Nhận diện, phân biệt “quan điểm sai trái, thù địch” và “ý kiến khác với quan điểm của Đảng”
Bởi sự khác nhau về địa vị xã hội, lợi ích cụ thể, kinh nghiệm thực tiễn trong cán bộ, đảng viên và nhân dân có thể có những ý kiến, cách tiếp cận khác với đường lối, quan điểm của Đảng. Tuy nhiên, không thể quy chụp những ý kiến này thành quan điểm sai, trái, thù địch.
Vậy sự khác biệt giữa “quan điểm sai trái, thù địch” và “ý kiến khác với quan điểm của Đảng” thể hiện ở những phương diện nào?
Theo Đảng ủy Cơ quan Công đoàn Công Thương Việt Nam, về động cơ, mục đích, các quan điểm sai trái, thù địch đều hướng vào mục đích làm cho đại đa số nhân dân nghi ngờ thành quả cách mạng trong quá khứ, nhìn vào thực tại xã hội chỉ thấy tiêu cực, bất ổn, bế tắc. Chúng luận chứng rằng, mọi tiêu cực, yếu kém, bất ổn tồn tại trong xã hội hiện nay bắt nguồn từ việc Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn sai con đường - con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Từ đó, chúng đòi thay đổi chế độ chính trị, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, phủ nhận con đường xã hội chủ nghĩa.
Trong khi đó, những ý kiến của cán bộ, Đảng viên, Nhân dân, tại một giai đoạn lịch sử cụ thể, có thể trái với một số chủ trương của Đảng, thậm chí do quá tâm huyết, quá bức xúc, có cán bộ, đảng viên phê phán mạnh mẽ, gay gắt trước những tiêu cực xã hội, những yếu kém trong lãnh đạo, quản lý nhưng nói chung là vì mục đích xây dựng, đóng góp ý kiến với Đảng, Nhà nước nhằm thực hiện tốt hơn vai trò lãnh đạo và quản lý đất nước.
Lãnh đạo Công đoàn Công Thương Việt Nam động viên, tặng quà tác giả sáng kiến tham gia Chương trình 1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức |
Về phương pháp, cách thức, các thế lực thù địch không từ một thủ đoạn nào để chống Đảng, Nhà nước, chống chế độ và nhân dân. Chúng sẵn sàng bịa đặt, nói xấu một cách vô văn hóa, đổi trắng thay đen, suy diễn một cách vô căn cứ. Chúng thường dùng thủ đoạn tâm lý chiến, áp đặt tư tưởng, gây diễn biến chính trị từ bên trong bằng mọi thủ đoạn chính trị, kinh tế, văn hóa mà thường được gọi là “quyền lực mềm” nhằm gây chia rẽ, nghi ngờ trong nội bộ Đảng và nhân dân, làm suy yếu nội bộ Đảng từ bên trong. Thậm chí, chúng triệt để khai thác những thông tin, bài viết, hồi ký của các đồng chí nguyên là lãnh đạo cao cấp, coi đó là những “chứng cứ” có giá trị để “buộc tội” Đảng, Nhà nước; tăng cường biện pháp tuyên truyền tạo ra sự lẫn lộn giữa thật - giả, chính nghĩa - phi chính nghĩa, cách mạng - phản cách mạng, mác xít chân chính - giả danh mác xít.
Về chủ thể thực hiện, những kẻ tung ra các quan điểm sai trái, thù địch chủ yếu là các thế lực phản động quốc tế, phản động người Việt lưu vong, các đối tượng chống đối ở trong nước, những phần tử có tư tưởng và hành động chống đối trong nội bộ ta; có những người đã từng vi phạm pháp luật Việt Nam, lòng đầy hận thù với chế độ. Trong số này, có cả những người trước đây từng là cán bộ, Đảng viên song giờ trở thành thế lực thù địch. Đối tượng mà các thế lực thù địch hướng vào tác động lôi kéo thường là những người bất mãn với Nhà nước, nhất là những người có quan điểm sai trái, đối lập với đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Về cách thức đăng tải quan điểm, ý kiến, các thế lực thù địch tìm mọi cách tuyên truyền, phát tán những quan điểm sai trái, thù địch thông qua xuất bản sách, báo ở nước ngoài… tìm cách chuyển về trong nước, sử dụng các kênh truyền hình, phát thanh ở nước ngoài… Hiện nay, chúng triệt để sử dụng mạng Internet, các mạng xã hội, các blog để phát tán nhanh, hữu hiệu quan điểm của chúng vào Việt Nam và các nước khác.
Ngược lại, Cán bộ, Đảng viên nếu có ý kiến khác hoặc trái với đường lối, quan điểm của Đảng có thể phản ánh lên cấp trên, cấp có thẩm quyền hoặc bày tỏ ý kiến, thảo luận trong các hội thảo khoa học, hội nghị nội bộ chứ không tùy tiện phát tán trên các kênh thông tin đại chúng.
Theo Đảng ủy Cơ quan Công đoàn Công Thương Việt Nam, đối với hai loại quan điểm trên, chúng ta phải có thái độ và phương pháp đúng đắn. Đối với quan điểm sai trái, thù địch, phải đấu tranh, phê phán mạnh mẽ, kiên quyết, kiên trì, không thỏa hiệp. Đối với những cán bộ, đảng viên có ý kiến khác với đường lối, quan điểm của Đảng, phải làm rõ đúng sai thông qua đối thoại, tọa đàm, thuyết phục trên tinh thần đồng chí, tăng cường đoàn kết, đồng thuận, không đẩy họ về các thế lực thù địch.
Bên cạnh việc phân biệt quan điểm sai trái, thù địch và những ý kiến của cán bộ, đảng viên và Nhân dân khác với quan điểm, đường lối của Đảng thì cần thiết phải nhận diện cho đúng nội dung, phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch, nhận diện đúng mới đưa ra cách thức hữu hiệu nhất đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Đảng ủy Cơ quan Công đoàn Công Thương Việt Nam: Trong công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cần lưu ý phân biệt các nội dung này và những ý kiến của cán bộ, Đảng viên, nhân dân khác với quan điểm, đường lối của Đảng, tránh “vơ đũa cả nắm”, cần có sự phân biệt rõ ràng mới có thể xác định phương pháp đấu tranh phù hợp. |