Công điện của Bộ Công Thương về chủ động dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu ứng phó bão số 4
Chỉ đạo điều hành 21/09/2024 09:00
Công điện gửi Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Giám đốc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; Tập đoàn điện lực Việt Nam; Các thương nhân đầu mối sản xuất, kinh doanh xăng dầu; Các doanh nghiệp cung ứng, phân phối hàng hóa thiết yếu.
Công điện nêu, thực hiện các Công điện của Thủ tướng Chính phủ: số 97/CĐ-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2024, số 98/CĐ-TTg ngày 18 tháng 9 năm 2024 về việc chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, để chủ động ứng phó với cơn bão số 4, đặc biệt là nguy cơ mưa lớn, ngập lụt, sạt lở, lũ quét, lũ ống có thể xảy ra khiến một số khu vực bị cô lập, chia cắt, ảnh hưởng đến việc cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu:
Chủ động dự trữ, cung ứng hàng hoá thiết yếu để ứng phó cơn bão số 4 (Soulik) 2024 (Ảnh: Cấn Dũng) |
Vụ Thị trường trong nước: Thực hiện công tác điều tiết hàng hóa thiết yếu giữa các tỉnh, thành phố được dự báo tại các vùng, khu vực có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở, lũ quét, lũ ống với các tỉnh, thành phố khác khi có đề nghị của địa phương. Ưu tiên việc điều tiết hàng hóa cung ứng từ các vùng, khu vực trong tỉnh, thành phố và trong khu vực miền Trung.
Bên cạnh đó, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong cung ứng hàng hóa thiết yếu tại các tỉnh; tham mưu, đề xuất hướng xử lý trong tình huống khẩn cấp, báo cáo kịp thời Lãnh đạo Bộ trong trường hợp vượt thẩm quyền. Phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông kịp thời cung cấp thông tin về tình hình cung ứng thị trường hàng hoá thiết yếu tại các địa phương bị ảnh hưởng.
Tổng cục Quản lý thị trường có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương trong phạm vi ảnh hưởng của cơn bão số 4 xây dựng phương án, kế hoạch và thực hiện phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng ảnh hưởng của cơn bão số 4 để đầu cơ, găm hàng, tăng giá hoặc các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.
Phối hợp với cơ quan truyền thông, thông tin công khai về hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thiên tai hoặc diễn biến bất thường khác để thu lợi bất chính, gây tác động tiêu cực đến đời sống tinh thần, vật chất của Nhân dân.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các Tổng công ty điện lực và Công ty điện lực các tỉnh ở miền Trung ưu tiên bảo đảm nguồn điện cho các trạm bơm sẵn sàng phục vụ công tác tiêu úng, chống ngập để nhanh chóng khôi phục lại các vùng trồng bị ảnh hưởng bởi các cơn bão số 3 và số 4, cung cấp nước sạch cho tiêu dùng, nước ngọt cho sản xuất, kinh doanh.
Đối với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, rà soát kế hoạch, phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa, vật tư, nhu yếu phẩm để đáp ứng kịp thời nhu cầu trong trường hợp xảy ra thiên tai, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nước uống, xăng dầu, vật liệu xây dựng… Có phương án hoặc trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố bổ sung trong trường hợp thiếu nguồn.
Căn cứ vào điều kiện cụ thể, nhu cầu thực tế và kinh nghiệm của địa phương để xác định số lượng, chủng loại hàng dự trữ; phương thức dự trữ, phương án vận chuyển và phân phối hàng hóa khi có nhu cầu, nêu rõ phương án điều tiết, cung ứng kịp thời cho các khu vực thường bị chia cắt, cô lập khi xảy ra thiên tai.
Đôn đốc các doanh nghiệp phân phối hàng hóa, siêu thị, thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn tham gia cung ứng hàng hóa thiết yếu (lương thực, thực phẩm, nước uống, xăng dầu, vật liệu xây dựng...) theo Kế hoạch đã được phê duyệt. Tăng cường công tác kiểm tra tại các doanh nghiệp tham gia Kế hoạch dự trữ hàng hóa của địa phương nhằm bảo đảm hàng hóa luôn sẵn sàng cung ứng cho người dân khi cần thiết.
