Tô vẽ hào quang cho những kẻ trục lợi trên nỗi đau đồng bào là xúc phạm cuộc chiến chống tham nhũng Quan điểm bào chữa của luật sư là "xúc phạm những người dân đã trải qua dịch Covid-19” |
Chiều ngày 28/7, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên án vụ “chuyến bay giải cứu”. Theo đó, Hội đồng xét xử đã tuyên án 54 bị cáo, trong đó có 4 bị cáo bị tuyên phạt mức án chung thân.
Như vậy, các bị cáo đã phải nhận án phạt thích đáng, đây là hệ quả của những hành vi sai trái mà họ đã gây ra. Dù các bị cáo là ai, giữ cương vị nào thì đều bị cơ quan tố tụng điều tra, luận tội và đưa ra xét xử không hề “có vùng cấm”. Sai phạm của các bị cáo đã lợi dụng dịch Covid-19 để trục lợi và bị dư luận lên án là “ăn” trên xương máu của đồng bào. Nhưng, pháp luật Việt Nam rất bình đẳng, sai đến đâu thì xử lý đến đó và cơ quan tố tụng khi đưa ra phán quyết không hề chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào. Có thể thấy, mức án đưa ra cho các bị cáo vụ “chuyến bay giải cứu”, đã thể hiện sự nghiêm minh, công tâm, thấu tình đạt lý của các cơ quan tố tụng.
Nếu chúng ta chú ý theo dõi xuyên suốt quá trình vụ án “chuyến bay giải cứu” đưa ra xét xử, cũng có nhiều những facebooker, tiktoker tung hô "màn" bào chữa “khét” của các đối tượng vi phạm pháp luật. Thậm chí, những “anh hùng bàn phím” đã tự làm thay cơ quan tố tụng từ khâu điều tra, luận tội và cả tuyên án. Cùng với đó, nhiều trang mạng phản động đã lợi dụng những thông tin trong phiên tòa để cắt gọt, thêu dệt, đưa ra những luận điệu xuyên tạc, vu khống cơ quan tố tụng là kết tội bị cáo dù “chứng cứ phạm tội không có hoặc rất yếu, không đủ sức thuyết phục”.
Trên trang Rfa.org, các thế lực thù địch đưa ra các luận điệu xảo trá dẫn lời các "chuyên gia pháp lý" với những ý kiến bình luận cho rằng, bị cáo Hoàng Văn Hưng – cựu Trưởng phòng 5 (Cục An ninh điều tra Bộ Công an), cựu điều tra viên chính thụ lý vụ án tự bào chữa trong phiên tòa xét xử là “nạn nhân” của việc “buộc tội không đủ chứng cứ”.
Các thế lực thù địch còn đưa ra các lời lẽ xuyên tạc rằng, "có nằm mơ cũng không ngờ rằng một điều tra viên kỳ cựu của cơ quan an ninh điều tra lại là nạn nhân của chính tình trạng buộc tội không có chứng cứ, hoặc chứng cứ mơ hồ”. Để từ đây, các thế lực thù địch đưa ra nhận định thâm độc chỉ cần “một cậu luật sư mới ra trường”, cũng có thể bào chữa cho Hưng thoát khỏi vòng lao lý.
Phải khẳng định, đây chỉ là những nhận định thiếu căn cứ, xuyên tạc, bóp méo sự thật và chỉ là những đánh giá theo cảm tính, có chủ đích. Nên nhớ rằng, việc Hội đồng xét xử đưa ra các mức án cho 54 bị cáo là khác nhau và đã đặt lên “bàn cân” xem xét, đánh giá trên rất nhiều khía cạnh, đặc biệt là căn cứ vào các tài liệu chứng cứ thu thập được, cũng như tính chất mức độ của hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của các bị cáo trước khi đưa ra án phạt.
Các thế lực thù địch đưa ra luận điệu xảo trá, xuyên tạc về vụ “chuyến bay giải cứu” |
Rồi đến khi Hội đồng xét xử tuyên án các bị cáo xong, nhiều ý kiến tự nhận định thiếu căn cứ rằng, các nạn nhân vụ “chuyến bay giải cứu” đã phải chi hàng chục triệu đồng chênh lệch để được về nước tránh dịch, nên khi các bị cáo đã nộp tiền khắc phục thì người dân “phải được nhận lại khoản tiền chênh”.
Lợi dụng việc này, trên trang mạng xã hội Việt Tân đã đăng tải những lời lẽ lố bịch: “Tiền nộp khắc phục hậu quả của cán bộ tham nhũng sẽ đi về đâu? Có trả lại cho các nạn nhân không? Các thế lực thù địch còn dùng những từ ngữ gây sự chú ý như “ăn cướp công khai” “nước mắt của đồng bào”, hay “cướp của cướp”.
Đây chỉ là những lý lẽ, luận điệu xảo trá, nhằm chia rẽ khối đoàn kết của dân tộc. Các thế lực thù địch chỉ nhìn vào bề nổi của vấn đề, chứ hoàn toàn không hề tư duy, có cái nhìn toàn diện xuyên suốt cả tiến trình vụ việc, cũng như đánh giá đúng bản chất. Tất nhiên, ở đây Hội đồng xét xử đã căn cứ vào các quy định pháp luật để xét xử, tuyên án.
Đối chiếu theo các quy định pháp luật hiện hành, có thể thấy, số tiền nhận hối lộ mà các bị cáo đã nộp khắc phục là vật chứng trong vụ án hình sự và theo đó số tiền này sẽ bị tịch thu, sung công quỹ nhà nước theo quy định về xử lý vật chứng trong vụ án hình sự.
Theo đó, tại điểm b, khoản 2, Điều 106, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định “vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước”. Tiền khắc phục hậu quả phải nộp vào tài khoản tại kho bạc Nhà nước của cơ quan thi hành án dân sự. Sau khi nhận biên lai, tình tiết này sẽ được Viện kiểm sát hoặc tòa ghi nhận, tương ứng trong cáo trạng hoặc bản án.
Hơn nữa, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội xét xử các bị cáo về các tội đưa hối lộ; nhận hối lộ; môi giới hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các tội này đều hình thành từ hoạt động giải cứu và thiệt hại của các cá nhân là có thật, nhưng không có tội danh nào trực tiếp liên quan đến người dân nhằm xác định họ là bị hại để họ được hoàn lại số tiền đã trả, cao hơn số tiền mà họ lẽ ra phải trả.
Mặt khác, theo bản án, Hội đồng xét xử kết luận "không có cơ sở xem xét giải quyết" nội dung liên quan quyền lợi của những hành khách mua vé giá cao do không có thông tin về chi phí đưa công dân về nước bao gồm: Vé máy bay, chi phí cách ly y tế và các chi phí hợp lý khác của doanh nghiệp, chi phí cho đại lý bán vé và các khâu trung gian khác…
Bởi vậy, những lời lẽ thâm độc khi cho rằng, người dân bị “ăn cướp công khai”, “cướp của cướp”, cướp trên “nước mắt của đồng bào”… chỉ là những luận điệu xuyên tạc, suy diễn vô căn cứ, bóp méo sự thật của các thế lực thù địch. Nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan Công an, Viện kiểm sát và Tòa án, thì liệu vụ án “chuyến bay giải cứu” có tường minh hay không? Những hành vi phạm tội của các bị cáo đang là cái “ung nhọt” tham nhũng, tiêu cực có bị phát giác, trừng trị thích đáng hay không?
Hơn nữa, phải khẳng định rằng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những nội dung cốt lõi, trọng tâm của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cùng với đó, phương châm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng ta đề ra là “phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài. Phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách”. Căn cứ vào đó, hàng loạt những vụ đại án đã được cơ quan tố tụng tiến hành như “chuyến bay giải cứu”, “Vũ Nhôm”… và thu hồi nhiều tỷ đồng tiền khắc phục hậu quả, nộp vào ngân sách Nhà nước.
Các thế lực thù địch không hề biết rằng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bao gồm các hoạt động của hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội và toàn thể nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, chặt chẽ, toàn diện, thường xuyên của Đảng, tạo thành thế trận “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. Và, công cuộc phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực chính là để bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, các tổ chức và của công dân, góp phần giữ ổn định và phát triển của toàn xã hội.
Nếu không bảo vệ quyền lợi của đồng bào, nếu không vì “nước mắt của đồng bào” và vì Nhân dân, thì đâu có việc đưa ra xử đại án như vụ “chuyến bay giải cứu”. Và khi phát hiện ra những cán bộ đảng viên, những người đang đương chức, đương quyền có hành vi vi phạm pháp luật, thì đâu có vượt qua “vùng cấm” để xử lý. Những cán bộ suy thoái đạo đức và những người trục lợi trên xương máu của đồng bào đâu có bị tra tay vào còng, rồi đưa ra trước vành móng ngựa và chịu mức án xứng đáng.