Một số vấn đề về Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền trong điều kiện mới
Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam nhận định rằng, trong nhiệm kỳ Đại hội X, đối với công tác xây dựng Đảng, ''công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chưa làm sáng tỏ được một số vấn đề về đảng cầm quyền...''1 , do đó, trong thời gian tới phải “tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, làm sáng tỏ một số vấn đề về đảng cầm quyền”2.
Tôi cho rằng, chưa bao giờ như trong giai đoạn hiện nay, những vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền lại gắn bó chặt chẽ với nhau đến như vậy. Đối với Đảng ta, vấn đề đảng cộng sản cầm quyền luôn luôn cũ và cũng luôn luôn mới. Cũ là bởi vì vẫn còn đó những nguyên lý cơ bản, đúng đắn của học thuyết Mác - Lê nin, của tư tưởng Hồ Chí Minh về đảng cộng sản. Mới là bởi vì học thuyết Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là lý luận mở, nghĩa là luôn luôn được nạp thêm năng lượng mới từ cuộc sống, nhất là trong giai đoạn Đảng cầm quyền ở nước ta hiện nay, có nhiều điểm rất mới được chế định từ giai đoạn đất nước vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế… Chẳng hạn, quan niệm chung nhất trên thế giới về ''đảng cầm quyền'' là một đảng chính trị đã giành được chính quyền (có thể bằng tuyển cử nói chung để chiếm một số lượng phiếu bầu của cử tri cần thiết theo luật định hoặc bằng nhiều con đường khác), dùng chính quyền để thực thi về chủ yếu chính sách của giai cấp hoặc cộng đồng (nhóm) chính trị của mình. Thế nhưng, ở nước ta không đơn thuần như vậy. Sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ thể hiện ở việc đây là một đảng chính trị duy nhất trong xã hội Việt Nam và Đảng đó là Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng không những đang lãnh đạo chính quyền mà còn lãnh đạo cả hệ thống chính trị, hơn nữa, rộng hơn, lãnh đạo toàn xã hội. Đối với đặc điểm này thì quan niệm “đảng cầm quyền” như ở nhiều nước trên thế giới không thể bao chứa được. Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền theo nghĩa như thế, với phạm vi rộng như thế được khẳng định trong thực tế và được chế định ngay cả trong bản Hiến pháp, thể hiện thành quả của cách mạng nước ta trong suốt bao nhiêu năm qua, thể hiện sự phấn đấu kiên cường, không mệt mỏi của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng được các tổ chức trong hệ thống chính trị và nhân dân giao cho trọng trách đó chứ không phải tự nhiên mà có và cứ tự nhận mà được. Chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh phản ánh từ thực tế Việt Nam, do đó, luôn luôn thể hiện bản chất khoa học và cách mạng. Chính Đại hội XI của Đảng ta vừa qua đã vận dụng sáng tạo và phát triển thêm một bước những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng cầm quyền.
Giai đoạn mới đặt ra nhưng điểm gì trên vấn đề quan trọng này sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam? Có nhiều điểm, nhưng theo tôi, nổi lên một số điểm sau đây:
Một là: quyền mà Đảng Cộng sản Việt Nam ''cầm'' là được chế định bởi sự ủy thác của nhân dân.
Vai trò cầm quyền của Đảng ta là kết quả tất yếu của cả quá trình phấn đấu kiên cường, bền bỉ của Đảng cho nền độc lập của Tổ quốc, tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Trải qua bao nhiêu cam go, thử thách, nhân dân đã tin yêu Đảng, trao cho Đảng vai trò dẫn đường sự phát triển của dân tộc. Và điều này cũng đúng như sự khẳng định ngay từ đầu thời dựng Đảng, khi Đảng nêu mục đích sự ra đời, tồn tại và phát triển của Đảng là vì quyền lợi của Tổ quốc, của nhân dân, ngoài ra Đảng không có mục đích gì khác. Chính vì vậy Đảng ta không những là Đảng của giai cấp công nhân mà đồng thời còn là Đảng nhân dân lao động và toàn dân tộc, đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc. Những đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng ta gần đây, trong đó có Đại hội XI, đã trở lại khẳng định quan điểm này theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh nêu trong Đại hội II của Đảng (2 -1951). Nguồn gốc ''cầm quyền” của Đảng ta là như vậy. Đây là điểm đầu tiên, quan trọng nhất, trong cả lý luận và thực tiễn, về Đảng cầm quyền mà hiện nay cần chú ý. Tôi nhớ lại rằng, trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, khi thảo luận các dự thảo văn kiện trình Đại hội, đối với vấn đề ''Đảng của ai?'', một số người vẫn bảo vệ ý kiến cho rằng, chỉ có thể gọi Đảng ta là Đảng của giai cấp công nhân mà thôi, bởi lẽ Đảng là Đảng của chỉ duy nhất một giai cấp nhất định, mang bản chất giai cấp công nhân. Một số ý kiến khác thì cho rằng, đối với Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam tuy vẫn luôn luôn mang bản chất giai cấp công nhân nhân nhưng Đảng không chỉ là Đảng của giai cấp công nhân mà đồng thời còn là của nhân dân lao động và của toàn dân tộc Việt Nam. Lập luận của một số ý kiến này dựa trên ba điểm (i) theo đúng quan điểm của Hồ Chí Minh; (ii) Đúng thực tế của Việt Nam giai đoạn Đảng cầm quyền và (iii) Đây mới là niềm tự hào của những người cộng sản Việt Nam khi Đảng còn là đại diện cho lợi ích của nhân dân lao động và của toàn dân tộc, và như thế Đảng đã vươn lên trở thành dân tộc. Nhìn ra nhiều đảng cộng sản và đảng công nhân, đảng cánh tả khác trong xã hội đương đại thì tình hình cũng tương tự, khi xưng danh ''đảng của ai?'' nêu trong cương lĩnh chính trị của mình, nhiều đảng cũng không bó hẹp tự nhận chỉ là đảng của giai cấp công nhân, mà mở rộng ra là của nhân dân nữa.
