Thứ năm 21/11/2024 22:04
Phòng vệ thương mại trong tiến trình hội nhập

Bài 2: Giữ vững đà xuất khẩu và uy tín cho hàng hoá Việt Nam trên sân chơi kinh tế toàn cầu

Để giữ vững đà xuất khẩu hàng hoá, công tác đấu tranh ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại sẽ được đẩy mạnh.

Cảnh báo, phòng ngừa từ sớm, từ xa với gian lận thương mại

Cùng với xu hướng tự do hóa thương mại, trong những năm gần đây, xu thế bảo hộ thương mại cũng đang diễn biến khó lường, diễn ra theo nhiều cách thức, mức độ khác nhau. Trong đó, xu thế bảo hộ, xung đột thương mại thể hiện rõ nét nhất khi xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc bùng nổ, tác động không nhỏ tới hệ thống thương mại toàn cầu, chuỗi sản xuất khu vực và trên thế giới.

Việt Nam tăng cường đấu tranh ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Ảnh: TTXVN

Theo Bộ Công Thương, khi một quốc gia bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp của quốc gia này có xu hướng tìm kiếm các cách thức khác để có thể tiếp tục xuất khẩu hàng hóa sang quốc gia đang áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, từ đó có thể phát sinh các hành vi lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại như gian lận xuất xứ, chuyển tải qua nước thứ ba hoặc dịch chuyển đầu tư.

Mặt khác, để bảo đảm hiệu quả của các biện pháp phòng vệ thương mại, các quốc gia cũng tích cực giám sát, theo dõi sự biến động của luồng hàng hóa nhập khẩu để phát hiện các hành vi lẩn tránh. Trong trường hợp phát hiện hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, nước áp dụng biện pháp có xu hướng tiến hành các cuộc điều tra để mở rộng phạm vi áp dụng đến hàng hóa tương tự của quốc gia mà tại đó hành vi lẩn tránh xảy ra, gây ảnh hưởng liên đới tới các doanh nghiệp xuất khẩu chân chính.

Mặc dù nguyên nhân lớn nhất của việc gia tăng các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại theo Bộ Công Thương là xu thế bảo hộ thương mại, còn có các nguyên nhân khác như sự thiếu kiến thức về pháp luật phòng vệ thương mại nói chung cũng như pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại nói riêng của các doanh nghiệp Việt Nam, thiếu thông tin về các vụ việc phòng vệ thương mại đang áp dụng, chạy theo lợi nhuận trước mắt… Bên cạnh đó, có thể có một số doanh nghiệp cá biệt lợi dụng chính sách đầu tư, chính sách thuận lợi hóa thương mại đối với các mặt hàng xuất khẩu để thực hiện các hành vi gian lận thương mại.

Năm 2023, các vụ điều tra phòng vệ thương mại đang tiếp diễn theo xu hướng những năm gần đây, đó là bên cạnh điều tra phòng vệ thương mại truyền thống như trợ cấp, tự vệ, đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn các vụ điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Đến nay, Cục Phòng vệ thương mại cho biết, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã đối mặt với 37 vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài, trong đó riêng năm 2023 là 4 vụ việc gồm các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như pin năng lượng mặt trời, dây cáp nhôm, bánh xe kéo bằng thép, thép không gỉ cán nguội.

Để giảm thiểu số lượng vụ việc hàng hóa Việt Nam bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại cũng như tác động tiêu cực mà các vụ việc này gây ra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, ngăn chặn hiện tượng Việt Nam bị lợi dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba, bảo vệ uy tín hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, hướng tới xuất khẩu bền vững; đồng thời tránh việc các doanh nghiệp đầu tư không thực chất, chỉ thực hiện các giai đoạn gia công đơn giản, không mang lại giá trị gia tăng đáng kể vào Việt Nam, nâng cao chất lượng nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tăng cường hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, các cơ quan quản lý cần có các biện pháp tổng thể và lâu dài..., ngày 4/7/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 824/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.

Tiếp đó, ngày 31/12/2019, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp. Đặc biệt, để giúp các cơ quan chức năng tăng cường các hoạt động đấu tranh chống lẩn tránh thông qua gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và hỗ trợ các doanh nghiệp có sự chuẩn bị trước, chủ động hơn trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 1/3/2020 phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại (Đề án 316).

Thực hiện các chủ trương nói trên, thời gian qua, các đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ Công Thương đã chủ động rà soát, xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Đồng thời, Bộ Công Thương đã thường xuyên theo dõi và cung cấp danh sách cảnh báo sớm một số mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.

