Chủ nhật 22/12/2024 21:48

Đường dây 500 kV mạch 3 - đường Trường Sơn công nghiệp hóa thời bình - Bài 2: Lòng quyết tâm còn cao hơn núi

Từ đường dây 500 kV mạch 1, mạch 2, đến nay chúng ta đang gấp rút hoàn thành mạch 3 bằng quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị...

Trời vào hè, dưới cái nắng chói chang, khắp 9 tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên đang chứng kiến không khí sôi động xây dựng đường dây 500 kV mạch 3 theo tinh thần “vượt nắng thắng mưa” của Thủ tướng Chính phủ. Dự án được kỳ vọng sẽ hoàn thành đúng tiến độ, giúp giải “cơn khát điện” cho miền Bắc trong mùa hè năm 2024 và thống nhất lưới điện 3 miền Bắc - Trung - Nam.

Kỳ tích 30 năm trước

Tháng 5 này, đường dây 500 kV Bắc – Nam mạch 1 tròn 30 tuổi. Gần một phần ba thế kỷ đã trôi qua, nhưng công trình này vẫn sừng sững hiên ngang, vận hành liên tục và an toàn. Không chỉ là cột mốc quan trọng trong việc truyền tải điện từ miền Bắc vào miền Nam, công trình này còn là biểu tượng cho sức mạnh, sự đoàn kết và phát triển bền vững của ngành điện Việt Nam. Nhưng để có được đường dây biểu tượng như ngày hôm nay, bao mồ hôi, nước mắt và cả máu của hàng vạn công nhân ngành điện đã đổ vào lòng đất mẹ. Cũng có người đã không trở về, vĩnh viễn nằm lại bên móng cột, giữa cánh rừng thiêng, bên con suối độc.

Không khí thi công sôi động, làm việc "3 ca 4 kíp", xuyên ngày, xuyên đêm các vị trí móng cột trên khắp các tỉnh miền Trung để đảm bảo tiến độ thi công, chung mục tiêu hoàn thành toàn bộ dự án vào tháng 6/2024

Nhiều năm đã trôi qua nhưng các cán bộ lão thành từng tham gia thiết kế, xây dựng và vận hành đường dây 500 kV mạch 1 vẫn nhớ như in những ngày “mưa rừng, cơm vắt” dọc tuyến lửa từ Bắc vào Nam. Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, ngành điện lúc đó coi các công trường thi công đường dây 500 kV Bắc - Nam như là “chiến trường không tiếng súng”. Từ trên xuống dưới quyết tâm rất cao, đâu đâu cũng hừng hực khí thế “vui như ra trận”.

Tuy vậy, đụng thực tế mới thấy khó khăn, nhận công trình rồi mới thấy kinh hoàng bởi nhiều đoạn “mửa mật” như đèo Hải Vân, Lò Xo, Khâm Đức… Những vị trí móng, cột này máy móc không thể lên được, phải huy động sức người. Nhưng lực lượng thi công ít, phải làm sao? Khó khăn nữa là đường dây 500 kV Bắc – Nam mạch 1 là công trình truyền tải lớn đầu tiên của ngành điện, kinh nghiệm thi công chưa có. Mọi công đoạn đều vừa học vừa làm. Thiết bị điện lắp đặt tại các trạm biến áp 500 kV hầu hết đều nhập khẩu từ các nước Âu, Mỹ. Chuyên gia tư vấn giám sát, chuyên gia nhà thầu cung cấp thiết bị, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật thiết bị… đều nói hoặc viết bằng tiếng Anh.

Ngoài ra, địa hình thi công hiểm trở, chủ yếu đồi núi, điều kiện khắc nghiệt, lắm muỗi, nhiều vắt, sốt rét rừng khiến lực lượng thi công gặp nhiều trở ngại trong vận chuyển vật liệu, thiết bị đào, đổ móng. Những công nhân từng làm đoạn qua sông Vu Gia, đèo Khâm Đức (Quảng Nam), đèo Lò Xo (Kon Tum), đèo Hải Vân (Đà Nẵng)… có lẽ không bao giờ quên được những ngày “đầu đội mưa, chân đạp lũ” để dựng lán, bảo vệ móng cột, vật tư. Mưa sầm sập, nước chảy xiết như tên, có khi lán công nhân vừa dựng đã bị cuốn trôi… Trong quá trình thi công, gặp những nơi địa chất yếu, công nhân đang làm, mưa bị xói lở, các đơn vị phải đóng cọc, dùng cáp chằng lên đỉnh đồi để giữ cột đứng yên rồi mới khoan cọc nhồi.

Dù khó khăn như vậy nhưng theo ông Ngãi, anh em vẫn kiên gan bám trụ, vì tiến độ công trình, vì lời hứa với Đảng, với nhân dân. Ngày đêm, hàng vạn kỹ sư, công nhân làm việc không ngừng nghỉ, đương đầu mọi thử thách của thời tiết và địa hình. Kinh nghiệm từ việc giải phóng mặt bằng đến việc chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, thi công địa hình đồi núi… tất cả đã thành những ký ức không thể nào quên.

Vẫn theo ông Ngãi, vào lúc 19 giờ 6 phút ngày 27/5/1994, tại Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra lệnh hòa hệ thống điện miền Nam với 4 tổ máy của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình tại trạm Đà Nẵng qua đường dây 500 kV như kế hoạch dự định, chính thức đưa hệ thống 500 kV vào vận hành. Đây là thành quả của niềm tin, ý chí và sự quyết tâm của tập thể cán bộ, công nhân ngành điện, ngành xây dựng trên suốt dọc dài công trình. Bên cạnh đó, là sự động viên kịp thời của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, cùng sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân. Tất cả đã làm nên sức mạnh to lớn, giúp kiến tạo một công trình mang tầm vóc quốc gia, là biểu tượng cho sự đoàn kết, hy sinh, sức mạnh tổng hợp của ý Đảng lòng Dân.

Thách thức hôm nay

GS.TS Trần Đình Long đánh giá, tiếp nối đường dây 500 kV mạch 1, 2, đường dây 500 kV mạch 3 có ý nghĩa kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa, quốc phòng rất to lớn, vừa đảm bảo việc tăng cường cấp điện cho các tỉnh đang còn thiếu điện, vừa làm nhiệm vụ liên kết lưới điện khu vực và lưới điện quốc gia ở cấp điện áp 500 kV. Tương tự, TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng và phát triển Xanh, nhận định việc xây dựng đường dây 500 kV mạch 3 sẽ đóng góp quan trọng trong việc giảm bớt tình trạng thiếu điện ở miền Bắc.

“Cung cấp nguồn điện cho miền Bắc là cần thiết về dài hạn, do nhu cầu sử dụng điện tại đây đang tăng nhanh, đặc biệt là khi nguồn điện từ các nhà máy thủy điện đã không còn đủ. Hiện chỉ có thể dựa vào các nhà máy như Quảng Trạch 1, Vũng Áng 2 và việc xây dựng đường dây 500 kV mạch 3 để truyền tải điện từ những nguồn điện này đến miền Bắc là hết sức cần thiết”, ông Sơn nói.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đặng Hoàng An nhiều lần đi kiểm tra tiến độ thi công, đôn đốc và động viên các nhà thầu thi công dự án đường dây 500kV mạch 3 đoạn Quảng Trạch – Quỳnh Lưu

Dẫu vậy, cột mốc phải hoàn thành dự án vào 30/6/2024 thực sự là một thách thức rất lớn!

Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đặng Hoàng An, ngành điện Việt Nam tích luỹ được nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc nghiên cứu, thiết kế và thi công các loại hình công trình truyền tải điện lớn như đường dây 500 kV. Điều này được minh chứng qua việc xây dựng và vận hành thành công đường dây 500 kV Bắc – Nam mạch 1 và 2.

Tuy nhiên, việc thi công các dự án truyền tải điện hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức và khó khăn hơn so với những thời kỳ trước đây. Những khó khăn này xuất phát từ đặc thù của các dự án truyền tải điện thường đi qua nhiều địa phương và chiếm dụng nhiều loại hình sử dụng đất khác nhau. Trong khi chính sách đền bù của từng địa phương không đồng nhất và cách tiến hành giải phóng mặt bằng cũng không giống nhau. Điều này dẫn đến tình trạng chậm trễ trong việc bàn giao mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ của công trình.

Đặc biệt, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng cũng gặp phải nhiều khó khăn, bởi các thủ tục liên quan đến việc này rất phức tạp và tốn nhiều thời gian để hoàn thành. Theo nhận định của giới chuyên môn, nếu vẫn tiếp tục thực hiện theo các quy định hiện hành, chắc chắn không thể đưa dự án này vào vận hành đúng tiến độ. Đặt ra thách thức lớn đối với các bên liên quan, đòi hỏi có phương án cụ thể và linh hoạt để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả nhằm đảm bảo tiến độ, cũng như chất lượng của các dự án.

Ông Nguyễn Đình Thọ, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung, cho biết cho biết ngoài giải phóng mặt bằng, tuyến đường dây 500 kV mạch 3 kéo dài có nhiều vị trí móng cột ở vào địa hình hiểm trở, phải băng rừng, vượt núi nên tiếp cận mở đường thi công gặp nhiều khó khăn. Trong đó, vị trí khó khăn nhất là đoạn tuyến đi qua khu vực thị xã Kỳ Anh, nằm trên dãy núi Hoành Sơn. Nơi đây địa hình núi đá cao, điều kiện thời tiết bất thường, hay có sương mù, khiến công tác thi công gặp không ít trở ngại. Đơn vị thi công phải mất nhiều ngày để mở đường mới vào được vị trí móng cột. Do đường đi lại rất khó khăn nên công nhân phải dựng trại tạm để ăn nghỉ ngay tại công trường. Thêm vào đó, việc vận chuyển xăng dầu, nhu yếu phẩm và sau này là cột thép cũng là một thách thức lớn.

Lòng quyết tâm còn cao hơn núi

Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu cụm các dự án đường dây 500 kV mạch 3 kéo dài dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn 2025 - 2026. Tuy nhiên, trước yêu cầu bức bách của dòng điện quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ dự án, hoàn thành đưa vào vận hành trong tháng 6/2024. Để hoàn thành mục tiêu trên, Thủ tướng đã chỉ đạo thường xuyên, liên tục và yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương liên quan nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, chủ động giải quyết nhanh nhất các thủ tục, hồ sơ, công việc liên quan đến dự án theo chức năng, nhiệm vụ được giao nhằm hoàn thành dự án, đưa vào vận hành theo mục tiêu phấn đấu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã 9 lần họp với các bên liên quan để rà soát, thúc đẩy tiến độ, phấn đấu hoàn thành đóng điện, đưa dự án vào vận hành trong tháng 6 năm nay

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, mệnh lệnh của Thủ tướng là nhiệm vụ chính trị quan trọng và cũng hết sức khó khăn, đòi hỏi sự tham gia tích cực, đồng bộ của các bộ, ngành Trung ương, chính quyền các địa phương nơi có dự án đi qua và các chủ đầu tư xây dựng công trình. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngay từ tháng 7/2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp với đại diện Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và 9 địa phương liên quan để bàn và thống nhất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối góp phần bảo đảm cung ứng điện cho miền Bắc.

Từ đó đến nay, Bộ trưởng đã 9 lần họp với các bên liên quan để rà soát, thúc đẩy tiến độ dự án. Trong các cuộc họp này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thống nhất các giải pháp để nhanh chóng hoàn tất các thủ tục đầu tư dự án, tiến hành giải phóng mặt bằng, triển khai dự án trong thời gian sớm nhất. Đối với các vấn đề liên quan đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chuyển đổi đất rừng, đất lúa tại các tỉnh có liên quan đến các dự án, Bộ trưởng yêu cầu EVN và EVNNPT tiếp tục phối hợp, làm việc chặt chẽ với các địa phương có dự án đi qua để triển khai các công việc cần thiết. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng cần tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường để hoàn thành hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án để trình Thủ tướng Chính phủ.

Tinh thần vào cuộc quyết liệt, khẩn trương của Bộ Công Thương và Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận. Chiều ngày 1/4, trong cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương, đơn vị về các dự án đường dây 500kV mạch 3 kéo dài, Thủ tướng đã biểu dương Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành đã thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình, đôn đốc triển khai dự án. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trực tiếp là Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) phát huy truyền thống anh hùng thúc đẩy dự án; các nhà thầu đã tập trung cao độ, huy động nhân lực, thiết bị, máy móc, thi công các dự án với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “làm việc 3 ca, 4 kíp; xuyên lễ, xuyên Tết”, “bàn làm, không bàn lùi”, thi công đồng bộ trên tất cả các vị trí, công đoạn, công việc thuộc phạm vi dự án.

Dự án nằm trong danh mục các công trình trọng điểm, có tính chất đặc biệt quan trọng, nhằm đảm bảo cung ứng điện cho các tỉnh miền Bắc trong năm nay và các năm tiếp theo

Nhờ sự rốt ráo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương có dự án đi qua, đến thời điểm hiện tại, toàn bộ 4 dự án đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư; thực hiện ký kết hợp đồng cho 225/226 gói thầu. Cả 4 dự án đã thực hiện bàn giao mặt bằng tại 1177/1177, đạt 100% vị trí móng cột và 231/503 khoảng néo, đạt khoảng 46. Các nhà thầu đang triển khai thi công móng đồng loạt trên toàn tuyến tại 100% vị trí; hoàn thành đúc móng được 430/1177 vị trí; bàn giao 182/1177 cột thép; hoàn thành lắp dựng 43/1177 vị trí cột; đang lắp dựng 59/1177 vị trí cột.

Cũng tại cuộc họp, người đứng đầu Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu các cơ quan, địa phương, đơn vị phối hợp chặt chẽ với nhau và với nhân dân, doanh nghiệp vì mục tiêu chung, tránh phiền hà, tiêu cực, tham nhũng trong quá trình triển khai dự án, trên tinh thần “lắng nghe, chia sẻ, hành động”, “cùng làm, cùng thắng và cùng hưởng”. Đồng thời, khẩn trương giải phóng mặt bằng, bàn giao hành lang tuyến để chủ đầu tư thực hiện công tác rải, kéo dây dẫn; khẩn trương phải di dời tái định cư và thực hiện các thủ tục tái định cư cho các hộ dân, đảm bảo an toàn hành lang tuyến để đóng điện công trình trong tháng 6/2024.

Nguyên Minh - Hoàng Hưng - Hoàng Hải - Văn Hiến - J.K

Tin cùng chuyên mục

Vạch trần luận điệu xuyên tạc về “Bộ đội Cụ Hồ”

Tinh gọn bộ máy: Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng

Đảng bộ Tổng công ty Điện lực – TKV: Phát huy vai trò lãnh đạo thống nhất, toàn diện

Giá trị trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh: Từ bình dân học vụ đến bình dân học vụ số

Lật tẩy chiêu bài bịa đặt từ 'cờ vàng 3 sọc đỏ' của tổ chức khủng bố Việt Tân

Việt Tân lại ‘ếch ngồi đáy giếng’ xuyên tạc về nhập khẩu điện

Chuyển đổi số với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Vùng 3 Hải quân bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo

Tinh gọn bộ máy: Không chờ hoàn chỉnh rồi mới hoàn thiện

Thắng 'giặc nội xâm' để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Không thể phủ nhận giá trị vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc: Kỳ 3: Khát vọng hùng cường, thịnh vượng

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc: Kỳ 2: Khai mở dư địa tiềm năng

“Đúng - Trúng - Hay” trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 5: Diễn đàn dân chủ

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc

“Đúng - Trúng - Hay” trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 4: Chi bộ tiên phong

''Đúng - Trúng - Hay'' trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 3: ''Thành quả'' thiết thực từ sinh hoạt chuyên đề

Bài 2: Tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Đúng - Trúng - Hay”

“Đúng - Trúng - Hay” trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 1: Nâng “chất” sinh hoạt chi bộ hàng tháng

Đường Hồ Chí Minh trên biển: Kỳ tích làm nên huyền thoại