Chủ nhật 22/12/2024 15:27
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định

Bài 2: Chuyển biến tích cực từ trung ương đến địa phương

Những năm qua, các cơ quan quản lý Nhà nước từ trung ương đến địa phương đã phát huy hiệu quả vai trò trong sự nghiệp bảo vệ người tiêu dùng.

Thay đổi từ địa phương

Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/1/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Chỉ thị 30) và Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26/5/2020 (Nghị quyết 82) của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị 30, tỉnh Yên Bái đã có sự thay đổi tích cực khi từng cơ quan, đơn vị được xác định, giao nhiệm vụ rõ ràng; chủ thể trực tiếp sản xuất ngày càng thể hiện tính chủ động, trách nhiệm trong việc thực thi các trách nhiệm về bảo vệ người tiêu dùng như: Thu hồi hàng hóa lỗi, hỏng, tiếp nhận và giải quyết khiếu nại…; thói quen, nhận thức của người tiêu dùng cũng thay đổi theo hướng chú trọng đến nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Lãnh đạo tỉnh Yên Bái cho biết, để cụ thể hóa các nội dung của Chỉ thị 30, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Kế hoạch số 157 ngày 14/10/2019 nhằm triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phù hợp với thực tiễn của tỉnh. HĐND tỉnh Yên Bái cũng ban hành các nghị quyết, chương trình giám sát chuyên đề thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm trên toàn tỉnh.

“Thông qua công tác kiểm tra, giám sát đã kịp thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế và yêu cầu các cơ sở, doanh nghiệp thực hiện nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. UBND tỉnh đã ban hành các chương trình, kế hoạch, quy chế nâng cao công tác quản lý, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gắn với thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội”, lãnh đạo tỉnh Yên Bái nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, hàng năm, tỉnh đều đảm bảo cân đối, bố trí kinh phí để thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác kiểm định chất lượng hàng hóa, kiểm tra, kiểm soát thị trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái kiểm tra hàng hóa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Với việc thực hiện 8 giải pháp theo tinh thần của Chỉ thị 30, đến nay, vai trò đầu mối, điều tiết và giám sát các hoạt động về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được xác định rõ trên phạm vi toàn tỉnh. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách được thực hiện ngày càng đa dạng về hình thức và nội dung như: Phê phán công khai các hành vi xâm hại đến quyền lợi người tiêu dùng, biểu dương người tốt - việc tốt, tổ chức trưng bày gian hàng thật - hàng giả, hướng dẫn người dân phân biệt, đặc biệt quan tâm đến nâng cao kiến thức, kỹ năng tiêu dùng cho toàn xã hội và tạo điều kiện thuận lợi để thực thi hiệu quả các quyền của người tiêu dùng, nhất là các đối tượng người tiêu dùng yếu thế.

Công tác thanh, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực hiện gắn với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chức năng. Hàng năm, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Yên Bái đều ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện công tác này.

Từ năm 2019 đến nay, Cục Quản lý thị trường Yên Bái đã kiểm tra, xử lý 2.244/3.223 vụ, phạt hành chính trên 4,4 tỷ đồng; Công an tỉnh kiểm tra, phát hiện 500 vụ với 527 đối tượng, trong đó: Khởi tố, điều tra 23 vụ vận chuyển, buôn bán hàng cấm, lừa dối khách hàng, xử lý 477 trường hợp vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; Sở Công Thương kiểm tra 219 cơ sở; Sở Y tế kiểm tra 1.475 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 186 cơ sở; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thanh, kiểm tra 40 đợt với 1.002 tổ chức, cá nhân…

Số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng và doanh nghiệp được thiết lập công khai và duy trì. Ngoài ra, tỉnh Yên Bái cũng đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; tăng cường vai trò của mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; xây dựng phát triển hệ thống tổ chức Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với 23 chi hội, gần 600 thành viên, cùng hoạt động vì mục tiêu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Không chỉ tại Yên Bái, mà tại nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai tích cực, có hiệu quả Chỉ thị 30 của Ban Bí thư. Theo thống kê của Bộ Công Thương, đến nay đã có 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai Chỉ thị 30. Trong đó, đối với nhóm nhiệm vụ tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có 48/54 địa phương gửi báo cáo đã lồng ghép các tiêu chí giám sát và đánh giá việc thực hiện công tác bảo vệ lợi người tiêu dùng trong hoạt động chuyên môn tại địa phương chiếm tỷ lệ 88,9%.

