Bài 1: Tư duy, tầm nhìn dài hạn và những quyết sách mang tính chiến lược của Đảng
Những quyết sách quan trọng mở lối cho phát triển công nghiệp
Phát triển công nghiệp là nội dung quan trọng và gắn bó chặt chẽ với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiến tới một nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, qua các thời kỳ, Đảng ta luôn quan tâm đề ra các chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp.
Đại hội lần thứ VIII (năm 1996) của Đảng đã xác định mục tiêu, đến năm 2020 phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Qua các Đại hội IX, X, XI, mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại được xác định xuyên suốt, trong đó phát triển công nghiệp là để tạo nền tảng thực hiện mục tiêu đó.
Hơn thế nữa, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 xác định: “Đẩy mạnh công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu, mở rộng kinh tế đối ngoại, phát triển kinh tế dịch vụ, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng. Xây dựng nền công nghiệp nặng với bước đi thích hợp”.
Đáng chú ý, Đại hội X của Đảng 2006 chủ trương: “Phát triển đồng bộ công nghiệp chế biến, chế tác, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất quan trọng, công nghiệp quốc phòng, góp phần xây dựng nền tảng cho một nước công nghiệp và nâng cao khả năng tự chủ của nền kinh tế”.
Qua các thời kỳ, Đảng ta luôn quan tâm đề ra các chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp |
Đến Đại hội XI (năm 2011) mục tiêu phát triển công nghiệp được xác định với mục tiêu quyết liệt: Ưu tiên phát triển và hoàn thành những công trình then chốt về cơ khí chế tạo, sản xuất máy móc, thiết bị thay thế nhập khẩu cho công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng; công nghiệp công nghệ cao sản xuất linh kiện điện tử, máy tính, công nghiệp dầu khí, điện, than, khai khoáng, hóa chất, luyện thép, xi măng, phân đạm..., công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp quốc phòng, an ninh với trình độ công nghệ ngày càng cao, sạch, tiêu tốn ít nguyên liệu, năng lượng, tăng sức cạnh tranh và giá trị gia tăng. Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 đã hoàn thiện và làm rõ hơn đường lối phát triển công nghiệp: “Coi trọng phát triển các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp chế tạo có tính nền tảng và các ngành công nghiệp có lợi thế; phát triển nông, lâm, ngư nghiệp ngày càng đạt trình độ công nghệ cao, chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng nông thôn mới”.
Một lần nữa, tại Đại hội XII, Đảng ta nhận định: Nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được. Từ đó, Đảng đề ra chủ trương: “Cơ cấu lại, xây dựng nền công nghiệp theo hướng phát triển mạnh những ngành có tính nền tảng, có lợi thế so sánh và có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, từng bước có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào mạng sản xuất và phân phối toàn cầu”.
Tiếp đó, để tạo “lực đẩy” cho phát triển ngành công nghiệp, ngày 22/3/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW, “Về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết nêu rõ mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại:
“Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần có lộ trình và bước đi cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên nguồn lực, có các cơ chế, chính sách đột phá, phù hợp để phát triển các cực tăng trưởng, các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; tăng cường liên kết ngành và liên kết vùng; xác định nguồn lực trong nước là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; doanh nghiệp trong nước và "ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp đặc thù”.
Như vậy, có thể thấy rõ, Đảng ta đã xác định trong bối cảnh nguồn lực quốc gia có hạn, để tiến hành công nghiệp hóa đất nước cần ưu tiên phân bổ, sử dụng hợp lý nguồn lực cho một số ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, mũi nhọn, ưu tiên (gọi chung là các ngành công nghiệp trọng điểm) để tạo tác động lan tỏa đến cả nền công nghiệp.
Với tầm nhìn chiến lược, bám sát nền sản xuất công nghiệp và kinh tế công nghiệp của thế giới hiện đại, Đại hội XIII của Đảng đã kế thừa và bổ sung, phát triển đường lối, chủ trương tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước từ nay đến giữa thế kỷ XXI. Đây là cơ sở quan trọng hàng đầu để Chính phủ và các cấp, các ngành xây dựng những chính sách cụ thể, kịp thời và hiệu quả nhằm hoàn thành mục tiêu đất nước có nền công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2025 và có nền công nghiệp hiện đại vào năm 2030.
Cụ thể hoá Nghị quyết của Đảng - dấu ấn phát triển công nghiệp
Với chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, chúng ta có thể nhìn nhận, Đảng ta luôn đủ cơ sở khoa học và thực tiễn trong hiện thực hóa chủ trương, mục tiêu lãnh đạo. Đối với mục tiêu phát triển công nghiệp, các chỉ đạo của Đảng đã có tầm nhìn có cơ sở, niềm tin khoa học và thực tiễn. Mỗi người dân Việt Nam có quyền đặt niềm tin vào con đường, phát triển đất nước thênh thang rộng mở phía trước, là mục tiêu khát vọng một đất nước có nền công nghiệp hùng cường giữa thế kỷ 21.
Tại Đại hội lần thứ XIII một lần nữa khẳng định, sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, công nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc.
Có thể nói trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Việt Nam trở thành một trong những quốc gia năng lực cạnh tranh toàn cầu và Việt Nam vào vị trí 1 trong 15 quốc gia xuất khẩu hàng hoá lớn nhất thế giới đều mang dấu ấn của phát triển công nghiệp.
Năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Việt Nam đã tăng lên, từng bước đi vào chiều sâu |
Công nghiệp hiện là ngành xuất khẩu chủ lực, có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong ngành kinh tế quốc dân. Cùng đó công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế, với mức đóng góp trong GDP của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là 25,6% năm 2022.
Một số thành tựu khác trong phát triển công nghiệp thời gian gần đây là công nghiệp của Việt Nam đã được cơ cấu lại theo hướng giảm tỉ trọng của ngành khai khoáng, tăng nhanh tỉ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững. Đã hình thành được một số ngành công nghiệp có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh và vị trí vững chắc trên thị trường quốc tế như dệt may (đứng thứ 7 thế giới về xuất khẩu); giày dép các loại (thứ 3 thế giới về sản xuất và thứ 2 về xuất khẩu); điện tử (đứng thứ 12 thế giới về xuất khẩu, trong đó mặt hàng điện thoại di động đứng thứ 2 thế giới); sản phẩm đồ gỗ (đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu)...
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển khẳng định, năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp đã tăng lên, từng bước đi vào chiều sâu, hiện Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp thuộc vào nhóm các quốc gia có năng lực cạnh tranh toàn cầu ở mức trung bình cao.
“Năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Việt Nam đã tăng 16 bậc trong vòng 10 năm, từ vị trí thứ 58 vào năm 2009 lên vị trí thứ 42 vào năm 2019 (theo xếp hạng của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp -UNIDO), trở thành quốc gia có mức tăng hạng nhanh nhất trong các nước thuộc khu vực ASEAN, đã tiệm cận vị trí thứ 5 trong khu vực (chỉ thua Philippines 0,0015 điểm) và tiến gần hơn với nhóm 4 nước có năng lực cạnh tranh mạnh nhất trong khối ASEAN”- Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nhận định.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, trong giai đoạn chiến lược 10 năm qua 2011 - 2020, công nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân với đóng góp xấp xỉ 30% vào GDP và trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước, góp phần đưa Việt Nam từ vị trí thứ 50 (năm 2010) lên vị trí thứ 22 (năm 2019) trong các quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới
Điều đáng mừng hơn khi công nghiệp chế biến, chế tạo đã trở thành động lực tăng trưởng chính của toàn ngành công nghiệp. “Xét cả giai đoạn 2011 - 2020, nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo không ngừng được mở rộng và chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành công nghiệp với đóng góp trong GDP tăng liên tục qua các năm (tăng từ 13% năm 2010 lên 14,27% năm 2016; 16,48% vào năm 2019 và đạt khoảng 16,7% vào năm 2020)”- báo cáo của Bộ Công Thương chỉ ra.
Hay mới mẻ như ngành công nghiệp hỗ trợ cũng được quan tâm thúc đẩy, tăng cường liên kết, đặc biệt là trong những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp chế biến nông sản... Bước đầu hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và gia tăng tỷ lệ nội địa hoá.
Những nỗ lực của Bộ Công Thương trong phát triển công nghiệp được các chuyên gia đánh giá cao, nhất là hành động quyết đoán trong quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh từng đánh giá: Những quyết sách thống nhất, đúng đắn của Đảng được ngành Công Thương nỗ lực thực hiện bằng những hành động quyết đoán nhưng không kém phần linh hoạt đã tạo nên bức tranh công nghiệp, thương mại đầy màu sắc và tươi sáng như ngày hôm nay. Ngành Công Thương “vượt sóng, vượt gió” để triển khai thực hiện với nhiều thành tựu đáng ghi nhận vẫn được nhắc tới như một dấu son đáng tự hào.
Đặc biệt, Bộ Công Thương được Trung ương tin tưởng giao trọng trách khẩn trương xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm để trình ra Quốc hội thông qua trong thời gian tới. Đây cũng là lần đầu tiên sau nhiều năm phát triển công nghiệp, nước ta mới có được một đạo luật quan trọng này để cụ thể hoá những chủ trương, quan điểm phát triển công nghiệp.
Đó đều là khởi nguồn và kết quả của tư duy, tầm nhìn dài hạn với những quyết sách thiết thực có ý nghĩa chiến lược của Đảng vì mục tiêu phát triển ngành công nghiệp trong dài hạn.
Như vậy, có thể thấy rõ, Đảng ta đã xác định trong bối cảnh nguồn lực quốc gia có hạn, để tiến hành công nghiệp hóa đất nước cần ưu tiên phân bổ, sử dụng hợp lý nguồn lực cho một số ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, mũi nhọn, ưu tiên (gọi chung là các ngành công nghiệp trọng điểm) để tạo tác động lan tỏa đến cả nền công nghiệp. Việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công nghiệp hóa và phát triển công nghiệp trong quá trình xây dựng chính sách công nghiệp quốc gia cần bám sát định hướng này. |
Bài 2: Vì sao phải xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm?