Chúng ta càng nhớ Bác Hồ, càng phải cố gắng làm theo lời Bác Hồ dặn
Ngày 22-8-1945, Thường vụ Trung ương Đảng họp (lúc bấy giờ, đồng chí Trường Chinh làm Tổng bí thư) quyết định: cử đồng chí Trần Đăng Ninh lên Tân Trào đón Bác Hồ về Hà Nội.
Ngày 22-8-1945, Thường vụ Trung ương Đảng họp (lúc bấy giờ, đồng chí Trường Chinh làm Tổng bí thư) quyết định: cử đồng chí Trần Đăng Ninh lên Tân Trào đón Bác Hồ về Hà Nội. Nhận được tin, Bác không đợi đến khi có người lên đón, mà sáng ngày 23-8, Người đã rời lán Nà Lừa (Tân Trào, Tuyên Quang), đi bộ qua đèo Gie đến 8 giờ tối thì đến Đại Từ (Thái Nguyên). 9 giờ tối đồng chí Trần Đăng Ninh mang xe ô tô đến Đại Từ đón Bác và đi luôn. Khi về đến một địa điểm ở Thái Nguyên, Bác và các đồng chí khác nghỉ lại đêm đó và cả ngày hôm sau. Sở dĩ như vậy là để nghe ngóng tình hình, giữ bí mật cho an toàn.
Ngày 25 về đến Gia Lâm, nếu lúc đó xe của Bác đi thẳng qua cầu, e sẽ không an toàn. Thế là Bác đi đò ngang sang bến Sù Ngà gần Chèm, rồi nghỉ ở một gia đình cách mạng. Sáng ngày 26, đồng chí Trần Đăng Ninh, đồng chí Võ Nguyên Giáp đến báo cáo tình hình và đón Bác vào nội thành. Từ đê Yên Phụ, xe chở Bác xuống dốc Hàng Than, đi qua Hàng Giấy, Hàng Mã, ra Hàng Cân và rẽ vào số nhà 35. Đây chính là cổng sau của số nhà 48 Hàng Ngang (một gia đình tư sản dân tộc). Tại đây, Bác đã đặt bút viết bản Tuyên ngôn độc lập. Tuyên ngôn độc lập được viết từ ngày 28-8-1945, đến ngày 30 thì thảo xong. Ngày 31, Bác đưa cho các đồng chí Thường vụ Trung ương tham gia ý kiến. Sau đó, Bác tiếp tục hoàn chỉnh bản Tuyên ngôn tại Bắc Bộ phủ (Số 12 Ngô Quyền, Hà Nội).
Chiều 31, Bác gọi tôi lại và bảo: "Chú Cần, chú có biết cái chỗ họp mít-tinh hôm mùng 2-9 này không?" (Lúc đó tôi tên là Nguyễn Cần. Tên Kỳ bây giờ như mọi người thường gọi đó là tên của Bác đã đặt cho tôi hồi tháng 3-1947). Tôi nói: "Thưa Cụ, cháu có biết". Bác lại bảo tôi: "Thế chú vẽ phác đi cho tôi xem". Thế là tôi vẽ. Vẽ xong, Bác nhìn tấm bản đồ hỏi tiếp: "Chỗ này liệu đứng được bao nhiêu người?". "Dạ thưa Cụ, chỗ này cũng phải vài chục vạn"- tôi trả lời Bác. Tưởng như Bác đã hài lòng về tấm bản đồ ấy, nhưng mọi người biết không, có một điều rất "nhỏ" mà tôi không ngờ Bác vẫn để ý, Bác hỏi tôi thế này: "Này, thế các chú định bố trí chỗ vệ sinh cho đồng bào ở đâu?" Sau câu hỏi ấy, tôi cứ sững sờ và không biết trả lời thế nào, đành thưa với Bác: "Thưa Cụ, cháu không rõ, để cháu hỏi Ban tổ chức". Nói tới đây, cụ Vũ Kỳ cắt nghĩa cho tôi: Đấy, Bác quan tâm đến môi trường là Bác chăm lo sức khỏe cho đồng bào đấy thôi. Lúc ấy, Bác bảo tôi: "Chỗ vệ sinh cho đồng bào bố trí như thế nào cho tốt chỉ là một việc nhỏ thôi. Nhưng mà nếu không bố trí tốt, thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường và sức khỏe, lại ảnh hưởng đến cả trật tự". Bác cũng dặn tôi thêm: "Chú hãy dặn Ban tổ chức trước đi, nếu trời mưa thì phải rút ngắn thời gian lại để đồng bào khỏi bị ướt, nhất là các cụ, các cháu nhỏ tránh được bệnh tật". Chính những việc nhỏ như vậy đã khiến tôi còn suy nghĩ và nhớ mãi: Bác luôn luôn chăm lo sức khỏe cho đồng bào.
