Quy định về tiêu chuẩn, số lượng nhân sự và cơ cấu cấp uỷ Đảng nhiệm kỳ mới
Nhằm chuẩn bị thật tốt cho kỳ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc vào năm 2025, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 35/CT-TW (Chỉ thị 35) của Trung ương về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, cùng với đó là các hướng dẫn của Ban Tổ chức trung ương.
Theo Chỉ thị 35, tiếp tục bố trí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân ở các cấp. Thực hiện bố trí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân ở cấp huyện, cấp xã đối với những nơi có đủ điều kiện (địa phương có quy mô hợp lý; nhân sự có phẩm chất, năng lực, uy tín, có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao; được ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh đồng ý).
Phấn đấu đổi mới không dưới 1/3 tổng số cấp ủy viên trong mỗi nhiệm kỳ. Thực hiện cơ cấu ba độ tuổi trong cấp ủy các cấp và phấn đấu thực hiện trong ban thường vụ, thường trực cấp ủy.
Tiếp tục thực hiện phân công, bố trí công tác mới hoặc giới thiệu ứng cử ở địa phương, cơ quan, đơn vị khác đối với các đồng chí bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương trở lên đã giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp (từ 8 năm trở lên) tại một địa phương, cơ quan, đơn vị.
Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Về tiêu chuẩn chung cấp ủy viên các cấp: Chỉ thị 35 nhấn mạnh thêm một số tiêu chuẩn, trong đó: Cán bộ được giới thiệu để bầu tham gia cấp ủy, các chức danh lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội (chức vụ cao hơn), nhìn chung phải có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất là 2 năm (24 tháng); trường hợp đặc biệt có thời gian giữ chức vụ ít nhất là 1 năm (12 tháng), do cấp ủy có thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ xem xét, quyết định.
Về độ tuổi lần đầu tham gia và tái cử cấp ủy: Những đồng chí lần đầu tham gia cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phải còn thời gian công tác ít nhất trọn 1 nhiệm kỳ trở lên. Những đồng chí được giới thiệu tái cử cấp ủy phải còn thời gian công tác ít nhất từ 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên. Cán bộ tái cử cấp ủy thì được tái cử các chức danh lãnh đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội nhưng phải còn thời gian công tác ít nhất 18 tháng trở lên (thời điểm tính tuổi là thời điểm bắt đầu tổ chức đại hội đảng bộ ở mỗi cấp, thời điểm bầu cử hoặc đại hội của mỗi tổ chức theo quy định).
Về cơ cấu cấp ủy: Thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương gắn với việc sử dụng, bố trí hài hòa nguồn cán bộ tại chỗ trong quy hoạch; hoàn thành 100% ở cấp huyện; khuyến khích thực hiện ở cấp xã và các chức danh khác.
Mỗi đồng chí trong thường trực cấp ủy cấp tỉnh cơ bản không giữ quá 2 chức danh trong các chức danh lãnh đạo tỉnh, thành phố: Bí thư, phó bí thư, chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội; trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Phấn đấu đạt tỉ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ; phấn đấu tỉ lệ cán bộ trẻ (dưới 42 tuổi đối với cấp tỉnh, cấp huyện; dưới 40 tuổi đối với cấp xã) từ 10% trở lên (tính cho cả nhiệm kỳ).
Về số lượng ủy viên ban thường vụ cấp huyện, cấp xã:
- Đối với cấp huyện: Số lượng ủy viên ban thường vụ cấp huyện từ 11 đến 13 đồng chí; đối với huyện đảo thì không quá 9 đồng chí. Định hướng cơ cấu ban thường vụ cấp huyện tương tự như tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.
- Đối với cấp xã: Số lượng ủy viên ban thường vụ cấp xã không quá 5 đồng chí. Định hướng bố trí cơ cấu ban thường vụ cấp ủy, gồm: Bí thư, phó bí thư, chủ tịch ủy ban nhân dân, chủ tịch hội đồng nhân dân, trưởng công an, chỉ huy trưởng quân sự, chủ tịch Mặt trận Tổ quốc do ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh cụ thể hóa và chỉ đạo ban thường vụ cấp ủy cấp huyện xem xét, quyết định cơ cấu cụ thể cho thống nhất và phù hợp với tình hình, yêu cầu nhiệm vụ.
Đối với những đảng bộ cấp xã, cấp huyện thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập theo quy định của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thì số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, phó bí thư, ủy ban kiểm tra cấp ủy tại thời điểm hợp nhất, sáp nhập có thể nhiều hơn số lượng nêu tại Chỉ thị nhưng tối đa không quá tổng số lượng hiện có của các đảng bộ trước khi hợp nhất (không bao gồm các đồng chí đến tuổi nghỉ hưu, nghỉ công tác hoặc chuyển công tác khác) và chậm nhất sau 5 năm kể từ ngày thành lập đảng bộ mới, thì số lượng phải thực hiện theo quy định nêu tại Chỉ thị.
Về quy trình nhân sự cấp ủy, gồm: Quy trình giới thiệu nhân sự tái cử cấp ủy, ban thường vụ, phó bí thư, bí thư cấp ủy và Quy trình giới thiệu nhân sự lần đầu tham gia cấp ủy, ban thường vụ, phó bí thư, bí thư cấp ủy. Trong đó, quy trình giới thiệu nhân sự tái cử chỉ thực hiện theo 2 bước (khác so với Chỉ thị trước đây thực hiện theo 5 bước).
Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc quán triệt Quy định số 144-QĐ/TW và Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị diễn ra ngày 9/7/2024. Sự kiện trực tiếp từ Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội kết hợp trực tuyến tới 15.644 điểm cầu trên toàn quốc. |
Trong bài phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng diễn ra vào ngày 13/3/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Công tác nhân sự Đại hội là vô cùng quan trọng nhưng cũng hết sức phức tạp, khó khăn, nặng nề, đòi hỏi Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cả hệ thống chính trị phải làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao, với quyết tâm, nỗ lực rất lớn, có cách làm thật sự công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”.
Tinh thần này tiếp tục được Thường trực Ban Bí thư Lương Cường quán triệt tại Hội nghị toàn quốc quán triệt Quy định số 144-QĐ/TW và Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị diễn ra ngày 9/7/2024. Theo đó, về công tác nhân sự và bầu cấp ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng cần nghiên cứu thật kỹ lưỡng Chỉ thị 35-CT/TW và các phụ lục, thực hiện hết sức chặt chẽ, trong đó cần lưu ý công tác nhân sự đảm bảo sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy Đảng; đồng thời phát huy trách nhiệm của người đứng đầu theo quy định. Quá trình thực hiện cần làm đúng nguyên tắc, quy trình, phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong công tác lựa chọn, giới thiệu và bầu cử cấp ủy các cấp.
Công tác chuẩn bị nhân sự phải chú ý cả tiêu chuẩn, độ tuổi, cơ cấu, số lượng; trong đó đặc biệt coi trọng chất lượng, không vì cơ cấu hạ thấp tiêu chuẩn.
"Yêu cầu cao nhất là chúng ta làm chặt chẽ, nguyên tắc, đúng quy trình nhưng mà phải lựa chọn đúng người, trúng người, trên cơ sở tiêu chuẩn, điều kiện. Điều này rất quan trọng" - Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh và nêu rõ: Những người được giới thiệu vào cấp ủy khóa mới phải là những người có bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng, đạo đức lối sống gương mẫu, trong sáng, năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; thực sự tiêu biểu về trí tuệ, đạo đức, uy tín, năng lực thực tiễn, được cán bộ đảng viên và nhân dân tín nhiệm. Không để lọt những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện vào cấp ủy, đặc biệt là giữ các cương vị chủ chốt.