Chủ nhật 22/12/2024 10:48
Bài dự thi Cuộc thi Chính luận Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong ngành Công Thương

Chuyện về hai tấm ảnh và cuốn sách của Tổng Bí thư

Cuốn sách của Tổng bí thư là công trình có tầm khái quát cao về lý luận, tổng kết thực tiễn sâu sắc về những phát triển sáng tạo riêng, đặc sắc của Đảng ta.

Tuổi thơ tôi gắn liền với những ký ức về đất nước buổi giao thời. Đó là giai đoạn Tổ quốc ở trong bối cảnh phải quyết định “đổi mới” hay là “chết”. Thật may có Đảng! Dân tộc ta đã chọn đổi mới.

Có lần, tôi thấy một tấm ảnh đen trắng. Những kỷ niệm ngày xưa chợt ùa về. Nhớ đến nao lòng về một thời kỳ gian khó của đất nước. Theo lý tưởng của Đảng, biết bao thế hệ cha anh, những con người Việt Nam đã tập hợp, đoàn kết, kỷ luật, nhường cơm sẻ áo, cùng nhau trải qua khó khăn thử thách, thiếu thốn để trường kỳ kháng chiến, đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ vững ngọn cờ độc lập dân tộc và xã hội chủ nghĩa.

Ai đã trải qua ít nhiều mới hiểu và cảm nhận trọn vẹn thế nào là bao cấp. Mô hình quản lý kinh tế ấy có ý nghĩa lịch sử to lớn, đã phát huy tác dụng giúp tập trung nguồn lực cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc đi đến thắng lợi. Tuy vậy, trong thời bình mô hình ấy bộc lộ những hạn chế, kìm hãm sự phát triển kinh tế, xã hội. Kể ra thì nhiều thứ lắm, nhưng tóm gọn trong vài từ mang tính lý luận thì trong thời kỳ kinh tế bao cấp, kế hoạch hóa tập trung, lực lượng sản xuất không được giải phóng, tư liệu sản xuất kém phát triển và chưa được khai thác triệt để trong một mối quan hệ sản xuất phù hợp, kích thích sự phát triển... Bằng ngôn ngữ bình dân thì cuộc sống thời kỳ này thực sự khó khăn, thiếu thốn.

Trong những năm cuối bao cấp, bố mẹ tôi khi ấy là giảng viên Trường 12+2 tại tỉnh Vĩnh Phú, nay là Tỉnh Phú Thọ- nơi đào tạo ra các giáo viên tiểu học cho cả tỉnh Vĩnh Phú lúc bấy giờ. Vào những năm 1984-1986, tôi vẫn nhớ như in sau tiếng kẻng bằng vỏ quả bom không nổ, buổi dạy học kết thúc, bố mẹ tôi về nhà cất cặp giáo án, lấy thìa cùng nhau đi lên bếp ăn tập thể của Trường. Chẳng biết được ăn gì mà có lần chiều về thấy bố tôi đào gốc sắn mọc ở bờ rào. Sau khi luộc lên, ông bà ăn hết một nồi nhôm đầy sắn (nồi ống vầu). Ăn xong rồi mà bố tôi vẫn nhìn vào đáy nồi.

Tem phiếu ngày ấy chỉ được phát ít thứ, trong đó chút gạo thì để dành nấu cháo cho anh em chúng tôi. Có vài lần, bố dẫn tôi lên bếp ăn tập thể. Các cô cấp dưỡng thấy tôi thì quý lắm cứ ôm và thơm, rồi cho tôi một khay cơm giống của bố.

Trong khay cơm ấy, chỉ nhìn thôi là đủ thấy sự gian khổ và cả bóng hình của biết bao thế hệ đã thắt lưng buộc bụng để tập trung cho tiền tuyến. Cơm hôi gạo kho, tôi còn bé cứ bè nhè không chịu ăn. Nhìn qua, bố tôi đã ăn sạch từ lúc nào. Bố tôi bảo: “… ăn đi con, bỏ thừa phải tội, nhiều người chẳng có mà ăn…!”.

Lâu lâu, Tổ của bố tôi được phát quần đùi, áo may ô, vải và một số vật dụng nhỏ. Các cô chú đồng nghiệp của bố tôi lại họp để bàn chia cho ai trong lần này, ưu tiên những người có thành tích. Số lượng thì luôn thiếu. Phát áo may ô thế nào mà tính ra mỗi người được ½ chiếc áo may ô. Thế là lại nhường nhau.

Mặc dù thiếu thốn, nhưng họ đoàn kết, quý mến nhau. Chẳng ai tranh giành cái gì bao giờ. Người có thành tích cũng nhường. Đa số họ là đảng viên. Sẵn sàng chịu thiệt phần mình, nhường cho nhau, cho nhà có người già, trẻ nhỏ những thứ cần thiết.

Có lần nhà bếp của Trường mổ lợn chia phần cho cán bộ nhân viên. Bố tôi phụ trách nhận thịt cho các cô chú trong Tổ. Có người ốm không đi lấy được. Bố tôi hỏi: “Chú muốn lấy thịt gì để anh phần cho chú?”. Đồng nghiệp của bố tôi bảo: “Cho em xin chút mỡ bác nhé!”. Là đứa trẻ, tôi chẳng hiểu thế nào cả. Trong đầu thoáng qua ý nghĩ: “Ai lại nhận thịt mỡ? Thịt nạc có phải ngon hơn không?...”. Tuy vậy, chỉ có những ai đã trải qua thời kỳ bao cấp mới hiểu vì sao chú ấy muốn lấy chút thịt mỡ.

Đi lại thì chủ yếu đi bộ. Ai may mắn, khá giả mới có được cái xe đạp khung nam Favorite hoặc xe nữ Mifa. Ngày ấy chỉ có các bác tài xế là may mắn hơn cả vì đôi khi tiện đường có thể kết hợp tranh thủ được phương tiện cơ quan nên đi lại về quê có lúc nhanh và dễ dàng hơn.

Ở căng tin phát vật phẩm khi hàng về thì xếp hàng đông nghịt. Người chờ lấy muối, thịt, gạo, dầu, người khác chờ lấy vải, trứng, xà phòng… Tem phiếu là thứ thiêng liêng, phải giữ cẩn thận. Tết thường có bánh pháo Phong Châu. Háo hức đáo để…! Những hình ảnh về thời bao cấp đã đi vào vùng ký ức không thể phai nhòa trong tâm trí tôi.

Sau 38 năm đất nước đổi mới, tôi tình cờ lướt web trên mạng xã hội và thấy một tấm ảnh khác.

Trong tấm hình này, hai em bé tung tăng trong siêu thị đầy ắp hàng hóa, đồ uống, đồ ăn bạt ngàn, nhiều màu sắc, mẫu mã. Các cháu đang chọn những món đồ mình yêu thích. Tấm ảnh cho thấy không khí của sự đủ đầy, ấm no hạnh phúc, của một đất nước với nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hàng hóa đa dạng, chẳng thiếu thứ gì, giá cả phải chăng, chất lượng tốt, nguồn cung dồi dào... Đó là kết quả của một nền kinh tế với lĩnh vực Công Thương phát triển. Xa rồi những tháng ngày gian khó. Chính sách Đổi mới của Đảng và Nhà nước đã đem lại cho nhân dân Việt Nam những thành quả thật phi thường.

Hai tấm ảnh tương phản và nói lên nhiều điều. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân đồng lòng, đất nước ta đã thay da đổi thịt. Người Việt Nam giờ đây có thể tự hào về những thành quả kinh tế xã hội đạt được. Về quy mô kinh tế, nếu năm 1986 GDP của Việt Nam chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD, đứng thứ 9/10 nền kinh tế ASEAN tại thời điểm đó, thì năm 2023 GDP của Việt Nam đã tăng gấp khoảng 50 lần, đứng tốp 5 quốc gia có quy mô kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ nhất thế giới.

Từ chỗ nền kinh tế tập trung bao cấp với nền sản xuất kém phát triển, cuộc sống thiếu thốn, đến nay nền sản xuất hàng hóa của Việt Nam đã ở top cao của thế giới xét về Chỉ số Đổi mới Toàn cầu 2023 (GII). Theo đó, Việt Nam đứng thứ 46/132 nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022 và được đánh giá là một trong 7 quốc gia đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.

Về ngoại thương, năm 1986 kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước chỉ đạt 2,9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 789 triệu USD, nhập khẩu 2,15 tỷ USD. Nhập siêu tương đương 173% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đến năm 2006, sau đó 20 năm, kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt 84,7 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 39,8 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 44,9 tỷ USD. Nhập siêu chỉ còn 5,1 tỷ USD, chiếm 12,8% kim ngạch xuất khẩu.

Sau 37 năm thực hiện các chính sách đổi mới, năm 2023 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam đạt 683 tỷ USD, tăng xấp xỉ 236 lần so với cùng kỳ năm 1986. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 ước tính xuất siêu 28 tỷ USD.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 355,5 tỷ USD. Có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 07 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66%). Kim ngạch nhập khẩu đạt 327,5 tỷ USD. Có 44 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,4% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 04 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 46,8%). Trong năm 2023 có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 07 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66%).

Trên đây là những con số biết nói. Cùng với đó là an sinh xã hội ngày càng được đảm bảo, các dịch vụ y tế, giáo dục, phát triển con người được quan tâm phát triển. Cơ sở hạ tầng giao thông, điện- đường- trường- trạm được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển tới tận các thôn bản.

Người Việt Nam ngày nay có thể ăn ngon, mặc đẹp và hưởng tiện ích cuộc sống. Xa rồi những ngày chia nhau, đợi lượt áo may ô và xin lấy thịt mỡ để rán được lâu thay vì lấy thịt nạc chỉ ăn được một bữa. Xa rồi những ngày bạn bè đồng nghiệp thương tặng nhau đôi giày cũ há mõm, khâu đi khâu lại. Người Việt Nam bây giờ có thể dễ dàng sở hữu những đôi giày đẹp, bền, chất lượng tốt, thời trang, phong cách với một chi phí nhỏ, dễ mua, thậm chí ngồi nhà đặt dịch vụ thương mại điện tử hỏa tốc, chẳng cần đi đâu. Với khoảng 800 ngàn doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiện nay, nền sản xuất hàng hóa của Việt Nam đã gây dựng được uy tín với các thị trường trên thế giới. Hàng hóa không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và còn đến được và trụ vững ở những thị trường khó tính và tiêu chuẩn cao nhất thế giới như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Canada, Úc…

Trình độ của người Việt Nam giờ đây được bạn bè quốc tế nể trọng. Hầu như lĩnh vực nào cũng có người tài, đầu ngành. Các bạn không tin cứ tìm hiểu mà xem. Y bác sĩ Việt Nam có tiếng trong giới y khoa thế giới. Nhiều bệnh nhân đi nước ngoài chữa bệnh tim mạch, ngoại khoa… với mong muốn được chữa bệnh bởi bác sĩ giỏi nhất. Trong danh mục bác sĩ phẫu thuật được bệnh viện nước bạn đưa ra, tên đứng đầu danh sách là bác sĩ Việt Nam và muốn được bác sĩ Việt Nam phẫu thuật phải đặt lịch chờ vì bác sĩ giỏi rất bận. Các đội tuyển Việt Nam đi thi quốc tế toán lý hóa, kỳ nào cũng đầy huy chương vàng, bạc… Nghệ thuật, khoa học, trí tuệ… môn nào cũng có người Việt Nam cả. Kinh doanh thì ngành nào chúng ta cũng có nhiều doanh nghiệp mạnh, đầu tư bài bản và có tiềm lực vươn tầm châu lục và thế giới.

Tuy nhiên, những thế lực phản động, thù địch, cơ hội chính trị vẫn từng ngày, từng giờ rêu rao những luận điệu xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước. Nào là Việt Nam cần đa đảng mới dân chủ, nào là Việt Nam thiếu nhân quyền, không tôn trọng con người, nào là Đảng độc tài, hay là Việt Nam đàn áp tự do tôn giáo-tín ngưỡng… Nhưng chúng cũng không có cách nào để phủ nhận vai trò to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với dải đất hình chữ S, cả trong chiến tranh và trong thời bình. Không nhiều quốc gia mà ở đó Đảng, Chính phủ, cả Bộ máy hành chính Nhà nước làm việc không có ngày nghỉ như ở Việt Nam để điều hành, giải quyết các vấn đề khó khăn nhằm phát triển kinh tế xã hội. Hiếm có quốc gia nào có được một nền kinh tế mở cửa, hội nhập với các hiệp định có lợi cho doanh nghiệp được đàm phán và ký kết với các khối và nền kinh tế đối tác quan trọng nhanh hơn Việt Nam. Chính vì lẽ đó, nhiều nước lớn trên thế giới đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với nước ta, khẳng định luôn tìm thấy ở Việt Nam là một đối tác trách nhiệm, tin cậy, tình cảm bạn bè chân thành.

Nhân dân ta vẫn kiên trì, cần cù, chăm chỉ học tập, lao động vì cuộc sống hàng ngày. Mỗi khi có thông tin về sự xâm nhập và nguy cơ đối với toàn vẹn lãnh thổ đất nước, thì dân tộc Việt Nam, vẫn những con người ấy chưa bao giờ nguôi sôi sục ý chí đấu tranh bảo vệ đất nước. Tinh thần ấy là sự kế thừa truyền thống cha anh dựng nước và giữ nước từ hàng ngàn năm lịch sử. Khi có giặc thì tay cấy, tay súng. Trong thời bình thì không ngại khó và quyết tâm đi lên, phát triển kinh tế.

Trong suốt 94 năm lãnh đạo và cầm quyền, Đảng đã soi đường bằng những chủ trương, đường lối và quyết sách phù hợp với thực tế đất nước qua mỗi thời kỳ. Mỗi giai đoạn ưu tiên một ngọn cờ, kiên định con đường đã chọn, trải qua cả những lúc khó khăn cần điều chỉnh, cầu thị, nhìn thẳng vào sự thật, thậm chí sửa sai, từng bước đưa đất nước tiến lên phía trước.

Cuối năm 2023, tôi may mắn được tham dự buổi giới thiệu cuốn sách của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mang tựa đề: “Cả nước đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật phát hành. Buổi giới thiệu sách do Đảng ủy Khối các Cơ quan Trung ương tổ chức.

Cuốn sách ấy bao gồm các bài viết và phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong giai đoạn từ khi chuẩn bị Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc Khóa XIII cho đến thời điểm xuất bản cuốn sách, chất chứa tầm nhìn hướng về tương lai, những định hướng lớn cho đất nước, dân tộc ta, trong đó có thế hệ trẻ Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học, cuốn sách của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một công trình có tầm khái quát cao về lý luận, tổng kết thực tiễn sâu sắc về những phát triển sáng tạo riêng, đặc sắc của Đảng ta, thực sự là một tư liệu quý.

Cuốn sách là sự kết tinh của nhiều giá trị. Đọc cuốn sách cho ta hiểu được vì sao dù trải qua bao khó khăn, chông gai trên chặng đường dài lịch sử, Đảng ta vẫn vững bước trên con đường cách mạng và được nhân dân tin yêu. Đảng đã thắp lên ngọn đuốc ở những nơi tăm tối nhất, giữ vững ngọn cờ, khơi dậy ánh sáng của lòng yêu nước, tận tâm vì sự trường tồn của dân tộc Việt Nam, mà ở đó yếu tố con người luôn được đặt lên làm trọng tâm của mọi định hướng và quyết sách. Có nhiều điều để nói về cuốn sách này, tôi chỉ xin khái quát bằng những vần thơ cảm tác như sau:

Cuốn sách của Tổng Bí thư

Cuốn sách trên tay, nghĩ về đất nước.

Dân tộc ta gian khó đi lên.

Chống giặc ngoại xâm, ý chí vững bền.

Chẳng nao núng, tình yêu bất diệt.

Cuốn sách trong tay, nghĩ về lịch sử.

Đảng ở bên, chân lý soi đường.

Chín mươi ba năm lãnh đạo, kiên cường.

Vững ngọn cờ xã hội chủ nghĩa.

Cuốn sách trên tay, nghĩ về bao thế hệ.

Thật anh hùng và rất đỗi yêu thương.

Cha anh đã hy sinh tất cả.

Để mãi cho đời những đóa hoa thơm.

Cuốn sách trong tay, nghĩ về phía trước.

Cả nước đồng lòng, tranh thủ thời cơ.

Vượt qua mọi gian khó, bất ngờ.

Cùng chung sức vì Việt Nam phồn thịnh.

Cuốn sách trên tay, nghĩ đến cuộc đời.

Với tinh thần Nghị quyết đề ra.

Trung với Đảng, hiếu với Nhân dân.

Lời Bác dạy, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Cuốn sách trên tay, ngẫm suy tuổi trẻ.

Trong đó có em và cũng có anh.

Cần lắm em ơi, trái tim chân thành.

Dòng máu nóng, đong đầy nhiệt huyết.

Cuốn sách trên tay, chứa đầy thực tại.

Có tình yêu, có cái chung, riêng.

Theo tư tưởng Bác Hồ vĩ đại.

Nhớ cội nguồn, yêu mãi quê hương.

(Đỗ Việt Phương - 2023)

Các bạn hãy tìm đọc cuốn sách dù chỉ một lần. Trong ấy có tất cả!

Chính cuốn sách ấy là hồn cốt tinh thần, là chìa khóa giúp chúng ta hiểu thêm về mối liên hệ giữa hai tấm ảnh. Tấm ảnh thứ nhất đại diện cho quá khứ hào hùng, một chút bi tráng, nhưng đầy tự hào của dân tộc Việt Nam. Bức ảnh thứ hai biểu trưng cho hiện tại hạnh phúc ấm no của nhân dân nhờ sự lãnh đạo của Đảng.

Tuy nhiên, vẫn còn một bức ảnh nữa. Đó chính là ước vọng Đảng đã gieo mầm trong tâm trí thế hệ trẻ về một tương lai hùng cường của đất nước Việt Nam yêu dấu. Dưới ngọn cờ sáng soi của Đảng, thế hệ trẻ nguyện cùng nhau nỗ lực, luyện rèn, góp sức dựng xây đất nước ta ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời hằng mong đợi.

Mỗi người con đất Việt sẽ thật tự hào là một phần trong tấm ảnh chung ấy của toàn dân tộc, cùng hướng về tương lai tươi sáng, không bao giờ quên quá khứ và những hy sinh của biết bao thế hệ cha anh, những anh hùng liệt sĩ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, họ đã vì nước quên mình để giữ vững bình yên trên mảnh đất quê hương cho muôn đời sau.

Tất cả là những tấm hình thật đẹp mà tôi thấy mình may mắn có được trong hành trang cuộc đời.

Đỗ Việt Phương
Bài viết cùng chủ đề: Tổng Bí thư

Tin cùng chuyên mục

Vạch trần luận điệu xuyên tạc về “Bộ đội Cụ Hồ”

Tinh gọn bộ máy: Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng

Đảng bộ Tổng công ty Điện lực – TKV: Phát huy vai trò lãnh đạo thống nhất, toàn diện

Giá trị trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh: Từ bình dân học vụ đến bình dân học vụ số

Lật tẩy chiêu bài bịa đặt từ 'cờ vàng 3 sọc đỏ' của tổ chức khủng bố Việt Tân

Việt Tân lại ‘ếch ngồi đáy giếng’ xuyên tạc về nhập khẩu điện

Chuyển đổi số với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Vùng 3 Hải quân bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo

Tinh gọn bộ máy: Không chờ hoàn chỉnh rồi mới hoàn thiện

Thắng 'giặc nội xâm' để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Không thể phủ nhận giá trị vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc: Kỳ 3: Khát vọng hùng cường, thịnh vượng

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc: Kỳ 2: Khai mở dư địa tiềm năng

“Đúng - Trúng - Hay” trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 5: Diễn đàn dân chủ

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc

“Đúng - Trúng - Hay” trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 4: Chi bộ tiên phong

''Đúng - Trúng - Hay'' trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 3: ''Thành quả'' thiết thực từ sinh hoạt chuyên đề

Bài 2: Tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Đúng - Trúng - Hay”

“Đúng - Trúng - Hay” trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 1: Nâng “chất” sinh hoạt chi bộ hàng tháng

Đường Hồ Chí Minh trên biển: Kỳ tích làm nên huyền thoại