Tôi cho rằng, tình hình thế giới và trong nước đang biến chuyển không ngừng, trong đó có nhiều yếu tố khó lường. Vẫn phải giữ nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng sự thúc ép của cuộc sống là phải bổ sung và phát triển trên những nguyên tắc đó. Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác về đảng cộng sản, những nguyên tắc xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp công nhân của V.I.Lênin (tức là đảng cộng sản – để phân biệt với đảng vô sản kiểu cũ của Quốc tế II), cần phải được nạp thêm năng lượng mới từ thực tiễn của Việt Nam trong thế kỷ XXI này. Thành quả mới nhất của một chương trình nghiên cứu khoa học xã hội trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2001-2005 (KX.03) cho chúng ta một tổ hợp các nguyên tắc xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền như sau:
a) Đảng Cộng sản Việt Nam phải luôn luôn lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chi nam cho hành động.
b) Đảng tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ.
c) Đảng thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
d) Đảng thực hiện thường xuyên tự phê bình và phê bình.
đ) Đảng tuân thủ kỷ luật tự giác.
e) Đảng luôn luôn chăm lo đến sự thống nhất, đoàn kết trong Đảng.
f) Đảng luôn luôn kết nạp những người tích cực và thải loại những người không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.
g) Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
h) Đảng phải luôn luôn gắn bó chặt chẽ với nhân dân.
i) Đảng có mối liên hệ quốc tế trong sáng.
Các nguyên tắc xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam trên đây làm thành một thể thống nhất và đã gọi là nguyên tắc thì không thể có nguyên tắc nào kém quan trọng hơn nguyên tắc nào, nhưng trong thời kỳ đảng cầm quyền nếu Đảng xa dân, dân xa Đảng thì Đảng sẽ bị mất hết sức sống nội tại. Chính vì thế một vấn đề cơ bản nhất trở thành tâm điểm sống còn của Đảng ta là Đảng phải gắn chặt với dân, quyền của Đảng được cầm luôn luôn phải dựa trên sự ủy thác của chính nhân dân.
