Cảnh giác với âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc phá hoại sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá
Một là, các thế lực thù địch triệt để “tôn giáo hóa dân tộc” để phá hoại phát triển kinh tế, phá hoại sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Chúng lợi dụng các tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) hoặc lập ra một số hình thức "tôn giáo" riêng cho người DTTS như "Tin lành Đề ga" ở Tây Nguyên; "Tin lành của người Mông" ở Tây Bắc, "Phật giáo của người Khơme" ở Tây Nam bộ… Từ tôn giáo hoá dân tộc, chúng kích động chia rẽ, làm thay đổi tập quán làm ăn; phá hoại giao thương, hội nhập.
Ở không ít địa phương, chúng lợi dụng tôn giáo hoá dân tộc để cát cứ, chia sẽ, kích động cản trở việc xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các trung tâm thương mại, lôi kéo đồng bào thực hiện các tập quán du canh du cư, tự cung tự cấp…Các vụ việc xảy ra như ở Khu công nghiệp Formosa (Hà Tĩnh), biểu tình tại các khu công nghiệp ở Bình Dương, biểu tình ở Binh Thuận… gần đây cho thấy rất rõ điều đó.
Hình minh họa |
Hai là, núp dưới chiêu bài hoạt động “nhân đạo”,“từ thiện” của các tổ chức phi chính phủ để lôi kéo đồng bào là người DTTS, đồng bào theo tôn giáo chống phá chính quyền Việt Nam. Lợi dụng những sự cố thiên tai, môi trường, nhất là các sự việc ô nhiễm môi trường do sản xuất công nghiệp, chúng kích động, thông qua hoạt động từ thiện để xuyên tạc, lôi kéo quần chúng; làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào chính quyền cũng như sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Thông qua hoạt động “nhân đạo”, “từ thiện”, các thế lực thù địch hỗ trợ các đối tượng phản động, cực đoan trong nước tiến hành các hoạt động chống phá nước ta; đồng thời qua đó tìm cách thâm nhập vào các địa bàn chiến lược Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ của nước ta để thu thập tình hình, cung cấp cho các tổ chức phản động lưu vong bên ngoài báo cáo xuyên tạc chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Ba là, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng những hạn chế, thiếu sót trong việc thực hiện chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo phức tạp, giải quyết các điểm nóng tại địa phương; những tác động của mặt trái kinh tế thị trường... để tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, lôi kéo đồng bào DTTS tham gia biểu tình, bạo loạn, phá hoại an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Chúng âm mưu xuyên tạc, phá hoại các dự án phát triển kinh tế, nhất là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các dự án khai thác khoáng sản; thổi phồng vấn đề môi trường, cho rằng “chính quyền hi sinh môi trường vì lợi ích kinh tế”…
Bốn là, triệt để tác động các nước phương Tây, các tổ chức quốc tế thông qua các dự luật, nghị quyết, báo cáo... hoặc tổ chức các cuộc điều trần, hội thảo, họp báo nhằm xuyên tạc, bóp méo tình hình nhân quyền ở các vùng DTTS ở nước ta. Điển hình như: Báo cáo tình hình nhân quyền thế giới hằng năm của Anh, Mỹ; Nghị quyết của Nghị viện châu Âu, Báo cáo thường niên của Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW), Tổ chức Ân xá quốc tế (AI)... Thông qua các cuộc tiếp xúc song phương, đa phương và hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực với Việt Nam để gây sức ép với Việt Nam về dân tộc; gắn vấn đề “quyền dân tộc tự quyết”, “dân chủ, nhân quyền” đối với nước ta.
Trong thời gian tới, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục lợi dụng vấn đề dân tộc nói chung, quyền của người DTTS nói riêng với nhiều hình thức, thủ đoạn mới phức tạp, tinh vi, để phá hoại sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Để làm thất bại những âm mưu thủ đoạn đó, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng đối với công tác đảm bảo quyền của đồng bào các DTTS và đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng vấn đề này để phá hoại sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội, các chủ trương, chính sách của Đảng về công nghiệp hoá, hiện đại hoá góp phần đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của đồng bào các DTTS, vùng sâu, vùng xa trên cơ sở pháp luật.
