Thứ năm 21/11/2024 23:07
Phòng, chống “Diễn biến hòa bình” trong lĩnh vực Công Thương

Bài 1: “Biến thể” mới của “Diễn biến hòa bình”

Trong giai đoạn hiện nay, “Diễn biến hòa bình” bao gồm nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.

"Diễn biến hòa bình" (DBHB) không phải là sự “sáng tạo” của những người cộng sản, mà đó là một chiến lược, là một sản phẩm của chủ nghĩa đế quốc trong mục tiêu thủ tiêu chủ nghĩa xã hội. DBHB ra đời từ thế kỷ trước và liên tục biến đổi. Trong giai đoạn hiện nay, DBHB bao gồm nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.

Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục là trọng điểm chống phá của chiến lược DBHB. DBHB diễn ra ở nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực công thương. Loạt bài viết này nêu ra những âm mưu, thủ đoạn DBHB mới trong lĩnh vực Công Thương, đồng thời đề xuất các giải pháp để ngăn chặn.

Trên mạng xã hội gần đây xuất hiện một số thông tin cho rằng “diễn biến hòa bình” là con "ngáo ộp" được các đảng cộng sản thêu dệt nhằm hù dọa Nhân dân. Thế nhưng sự thật không phải như vậy. DBHB đó là một chiến lược, được xây dựng từ rất lâu nhằm thủ tiêu chế độ xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn hiện nay, DBHB biến tướng dưới nhiều hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, đặc biệt trong lĩnh vực công thương. Phòng, chống DBHB trong lĩnh vực công thương không chỉ là nhiệm vụ của cán bộ ngành công thương mà còn là trách nhiệm của tất cả nhân lực trong ngành và toàn xã hội.

“Diễn biến hòa bình” (DBHB) ra đời từ giữa thế kỷ trước và liên tục biến đổi như một loài virus nguy hiểm. Đến thế kỷ này, chiến lược DBHB đã có những “biến thể” mới khác xa lúc sinh ra.

Sự ra đời và phát triển của chiến lược “Diễn biến hòa bình”

Chiến lược DBHB ra đời vào thời kỳ chiến tranh lạnh trong bối cảnh quốc tế đang biến động phức tạp. Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai (năm 1945), trước sự lớn mạnh của Liên Xô và sự ra đời của một loạt nước xã hội chủ nghĩa (XHCN), hệ thống XHCN hình thành và không ngừng lớn mạnh, phong trào cách mạng thế giới phát triển nhanh chóng. Chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ coi Liên Xô là đối thủ chính trên con đường thực hiện giấc mộng bá chủ thế giới. Tổng thống Mỹ H.S.Truman đã đề ra “chiến lược ngăn chặn”, sử dụng thủ đoạn cứng rắn, coi trọng thủ đoạn quân sự để “ngăn chặn” sự “bành trướng” của Liên Xô, sự phát triển và mở rộng của chủ nghĩa cộng sản (CNCS). Tuy nhiên, “chiến lược ngăn chặn” không có hiệu quả cao; nhiều người trong chính giới Mỹ tỏ muốn tìm một phương thức khác có thể chống chủ nghĩa xã hội (CNXH) hiệu quả hơn.

"Diễn biến hòa bình" lần đầu tiên được đề cập tới trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh bởi John Foster Dulles, ngoại trưởng Hoa Kỳ trong những năm 1950, khi nói về chính sách đối phó với Liên Xô. Khái niệm này được Dulles mô tả là một quá trình chuyển đổi "hòa bình" từ một thể chế mà chính phủ Mỹ xem là độc tài sang dân chủ tại một nước xã hội chủ nghĩa.

Tháng 1-1969, Richard Nixon lên nhậm chức Tổng thống và đã điều chỉnh chiến lược toàn cầu theo hướng giảm bớt sự đối đầu căng thẳng, tăng cường đối thoại hòa bình giữa Mỹ và các đối thủ. Richard Nixon thay thế chiến lược “phản ứng linh hoạt” của thời Kennedy, B.Johnson bằng chiến lược “răn đe thực tế” với chính sách “cây gậy và củ cà rốt”. Tuy vẫn coi trọng răn đe hạt nhân, nhưng đã giảm bớt lực lượng quân sự ở nước ngoài; tạo thế cân bằng giữa các nước lớn; tăng cường tiếp xúc hòa bình với các nước XHCN, lấy hòa hoãn thay dần cho “chiến tranh lạnh”; qua tiếp xúc, hòa hoãn để thẩm thấu tư tưởng và văn hóa, tác động vào kinh tế, phá hoại quốc phòng, an ninh, gieo rắc hạt giống chống phá CNXH từ bên trong.

Sang thập kỷ 80 của thế kỷ XX, thế giới có những biến chuyển lớn. Chủ nghĩa tư bản (CNTB) hiện đại đạt được sự ổn định và có mặt phát triển. Trong khi đó, nhiều nước XHCN lâm vào khủng hoảng. Lợi dụng cơ hội, chủ nghĩa đế quốc (CNĐQ) càng coi trọng chiến lược “DBHB”, lấy đó làm đòn tấn công chính chống phá Liên Xô và các nước XHCN.

Cuối những năm 80 của thế kỷ 20, CNĐQ đã hoàn chỉnh chiến lược “diễn biến hòa bình” và chúng đã thành công khi làm tan ra Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu. Năm 1988, cựu Tổng thống Mỹ Nixon cho xuất bản cuốn sách “1999-chiến thắng không cần chiến tranh”. Nixon cho rằng, nhìn về tương lai, trong những năm còn lại của thế kỷ 20, nếu muốn sử dụng lại bất cứ một chính sách nào đã thất bại trong quá khứ đều không thể chấp nhận được; "ngăn chặn" đã lỗi thời, mà phải thực hiện một chiến lược mới-chiến lược “DBHB”.

“Diễn biến hòa bình” trong giai đoạn hiện nay

Từ sau ngày Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu tan rã (năm 1991), chiến lược DBHB đã có sự thay đổi nhanh chóng. Sự phát triển khoa học - công nghệ nhất là internet và mạng xã hội đã thúc đẩy quá trình này. Nếu như trước kia, chủ thể tiến hành DBHB là chủ nghĩa đế quốc, bè lũ tay sai, thù địch, thì nay, bên cạnh lực lượng này còn có cả các nước theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi với tư tưởng bành trướng, bá quyền. Lực lượng tiến hành cũng khác, sẽ là “đại quân công chúng” ngay trong nội bộ đối phương. Trước kia, khi thực hiện DBHB, những kẻ chủ mưu, thù địch, hiếu chiến chủ yếu ở bên ngoài tiến hành chống phá. Nay, họ chuyển sang hành động “sau bức màn che”, “bí mật giật dây”, tập trung “nhồi nhét” tư tưởng chống đối, đào tạo, huấn luyện những kẻ “theo đóm ăn tàn”, nội gián, tay sai để lật đổ chế độ chính trị ngay trong nội bộ đối phương. Khi bộ máy chính quyền bị lật đổ, họ ngụy biện rằng, nguyên nhân sụp đổ là do sự “tự thân vận động bên trong” chứ không phải do sự chống phá từ bên ngoài.

Đối tượng chống phá của chiến lược DBHB giờ đây được mở rộng và phương thức tiến hành đã có sự chuyển đổi. DBHB trong mấy năm gần đây không những nhằm các nước XHCN, mà còn chuyển sang chống phá các nước có chế độ chính trị mà chủ thể tiến hành cho là không phù hợp với lợi ích, giá trị, “khuôn mẫu” của họ. Đó là những nước “cứng đầu”, “không cùng quỹ đạo”, không tuân theo sự chỉ huy, chỉ đạo của họ, không có lợi cho họ trong giải quyết các vấn đề quốc tế. Trọng tâm chống phá của chiến lược DBHB hiện nay là các quốc gia có vị trí địa chính trị - kinh tế - quân sự chiến lược quan trọng, phức tạp, nhạy cảm hoặc ở những khu vực hội tụ sự cạnh tranh chiến lược, tranh chấp gay gắt về lợi ích, chủ quyền trên thế giới.

Phương thức chống phá của chiến lược DBHB mới đã chuyển từ bên ngoài là chủ yếu tác động vào bên trong sang tiến hành các hoạt động chống đối tại chỗ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngay trong nội bộ đối phương. Nếu như những năm trước đây, DBHB coi trọng “dính líu để khuếch trương”, “can dự để mở rộng”, trực tiếp tiếp xúc để thẩm thấu các hành động chống phá từ bên ngoài vào bên trong nước khác thông qua thủ đoạn đặc trưng như “xóa bỏ cấm vận”, xúc tiến “bình thường hóa quan hệ”... thì nay đã chuyển sang tìm mọi cách khai thác và khoét sâu mâu thuẫn nội tại, những sơ hở, yếu kém trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành xã hội của các nước “không cùng quỹ đạo” để chống phá. Mỗi khi ở các nước là đối tượng chống phá diễn ra các sự kiện chính trị trọng đại, xuất hiện các “điểm nóng”, các vấn đề xã hội phức tạp, nhạy cảm... thì đó là “cơ hội vàng” để các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện DBHB. Họ sử dụng chính lực lượng, phương tiện của đối phương; kết hợp công khai với bí mật; thực hiện đánh ngầm, mềm, sâu, hiểm, tiến công toàn diện, có trọng điểm để lũng đoạn đối phương. Trong đó, lĩnh vực chính trị, tư tưởng được họ xác định là khâu trọng tâm, đột phá; kinh tế là mũi nhọn; dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền là “ngòi nổ”; ngoại giao để hỗ trợ; quân sự để răn đe, hậu thuẫn…

Mục tiêu và động cơ chính trị của chiến lược DBHB trong thời gian gần đây cũng đã có sự dịch chuyển. Khi chưa lật đổ được chế độ chính trị thì DBHB sẽ nhằm đến mục tiêu thay đổi đường lối, chính sách; cài cắm lực lượng thân cận vào bộ máy cầm quyền; làm phức tạp hóa thành phần lãnh đạo; thay đổi tính chất quốc gia, dân tộc khác theo hướng phục vụ lợi ích của chủ thể tiến hành. Trong đó, thay đổi bộ máy cầm quyền nước khác là mục tiêu trọng yếu hiện nay.

Điển hình của việc thay đổi chiến lược DBHB là cuộc “cách mạng sắc màu” vào những năm 2004 - 2006; sau đó thay đổi chính thể của hàng loạt quốc gia ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi vào năm 2011 với cái tên mỹ miều “Mùa xuân Ả rập”. Đó không có gì khác là bạo loạn phi vũ trang bắt nguồn từ DBHB.

Nếu như DBHB trước kia chủ yếu là đấu tranh ý thức hệ chính trị giai cấp; đấu tranh giữa hai con đường XHCN và TBCN; thì hiện nay nó đã được mở rộng và chuyển sang cả “đấu tranh” vì lợi ích dân tộc cục bộ, hẹp hòi; cạnh tranh chiến lược để xác lập vị thế ảnh hưởng.

Hiện nay, các thế lực thù địch thường sử dụng “công cụ mềm”, “quyền lực thông minh” thay cho chính sách “cây gậy và củ cà rốt” kém hiệu quả trước đây. Đây là những biện pháp mới, rất linh hoạt, mang tính tổng hợp trên các phương diện và nảy sinh trong xu thế các nước thay đổi cách thức sử dụng quyền lực và sự trỗi dậy của trào lưu dân túy, xu hướng bảo hộ thương mại trong quan hệ quốc tế. Thực hiện tiến công toàn diện, có trọng điểm song DBHB ngày càng coi trọng các “công cụ mềm” và “quyền lực thông minh” nhằm vào các lĩnh vực chính trị tư tưởng, kinh tế, văn hóa - xã hội, ngoại giao, nhất là vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để từng bước chuyển hóa đối phương, giành “chiến thắng mà không cần chiến tranh”.

Trọng tâm ở bên trong các nước thì họ tìm mọi cách khoét sâu mâu thuẫn, phân hóa nội bộ, tạo ra những “khoảng trống” quyền lực, đẩy đối phương vào vòng bất ổn. Bên ngoài, vẫn hỗ trợ bằng việc tạo áp lực, tăng cường lôi kéo, khống chế, từng bước gây ảnh hưởng có lợi cho họ. Cách thức tiến hành rất tinh vi, khó nhận diện; có lúc dụ dỗ, mua chuộc bằng vật chất; lúc thì núp dưới danh nghĩa hoạt động từ thiện, nhân đạo; có khi kêu gọi mở rộng tự do, dân chủ, nhân quyền, thúc đẩy quan hệ đối tác; đòi thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; nhiều khi lại ngấm ngầm thao túng, khống chế về tài chính, từng bước ép buộc đối phương lệ thuộc về chính trị.

Chiến lược chống phá từ từ, dần dần theo cách “mưa dầm thấm lâu”. Phương châm hành động mềm dẻo, linh hoạt, “đối thoại thay đối đầu”, “bắt tay thay súng đạn”, không phô trương rầm rộ, nhìn hình thức biểu hiện bên ngoài ít khốc liệt, không tàn phá như chiến tranh vũ lực; thậm chí có vẻ “gần gũi”, “thân thiện” trong một “thế giới phẳng” nhưng bản chất thì đang âm thầm đẩy đối phương xuống đáy “vũng lầy” của sự khủng hoảng và dẫn đến đổ vỡ ngay từ bên trong.

Nếu như trước kia phương tiện tuyên truyền DBHB chủ yếu là đài phát thanh từ nước ngoài, rải truyền đơn, tuyên truyền kiểu “rỉ tai”; thì ngày nay, các thế lực thù địch coi trọng sử dụng các phương tiện internet, mạng xã hội.

Cho dù có “khoác tấm áo mới” thì bản chất thực sự của chiến lược “diễn biến hòa bình” vẫn là hoạt động chống phá của các lực lượng thù địch; vẫn là một kiểu “chiến tranh không có tiếng súng” nhưng vô cùng nguy hiểm.

Kỳ sau: Bài 2: Lĩnh vực công thương là một trong những trọng điểm của chiến lược “Diễn biến hòa bình”

Đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ (Ban chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương)

Tin cùng chuyên mục

Chuyển đổi số với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Tinh gọn bộ máy: Không chờ hoàn chỉnh rồi mới hoàn thiện

Thắng 'giặc nội xâm' để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Không thể phủ nhận giá trị vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc: Kỳ 3: Khát vọng hùng cường, thịnh vượng

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc: Kỳ 2: Khai mở dư địa tiềm năng

“Đúng - Trúng - Hay” trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 5: Diễn đàn dân chủ

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc

“Đúng - Trúng - Hay” trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 4: Chi bộ tiên phong

''Đúng - Trúng - Hay'' trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 3: ''Thành quả'' thiết thực từ sinh hoạt chuyên đề

Bài 2: Tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Đúng - Trúng - Hay”

“Đúng - Trúng - Hay” trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 1: Nâng “chất” sinh hoạt chi bộ hàng tháng

Đường Hồ Chí Minh trên biển: Kỳ tích làm nên huyền thoại

Cảnh giác trên ‘chiến trường thông tin’, tăng giá điện bị đẩy thành ‘vũ khí’ chống phá

Thường xuyên thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như 'rửa mặt hàng ngày'

Đào tạo, phát triển cán bộ trẻ - lực lượng nòng cốt trong công tác xây dựng Đảng

Bảo vệ nền tảng tư tưởng hướng tới mục tiêu 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng

Báo Công Thương đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Đảng bộ Trường Đại học Điện lực chủ động đổi mới, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kép

Kỳ 2: Nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp khắc phục căn bệnh “sợ trách nhiệm”