Thứ năm 19/12/2024 16:02

Từ vụ Huy Đức bị bắt đến việc xuyên tạc tự do báo chí tại Việt Nam

Sau khi ông Trương Huy San (Osin Huy Đức) bị bắt, trên mạng xã hội và báo chí nước ngoài đã xuất hiện các thông tin xuyên tạc tự do báo chí ở Việt Nam

Sau khi Cơ quan An ninh điều tra của Việt Nam ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam bị can đối với Trương Huy San (hay còn gọi là Osin Huy Đức), trên một số trang mạng xã hội và báo chí nước ngoài đã xuất hiện các thông tin xuyên tạc lý do ông này bị bắt, từ đó xuyên tạc sự thật về tự do báo chí tại Việt Nam.

Trương Huy San bị bắt do vi phạm pháp luật

Ngày 7/6/2024, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Trương Huy San (hay còn gọi là Osin Huy Đức). Kết quả điều tra ban đầu xác định ông Trương Huy San đã có hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng các quyền tự do dân chủ, đăng tải các bài viết trên mạng xã hội Facebook, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Theo cơ quan công an, hành vi của ông Trương Huy San và Trần Đình Triển đã phạm vào tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo quy định tại Khoản 2, Điều 331 Bộ Luật hình sự. Nhà chức trách cho biết bước đầu, ông Trương Huy San đã thành khẩn khai báo, chấp hành các quy định tại nơi giam giữ.

Ngày 7/6, Cơ quan an ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Trương Huy San (hay còn gọi là Osin Huy Đức) - Ảnh Bộ Công an

Điều đáng nói là khi bị bắt do vi phạm pháp luật, ông Trương Huy San (tức Huy Đức) không phải là nhà báo, mặc dù trước đó rất nhiều năm ông đã từng làm báo. Vậy mà trên một số trang mạng xã hội và báo chí nước ngoài đã có những thông tin cho rằng “Việt Nam vi phạm quyền tự do báo chí”, đòi “thả tự do cho nhà báo nổi danh Huy Đức”, kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp “thả tự do cho nhà báo tự do Huy Đức”…

Huy Đức là bút danh của ông Trương Huy San. Ông San sinh năm 1961, đã từng là phóng viên báo Tuổi Trẻ (Thành phố Hồ Chí Minh). Thế nhưng do viết bài không trung thực và một số lý do nên ông đã phải “cuốn gói ra đi” khỏi báo Tuổi Trẻ. Sau đó, Trương Huy San làm phóng viên rồi cộng tác viên cho các báo Thanh Niên, Diễn đàn doanh nghiệp, Nông thôn ngày nay… Tại Thời báo Kinh tế Sài Gòn, dưới sự giật dây của các “ông trùm kinh tế”, Huy Đức đã “nhả đạn” với loạt bài viết về các PMU đầy màu sắc đấu đá. Và cuối cùng là “nhả đạn” trên báo Sài Gòn tiếp thị trước khi bị tước thẻ nhà báo.

Cay cú vì từng bị đuổi khỏi Báo Tuổi trẻ, khi vụ xét xử Hà Văn Thắm (cựu Tổng Giám đốc OceanBank) xảy ra, Huy Đức đã nhào nặn ra một bài viết với tiêu đề “sự phản bội bạn đọc của báo Tuổi trẻ” đăng trên facebook cá nhân.

Tiếp đến, sau loạt bài “Biên giới tháng Hai” đăng trên tờ “Sài Gòn tiếp thị” nói về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1979) có nhiều nội dung bóp méo sự thật, báo “Sài Gòn tiếp thị” đã sa thải Trương Huy San và thu hồi thẻ cộng tác viên vào tháng 8/2009.

Sau vụ này, Trương Huy San đã không giữ nổi bình tĩnh và viết những lời lẽ hằn học chửi bới bất mãn trên trang blog Osin. Các tổ chức chống đối được sự hà hơi tiếp sức của các cơ quan đặc biệt nước ngoài từ lâu đã để ý và muốn dựng Trương Huy San lên một vai diễn mới – “nhà báo cấp tiến” là một công cụ phục vụ cho lợi ích của các tổ chức phi chính phủ được gắn với cái danh là một chiến sĩ đấu tranh cho “tự do báo chí”, “dân chủ”…

Xuyên tạc trắng trợn tự do báo chí ở Việt Nam

Không chỉ xuyên tạc vụ việc cựu nhà báo Huy Đức bị bắt do vi phạm pháp luật, mà trước đó, khi các cơ quan chức năng của chúng ta xử lý những đối tượng lấy danh nghĩa báo chí để thực hiện các hành vi phạm tội như: Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Lân Thắng, Lê Trọng Hùng…, các đối tượng thù địch và cơ hội chính trị đã “đồng loạt” lên tiếng xuyên tạc về tự do báo chí ở Việt Nam.

Nhân Ngày Tự do Báo chí thế giới (3-5) năm nay, Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF) đã đăng tải cái gọi là "Chỉ số tự do báo chí Thế giới năm 2024", trong đó xếp Việt Nam đứng thứ 174/180 quốc gia, kèm theo vô số những lời “bình loạn” như: “Việt Nam vẫn là quốc gia “tồi tệ nhất” về tự do báo chí”, “Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia giam giữ nhiều nhà báo nhất thế giới”…

Có điều rất rõ ràng là RSF đã cố tình phớt lờ thực tế về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam được thể hiện trong hoạt động thực tiễn của các phóng viên và các cơ quan báo chí. Những nhận xét, đánh giá sai lệch, thiếu khách quan của RSF được các website, trang mạng xã hội “tung hô”, “nhai đi nhai lại” trong nhiều năm.

RSF được hình thành từ năm 1985, có tên tiếng Pháp đầy đủ là “Reporters sans frontières”, trụ sở tại Paris. RSF lấy Điều 19, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền của Liên Hợp Quốc làm cơ sở để hành động với mục đích là “bảo vệ tự do báo chí trên thế giới, chống kiểm duyệt và tạo áp lực, giúp đỡ những nhà báo đang bị giam giữ”.

Thế nhưng trên thực tế, RSF lại đi trái ngược với chủ trương của Liên Hợp Quốc và cũng trái với tôn chỉ được nêu bởi tổ chức này thường xuyên có những luận điệu sai trái, xuyên tạc tình hình tự do báo chí, tự do ngôn luận của một số nước, trong đó có Việt Nam. RSF còn dùng những “lời lẽ” để công khai bênh vực cho những đối tượng lấy danh nghĩa báo chí để thực hiện các hành vi phạm tội, đã bị các quốc gia xử lý hình sự. Trong đó có các đối tượng là người Việt Nam như: Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Lân Thắng, Lê Trọng Hùng, Trương Huy San (tức Huy Đức)….

Những người này, có người đã từng là nhà báo nhưng do vi phạm pháp luật nên đã bị thu hồi thẻ Nhà báo, có người chưa từng làm báo, mới chỉ viết bài trên mạng xã hội nhưng được RSF gắn cho họ cái mác “nhà báo độc lập” để qua đó chính trị hóa, quốc tế hóa vấn đề tự do báo chí ở Việt Nam, tìm cách hạ uy tín và kêu gọi quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Thực tế tại Việt Nam trong những năm qua, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí là không thể phủ nhận được. Về phương diện pháp lý, ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bản Hiến pháp đầu tiên được Quốc hội thông qua ngày 9-11-1946 đã hiến định tại Điều thứ 10: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Những quyền cơ bản này đã được hiến định xuyên suốt trong các bản hiến pháp của Việt Nam và tiếp tục được hiến định tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Luật Báo chí năm 2016 nêu chức năng báo chí: “Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân”.

