Ngày này năm xưa 16/10: Ngày truyền thống Ngành Kiểm tra Đảng; Ngày Lương thực thế giới
Sự kiện trong nước
Ngày 16/10/1948, Ngày truyền thống Ngành Kiểm tra Đảng.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, cùng với việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác kiểm tra, coi đây là một trong những chức năng lãnh đạo quan trọng của Đảng. Ngay trong Điều lệ văn tắt của Đảng tháng 10/1930 ghi rõ: “Trách nhiệm của đảng viên và các đảng bộ là giữ theo kỷ luật của Đảng một cách nghiêm khắc”.
Cách đây 74 năm, tại Chiến khu Việt Bắc, Ban Thường vụ Trung ương Đảng (khóa I) đã ra Quyết nghị số 29-QN/TW, ngày 16/10/1948 thành lập Ban Kiểm tra Trung ương. Quyết nghị nêu rõ: “... Trung ương quyết định thành lập Ban Kiểm tra đi xuống các khu xét xem chủ trương của Đảng có được thi hành và có sát đúng không, đồng thời xem xét sự thi hành kỷ luật trong Đảng để thu thập kinh nghiệm giúp Trung ương bổ khuyết chính sách của Đảng...”.
Ban Kiểm tra Trung ương đầu tiên gồm các đồng chí Trần Đăng Ninh, Nguyễn Thanh Bình, Hà Xuân Mỹ (Hà Minh Quốc), do đồng chí Trần Đăng Ninh làm Trưởng Ban, dưới Ban Kiểm tra là các phái viên; Ban Kiểm tra Trung ương làm việc tại xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.
Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá: “Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được tăng cường, có nhiều đổi mới, đạt kết quả quan trọng; chất lượng hiệu lực, hiệu quả được nâng lên. Hoạt động kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp được đẩy mạnh, đạt kết quả khá toàn diện, nhất là ở cấp Trung ương”. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng siết chặt kỷ cương, kỷ luật của Đảng; những vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên được xử lý nghiêm minh, không có “ngoại lệ”, không có “vùng cấm”. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được tăng cường không chỉ có tác dụng giáo dục những cá nhân, tổ chức có vi phạm mà còn “có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa sai phạm đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên”.
Ngày 16/10/1957, nhà cách mạng Trần Quốc Thảo, tên thật là Hồ Xuân Lưu, sinh năm 1914 ở tỉnh Quảng Trị hy sinh tại Sài Gòn.
Năm 1936, ông tham gia mặt trận dân chủ tại Quảng Trị. Năm 1940 ông tham gia vào Ban Thường vụ Xứ uỷ Trung Kỳ. Sau khi Nhật đảo chính Pháp (tháng 3/1945) ông về hoạt động ở quê nhà Quảng Trị. Năm 1946, ông ra Hà Nội, phụ trách báo Lao động. Năm 1949, ông vào Nam Bộ làm Bí thư Ban Công vận Xứ uỷ, năm sau làm thường vụ đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Đến năm 1957, ông được đề cử làm Bí thư Khu uỷ Sài Gòn - Chợ Lớn. Ông đã đưa phong trào đấu tranh chính trị phát triển mạnh ở nội thành. Đầu năm 1957, ông bị bắt, bị tra tấn tàn nhẫn và hy sinh anh dũng. Một đường phố tại quận 3, TP. Hồ Chí Minh đã được mang tên nhà cách mạng Trần Quốc Thảo.
Ngày 16/10/2018, khai trương Ngân hàng Mô đầu tiên tại Việt Nam đặt tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội)
Đây được đánh giá là sự kiện có ý nghĩa lịch sử với ngành Y Việt Nam. Ngân hàng mô có nhiệm vụ tiếp nhận, bảo quản, lưu trữ, vận chuyển mô. Mặt khác, ngân hàng cung ứng mô cho các cơ sở y tế, cơ sở nghiên cứu, đào tạo y học. Ngân hàng cũng cung ứng, trao đổi mô với ngân hàng mô khác và hợp tác với cơ quan tổ chức, cá nhân nước ngoài nhằm mục đích khám bệnh, chữa bệnh, đào tạo, nghiên cứu y học.
16/10/2007, ngày mất của nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo.
Cao Xuân Hạo sinh ngày 30/7/1930 tại Hà Nội Ông được biết đến với tư cách nhà ngôn ngữ học và dịch giả, và là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Giáo sư Cao Xuân Hạo đã được trao tặng Giải thưởng về dịch thuật năm 1985 của Hội Nhà văn Việt Nam với nhiều tác phẩm văn học ưu tú của thế giới được ông chuyển ngữ ra tiếng Việt.
Sự kiện thế giới
Ngày 16/10/1945, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) được thành lập tại thành phố Québec, Canada với tư cách là tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc. Việt Nam là một trong 194 thành viên của FAO.
Ngày này cũng được chọn là Ngày Lương thực thế giới. Năm 2022 là năm thứ 42 thế giới hưởng ứng sự kiện này. Ngày này cũng là Ngày Khoa học kỹ thuật thực phẩm.
Chủ đề của Ngày Lương thực thế giới năm nay là "Không để ai bị bỏ lại phía sau. Sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn". Đây được xem là cơ hội để chia sẻ rộng rãi với cộng đồng về việc chuyển đổi các hệ thống lương thực, thực phẩm nhằm bảo đảm cho tất cả người dân được cung cấp, tiếp cận đủ lương thực, đảm bảo dinh dưỡng, trong khi vẫn phải bảo vệ môi trường, bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững, đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực và dinh dưỡng của khoảng 100 triệu dân Việt Nam và xuất khẩu.
Ngày 16/10/2019, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) thành lập Đại học Trí tuệ nhân tạo Mohammad Bin Zayed (MBZUAI), được coi là trường đại học đầu tiên trên thế giới trong lĩnh vực này. MBZUAI là một tổ chức học thuật tập trung vào việc nghiên cứu ở cấp độ sau đại học, cung cấp các chương trình đào tạo cấp bằng chuyên ngành cho sinh viên trong nước và quốc tế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Sự kiện, kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 16/10/1954, tại Bắc Bộ phủ (nay là Nhà khách Chính phủ, 12 phố Ngô Quyền Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp đoàn đại biểu nhân dân Thủ đô Hà Nội. Mở đầu buổi tiếp, Người nói: "Đã 8 năm xa cách, thời gian đâu phải ngắn, ta cũng nên gặp mặt nhau. Việc quan trọng nhất trước mắt ta là: Sản xuất, khôi phục sản xuất. Nếu mọi người thực sự hoan nghênh Đảng và Chính phủ trở về thì hãy đem cái tinh thần quý báu đó vào công việc trên..."’
Tiếp đó Hồ Chủ tịch biểu dương những thành tích của bộ đội, cán bộ, nhân dân trong việc tiếp quản Thủ đô, trong khôi phục các hoạt động và ổn định sinh hoạt của nhân dân.
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị sản xuất đông - xuân tỉnh Ninh Bình.
Nói chuyện với hội nghị, Người lưu ý các đại biểu bài học kinh nghiệm làm vụ đông - xuân vừa qua là “phải đi đúng đường lối quần chúng”, đồng thời nhắc nhở những công việc trước mắt mà bà con nông dân Ninh Bình phải làm. Người đã tóm tắt tám khâu liên hoàn cần thực hiện để bảo đảm vụ đông - xuân giành được thắng lợi vượt bậc trong mấy câu thơ:
“Nước phải đủ, phân phải nhiều,
Cày sâu, giống tốt, cấy đều dảnh hơn,
Trừ sâu, diệt chuột chớ quên,
Cải tiến nông cụ, là nền nhà nông.
Ruộng nương quản lý ra công,
Tám điều đầy đủ, thóc bông đầy bồ”.
Trước khi ra về, Người gửi hội nghị 5 huy hiệu của Người để làm phần thưởng cho những đơn vị đạt nhiều thành tích trong vụ đông - xuân.