Đáng chú ý, kể từ thời điểm lần đầu tiên Bộ Công Thương công bố danh sách cảnh báo sớm về điều tra phòng vệ thương mại vào tháng 7/2019 tới hết tháng 12/2022, đã có nhiều sản phẩm nằm trong danh sách cảnh báo bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại. Cụ thể là gỗ dán có nguyên liệu làm từ gỗ cứng, tủ gỗ, đệm mút, lốp xe ô tô, ống đồng, mật ong, thép chống ăn mòn, gạch men, ghế bọc đệm, pin năng lượng mặt trời, ống thép…

Trên cơ sở danh sách cảnh báo, các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố đã phối hợp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xác minh việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ, khai báo xuất xứ khi thông quan, đăng ký đầu tư nước ngoài... Đồng thời, các hiệp hội, doanh nghiệp liên quan có thể chủ động xây dựng chiến lược sản xuất, xuất khẩu, chuẩn bị nguồn lực, xây dựng kế hoạch ứng phó trong trường hợp vụ việc xảy ra.

Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với Tổng cục Hải quan và Cơ quan điều tra nước ngoài làm rõ các cáo buộc lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin nhằm chống lẩn tránh phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; đưa ra các khuyến nghị cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nhằm tránh bị các nước khác điều tra phòng vệ thương mại, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương.

Cục Phòng vệ thương mại cho biết, nhờ các nỗ lực nói trên, những hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại chỉ là những hành vi cá biệt, được phát hiện và xử lý kịp thời. Từ đó, uy tín của hàng hóa Việt Nam được đảm bảo, các kết quả xuất khẩu được giữ vững và tiếp tục phát triển.

Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước

So với trước đây, khi bị thị trường nước ngoài khởi kiện, không chỉ doanh nghiệp, ngành hàng mà kể cả các cơ quan quản lý đều phải dò dẫm tìm hiểu từng bước rất khó khăn.

Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (CWIT), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - bà Nguyễn Thị Thu Trang đánh giá, đến nay, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đã nhận thức được thiệt hại từ các vụ kiện phòng vệ thương mại, nhất là khi bị các thị trường dày dặn kinh nghiệm kiện phòng vệ thương mại như Hoa Kỳ, châu Âu nên đã chủ động, lo lắng tìm hiểu, thuê các đơn vị tư vấn hỗ trợ ngay từ khi vụ việc được khởi xướng điều tra.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, sự chuyển biến, trưởng thành này có đóng góp rất lớn từ các cơ quan chức năng, trong đó từ nỗ lực tuyên truyền về các nguy cơ kiện phòng vệ thương mại, các hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó của Bộ Công Thương, VCCI, các hiệp hội. Ngoài ra, bản thân mỗi doanh nghiệp đã chủ động nhìn sang ngành khác để nhận diện các thách thức, chuẩn bị các phương án, giải pháp ứng phó kịp thời.

Công tác phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua trên cơ sở triển khai các nhiệm vụ trọng tâm. Ảnh: TTXVN

Ghi nhận của Bộ Công Thương cũng cho thấy, qua quá trình phối hợp giữa Cục Phòng vệ thương mại với hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp khi xử lý các vụ việc điều tra của nước ngoài, năng lực và kinh nghiệm của doanh nghiệp về phòng vệ thương mại đã dần được cải thiện, nhất là những nhóm ngành hàng thường xuyên là đối tượng điều tra phòng vệ thương mại như các mặt hàng thép, thủy sản, gỗ...

Tuy nhiên, giai đoạn tới, khi Việt Nam với chủ trương tạo thuận lợi cho trao đổi thương mại, chủ động tích cực quá trình tham gia hội nhập kinh tế quốc tế trở thành luồng thu hút đầu tư, vì thế, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại - ông Chu Thắng Trung nhận định, các ngành hàng sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ bị gia tăng điều tra phòng vệ thương mại trong thời gian tới, đặc biệt là điều tra chống lẩn tránh thuế, từ nhiều thị trường xuất khẩu khác nhau. Tính chất các vụ việc cũng sẽ ngày càng phức tạp và khó khăn hơn trong việc ứng phó, xử lý.

Bên cạnh đó, một số ngành hàng của Việt Nam hiện đang có sự tăng trưởng xuất khẩu nhanh chóng trong vài năm gần đây nên sự va chạm với lợi ích của các ngành sản xuất trong nước của các thị trường nhập khẩu là không thể tránh khỏi. Trong đó có những mặt hàng đang là đối tượng bị áp thuế phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu với nước thứ ba. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ việc điều tra chống lẩn tránh là do các đối tác nhập khẩu nghi ngờ hàng hóa bị điều tra chưa tạo ra giá trị gia tăng đáng kể tại Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng chỉ rõ, bất cứ mặt hàng nào bị điều tra phòng vệ thương mại và dẫn tới bị áp thuế đều sẽ gây thiệt hại rất lớn đối với xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp, các doanh nghiệp xuất khẩu bị giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn tới mất uy tín về thương hiệu, thị phần tại thị trường quốc tế.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Minh Phong đối với nước có hạn ngạch xuất khẩu, nếu chúng ta tiếp tay cho gian lận xuất xứ, bán phá giá ngoài việc bị mất hết hạn ngạch còn buộc phải xuất khẩu với mức thuế cao hơn từ thị trường. Không chỉ vậy còn gây bất lợi cho Việt Nam khi rơi vào “tầm ngắm” và nằm trong danh sách điều tra phòng vệ thương mại của các nước.

Trong xu thế nhiều quốc gia xem phòng vệ thương mại là “phanh” hãm hiệu quả đối với hàng nhập khẩu từ nước ngoài, do vậy, bà Nguyễn Thị Thu Trang khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam phải sẵn sàng chuẩn bị các biện pháp bảo vệ mình khi ra thương trường. “Tuy nhiên, bất kỳ một vụ kiện phòng vệ thương mại nào cũng rất khó khăn, nên rất cần sự hỗ trợ từ phía cơ quan có thẩm quyền như Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài hay các hỗ trợ từ hiệp hội, VCCI…”- bà Trang cho biết.

Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, cơ quan chức năng cần xây dựng hàng rào phòng vệ thương mại trong nước vững chắc và được kiểm soát, cập nhật thường xuyên để đảm bảo hiệu ứng, hiệu quả trên thực tế, tránh gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước cũng như môi trường đầu tư trong nước.

Đối với Bộ Công Thương, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần phải bám sát được lộ trình của các nước có các FTA với Việt Nam để nắm bắt được các yêu cầu về xuất khẩu, để giảm thiểu tranh chấp phòng vệ thương mại và phải công bố các thông tin cho doanh nghiệp biết và chủ động; xây dựng các quy định để doanh nghiệp trong nước áp dụng và buộc phải áp dụng, từ đó tuân thủ các quy định đối với hàng xuất khẩu để giảm các tranh chấp, cũng như các nguy cơ thiệt hại từ hàng rào phòng vệ thương mại.

Bước sang giai đoạn mới, để giữ đà xuất khẩu và bảo vệ uy tín cho hàng hoá xuất khẩu Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh, công tác phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua trên cơ sở triển khai các nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho công tác phòng vệ thương mại; tăng cường công tác cảnh báo sớm để giúp các doanh nghiệp chủ động hơn nữa trong việc xây dựng phương án xử lý; đẩy mạnh công tác phổ biến thông tin về phòng vệ thương mại nhằm nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở cả trung ương và địa phương để trợ giúp một cách hiệu quả nhất cho các doanh nghiệp xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài và ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Tăng cường phổ biến các quan điểm nhất quán của Đảng và Chính phủ về việc kiên quyết đấu tranh, không tiếp tay cho các hành vi trốn thuế phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ của Việt Nam khi xuất khẩu.

Đồng thời, Bộ Công Thương khẳng định sẽ tiếp tục quan tâm, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước thông qua việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trên nguyên tắc công khai, minh bạch, tuân thủ quy định pháp luật và phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Bảo Thoa
Bài viết cùng chủ đề: Phòng vệ thương mại

Tin cùng chuyên mục

Vùng 3 Hải quân bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo

Tinh gọn bộ máy: Không chờ hoàn chỉnh rồi mới hoàn thiện

Thắng 'giặc nội xâm' để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Không thể phủ nhận giá trị vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc: Kỳ 3: Khát vọng hùng cường, thịnh vượng

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc: Kỳ 2: Khai mở dư địa tiềm năng

“Đúng - Trúng - Hay” trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 5: Diễn đàn dân chủ

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc

“Đúng - Trúng - Hay” trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 4: Chi bộ tiên phong

''Đúng - Trúng - Hay'' trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 3: ''Thành quả'' thiết thực từ sinh hoạt chuyên đề

Bài 2: Tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Đúng - Trúng - Hay”

“Đúng - Trúng - Hay” trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 1: Nâng “chất” sinh hoạt chi bộ hàng tháng

Đường Hồ Chí Minh trên biển: Kỳ tích làm nên huyền thoại

Cảnh giác trên ‘chiến trường thông tin’, tăng giá điện bị đẩy thành ‘vũ khí’ chống phá

Thường xuyên thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như 'rửa mặt hàng ngày'

Đào tạo, phát triển cán bộ trẻ - lực lượng nòng cốt trong công tác xây dựng Đảng

Bảo vệ nền tảng tư tưởng hướng tới mục tiêu 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng

Báo Công Thương đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Đảng bộ Trường Đại học Điện lực chủ động đổi mới, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kép

Kỳ 2: Nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp khắc phục căn bệnh “sợ trách nhiệm”