Bài 3: Hướng tới một nền kinh tế cạnh tranh minh bạch, hiệu quả
Nỗ lực của Bộ Công Thương
Là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thời gian qua, Bộ Công Thương đã đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ; đồng thời phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố, các cơ quan, tổ chức liên quan triển khai mạnh mẽ, hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên phạm vi cả nước.
Ông Lê Triệu Dũng, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) cho biết, để triển khai thực hiện và sớm đưa Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/1/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng (Chỉ thị 30) vào cuộc sống, Bộ Công Thương đã ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, trong đó phải kể đến: Phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương trong cả nước xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP (Nghị quyết 82) ngày 26/5/2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị 30. Theo đó, Nghị quyết 82 đã xác định rõ các nhiệm vụ, hoạt động cụ thể của các bộ, ban, ngành liên quan, xác định rõ thời hạn thực hiện và các yêu cầu cần đạt được để từ đó triển khai đầy đủ, có hiệu quả các yêu cầu do Chỉ thị số 30 đưa ra.
Nhằm cụ thể hóa các chỉ đạo của Ban Bí thư, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch số 11-KH/BCSĐ ngày 13/9/2019 về việc thực hiện Chỉ thị số 30 tại Bộ Công Thương. Kế hoạch đưa ra nhiều nhóm hoạt động, trong đó xác định rõ cần tập trung triển khai học tập, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả Chỉ thị số 30 đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương cũng như tạo chuyển biến rõ nét, khắc phục những hạn chế, yếu kém; nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành Công Thương đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tiếp đó, nhằm cụ thể hóa các nhóm nhiệm vụ được giao cho Bộ Công Thương tại Nghị quyết 82, ngày 21/7/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1907/QĐ-BCT về việc ban hành Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 82. Và Quyết định số 3577/QĐ-BCT ngày 31/12/2020 của Bộ Công Thương ban hành quy chế giám sát và đánh giá việc thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Bộ Công Thương.
“Có thể nói, việc ban hành kịp thời và cụ thể các văn bản định hướng hoạt động đã góp phần nhanh chóng đưa các yêu cầu của Chỉ thị 30 vào thực tiễn các ngành, nghề, địa phương; tạo sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai các nội dung của Chỉ thị”, ông Lê Triệu Dũng khẳng định.
Bên cạnh việc ban hành các văn bản pháp luật, Bộ Công Thương còn phối hợp với các địa phương: Hà Nội, Cần Thơ, Lâm Đồng và TP. Hồ Chí Minh tổ chức 4 hội nghị khu vực để tuyên truyền nội dung của Chỉ thị 30, Nghị quyết 82 cho cán bộ, công nhân viên chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) |
Đáng chú ý, với nhiệm vụ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tổ chức bộ máy chuyên trách, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Bộ Công Thương, đã tiến hành các hoạt động tổng kết gần 12 năm thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, trên cơ sở đó đã kiến nghị Chính phủ, Quốc hội để sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho phù hợp với thực tiễn.
“Ngày 20/6/2023, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành cao. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã cụ thể hóa chủ trương đường lối của Đảng, quy định cụ thể sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị vào hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, kịp thời khắc phục các hạn chế, tồn tại và điều chỉnh các vấn đề phát sinh mới trong thực tiễn, góp phần tiếp tục tạo dựng cơ sở pháp lý vững chắc, toàn diện để thúc đẩy sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời kỳ mới”, ông Lê Triệu Dũng khẳng định.
Thêm nữa, là việc thành lập Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trong đó, có bộ phận chuyên trách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. “Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ủy Ban cạnh tranh Quốc gia là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tại Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia giao cho 2 Ban thực hiện nhiệm vụ này”, ông Lê Triệu Dũng cho biết thêm.
Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đánh giá, các quy định pháp lý trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 đã cụ thể hơn, chi tiết hơn. Do đó, khi luật có hiệu lực sẽ bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng chặt chẽ hơn. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng nhận thức được những hình thức kinh doanh chộp giật, thiếu minh bạch sẽ dần bị loại bỏ.
Bên cạnh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, Bộ Công Thương đã xây dựng Đề án tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cho đối tượng người tiêu dùng yếu thế (trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người tiêu dùng ở khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa...); và xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo vệ người tiêu dùng.
“Để phù hợp với sự phát triển của thương mại điện tử, chuyển đổi số, bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật thông qua các hoạt động truyền thống như hội nghị, hội thảo, tờ rơi, thời gian qua, Bộ Công Thương đã xây dựng các video, clip, đoạn phim ngắn đăng tải lên các nền tảng xã hội, các website thương mại điện tử. Riêng đối với dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có hàng triệu tương tác và cho ý kiến thông qua các nền tảng xã hội và các website thương mại điện tử, đây là những ý kiến quý giá và xác đáng để Ban soạn thảo hoàn thiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, lãnh đạo Ủy ban Cạnh tranh khẳng định.
Bảo vệ quyền, lợi ích của người tiêu dùng, những năm qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch đấu tranh, phối hợp phòng, chống hàng giả, xử lý vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng. Theo đó, các đơn vị có liên quan của Bộ Công Thương như: Tổng cục Quản lý thị trường, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số,… đều đã chủ động đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường.