Các địa phương cũng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tổ chức bộ máy chuyên trách, nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, xây dựng các bộ phận, công cụ tiếp nhận và giải quyết các phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng tại UBND các cấp.

Đối với việc tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, UBND các tỉnh, thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết, nhận thức về vai trò, ý nghĩa của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với sự ổn định, phát triển của địa phương cũng như ý nghĩa thiết thực với từng người dân và từng doanh nghiệp trên địa bàn; đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; thực hiện lồng ghép phổ biến các tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với công tác tuyên truyền phổ biến liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đặc biệt, 100% các địa phương đã ban hành kế hoạch hưởng ứng ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam.

Thống kê của Bộ Công Thương cũng cho thấy, các địa phương đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, hỗ trợ người tiêu dùng. Cụ thể, nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện tốt công tác thanh kiểm tra theo kế hoạch hằng năm; có 27 tỉnh, thành phố có hoạt động tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, buôn bán hàng hóa và xử lý vi phạm đặc biệt trong gian lận thương mại; đa số các tỉnh, thành phố có thành lập Ban Chỉ đạo 389, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả kế hoạch quốc gia trong nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Đoàn công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Chỉ thị 30 do ông Lê Triệu Dũng, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Bình Dương về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Không dừng lại ở đó, các địa phương còn thực hiện tốt việc xã hội hóa công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đến nay có 48/54 địa phương đã ban hành kế hoạch, chương trình hành động nhằm gắn trách nhiệm của doanh nghiệp với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày 15/3; tổ chức sự kiện Ngày hội sản phẩm, hàng hóa vì người tiêu dùng; tổ chức “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia” hàng năm nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia, tổ chức các chương trình tri ân người tiêu dùng.

Ông Lê Triệu Dũng, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Cơ quan đầu mối của Bộ Công Thương theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Chỉ thị) đánh giá: “Sau gần 5 năm triển khai Chỉ thị số 30, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực ngay từ các địa phương, sự vào cuộc nhanh chóng, đồng bộ của hệ thống cơ quan Đảng, chính quyền là cơ sở để triển khai hiệu quả Chỉ thị số 30 cũng như tăng cường hiệu quả, hiệu lực của hoạt động quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian tới”.

Các bộ, ngành cùng vào cuộc

Chuyển biến từ địa phương là vậy, còn đối với các cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương, thời gian qua, các cơ quan này cũng tích cực vào cuộc và đã phát huy hiệu quả vai trò quan trọng của mình trong sự nghiệp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể, thực hiện nguyên tắc “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội”, thời gian qua, không chỉ Bộ Công Thương, mà tại các cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương đã tích cực triển khai sâu rộng Chỉ thị 30 và Nghị quyết 82.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, phần lớn các bộ, ban ngành ở Trung ương đã thực hiện quán triệt Chỉ thị 30 và đã xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai Chỉ thị 30, Nghị quyết số 82 trong lĩnh vực của mình quản lý, cụ thể đã có 18/22 bộ, cơ quan ngang bộ ở Trung ương, 4/8 cơ quan thuộc Chính phủ ban hành các văn bản chuyên biệt để thực hiện Chỉ thị 30 và Nghị quyết 82; đồng thời, các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được lồng ghép thực hiện trong các hoạt động chính trị, chuyên môn của tất cả các bộ, ban, ngành.

Ban Tuyên giáo Trung ương đã lồng ghép quán triệt Chỉ thị 30 trong các hội nghị, hội thảo, các buổi tập huấn, các cuộc họp giao ban của cấp ủy, của chi bộ và các tổ chức đoàn thể trong cơ quan, đơn vị. Các đài phát thanh, truyền hình như VOV, VTV đã xây dựng các chuyên trang, chuyên đề, thực hiện các phóng sự, bản tin về quán triệt, thực hiện Chỉ thị 30, Nghị quyết 82.

Đối với nhiệm vụ tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thống kê của Bộ Công Thương cũng cho thấy, có 12/22 bộ, cơ quan ngang bộ lồng ghép các tiêu chí giám sát và đánh giá việc thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại các đơn vị, nếu tính cả Bộ Công Thương thì con số là 13/22 bộ, cơ quan ngang bộ, chiếm tỷ lệ 59%.

Trong khi đó, nhiệm vụ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tổ chức bộ máy chuyên trách, nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có 4 bộ, ngành triển khai. Cụ thể, Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký Chương trình phối hợp số 02/CTPH-BCT-BKHĐT giai đoạn 2021-2025 có nhiều nội dung, trong đó có nội dung liên quan “Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách xã hội hóa trong đầu tư nhằm thu hút các thành phần kinh tế tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.

Tại Bộ Tài chính, đã phân bổ kinh phí 7 tỷ đồng cho các hoạt động liên quan đến thực hiện Nghị quyết 82 trong năm 2020. Đồng thời, phối hợp với Bộ Công Thương trong việc xây dựng, quản lý, chia sẻ các thông tin có liên quan, bố trí kinh phí cho các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng, các sự kiện hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, Đề án cơ sở dữ liệu Quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Đề án tăng cường tuyên truyền giáo dục cho người tiêu dùng yếu thế giai đoạn 2021-2025.

Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện Chương trình quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đến năm 2030; đồng thời cấp phép cho 777 tổ chức đánh giá sự phù hợp, trong đó 586 tổ chức thử nghiệm, 107 tổ chức chứng nhận, 79 tổ chức giám định, 5 tổ chức kiểm định chất lượng sản phầm, hàng hóa liên quan đến bảo vệ quyền lời người tiêu dùng.

Còn tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đẩy mạnh rà soát các văn bản quy phạm pháp luật tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm nông lâm thủy sản và an toàn thực phẩm…

Các đài phát thanh, truyền hình đã xây dựng các chuyên đề nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Đối với nhiệm vụ đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã mở chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng đưa tin về Chỉ thị 30 và Nghị quyết 82 trên các phương tiện thông tin đại chúng; ban hành Quyết định số 477/QĐ-BTTT ngày 12/4/2021 ban hành kế hoạch triển khai Chương trình hành động Quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tại các cuộc họp giao ban với Ban Tuyên giáo Trung ương chú trọng các giải pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phù hợp với từng loại hình báo chí…

Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã lồng ghép tuyên truyền kiến thức pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào các chương trình ngoại khóa, các môn tự chọn của học sinh, sinh viên hay các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.

Chỉ thị 30 cũng yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, hỗ trợ người tiêu dùng. Đối với nhiệm vụ này, Bộ Tư pháp đã ban hành Luật số 67/2020/QH14 Luật sửa đổi và bổ sung một số điều xử phạt vi phạm hành chính, theo đó, mức xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng đã được điều chỉnh theo hướng tăng cao hơn (một số hành vi được điều chỉnh tăng gấp đôi) để tạo tính răn đe với tổ chức, cá nhân vi phạm.

Bộ Công an đã chỉ đạo công an trên toàn quốc tập trung phát hiện xử lý nhiều vụ việc xâm phạm đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng tăng cường đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ án hình sự đối với các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Chỉ đạo lực lượng công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với lực lượng quản lý thị trường và thanh tra các sở, ngành tại địa phương trong việc thanh kiểm tra, giám sát các lĩnh vực, địa điểm kinh doanh có nhiều hoạt động kinh doanh, tiêu dùng; xác định, triệt phá các đường dây, tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.

Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo toàn quân, đặc biệt vùng biên giới, hải đảo, vùng xung yếu phối hợp các cơ quan có liên quan ngăn chặn tận gốc tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, gian lận thương mại.

Trong khi đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã sửa đổi quy định pháp luật nhằm đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức kiểm định, đồng thời ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kiểm soát chặt chẽ hàng hoá, dịch vụ nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, tiến hành kiểm tra, khảo sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đo lường và nhãn hàng hóa trong sản xuất tại 544 cơ sở kinh doanh các mặt hàng như: Xăng dầu, đồ chơi trẻ em, điện - điện tử, mũ bảo hiểm, dầu nhờn động cơ đốt trong, vàng trang sức, mỹ nghệ,…

Còn tại Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thông qua các hội nghị tuyên truyền, tọa đàm về triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã lồng ghép các nội dung của Chỉ thị 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới và Chỉ thị 30 để tuyên truyền tới cấp ủy, chính quyền, cán bộ mặt trận, các đoàn thể, hội viên, đoàn viên các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với công tác bảo vệ người tiêu dùng. Phân công cán bộ tham gia các đoàn giám sát về hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tham gia thành viên ban soạn thảo, tổ biên tập xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.

Về nhiệm vụ chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trong các hoạt động hợp tác về bảo vệ người tiêu dùng trong khuôn khổ ASEAN và quốc tế, Bộ Ngoại giao đã tích cực phối hợp với Bộ Công Thương trong việc đóng góp vào các sáng kiến, nỗ lực của ASEAN trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo ông Lê Triệu Dũng, gần 5 năm triển khai Chỉ thị 30 và Nghị quyết 82, mỗi bộ, ban, ngành ở cấp trung ương đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp được yêu cầu tại Chỉ thị, Nghị quyết. Qua đó, không chỉ góp phần đóng góp vào thành công chung của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn thể hiện rõ nét vai trò lan tỏa và tạo sự đồng thuận trong triển khai công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên phạm vi cả nước.

Bài 3: Hướng tới một nền kinh tế cạnh tranh minh bạch, hiệu quả

Hoàng Lan
Bài viết cùng chủ đề: Người tiêu dùng

Tin cùng chuyên mục

Vạch trần luận điệu xuyên tạc về “Bộ đội Cụ Hồ”

Tinh gọn bộ máy: Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng

Đảng bộ Tổng công ty Điện lực – TKV: Phát huy vai trò lãnh đạo thống nhất, toàn diện

Giá trị trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh: Từ bình dân học vụ đến bình dân học vụ số

Lật tẩy chiêu bài bịa đặt từ 'cờ vàng 3 sọc đỏ' của tổ chức khủng bố Việt Tân

Việt Tân lại ‘ếch ngồi đáy giếng’ xuyên tạc về nhập khẩu điện

Chuyển đổi số với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Vùng 3 Hải quân bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo

Tinh gọn bộ máy: Không chờ hoàn chỉnh rồi mới hoàn thiện

Thắng 'giặc nội xâm' để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Không thể phủ nhận giá trị vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc: Kỳ 3: Khát vọng hùng cường, thịnh vượng

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc: Kỳ 2: Khai mở dư địa tiềm năng

“Đúng - Trúng - Hay” trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 5: Diễn đàn dân chủ

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc

“Đúng - Trúng - Hay” trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 4: Chi bộ tiên phong

''Đúng - Trúng - Hay'' trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 3: ''Thành quả'' thiết thực từ sinh hoạt chuyên đề

Bài 2: Tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Đúng - Trúng - Hay”

“Đúng - Trúng - Hay” trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 1: Nâng “chất” sinh hoạt chi bộ hàng tháng

Đường Hồ Chí Minh trên biển: Kỳ tích làm nên huyền thoại