Nhiều đối tượng, tổ chức phản động luôn lợi dụng việc cơ quan chức năng tiến hành các biện pháp tố tụng để điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp luật để xuyên tạc, bóp méo sự thật về tự do báo chí tại Việt Nam - Ảnh minh họa/VTV

Theo Luật Báo chí 2016, công dân được tham gia vào các quy trình sáng tạo, sản xuất sản phẩm báo chí, tiếp nhận báo chí, ngôn luận trên báo chí theo quy định (Điều 11). Các cơ quan báo chí có trách nhiệm bảo đảm công dân thực hiện quyền tự do báo chí theo quy định (Điều 12). Về phần mình, cơ quan báo chí và nhà báo được hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ, không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng (Điều 13); được tạo mọi điều kiện tốt nhất để hoạt động nghề nghiệp. Không ai có quyền cản trở nhà báo khai thác và thể hiện thông tin theo đúng quy định của pháp luật (Điều 25).

Thực tiễn đã chứng minh, báo chí Việt Nam những năm qua không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ, chức năng tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin rộng rãi mọi mặt đời sống xã hội đến với nhân dân, mà còn là chiếc cầu nối chuyển tải hiệu quả tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, đề xuất chính đáng của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực.

Ở Việt Nam hiện nay, mọi giai cấp, tầng lớp, thành phần xã hội, các tổ chức xã hội-nghề nghiệp... đều có tờ báo, tạp chí chuyên biệt dành cho họ. Hầu hết các cơ quan báo chí đã và đang được chuyển đổi thành cơ quan truyền thông đa phương tiện, đa loại hình, hiện diện trên môi trường internet. Các loại hình báo chí di động, báo chí mạng xã hội, báo chí trí tuệ nhân tạo... xuất hiện, thỏa mãn nhu cầu tiếp nhận đa giác quan (nghe-nhìn-đọc) ở mọi lúc, mọi nơi của công chúng. Đồng thời, các hình thức tương tác với công chúng được mở rộng. Mô hình truyền thông hai chiều tạo cơ hội để công chúng được bày tỏ chính kiến, quan điểm, nguyện vọng trước mọi vấn đề, sự việc đang diễn ra trong đời sống xã hội; được tham gia vào tiến trình giải quyết các vấn đề mà xã hội đang đặt ra như: Vấn đề bảo vệ môi trường; bảo vệ quyền trẻ em, quyền phụ nữ; chống biến đổi khí hậu; chống tham nhũng, tiêu cực xã hội...

Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực báo chí cũng đang phát triển mạnh mẽ. Tại Việt Nam hiện nay đã có gần 40 hãng truyền thông quốc tế có mặt, trong đó có nhiều hãng lớn như: CNN, Reuters, AP, AFP, Kyodo, Hãng thông tấn Asia (Hàn Quốc), Nhật báo kinh tế Aju (Hàn Quốc) và Hãng thông tấn Rossiya Segodnya (Nga)... Các cơ quan truyền thông quốc tế như: CNN, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg và hầu hết kênh truyền thông lớn thế giới đều đến được với công chúng Việt Nam dễ dàng, thuận tiện mà không có bất kỳ rào cản công nghệ hay pháp lý nào. Các nhà báo quốc tế được Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để tác nghiệp. Nhiều nhà báo Việt Nam được Nhà nước tạo điều kiện đi học tập, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, tác nghiệp báo chí tại nhiều nước trên thế giới.

Tự do nhưng phải trong khuôn khổ của pháp luật

Cũng như ở mọi lĩnh vực, mọi quốc gia, tự do báo chí phải trong khuôn khổ của pháp luật chứ không phải là thứ tự do vô giới hạn, vô chính phủ, đứng ngoài pháp luật. Pháp luật nhiều quốc gia cũng đã quy định cụ thể về quyền tự do báo chí phải trong khuôn khổ pháp luật của các quốc gia đó. Ðiều 5, Hiến pháp Ðức quy định, mọi người có quyền thể hiện quan điểm qua hình ảnh, lời nói, bài viết trên sách báo hay phát tán qua phát thanh, truyền hình. Tuy nhiên, Điều 18, Hiến pháp Ðức cũng nhấn mạnh: “Ai lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, đặc biệt là tự do báo chí, tự do tuyên truyền… làm công cụ chống lại trật tự của xã hội tự do dân chủ sẽ bị tước bỏ quyền công dân”.