Hai là: Đảng phải luôn luôn nâng cao tầm trí tuệ của mình; kiên định, kiên định hơn nữa, sáng tạo, sáng tạo hơn nữa chủ nghiã Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Không ở đâu như trong lĩnh vực xây dựng chủ nghĩa xã hội lại có sự đòi hỏi rất cấp thiết của cả hai yếu tố đó. Hồ Chí Minh, trong Tài liệu tuyệt đối bí mật (sau này được gọi là Di chúc), gọi đó là cuộc ''chiến đấu khổng lồ'' ''chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi''. Đảng cầm quyền không được phép chệch hướng, nghĩa là không được phép sai lầm về đường lối chính trị. Mà muốn thế, như Nghị quyết Đại hội XI đã chỉ rõ: phải ''kiên định chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ của toàn Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; không dao động trong bất cứ tình huống nào''3. Đảng luôn luôn phải có tư tuởng đổi mới, kiên định đường lối đổi mới, luôn luôn tìm tòi, sáng tạo vì cuộc sống vô cùng phong phú, phát triển rất mau lẹ; điều đó không cho phép Đảng giáo điều, bảo thủ, trì trệ hoặc chủ quan, nóng vội, đổi mới vô nguyên tắc. Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý. Đảng phải sống trong lòng thực tiễn, tổng kết thực tiễn cả ở trong nước và ngoài nước, đảng trên tầm cao của nhận thức lý luận-thực tiễn để tìm ra và vận dụng quy luật nhằm đưa dân tộc Việt Nam chấn hưng trên con đường xã hội chủ nghĩa. Phải tránh bảo thủ, trì trệ, đồng thời phải tránh hấp tấp, vội vàng trong xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng. Trong đổi mới, vừa phải chú ý đến những vấn đề mới nảy sinh, kịp thời nghiên cứu, tổng kết để mạnh dạn bổ sung, phát triển kịp thời cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng; vừa phải cẩn trọng. Bảo thủ, trì trệ, không chịu bổ sung, phát triển cương lĩnh, đường lối, chủ trương khi tình hình trong nước và quốc tế có sự biến chuyển, thay đổi là không xứng đáng với một đảng tiên phong, một đảng năng động, sáng tạo, một chủ thể khởi xướng đổi mới toàn diện đất nước. Nhưng, hấp tấp, vội vàng, không chịu nghiên cứu, tổng kết mà đã sửa đổi đường lối, chủ trương, chính sách thì nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa sẽ trở thành hiện thực. Ở đây, việc ''thiết kế'' nội dung đường lối có tầm quan trọng đặc biệt, vì ''sai một ly đi một dặm”. Phải tính toán cẩn trọng trên cơ sở nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, quy tụ và phát huy được trí tuệ của tập thể, phải có bản lĩnh chính trị vững vàng kết hợp tính khoa học với tình hình thực tế nhạy cảm của đất nước và của thế giới để đề ra đường lối, chủ trương, quyết sách đúng đắn, phù hợp. Có thể có những vấn đề được coi là đúng, nhưng đối với giai đoạn này, thời kỳ này, lúc này chưa thể hoặc không thể thực hiện, vì hoàn cảnh chưa cho phép; do vậy, đây thuộc về bản lĩnh chính trị, thuộc về nghệ thuật cầm quyền, lãnh đạo.
Ba là: Đảng cầm quyền phải trong sạch, vững mạnh để giữ vững và phát huy vai trò của mình.
Vai trò cầm quyền của Đảng sẽ bị suy yếu và thậm chí bị mất đi nếu Đảng bị thoái hóa, biến chất. Hồ Chí Minh đã cảnh báo rằng: ''Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa và chủ nghĩa cá nhân''. Do đó Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn bản thân mình. Sự cầm quyền của Đảng và việc Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn để bảo đảm sự trong sạch, vững mạnh của bản thân mình đều là hai vế tất yếu như nhau trong lôgíc phát triển nội tại của một đảng chính trị như Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Hơn 81 năm đã qua, Đảng ta đã trưởng thành qua bao thử thách, đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng có ý nghĩa lịch sử, nhưng vẫn còn một số hạn chế như Đại hội XI đã chỉ ra. Tôi thấy đáng chú ý nhất là, Đại hội XI có nêu lên mức độ trầm trọng hơn và có nêu nhiều biểu hiện mới hơn về những tiêu cực trong Đảng so với Đại hội X và các Đại hội trước đó đã nêu. Chẳng hạn, đó là Đại hội XI nêu: ''Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hóa giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý, điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước''4. Rồi nữa, Đại hội X mới chỉ nêu có 4 kiểu ''chạy'', đến Đại hội XI đề cập thêm 1 kiêu ''chạy” nữa, đó là chạy huân chương (cuộc sống thực tế còn nhiều kiểu chạy nữa). Với những mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn và ngày càng có thêm những biểu hiện tiêu cực mới trong một Đảng cầm quyền thì theo tôi đó là sự báo động lớn cho sự tồn vong của chính bản thân sự cầm quyền của Đảng ta. Mà một khi Đảng Cộng sản Việt Nam mất vai trò cầm quyền thì điều gì sẽ xảy ra thì chắc chắn ai cũng biết.
Để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trong giai đoạn mới, có rất nhiều giải pháp, biện pháp, nhưng tôi nhấn mạnh mấy điểm sau đây:
- Đề phòng và khắc phục những biểu hiện tiêu cực: đặc quyền, đặc lợi, xa rời nhân dân, quan liêu, tham nhũng (ngay trong cả cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ về vật chất cho cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước); khắc phục tình trạng một số cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...không để đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng lại có nhận định tiêu cực trên đây nghiêm trọng hơn. Tiêu cực ở trong Đảng cầm quyền, mỗi khi cứ được nhắc đi nhắc lại ở những giai đoạn sau, mà ở những giai đoạn sau lại trầm trọng hơn so với những giai đoạn trước thì càng thể hiện Đảng đang lún sâu vào một qúa trình suy thoái và do vậy, sự cầm quyền đó của Đảng là không vững chắc; cái điều cầm quyền của Đảng dù có được ghi trong Hiến pháp đi chăng nữa cũng chỉ là hình thức mà thôi.
