tác của mình trước Trung ương, nhưng khi thảo luận giải quyết công việc ở các cơ quan chỉ đạo của các ngành và các địa phương thì quyền hạn, nhiệm vụ cũng như các đồng chí phụ trách khác, phải thực hành đúng dân chủ, tập thể. Nói chung, cần sửa chữa tình trạng lãnh đạo theo lối cá nhân, không đảm bảo tập thể dân chủ.

c) Cần nghiên cứu lại chính sách cán bộ cho được toàn diện, hợp lý: đánh giá cán bộ cho đúng; điều chỉnh việc phân phối cán bộ cho thích hợp, mạnh dạn đề bạt cán bộ; chú trọng nâng cao trình độ của cán bộ về tư tưởng, chính trị và nghiệp vụ. Tǎng cường đoàn kết giữa cán bộ trong Đảng và giữa cán bộ ngoài Đảng.

Các ngành cần nghiên cứu đề nghị Bộ Chính trị quyết định những chế độ cụ thể để đảm bảo lãnh đạo của Trung ương, mở rộng quyền hạn cho các ngành; chấm dứt tình trạng Trung ương bao biện nhiều việc sự vụ, hoặc ngược lại, lại khoán trắng cho các ngành.

Lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng.

.
Theo dangcongsan.vn
Vụ án chuyến bay giải cứu: Nỗi đau mất cán bộ và lời Bác Hồ năm xưa về “đạn bọc đường”

Vụ án chuyến bay giải cứu: Nỗi đau mất cán bộ và lời Bác Hồ năm xưa về “đạn bọc đường”

Vụ án chuyến bay giải cứu đã để lại những bài học sâu sắc về công tác quản lý cán bộ.
Sắp diễn ra hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới

Sắp diễn ra hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới

Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số phối hợp cùng Amazon Global Selling dự kiến tổ chức Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới vào 2 ngày 7 và 9/6.
Ngày này năm xưa 11/4: Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bạc Liêu

Ngày này năm xưa 11/4: Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bạc Liêu

Ngày này năm xưa 11/4: Ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bạc Liêu, ngày truyền thống Hợp tác xã Việt Nam.
Ngày này năm xưa ngày 10/4: Quyết định về việc thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái

Ngày này năm xưa ngày 10/4: Quyết định về việc thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái

Ngày này năm xưa 10/4, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Khu kinh tế của khẩu Móng Cái, Ban hành sắc lệnh "Đảm phụ quốc phòng".
Lại những luận điệu sai trái về cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”

Lại những luận điệu sai trái về cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”

Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng việc các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố.
Mobile VerionPhiên bản di động