Cụ Vũ Kỳ tiếp tục gợi lên cho chúng tôi những hình ảnh của giờ phút lịch sử thiêng liêng. 13 giờ 30 ngày 2-9- 1945, tôi cùng Bác từ Bắc bộ phủ tới quảng trường Ba Đình. Bác bước lên lễ đài với cương vị là Chủ tịch của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (lúc bấy giờ, ít người biết đến tên Hồ Chí Minh, mà chỉ nghe thấy tên Nguyễn ái Quốc. Thậm chí, Pháp, Trung Quốc, Liên Xô cũng hỏi: Hồ Chí Minh là ai? Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố nền độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa với cả thế giới. Đến đoạn Chủ tịch Hồ Chí Minh tố cáo tội ác của phát xít Nhật, bắt dân nhổ lúa, trồng đay để 2 triệu đồng bào Việt Nam lâm vào cảnh chết đói, cả rừng người im lặng phăng phắc. Quên mất mình là Chủ tịch nước, đang đọc Tuyên ngôn độc lập, Bác băn khoăn tự hỏi: Sao lại im đến thế! Bác tưởng rằng mình nói tiếng xứ Nghệ, đồng bào nghe không rõ. Bác bỗng dừng lại, hỏi một câu: "Đồng bào nghe rõ tiếng tôi không?". Câu trả lời: "Có..." như tiếng sấm rền vang.
Nhân đây tôi cũng nói luôn, câu nói: "Tôi nói đồng bào nghe rõ không?" mà mọi người biết đến từ nhiều năm qua thực ra là sai. Sở dĩ tôi biết tỉ mỉ như vậy là vì tôi có thói quen ghi nhật ký. Câu nói đó sai vì khi đem so sánh với nhau thì sẽ thấy khác hẳn. "Tôi nói đồng bào nghe rõ không?"- câu đó trở thành mệnh lệnh. Còn: "Đồng bào nghe rõ tiếng tôi không?" thì tự nhiên câu hỏi và tiếng trả lời "Có" như gắn bó đạt đến mức thân tình: gắn một người lãnh đạo cao nhất với dân chúng thành mối tình rất thân thiết và gia đình. Đó là điều mà trên thế giới không thể có: Hình ảnh ấy còn đọng mãi trong trái tim tôi.
Còn về vấn đề TDTT? Ngày 3-9-1945, Bác đã đề ra phiên họp đầu tiên của Chính phủ về vấn đề: "Diệt giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm". Ngày 27-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: "Toàn dân tập thể dục". Như thế là Bác đã quan tâm đến sức khỏe của nhân dân từ rất sớm. Báo Thể dục thể thao phải thấy rằng, công việc, nội dung, nhiệm vụ của mình làm là rất quan trọng, phải tuyên truyền sao cho mọi người làm theo lời Bác dạy. Lời kêu gọi đó thật cảm động, ngắn gọn, rõ ràng mà thấm thía. Mở đầu Bác viết: "Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới. Việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công". Đến đoạn kết thì Bác viết: "Tự tôi ngày nào cũng tập". Trong những dịp như thế này, mọi người cần phải nhớ rõ để mà thực hiện.
Nói về việc tập luyện của Bác thì không thể kể hết được, đặc biệt là từ khi ở nhà tù Tưởng Giới Thạch ra, Bác đã có nhiều bài tập kiên trì đến khó ngờ và cũng hay lắm: luyện mắt bằng nhìn mặt trời, nhìn rừng xanh; luyện tay bằng cách lấy hòn đá bằng quả trứng vịt vừa lòng bàn tay tự nắm, thả ra; tập chân bằng cách bước qua chướng ngại... Hòa bình, trở về Thủ đô, tại Phủ Chủ tịch, từ lối nhà sàn ra, Bác yêu cầu tổ bảo vệ làm cho Bác hàng rào đặt thanh ngang từ thấp đến cao để rèn luyện. Có một lần, Bác bảo: "Chú Kỳ cùng mấy chú hôm nay thi nhảy chụm chân với Bác". Thế rồi chúng tôi cùng thi với Bác, nhưng đến thanh xà ngang đặt cao nhất (40 cm), tôi và anh em bảo vệ đành chịu thua, riêng Bác chụm chân nhún người nhảy qua nhẹ nhàng.