Hai là, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về sự đúng đắn trong các chủ trương, chính sách công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước của Đảng, Nhà nước ta. Nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề này chống phá của các thế lực thù địch; thực hiện đúng chính sách, pháp luật về dân tộc, tôn giáo; biết đề cao cảnh giác, không nghe theo kẻ xấu, không bị kẻ địch lợi dụng, nâng cao ý thức tự giác thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo; tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh chống hoạt động lợi dụng vấn đề này chống phá cách mạng Việt Nam. Tiếp tục khơi dậy và phát huy truyền thống đoàn kết, bình đẳng, tương trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta.
Ba là, không ngừng xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc dựa trên nền tảng khối liên minh công - nông - trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, hiệu lực hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong mở rộng, da dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân; là “cầu nối” giữa Đảng với dân, góp phần làm cho mối liên hệ giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào các DTTS ngày càng khăng khít.
Tiếp tục phát huy và thực hiện đồng bộ, triệt để dân chủ ở các vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa. Đề cao tinh thần dân tộc và tôn trọng những điểm khác biệt của các DTTS không trái với lợi ích chung của đất nước; kiên quyết chống tư tưởng kì thị, chia rẽ dân tộc, tôn giáo, dân tộc hẹp hòi, cực đoan hoặc mặc cảm dân tộc, tôn giáo.
Bốn là, không ngừng chăm lo xây dựng, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị ở các địa bàn vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, hiệu lực hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong mở rộng, da dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân nhằm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững mạnh, góp phần làm cho mối liên hệ giữa Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp với đồng bào các dân tộc ngày càng gắn bó khăng khít.
Tiếp tục khơi dậy ý thức tự lực, tự cường và phát huy truyền thống đoàn kết, bình đẳng, tương trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thực hiện hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở trong vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao trình độ dân trí, văn hóa, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, tạo mọi điều kiện để đồng bào các DTTS được tiếp cận với các điều kiện sống của khu vực thành thị nhằm góp phần đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích của đồng bào các DTTS.
Năm là, làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc để phá hoại sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Giải quyết triệt để, kịp thời các “điểm nóng”, các mâu thuẫn, khiếu kiện ngay từ cơ sở, không để kéo dài, không lây lan, vượt cấp.
Trong xử lý các vấn đề nhạy cảm liên quan đến dân tộc phải tính toán, cân nhắc thời điểm phù hợp, đảm bảo yêu cầu đặt ra nhằm tranh thủ được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân trong nước và cộng đồng quốc tế, kiên quyết không làm phức tạp thêm tình hình, không sơ hở để địch lợi dụng vu cáo, xuyên tạc.
Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, thành tựu đã đạt được trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nói chung; việc đảm bảo quyền con người ở Việt Nam, trong đó có quyền của đồng bào các DTTS. Kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền đối nội và tuyên truyền đối ngoại; tận dụng thế mạnh của các kênh ngoại giao, đối thoại, hợp tác làm cho cộng đồng quốc tế, kiều bào ta ở nước ngoài hiểu đúng quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thành tựu đã đạt được trong đảm bảo quyền của đồng bào các DTTS, góp phần đấu tranh, phản bác có hiệu quả với các luận điệu xuyên tạc, thù địch về vấn đề này đối với nước ta.
Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định giải quyết vấn đề dân tộc nói chung, quyền của người DTTS nói riêng là thước đo của sự tiến bộ và phát triển xã hội; coi đó là một nội dung quan trọng luôn được ưu tiên hàng đầu trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của nước ta. Thực tiễn những năm qua ở nước ta là minh chứng sinh động cho quan điểm đó; góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh, ngăn chặn hoạt động lợi dụng vấn đề này chống phá nước ta.