Bộ Công Thương và Bộ Tài chính: Phối hợp bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội
Chỉ đạo điều hành 19/10/2021 11:02
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Tài chính và Công Thương luôn được xem là ngành kinh tế trọng yếu của đất nước. Trong chức năng, nhiệm vụ của mình, hai ngành có mối liên hệ rất mật thiết và để hoàn thành nhiệm vụ của mỗi ngành, tính tùy thuộc vào nhau rất lớn.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã có sự phối hợp chặt chẽ trên các lĩnh vực chủ yếu |
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đánh giá, thời gian qua, hai Bộ Công Thương và Tài chính đã có sự phối hợp rất chặt chẽ trên các lĩnh vực chủ yếu.
Theo đó, hai Bộ đã phối hợp trong xây dựng chính sách chế độ, sửa đổi, bổ sung, tuyên truyền các dự án luật, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản về chính sách, chế độ có liên quan đến hoạt động của Bộ Công Thương và theo chức năng, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định.
Phối hợp trong công tác quản lý thị trường, đặc biệt trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu từ biên giới vào nội địa; phối hợp trong tổ chức hoạt động của Ban chỉ đạo 389;
Phối hợp trong thực hiện điều hành giá xăng dầu, trong đó tập trung vào phương án điều hành giá xăng dầu trước từng kỳ điều hành giá; phối hợp xây dựng phương pháp xác định các yếu tố cấu thành giá cơ sở; hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý về Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Phối hợp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu (thông quan hàng hóa…), trong đó tập trung vào Đẩy mạnh triển khai Cơ chế một cửa quốc gia (VNSW), Cơ chế một cửa ASEAN (ASW); Thúc đẩy triển khai nhiệm vụ điều phối và phát triển logistics quốc gia.
Phối hợp trong việc trao đổi các thông tin liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Công Thương về: Công nghiệp, Năng lượng, Điều tiết điện lực, Thương mại và thị trường trong nước, Xuất nhập khẩu hàng hóa, Phòng vệ thương mại, Thương mại điện tử và kinh tế số, Quản lý thị trường, Công tác quản lý cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Xúc tiến thương mại (XTTM), công tác cổ phần hóa, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp, việc bố trí ngân sách để triển khai các nhiệm vụ…
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, ngành Tài chính đã có sự phối hợp và hỗ trợ ngành Công Thương trên nhiều lĩnh vực để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành như: Công nghiệp, năng lượng, điều tiết điện lực, thương mại, thị trường trong nước, xuất nhập khẩu, phòng vệ thương mại, thương mại điện tử và kinh tế số, quản lý thị trường, quản lý cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và xúc tiến thương mại…Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đôi khi cũng chưa thật nhịp nhàng và chưa có hiệu quả.
Đồng tình với nhận định của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá, Công Thương và Tài chính đều là Bộ chính sách, ban hành các chính sách liên quan đến các lĩnh vực xương sống của nền kinh tế, như điều hành về giá xăng dầu, xuất nhập khẩu, thuế, quản lý doanh nghiệp, chống buôn lậu, cổ phần hóa doanh nghiệp … Vì vậy, hai Bộ càng phối hợp tốt, kịp thời, hiệu quả thì càng góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà phát biểu tại buổi làm việc |
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử, Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế của Bộ Tài chính, hỗ trợ Bộ Tài chính xây dựng dữ liệu lớn về hóa đơn điện tử.
“Hiện nay chúng ta đang nhập siêu, tăng trưởng thấp, vì vậy, cần phải có những giải pháp để cho các doanh nghiệp và nền kinh tế phát triển. Chúng ta sẽ phối hợp với nhau nhiều hơn, nhịp nhàng hơn và đạt kết quả tốt hơn” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Xuất phát từ thực tiễn đó, Lãnh đạo hai Bộ đã thống nhất, để triển khai và quán triệt thực hiện Chương trình hành động của Ban cán sự Đảng, Chính phủ, thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và để có cơ sở, mỗi ngành thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình, hai bên nên có chương trình phối hợp công tác để hai bên cùng ủng hộ và giúp đỡ nhau trong thực thi công việc.
Báo cáo về công tác phối hợp giữa hai Bộ tại buổi làm việc cho thấy những kết quả tích cực. Theo đó, một số nội dung cần tháo gỡ đã được các đơn vị chức năng của hai Bộ trao đổi, xử lý, như: Các vướng mắc về thuế đối với các giao dịch thông qua hợp đồng kỳ hạn dạng chênh lệch trong cơ chế mua bán điện, cơ chế tài chính cho chương trình điều chỉnh phụ tải điện; việc ban hành Thông tư hướng dẫn cơ chế tài chính đối với Chương trình cấp quốc gia về XTTM và Chương trình Thương hiệu quốc gia; nội dung liên quan đến cơ chế chính sách lĩnh vực khoa học công nghệ, quản lý thị trường...
Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn một số nội dung nhiệm vụ liên quan đến các cơ chế chính sách về tài chính, chính sách thuế và chính sách trong cấp phát phân bổ ngân sách còn những tồn tại, vướng mắc. Hiện tại, hai Bộ vẫn đang tiếp tục trao đổi để thống nhất lộ trình và hướng xử lý.
Hai Bộ trưởng ký kết chương trình phối hợp công tác giữa hai Bộ |
Kết thúc buổi làm việc, hai Bộ trưởng đã chính thức thông qua và ký kết Chương trình hợp tác giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương, nhằm tăng cường phối hợp công tác giữa hai Bộ thời gian tới, từ đó, triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm bảo đảm các mục tiêu kinh tế - xã hội, phát triển đất nước.