- Bảo đảm và phát huy dân chủ trong điều kiện một Đảng. Dân chủ trong Đảng là điều kiện tiên quyết bảo đảm dân chủ ngoài xã hội. Vấn đề dân chủ của một xã hội không phụ thuộc vào số lượng của các chính đảng, mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chủ yếu là phụ thuộc vào bản thân chất lượng của đảng cầm quyền. Phải thực hiện tốt nguyên tắc cơ bản là tập trung dân chủ. Dân chủ một mặt được bảo đảm bằng thể chế đồng thời rất quan trọng là phải được bảo đảm và phát huy trong thực tế. Vì vậy, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh việc thực hành dân chủ một cách thực sự ở trong Đảng chứ không phải nói suông. Muốn thực hiện tốt điều này, trên thực tế Đảng cầm quyền cần nghiêm khắc kiểm điểm và thực hiện thật tốt nguyên tắc ''Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật'' điều mà trong bản Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1992 đã ghi. Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo nhưng trong điều kiện xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, Đảng phải tự khép mình vào khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, không đưa ra bất kỳ quyết định nào trái luật, đứng trên luật.
Bốn là: tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cầm quyền đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Khắc phục tình trạng Đảng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước. Trong điều kiện mới, sự lãnh đạo của Đảng quan trọng nhất là thông qua nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Đổi mới phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ trung ương đến địa phương, cơ sở. Thực hiện tốt chế độ lãnh đạo tập thể đi đôi với phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và trách nhiệm cá nhân nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, tôn trọng nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong tổ chức và hoạt động của mặt trận. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đảng, đảng viên, cấp ủy viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Đổi mới cách ra nghị quyết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết của Đảng. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong Đảng, khắc phục tình trạng rườm rà, bất hợp lý về thủ tục, giảm bớt giấy tờ, hội họp; sâu sát thực tế cơ sở; nói đi đôi vời làm.
Mọi sự tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đều dựa trên nguyên tắc: Đảng lãnh đạo bằng đường lối, chủ trương, bằng thể chế hóa; bằng hệ thống tổ chức; bằng sự hoạt động tích cực của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong các cơ quan nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội; bằng quản lý công tác cán bộ; bằng sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, bằng sự kiểm tra thường xuyên trong các tổ chức đó…
Quan niệm về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền như trên được Đảng nêu ra từ lâu, đến Đại hội XI khẳng định lại, xem ra không có gì mới. Tôi thì cho rằng, có mấy điểm nhấn trong giai đoạn hiện nay:
- Quy định thật cụ thể trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu trong cơ quan, bộ máy Đảng, không để tình trạng vừa không thể hiện rõ vai trò của mình, vừa thể hiện độc đoán, chuyên quyền. Có nhiều nơi, nhiều tình huống cần có sự quyết đoán của người đứng đầu thì lại bị ''trói'' bởi cơ chế người đứng đầu cũng chỉ một phiếu biểu quyết như những người khác. Ngược lại bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, có nơi người đứng đầu tìm cách áp đặt ý kiến của mình trong sinh hoạt đảng, điều này chỉ lộ rõ sự nguy hiểm khi ý kiến đó là sai lầm gây tác hại lớn cho tổ chức Đảng, làm mất thanh danh của Đảng, làm giảm lòng tin của dân đối với Đảng.
- Phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền có tính chất ''động'', rất linh hoạt, ngay cả ở mỗi cấp đều có sự linh hoạt khác nhau. Ở cấp cơ sở mà cực đoan, máy móc khi có tình huống xảy ra mà cứ ngồi bàn với nhau việc đó thuộc về ''sân'' của Đảng, việc kia thuộc về ''sân'' của chính quyền thì có khi công việc không được giải quyết đúng đắn, kịp thời. Nhiều khi, một việc nào đó, vẫn thường có tâm lý cần ''đóng dấu'' của bên Đảng thì mới ''oai'', do đó mới dẫn đến tình trạng có không ít việc chỉ cần chính quyền ký ban hành để thực thi mới đúng thì người ta lại đưa sang cho bên Đảng, thành thử công việc của Đảng có nhiều khi rất vụn vặt, vừa không đúng tầm của một đảng cầm quyền vừa không đúng nguyên tắc vận hành của một nhà nước pháp quyền. Về điểm này, cần có sự nghiên cứu, khảo sát thực tế, tổng kết thực tiễn nhiều hơn./.
______________
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.172-173.
2. Như trên, tr.155.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.255.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.173.