Cụ thể, Bộ Công Thương giao Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường kiểm soát, hạn chế không để lưu thông hàng hóa không đảm bảo chất lượng trên thị trường. Nghiêm túc triển khai nhiệm vụ này, theo chức năng nhiệm vụ được giao, từ năm 2019, Tổng cục Quản lý thị trường đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch đấu tranh và tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên thị trường; chú trọng ngăn chặn tình trạng buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng ngay từ tuyến biên giới, trên đường biển, đường bộ, hàng không; đặc biệt là hoạt động kinh doanh xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu có tiêu dùng cao như đường cát, rượu bia, bánh kẹo, thuốc lá điếu...
Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường kiểm tra kho chứa giày dép có dấu hiệu giả mạo nhiều nhãn hiệu nổi tiếng tại Thanh Hóa |
Ngoài ra, từ năm 2020 đến nay, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (nay là Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia) và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đều xây dựng và triển khai các kế hoạch thanh tra, kiểm tra, xử lý hàng chục doanh nghiệp với số tiền xử phạt hàng tỷ đồng.
“Hơn hết, nhằm kịp thời đưa ra các tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã cho vận hành tổng đài tư vấn miễn phí cho người tiêu dùng trên toàn quốc tổng đài 1800 6838, tổng đài được kết nối đến 57 địa phương trong cả nước. Ngoài ra, nhằm nâng cao cũng như tăng tính tuân thủ của doanh nghiệp với người tiêu dùng, Bộ Công Thương và nhiều địa phương trong cả nước đã triển khai chương trình doanh nghiệp vì người tiêu dùng”, ông Lê Triệu Dũng thông tin.
Đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng để nên kinh tế phát triển bền vững
Lãnh đạo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng khẳng định, dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban Bí thư, Văn phòng Trung ương đảng, Chỉ thị 30 đã được các tỉnh ủy, thành ủy, ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai, đạt được kết quả đáng ghi nhận: Nội dung Chỉ thị đã được quán triệt kịp thời đến từng chi bộ, đã được ban cán sự đảng các bộ ngành, các tỉnh ủy/thành ủy trong cả nước ban hành kế hoạch, phân công các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai các hoạt động nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các nhiệm vụ, giải pháp của Chỉ thị đã được lồng ghép triển khai thực hiện xuyên suốt trong các chương trình hành động và xây dựng kế hoạch thực hiện.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được rà soát, sửa đổi, kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời kỳ mới. Nguồn lực thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ trung ương tới địa phương đã từng bước được quan tâm đầu tư, nâng cao năng lực thực thi, có ý thức chủ động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Các nguồn lực của xã hội, của hợp tác quốc tế đã được huy động hiệu quả, góp phần mở rộng phạm vi và chất lượng thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên phạm vi cả nước. Vai trò của các tổ chức tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được mở rộng, được khẳng định rõ nét thông qua các hoạt động cụ thể.
Nhận thức của các doanh nghiệp từng bước được nâng cao thể hiện qua việc chủ động tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phối hợp cùng với cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện các hoạt động liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Công tác tuyên truyền kiến thức, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được đẩy mạnh, đa dạng hóa về hình thức, hiệu quả về nội dung, bao trùm rộng khắp trên cả nước và có sự tiếp cận phù hợp với đặc điểm riêng của từng nhóm người tiêu dùng.
Công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm tiếp tục được chú trọng thực hiện, có sự phối hợp hiệu quả, thường xuyên giữa các cơ quan, tổ chức, từ trung ương tới địa phương.
Theo các chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam vẫn đã và đang tiếp tục đối mặt với những thuận lợi và thách thức đan xen từ cả bên trong lẫn bên ngoài, trong đó nổi bật là các yếu tố bất ổn, bất định từ các cuộc xung đột địa chính trị; nguy cơ suy thoái của nền kinh tế thế giới và những vấn đề tồn tại trong bản thân nền kinh tế Việt Nam.
PGS. TS Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế cho biết, không chỉ tại Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đã xác định rõ tầm quan trọng của việc phát triển thị trường nội địa, trong đó, đặc biệt là thúc đẩy tiêu dùng nội địa để bảo đảm sự phát triển độc lập và bền vững của nền kinh tế. Để thực hiện giải pháp này, người tiêu dùng đã và đang được xác định là nhân tố quyết định, bảo đảm hiệu quả và thành công của các mục tiêu đề ra. Vì vậy, “để bảo đảm sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam, trong thời gian tới, cần tiếp tục nâng cao hiệu lực và hiệu quả của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có sự điều chỉnh phù hợp với yêu cầu của sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam và hài hòa, thống nhất với xu hướng tiêu dùng của thế giới”, PGS. TS Ngô Trí Long khẳng định.
Vị chuyên gia nói thêm, Chỉ thị 30 cũng nêu rõ, “nếu quyền lợi của người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm và không sớm được khắc phục, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhân dân, mà còn suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế và để lại hậu quả nặng nề cho xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”.