Chủ nhật 22/12/2024 16:06
Tăng năng suất lao động: Từ thực tiễn và tầm nhìn phát triển

Bài 2 - Tăng năng suất lao động: Yếu tố quan trọng để phát triển bền vững

Việt Nam từng có tốc độ tăng GDP nhanh nhất thế giới, để duy trì kỳ tích này, chìa khóa cần nắm chắc là tăng năng suất lao động.

Chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng

Nhìn ra thế giới, vào những năm 1960, GDP của Hàn Quốc chỉ ngang bằng Việt Nam ở cuối những năm 1980. Thế nhưng đến nay họ đã có bước phát triển thần kỳ. Trong từng giai đoạn tăng trưởng, Hàn Quốc luôn đặt mục tiêu hàng đầu là phải đào tạo được lực lượng nhân lực tương ứng để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Họ thực hiện thay đổi hoàn toàn chế độ lương bổng, đãi ngộ nhân tài và đột phá về khoa học - công nghệ, mời chuyên gia hàng đầu người Hàn Quốc trên thế giới về làm việc với mức lương cao, chế độ đãi ngộ tốt.

Tăng năng suất lao động, yếu tố quan trọng để phát triển bền vững

Ở nước ta, Đảng cũng xác định 1 trong 3 đột phá chiến lược là: Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng khẳng định “tài năng, trí tuệ con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.

Thể chế hóa quan điểm của Đảng, thời gian vừa qua, Chính phủ đã khẩn trương ban hành nhiều chiến lược để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực như: Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.

Tuy nhiên, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2023, lực lượng lao động đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ ước đạt 14,1 triệu người, chiếm 27,0%. Như vậy, tính đến cuối năm 2023, cả nước vẫn còn 38 triệu lao động chưa qua đào tạo. Bên cạnh đó, cơ cấu đào tạo không hợp lý, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động còn lớn.

Đặc biệt, đa số người lao động chưa được tập huấn về kỷ luật lao động công nghiệp, thiếu ý thức tiết kiệm cả về nguyên vật liệu và thời gian, cả người quản lý lẫn người lao động còn rất yếu về ý thức tiết kiệm. Ngoài ra, người lao động thiếu kiến thức và kỹ năng làm việc theo nhóm, thiếu khả năng hợp tác và gánh chịu rủi ro, ngại phát huy sáng kiến. Đây chính là rào cản lớn cho việc cải thiện năng suất lao động.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc xây dựng các chính sách và chương trình đào tạo cụ thể là yêu cầu rất cấp thiết trong thời gian tới thì Việt Nam cần khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực và Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên cơ sở tổng kết, đánh giá, việc thực hiện 2 chiến lược này trong giai đoạn 2011-2020; xây dựng, ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021- 2030 để thể chế hóa Kết luận số 52-KL/TW của Ban Bí thư. Ban hành và tổ chức thực hiện Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động như đã xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/1/2022 của Chính phủ.

Cùng với các chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong nước, cần xây dựng chiến lược thu hút nguồn lực của hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài theo tinh thần Nghị quyết 36, Chỉ thị 45 và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài; nhất là thu hút các nhà khoa học, chuyên gia về quản trị quốc gia.

Chất lượng nguồn nhân lực được xem là yếu tố đặc biệt quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng sống của người dân. Vì vậy, khi phân tích về “chìa khoá” để giải bài toán nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế, nhiều chuyên gia đặc biệt quan tâm giải quyết yếu tố cá nhân của người lao động. Đây là yếu tố chính thể hiện sự hài lòng của nhân viên. Khi cá nhân đạt được thành tựu và kết quả nhất định thì họ sẽ có cảm giác hài lòng và muốn cam kết gắn bó với doanh nghiệp.

Cùng với đó là sự công nhận của mọi người về năng lực và trình độ của lao động; niềm tin vào doanh nghiệp và định hướng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải có chiến lược định hướng rõ ràng sẽ làm tăng niềm tin của người lao động; vấn đề tiền lương; vai trò của lãnh đạo, sự giám sát và theo dõi của lãnh đạo. Đây là những yếu tố quan trọng nhưng cũng là thách thức nhất với lao động của Việt Nam.