Ngay ở nước Mỹ, một quốc gia vốn được coi là “đất nước của tự do báo chí”, Điều 2358, Bộ luật Hình sự Mỹ đã nghiêm cấm: “In ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất kỳ tài liệu viết hoặc in nào có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về trách nhiệm, sự cần thiết tham vọng hoặc tính đúng đắn của hành vi lật đổ hoặc tiêu diệt bất kỳ chính quyền cấp nào tại Mỹ bằng vũ lực hoặc bạo lực”. Như vậy, luật pháp quốc tế cũng như pháp luật các quốc gia đều khẳng định quyền tự do báo chí không phải là một quyền tuyệt đối. Khi thực hiện quyền này, con người phải chịu những hạn chế nhất định nhằm bảo vệ lợi ích chung của xã hội, nhà nước, của người dân.

Tại Việt Nam, ngay từ xưa, ông cha ta đã căn dặn “Quốc có quốc pháp, gia có gia quy”, có nghĩa là mỗi quốc gia đều có một pháp luật do nhà nước ban hành, mỗi gia đình đều có một quy định riêng. Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Lân Thắng, Lê Trọng Hùng, Trương Huy San (tức Huy Đức) hay bất cứ ai khi sinh sống tại Việt Nam thì họ phải chấp hành quy định của pháp luật Việt Nam. Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Do đó, không thể lấy danh là “nhà báo tự do” mà có thể đứng ngoài vòng pháp luật. Thực tế, các đối tượng này đã “đội lốt” nhà báo để chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác, các nhà báo vi phạm pháp luật đều bị xử lý vì nhà báo cũng là công dân, có đủ quyền và nghĩa vụ của công dân.

Cũng phải nói thêm rằng, việc bắt, xử lý các đối tượng này trước pháp luật, các cơ quan tiến hành tố tụng đều có chứng cứ rõ ràng, thuyết phục và xét xử phải căn cứ với điều luật, tội danh tương ứng. Với các hành vi và những hậu quả gây ra, việc các đối tượng bị toà tuyên các bản án là đã đánh giá khách quan, đầy đủ chứng cứ, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Không hề có chuyện Việt Nam giam giữ nhà báo “tuỳ tiện” như RSF quy chụp.

Đỗ Hải Hà
Bài viết cùng chủ đề: Báo chí cách mạng

Tin cùng chuyên mục

Tinh gọn bộ máy: Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng

Đảng bộ Tổng công ty Điện lực – TKV: Phát huy vai trò lãnh đạo thống nhất, toàn diện

Giá trị trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh: Từ bình dân học vụ đến bình dân học vụ số

Lật tẩy chiêu bài bịa đặt từ 'cờ vàng 3 sọc đỏ' của tổ chức khủng bố Việt Tân

Việt Tân lại ‘ếch ngồi đáy giếng’ xuyên tạc về nhập khẩu điện

Chuyển đổi số với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Vùng 3 Hải quân bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo

Tinh gọn bộ máy: Không chờ hoàn chỉnh rồi mới hoàn thiện

Thắng 'giặc nội xâm' để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Không thể phủ nhận giá trị vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc: Kỳ 3: Khát vọng hùng cường, thịnh vượng

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc: Kỳ 2: Khai mở dư địa tiềm năng

“Đúng - Trúng - Hay” trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 5: Diễn đàn dân chủ

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc

“Đúng - Trúng - Hay” trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 4: Chi bộ tiên phong

''Đúng - Trúng - Hay'' trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 3: ''Thành quả'' thiết thực từ sinh hoạt chuyên đề

Bài 2: Tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Đúng - Trúng - Hay”

“Đúng - Trúng - Hay” trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 1: Nâng “chất” sinh hoạt chi bộ hàng tháng

Đường Hồ Chí Minh trên biển: Kỳ tích làm nên huyền thoại

Cảnh giác trên ‘chiến trường thông tin’, tăng giá điện bị đẩy thành ‘vũ khí’ chống phá