Tới đây, giọng cụ Vũ Kỳ chững lại: Tôi nhớ nhất vào ngày 17-8-1969, Bác ở trên nhà sàn xuống và đi bài quyền. Hôm đó cũng là ngày bác sĩ khám sức khỏe cho Bác và nói rằng: "Bác không nên ngủ ở nhà sàn nữa, vì tim Bác không bình thường. Để tránh sự cố đáng tiếc xảy ra, Bác không nên lên xuống bậc thang nhiều lần". Bác đồng ý, song Bác bảo với chúng tôi: "Không biết các chú nghe thế nào chứ, tim Bác, Bác vẫn thấy bình thường. Nhưng bác sĩ nói thế thì Bác nghe". Sau đó, Bác chuyển sang nhà họp Bộ Chính trị để làm việc. Những ngày tiếp theo, Bác vẫn dậy tập thể dục rất đều. Nhưng đến chiều ngày 24-8-1969, Bác đã bị sốc trong khi tiêm, sau đó là bị nhồi máu cơ tim, Bác nằm liệt từ đó.
Trong quá trình nằm chữa bệnh, Bác có đặc biệt là: cơn đau tim đến dồn dập, liên tiếp nhưng Bác không rên, Bác nằm yên và nhắm mắt. Khi anh Ba (tức đồng chí Lê Duẩn, anh Văn (tức đồng chí Võ nguyên Giáp), vào thăm thì Bác cố ra vẻ bình tĩnh và bao giờ cũng chỉ hỏi một câu: "Hôm nay miền Nam đánh thắng ở đâu?". Cụ Tôn Đức Thắng, anh Nguyễn Lương Bằng vào thăm, Bác đều hỏi đời sống đồng bào, đồng chí miền Nam như thế nào. Bác hỏi về việc phòng chống máy bay bắn phá ở các địa phương, các tỉnh miền Bắc như thế nào? Hỏi về sơ tán ra làm sao. Bác dặn: "Không được chủ quan, phải chú ý tới cụ già và các cháu nhỏ". Ngày qua ngày, cơn đau tim mỗi lúc đến một nhiều nhưng Bác vẫn nói với chúng tôi: "Các chú cứ yên tâm, hôm nay Bác khỏe hơn hôm qua: Bác sẽ cố gắng uống thuốc để cho khỏe lại".
Thời điểm ấy, cũng là thời điểm nước sông Hồng lên to ở mức báo động số 3. Các bác sĩ có nói với tôi là nên đề nghị Bác sơ tán lên vùng cao Hòa Bình, tiện cho việc điều trị. Chờ Bác tỉnh giấc, tôi có nới với Bác như vậy, nhưng rồi tôi lại thấy Bác nhắm mắt. Tưởng Người mệt, tôi không nói gì thêm, định chờ Bác tỉnh thì nói. Đúng lúc ấy, anh Tô (tức đồng chí Phạm Văn Đồng) vào và hỏi: "Sức khỏe Bác hôm nay có khá hơn không?". Bác liền nói: "Này chú Tô, chú Kỳ đề nghị sơ tán lên chỗ an toàn, Bác không bỏ dân đâu! Các chú phải cố gắng giữ cho đê điều tốt". Thì ra, Bác không trả lời vì Bác biết rằng: có sơ tán thì mọi việc cũng không giải quyết được gì. Cái chính là phải làm sao cho dân không bị nạn.
Giọng kể cụ Vũ Kỳ như mỗi lúc lại chậm lại, nghẹn ngào và trong đôi mắt vẫn còn sáng kia trào ra những giọt lệ nhớ thương Người: "Mùa thu năm 1969, đất nước Việt Nam vô cùng buồn. Đúng ngày lễ kỷ niệm Quốc khánh mùng 2-9, Bác đã ra đi. Thật linh thiêng! Chúng ta càng nhớ Bác Hồ, càng phải cố gắng làm theo lời Bác Hồ dặn, càng phải cố gắng làm theo cách Bác Hồ làm".