Đổi mới mô hình tăng trưởng để tăng năng suất

Để hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia thịnh vượng vào năm 2045, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nội dung đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

So với 10 năm trước, phục hồi kinh tế trong giai đoạn này được nhận định sẽ có nhiều khó khăn hơn. Vì vậy, nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng tiếp tục phải thực hiện nhưng khác với giai đoạn trước, văn kiện Đại hội XIII yêu cầu phải thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

Theo đó, cần chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở tăng năng suất, tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực…

Đồng thời đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tập trung vào đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm gánh nặng chi phí nhưng đồng thời nâng cao hiệu quả thị trường để tăng cường phân bổ nguồn lực; thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển từ những ngành, mặt hàng sản xuất giá trị thấp sang sản xuất có giá trị cao hơn; tăng cường chính sách về cạnh tranh để bảo đảm sân chơi minh bạch, bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, qua đó góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động.

Trước thực trạng năng suất lao động nước ta còn thấp, để từng bước rút ngắn khoảng cách về mức năng suất lao động với các nước trong khu vực và trên thế giới, TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng, Chính phủ cần khẩn trương xây dựng, triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về nâng cao năng suất lao động Việt Nam; định kỳ đánh giá, bổ sung, cập nhật Chiến lược này phù hợp với những thay đổi mau lẹ của kinh tế thế giới; đặc biệt quan tâm tới xây dựng, hoàn thiện thể chế thị trường hàng hóa; thị trường nhân tố và thể chế quản trị doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả Chiến lược tăng trưởng hướng tới xuất khẩu nhằm tận dụng tối đa lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do, phù hợp với xu hướng thay đổi của toàn cầu hóa và chuỗi cung ứng toàn cầu đặt trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, phát triển một hành tinh xanh.

Nâng cao năng suất lao động phụ thuộc nhiều vào trình độ, năng lực, kỹ năng và chuyên môn của người lao động. Vì vậy, TS. Nguyễn Bích Lâm cũng lưu ý, mở rộng độ bao phủ, phổ cập giáo dục và nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có định hướng ưu tiên đào tạo các tài năng cá biệt và các kỹ năng mới nổi phải là quốc sách hàng đầu đối với Việt Nam trong giai đoạn phát triển.

Với doanh nghiệp, chú trọng xây dựng, thực thi chiến lược nâng cao năng suất lao động dựa vào tri thức, công nghệ; tập trung đầu tư nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, quản trị doanh nghiệp...

Chia sẻ tại một hội thảo về vấn đề này, TS. Vũ Minh Khương - Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore - nêu quan điểm: Muốn có đầu tư năng suất thỏa đáng phải biết năng suất của từng đơn vị, doanh nghiệp đang ở đâu và khả năng tăng lên như thế nào. Khi đó chúng ta mới trân trọng mọi sáng kiến để đưa năng suất đi lên. Như vậy nó sẽ tạo ra cao trào tăng năng suất rất cao. Thay vì chỉ nghĩ đầu tư 1 - 2 dự án, phải nghĩ về cả một phong trào năng suất rộng lớn trên toàn quốc...

Tăng năng suất lao động đồng nghĩa với phát triển nhanh, bền vững, giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, rút ngắn khoảng cách với các quốc gia trong khu vực. Vì vậy, trong định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 tại Nghị quyết Đại hội XII đã đưa ra mục tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm; đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 70%.
Thanh Tâm
Bài viết cùng chủ đề: năng suất lao động

Tin cùng chuyên mục

Vạch trần luận điệu xuyên tạc về “Bộ đội Cụ Hồ”

Tinh gọn bộ máy: Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng

Đảng bộ Tổng công ty Điện lực – TKV: Phát huy vai trò lãnh đạo thống nhất, toàn diện

Giá trị trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh: Từ bình dân học vụ đến bình dân học vụ số

Lật tẩy chiêu bài bịa đặt từ 'cờ vàng 3 sọc đỏ' của tổ chức khủng bố Việt Tân

Việt Tân lại ‘ếch ngồi đáy giếng’ xuyên tạc về nhập khẩu điện

Chuyển đổi số với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Vùng 3 Hải quân bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo

Tinh gọn bộ máy: Không chờ hoàn chỉnh rồi mới hoàn thiện

Thắng 'giặc nội xâm' để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Không thể phủ nhận giá trị vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc: Kỳ 3: Khát vọng hùng cường, thịnh vượng

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc: Kỳ 2: Khai mở dư địa tiềm năng

“Đúng - Trúng - Hay” trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 5: Diễn đàn dân chủ

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc

“Đúng - Trúng - Hay” trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 4: Chi bộ tiên phong

''Đúng - Trúng - Hay'' trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 3: ''Thành quả'' thiết thực từ sinh hoạt chuyên đề

Bài 2: Tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Đúng - Trúng - Hay”

“Đúng - Trúng - Hay” trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 1: Nâng “chất” sinh hoạt chi bộ hàng tháng

Đường Hồ Chí Minh trên biển: Kỳ tích làm nên huyền thoại