Phòng chống lợi dụng biến động thị trường, giá cả để xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta
Nhận diện mục tiêu và phương thức xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước
Với mục đích xuyên suốt là phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối về mọi mặt của Đảng, phủ nhận những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà Đảng và nhân dân ta đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng, hạ thấp uy tín, kích động, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, làm cho nhân dân mất niềm tin vào Đảng và Nhà nước, tiến tới lật đổ chế độ ở nước ta, chúng thường sử dụng một số luận điệu và cách thức chống phá tiêu biểu là:
Thứ nhất, bóp méo, phủ nhận những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta. Chúng rêu rao rằng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã lạc hậu, lỗi thời không còn phù chợp với hiện nay nữa và việc lấy tư tưởng, lý luận đã “lạc hậu, lỗi thời” thì không thể có cơ sở để lãnh đạo đất nước phát triển.
Ảnh minh họa |
Thứ hai, lập lờ trong sử dụng các uyển ngữ và “đánh tráo khái niệm”, khăng khăng cho rằng nền kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa là xung khắc, làm cho nền kinh tế không thể phát triển; đồng thời, kêu gọi “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang".
Thứ ba, đẩy mạnh sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội; tăng cường sử dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia; xoáy sâu vào những hạn chế, thiếu sót của ta trong việc thực thi chính sách dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo… sự chênh lệch về mức sống và thu nhập giữa các vùng dân tộc, trình độ dân trí của một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp để tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, kích động đồng bào tham gia các cuộc biểu tình, bạo loạn chống đối chính quyền, gây thiệt hại về kinh tế, mất ổn định về chính trị - xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thứ tư, xuyên tạc đời tư, bôi nhọ, nói xấu lãnh đạo Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ; bịa đặt, dàn dựng lên những câu chuyện sai sự thật, đưa lên những hình ảnh đã photoshop hoặc cắt xén để nhào nặn ra những tác phẩm sai trái có liên quan đến lai lịch, đời tư của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tuyên truyền, bịa đặt về các phe phái trong Đảng, nhất là lợi dụng việc “tốt” - đấu tranh chống tham nhũng để xuyên tạc là thanh trừng nội bộ, là chuẩn bị ghế nhân sự cho vị trí cao hơn… Không những thế, chúng còn thường xuyên dựng chuyện, thổi phồng những sai lầm, thiếu sót của một số cán bộ, đảng viên, qua đó gây chia rẽ nội bộ, làm cho Đảng ta “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” , gây hoang mang, tạo bức xúc trong dư luận xã hội, kích động người dân gây mất an ninh, trật tự... hòng hạ bệ uy tín của cán bộ, phá vỡ khối đoàn kết trong Đảng, sự đồng thuận của xã hội, chia rẽ Đảng với nhân dân.
Thứ năm, đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền đấu tranh bất bạo động; đa dạng hóa các hành vi bất tuân dân sự; diễn dịch sai lệch các chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng; bóp méo các nội dung và mục tiêu chính sách quản lý của Nhà nước; cường điệu hóa các sai phạm của khu vực kinh tế Nhà nước và phủ nhận sự phát triển, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam…
Chẳng hạn, lợi dụng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là đợt bùng phát lần thứ tư, các thế lực thù địch lý giả rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do thể chế chính trị của Việt Nam và nếu nước ta sớm liên minh, liên kết với các nước tư bản giàu có, mạnh về tiềm lực y tế thì đã không xảy ra thảm họa đó. Hơn nữa, lợi dụng cuộc vận động ủng hộ xây dựng quỹ phòng, chống Covid-19 do Chính phủ phát động, các tổ chức phản động, như: Việt Tân, báo Tiếng dân, ra sức nhào nặn, bóp méo cuộc vận động đó, cho rằng: nền kinh tế Việt Nam kém phát triển, lại bị ảnh hưởng của đại dịch nên không đủ nguồn lực chống dịch phải vận động, quyên góp của nhân dân. Nguy hại hơn khi họ cho rằng, cuộc vận động chỉ là hình thức, còn về thực chất là “bòn rút” của nhân dân, vắt kiệt sức dân, v.v.
Thời gian gần đây, giá xăng dầu tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới có nhiều biến động, tác động lớn đến nền kinh tế và đời sống của người dân. Lợi dụng vấn đề này, trên các trang mạng xã hội, blog như: Việt Tân, Chân trời mới Media, RFA VietNam, BBC News Tiếng Việt… đã đăng tải nhiều bài viết xuyên tạc, bôi nhọ, nói xấu nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với luận điệu vu khống trăng trợn, cho rằng xăng tăng giá là hành vi chính quyền “móc túi dân”; thậm chí kêu gọi “minh bạch thuế, phí” và cổ vũ người dân nếu muốn giá xăng giảm phải thay đổi thể chế chính trị. Mục tiêu của chúng là hạ thấp uy tín, vai trò của Đảng, phủ nhận thành tựu của nền kinh tế Việt Nam, gây hoang mang dư luận, bất chấp thực tiễn tăng giá xăng dầu do bối cảnh chung thế giới và bỏ qua những nỗ lực của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong việc thực hiện các giải pháp để bình ổn giá xăng dầu và phục hồi nền kinh tế…
Thực tế thời gian qua, nhất là trong giai đoạn kinh tế – xã hội bị tác động, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra đường lối đúng đắn, tích cực triển khai các biện pháp kinh tế với sự vào cuộc, hưởng ứng cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, ổn định sản xuất và đời sống, củng cố niềm tin của nhân dân. Đồng thời Chính phủ đã có sự chỉ đạo quyết liệt trong việc thanh tra, xử lý nghiêm với những vi phạm của tập thể, cá nhân kinh doanh xăng dầu, giữ trật tự kỷ cương trong kinh doanh, ổn định giá xăng dầu được dư luận hết sức hoan nghênh. Chính phủ cũng chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan rà soát các quy định về thuế, tính toán lại mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức để điều chỉnh giá xăng dầu nhằm đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, đồng thời đề ra các giải pháp hỗ trợ người có thu nhập thấp, người yếu thế khi giá xăng dầu tăng. Nhờ vào các chính sách đúng đắn và phù hợp, giá xăng dầu ở Việt Nam hiện nay vẫn thấp hơn so với thế giới.
Thứ sáu, phủ nhận các thành tựu phát triển kinh tế tư nhân và vai trò cộng động doanh nhân, doanh nghiệp trong đời sống xã hội, cố tình xuyên tạc và bôi nhọ, xúc phạm uy tín các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong đời sống kinh tế-xã hội quốc gia và quốc tế.
Thực tiễn phát triển và quản lý kinh tế thị trường trong bối cảnh chuyển đổi và hội nhập quốc tế ở Việt Nam thời gian qua, không tránh khỏi việc một số chính sách và hoạt động điều hành của các cơ quan chức năng còn hạn chế, bất cập; một số doanh nhân và doanh nghiệp có sai phạm trong hoạt động sản xuất kinh doanh, kể cả khai thác các kẽ hở pháp luật, hoặc lợi dụng các quan hệ thân hữu, lợi ích nhóm để trục lợi bất chính, gây bức xúc xã hội, méo mó môi trường đầu tư và gây thiệt hại cho cộng đồng doanh nghiệp và xã hội. Song, sẽ không đúng, không công bằng và vô căn cứ, khi có một số lực lượng thù địch với định kiến và mục tiêu chính trị được “cài đặt” trước, chuyên trị “bới lông tìm vết”, nhặt nhạnh một số sực vụ được dăng tải trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội để đưa ra các bình luận, giải thích cực đoan, xuyên tạc, kiểu “chỉ thấy cây mà không thấy rừng”, “bình cũ rượu mới”, lấy hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”, để khái quát và áp đặt chủ quan, cố tình khỏa lấp, phủ định sạch trơn vai trò, công sức và kết quả hoạt động điều hành, quản lý kinh tế và phát triển sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp cả nước nói chung, nhất là trong thời điểm khó khăn, biến động thị trường, giá cả…
Trong số các hành vi đó, có lẽ phổ biến hơn cả là hiện tượng dùng mạng xã hội (MXH) để tấn công bắt nạt, đăng thông tin giả (fake news), xuyên tạc, bôi nhọ uy tín, thương hiệu của doanh nhân và doanh nghiệp trên thương trường. Không chỉ có Việt Nam, bất cứ quốc gia nào cũng xảy ra hành vi kém văn minh này. Thực tế cũng cho thấy, trước sự bùng nổ của cộng đồng mạng với quy mô rất lớn, lực lượng tuyên giáo, thanh tra và an ninh mạng chưa đủ nhân lực, phương tiện và công nghệ để xử lý, triệt phá tận gốc. Hơn nữa, nhiều các trang mạng, máy chủ của các Blogger được đặt ở nước ngoài nên khó kiểm soát và khó can thiệp.
Với sự phát triển mạnh và tốc độ lan truyền như vũ bão của MXH hiện nay, việc tung tin thất thiệt, thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật, thậm chí cố ý bôi nhọ, xúc phạm đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nhiều doanh nhân, DN. Chỉ số văn minh trực tuyến (DCI) được Microsoft bắt đầu công bố từ năm 2017. Mục đích là phản ánh bức tranh toàn cảnh của vấn đề và hướng tới một môi trường trực tuyến an toàn, văn minh, nơi mọi người ứng xử bằng sự đồng cảm, lòng trắc ẩn và tử tế. Theo cách tính DCI, quốc gia càng có số phần trăm thấp thì càng văn minh. Năm 2020 ghi nhận chỉ số văn minh trực tuyến toàn cầu của Anh tốt nhất, với 52%, Hà Lan về nhì với 56%. Đáng buồn là Việt Nam thuộc TOP 5 quốc gia có điểm số cao nhất và cũng là tệ nhất, là 78%, cùng nhóm với Nga (79%), Columbia (80%), Peru (81%) và Nam Phi (83%).
Theo Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), vào cuối năm 2014, trên mạng xã hội facebook xuất hiện cái gọi là “Tập đoàn thánh bóc” tập hợp nhiều cá nhân ở trong và ngoài nước, có nick name (biệt danh) như Huyen Nguyen, Thánh cô cô bóc, Tuyết Anh Trần, Minh Minh Phan…Nhóm này liên tục đăng các bài viết, hình ảnh cá nhân của các doanh nhân, nghệ sỹ nổi tiếng…Nội dung các bài viết đều dung tục, xuyên tạc, bôi nhọ, xâm hại đến đời sống cá nhân, danh dự nhân phẩm của doanh nhân và người nổi tiếng, khiến họ bị xã hội hiểu nhầm, bị lên án; bị đối tác kinh doanh hủy, cắt hợp đồng, thậm chí đe dọa sức khỏe, tính mạng cá nhân và người thân của doanh nhân, gây thiệt hại lớn về cả tinh thần và vật chấ, uy tín, thương hiệu, danh dự và thậm chí đe dọa an toàn của doanh nhân, doanh nghiệp,...
Một trường hợp khác là Công ty TNHH Happy Secret (địa chỉ trụ sở tại số 21 Phan Bội Châu, phường 14, quận Bình Thạnh, TP.HCM), đơn vị sở hữu thương hiệu mỹ phẩm Top White từng bị một số cá nhân đưa thông tin xuyên tạc, bôi nhọ uy tín thương hiệu Top White, cũng như xâm hại đến quyền lợi các đại lý của Công ty trên mạng xã hội Facebook và YouTube…
Theo đơn tố cáo của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), ngày 9/8/2016, trên MXH Facebook có nickname Viet Dai đưa đăng tải nội dung sai sự thật: “Thương hiệu bia Hà Nội bán cổ phần cho Trung Quốc: Công ty bia Hà Nội đã chính thức thừa nhận 73% cổ phần công ty đều do Trung Quốc nắm quyền. Sau khi công ty bị bán, công nhân người Việt Nam làm việc cho Công ty bia Hà Nội cũng bị sa thải và thay thế bằng người Trung Quốc. Vừa qua lực lượng chức năng cũng bắt giữ một xe chở men bia Trung Quốc của Công ty bia Hà Nội. Qua quá trình kiểm tra công ty đã không đưa ra được giấy tờ và nguồn gốc xuất xứ. Bắt buộc phải niêm phong chờ làm rõ. