Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác xây dựng Ðảng
Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn chặt với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc. Cao hơn thế là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh. Muốn làm được những điều vĩ đại đó thì cần phải có một đảng cầm quyền có khả năng tập hợp lực lượng, đoàn kết dân tộc và dẫn dắt toàn dân vượt qua khó khăn, thử thách để giành thắng lợi cuối cùng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, tháng 2-1951. Ảnh: Tư liệu |
Đảng chân chính với sứ mệnh khơi dậy sức mạnh của dân tộc
Nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ khi ra đi tìm đường cứu nước, Người đã đau đáu việc tập hợp lực lượng, đoàn kết dân tộc để đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập cho đất nước. Qua nhiều năm bôn ba, tham gia các tổ chức chính trị ở nước ngoài, Người rút ra được bài học là phải xây dựng một đảng cầm quyền vững mạnh toàn diện.
Năm 1927, trước khi thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh: “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”(*). Người luôn nhấn mạnh những điều cốt yếu khi đề cập về vấn đề xây dựng Đảng một cách xuyên suốt và có hệ thống.
Cuối những năm 1920, đất nước lầm than, đã có rất nhiều tổ chức chính trị được thành lập với cùng chung mục đích là đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng dân tộc. Trong đó, nổi bật là ba tổ chức cộng sản thu hút được nhiều nhân sĩ, trí thức tham gia, đó là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Trước tình hình này, Nguyễn Ái Quốc nhìn nhận, đây là thời cơ chín muồi để thành lập một tổ chức cộng sản duy nhất đủ sức mạnh đoàn kết dân tộc, lãnh đạo nhân dân đứng lên đánh đuổi ngoại xâm. Được ủy quyền của Quốc tế Cộng sản, Người đã về Hồng Kông (Trung Quốc) triệu tập đại diện của các đảng nói trên. Từ ngày 3 đến 7-2-1930, Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản họp tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị nhất trí thành lập đảng thống nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời thông qua “Chánh cương vắn tắt”, “Sách lược vắn tắt”, “Chương trình tóm tắt” và “Điều lệ vắn tắt” của Đảng. Ngày 3 tháng 2 năm 1930 trở thành Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngay từ lúc đó, Nguyễn Ái Quốc đã xác định nguyên tắc tư tưởng: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt”, và “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(**). Nguyên tắc này là cơ sở lý luận, là nền tảng tư tưởng của Đảng, mọi đảng viên đều phải hiểu rõ và làm theo. Đồng thời, Người cũng chỉ rõ, nắm vững và thực hiện nguyên tắc này không phải theo cách giáo điều, mà phải vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với điều kiện của Việt Nam, giải quyết những vấn đề cụ thể của cách mạng Việt Nam.
Đảng viên là đầy tớ, là công bộc của dân
Xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là vấn đề then chốt, có ý nghĩa quyết định đến uy tín và năng lực lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng. Trước khi đi xa, trong Di chúc, Người viết: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Đảng ta phải “là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, câu nói này được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, ai cũng thuộc, ai cũng hiểu nhưng làm theo lại là chuyện khác. Thế nên mới có chuyện là nhiều đảng viên vì lòng tham đã gây khó dễ cho nhân dân. Họ còn hồn nhiên “cầm nhầm” tiền bạc và tài sản của nhân dân về làm của riêng. Những vụ án lớn được đưa ra xét xử công khai với nhiều đảng viên vướng vòng lao lý những năm vừa qua là nỗi đau không của riêng ai.
Ngay từ khi mới thành lập Đảng, dường như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lường trước được những điều này. Người cho rằng, sự vững mạnh của Đảng là ở sức mạnh đoàn kết, nhất trí trong Đảng về quan điểm, lập trường chính trị, sự vững vàng về thế giới quan, hệ tư tưởng, về tính tổ chức kỷ luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, sức mạnh đấu tranh tự phê bình và phê bình, đồng thời phải giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.
Tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện rõ quan điểm phải gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với nguyên tắc tập trung dân chủ. Cùng với nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc hàng đầu, Người còn chỉ rõ 4 nguyên tắc khác gồm: Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; nguyên tắc tự phê bình và phê bình; nguyên tắc kỷ luật nghiêm minh và tự giác; nguyên tắc đoàn kết, thống nhất trong Đảng.
Nguyên tắc tập trung dân chủ được Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn đạt giản dị như sau: “Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung”; theo đó, “lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ đi đến tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ. Kết quả cũng là hỏng việc. Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn luôn đi đôi với nhau”.
Trong các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất, nó giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng thêm mạnh. Nhờ đó mà chúng ta sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, tiến bộ không ngừng”.
Người còn nhấn mạnh: “Đảng không phải là nơi để thăng quan, tiến chức, để phát tài. Vào Đảng là để phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, đảng viên phải trở thành người con hiếu thảo của Tổ quốc, của giai cấp”. (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, HN.1995, tập 8, tr.34).
Đoàn kết trong đảng, cội nguồn của đoàn kết dân tộc
Chủ tịch Hồ Chí Minh có một câu nói giản dị nhưng rất nổi tiếng; “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Theo Người, một dân tộc dẫu đông dân nhưng sẽ không mạnh nếu bị chia rẽ. Một đảng dẫu có nhiều nhân tài nhưng nội bộ lục đục, không cùng chí hướng thì chỉ sa lầy vào đấu đá nội bộ, không thể tập hợp được sức mạnh.
Người cũng đề ra các nội dung thực hiện tự phê bình và phê bình: Mục đích, phương hướng, trọng tâm, cách làm. Trong đó, cách làm bắt đầu từ thống nhất tư tưởng, “phải đánh thông tư tưởng. Tức là làm cho mọi người hiểu rõ mục đích và lợi ích của cuộc kiểm thảo, làm cho mọi người hăng hái tham gia, để tránh tình trạng tiêu cực, lo ngại, rụt rè”; phải “nghiên cứu những tài liệu về lý luận, để giúp mọi người hiểu thấu sự ích lợi và cần thiết của kiểm thảo; và những tài liệu về chính sách của Đảng và Chính phủ, để lấy đó làm căn cứ mà kiểm thảo công việc của mỗi đơn vị, mỗi người”. “Khi tư tưởng thông rồi, tài liệu đã nghiên cứu kỹ, lúc đó mới kiểm thảo công việc, thật thà tự phê bình và phê bình”.
Đoàn kết, thống nhất là một nguyên tắc trong tổ chức và sinh hoạt Đảng, nhằm tạo ra sức mạnh của Đảng, là cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Tư tưởng đoàn kết của Bác được nhắc lại trong Di chúc của Người. Khi nói về Đảng, Người viết:
“Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.
Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau...”.
Những tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh về công tác xây dựng đảng vẫn còn nguyên tính thời sự trong thời đại ngày nay.
..........................
(*) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 15, tr. 672.
(**) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 5, tr. 289-290.