Chủ động thực hiện phương châm 4 tại chỗ; Thường xuyên kiểm tra nắm bắt tình hình khu vực có nguy cơ bị cô lập do mưa lũ, tổ chức bán hàng kịp thời (trong điều kiện đảm bảo an toàn) phục vụ nhu cầu tiêu dùng và phòng chống thiên tai tại địa phương trước, trong và sau bão.
Phối hợp với lực lượng quản lý thị trường tại địa phương tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát thị trường sau bão nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá.
Phối hợp với các cơ quan truyền thông của địa phương khuyến cáo người dân không tích trữ hàng hóa thiết yếu quá nhiều, tránh tình trạng gây thiếu, sốt cục bộ xảy ra trên địa bàn; Chủ động cung cấp thông tin về tình hình cung ứng, giá cả hàng hóa thiết yếu đến các phương tiện truyền thông tại địa bàn, các địa điểm.
Theo dõi thường xuyên các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai thời tiết mưa lũ kéo dài từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, luôn sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra trong thời gian nhanh nhất, đảm bảo an toàn tính mạng con người, cơ sở vật chất, tài sản, kho hàng phương tiện tại đơn vị, địa phương.
Có báo cáo cập nhật tình hình thị trường tại địa bàn về Bộ Công Thương (qua Vụ Thị trường trong nước) nếu có bất thường xảy ra hoặc theo đề nghị cung cấp thông tin trực tiếp từ Vụ Thị trường trong nước.
Các thương nhân đầu mối sản xuất, kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng, cung cấp đủ xăng dầu cho hệ thống, tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống phân phối xăng dầu của mình (từ đầu mối, thương nhân phân phối, đại lý, cửa hàng bán lẻ), duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, bán đúng giá niêm yết; thực hiện nghiêm việc dự trữ xăng dầu theo quy định, bảo đảm cung cấp đủ xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống. Chuẩn bị sẵn sàng nguồn hàng, phương tiện vận tải đường bộ để kịp thời cung ứng xăng dầu. Có phương án cung cấp xăng dầu lưu động đến những khu vực ngập, lụt, mất điện chưa khôi phục ngay được cơ sở hạ tầng.
Các thương nhân kinh doanh hàng hóa thiết yếu, đối với các doanh nghiệp sản xuất: Tăng cường năng lực sản xuất để đảm bảo cung ứng đủ nguồn hàng cho các địa phương; Ưu tiên nguồn cung các mặt hàng có nhu cầu cao như lương thực, thực phẩm và các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu như vật liệu xây dựng, thuốc chữa bệnh, hàng tiêu dùng,... cho nhu cầu tại các vùng, khu vực bị thiệt hại do bão số 4, mưa, lũ, sạt lở có thể xảy ra.
Đối với các doanh nghiệp phân phối: Rà soát, tăng cường điều phối nguồn cung, tập trung nguồn lực để vận chuyển hàng hóa để cung ứng các mặt hàng thiết yếu trong hệ thống phân phối của mình tại các tỉnh miền Trung, ưu tiên cung ứng cho các khu vực chịu ảnh hưởng của bão, mưa lũ, ngập lụt, chia cắt cục bộ bằng biện pháp và phương tiện phù hợp, đảm bảo an toàn; Không được đầu cơ, tích trữ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào; Tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng, Sở Công Thương trên địa bàn các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng của bão, mưa, lũ, cung cấp hàng hóa cứu trợ, hàng hóa nhu yếu phẩm cho người dân, đặc biệt là tại các địa bàn bị chia cắt.
Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và tình hình thiên tai tại các địa phương trong phạm vi ảnh hưởng của cơn bão số 4 tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm Công điện này, sẵn sàng lực lượng, hàng hóa thiết yếu để cung ứng cho người dân ngay khi cần thiết; trường hợp có bất thường cần báo cáo, thông tin về Bộ Công Thương (qua Vụ Thị trường trong nước).