Mỗi năm, vào dịp Quốc khánh 2/9, chúng ta lại có dịp tưởng nhớ những sự kiện lịch sử quan trọng, để tôn vinh những anh hùng đã hy sinh trong cuộc chiến đấu vì độc lập và tự do cho đất nước, dân tộc.
Lịch sử của dân tộc Việt Nam là một hành trình đầy thử thách và hy sinh. Vào ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và toàn thế giới rằng: "Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập".
Đó là một cột mốc quan trọng, mở đầu cho một nước Việt Nam mới, thể hiện quyết tâm của người Việt trong cuộc chiến đấu vì tự do và độc lập. Ngày Quốc khánh 2/9 không chỉ mang giá trị lịch sử mà còn là dịp để tổng kết quá khứ và hướng tới tương lai, giúp củng cố quyết tâm bảo vệ và phát triển đất nước, xây dựng xã hội công bằng, văn minh và thịnh vượng.
Đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt quốc dân trên lễ đài, ngày 2/9/1945. Ảnh tư liệu |
Tuy nhiên, còn có một số ít người lạc lõng, bất mãn với quá khứ vinh quang của dân tộc, thậm chí phủ nhận sự hào hùng của lịch sử. Họ sử dụng các thủ đoạn xuyên tạc thông tin trên các trang mạng xã hội, đẩy lùi tầm quan trọng của những sự kiện lịch sử như Cách mạng tháng Tám và ngày 2/9/1945.
Các bài viết của họ thường đưa một loạt lý do, từ việc bất cần Cách mạng tháng Tám đến việc ngày 2/9 không phải là ngày Quốc khánh mà là ngày "quốc hận" hay "quốc nạn"...
Điều đáng ngạc nhiên hơn, họ tự xưng là "nhà nghiên cứu" hoặc "phân tích lịch sử" rồi đưa ra những đánh giá thiếu khách quan và sai sự thật thông qua việc sắp xếp dữ liệu lịch sử một cách khiên cưỡng, nhằm tạo ra một góc nhìn sai lệch về lịch sử.
Một trong những luận điểm gần đây thường được nhóm người này sử dụng để xuyên tạc là việc đánh đồng tham nhũng với "lỗi hệ thống", nhằm kích động, chia sẽ khối đại đoàn kết toàn dân.
Thậm chí, những người này còn đưa ra quan điểm rằng mặc dù quốc gia đã giành độc lập từ cách đây 78 năm, nhưng người dân vẫn "chưa được tự do" và quyền lợi cơ bản của họ "bị chà đạp", từ đó kêu gọi "cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột vẫn tiếp diễn…"
Những luận điệu như vậy đã tạo ra những luồng thông tin sai lệch trên mạng xã hội, có ảnh hưởng tiêu cực đến quan điểm và suy nghĩ của những người thiếu hiểu biết.
Danh ngôn có câu: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng ngắn, thì tương lai sẽ nã vào anh bằng đại bác”. Đó là lời khuyên của tiền nhân cho chúng ta về cách ứng xử có đạo lý, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học hỏi từ lịch sử, bất kể đó là quá khứ đau thương hay hạnh phúc. Nhưng thật đáng buồn, hiện nay không ít người Việt đang có cách ứng xử hoàn toàn ngược lại, họ không chỉ bắn vào quá khứ bằng súng ngắn mà thậm chí còn nã bằng đại bác.
Dối trá, phỉ báng lịch sử, kích động hận thù không chỉ là hành động thiếu đạo đức mà còn gây hại nghiêm trọng đến tương lai của dân tộc. Bằng cách xuyên tạc lịch sử và truyền tải sự bất đồng, mâu thuẫn và xung đột trong xã hội, những kẻ "trở cờ" đang đe dọa sự hòa bình, độc lập và thống nhất đang được xây dựng và bảo vệ.
Tuy vậy, điều đáng mừng là những thủ đoạn này không thể ngăn cản được dòng chảy lịch sử của dân tộc và sự thật vẫn luôn tồn tại khách quan. Lịch sử hào hùng của Việt Nam với những khó khăn và hy sinh lớn lao đã tạo ra tính cách của người Việt Nam, với tinh thần yêu nước, đoàn kết và lòng tự hào về dân tộc, đất nước.
Việt Nam ngày nay được thế giới biết đến là một đất nước thanh bình, người dân hiền hoà yêu chuộng hoà bình. Trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0, việc kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, như tình yêu nước, lòng thương nòi, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, trở nên vô cùng quan trọng. Đây là nền tảng để xây dựng một Việt Nam mạnh mẽ, phát triển và sánh vai với các cường quốc trên thế giới.
Trong tương lai, chúng ta hy vọng xây dựng một Việt Nam giàu mạnh, đoàn kết và sẵn sàng cùng các cường quốc khác đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng toàn cầu. Việc kế thừa và phát huy truyền thống của dân tộc là một nhiệm vụ thiêng liêng, để viết nên những trang sử hào hùng mới cho người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam". Đại văn hào người Pháp Victor Hugo khẳng định: "Lịch sử là tiếng vọng của quá khứ trong tương lai và là ánh phản chiếu của tương lai trên quá khứ". Hai câu nói này của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Victor Hugo đều thể hiện tầm quan trọng của việc hiểu biết và tôn trọng lịch sử.
Chúng ta cần hiểu rằng lịch sử không chỉ là một danh mục sự kiện đã xảy ra, mà còn là nguồn cảm hứng và bài học cho tương lai.
Bằng cách nắm vững lịch sử, người dân có thể học hỏi từ quá khứ, thấu hiểu giá trị của độc lập tự do và duy trì sự đoàn kết trong xã hội. Việc hiểu biết về lịch sử cũng giúp thúc đẩy lòng tự hào dân tộc và tôn vinh những người đã đấu tranh cho tự do và độc lập.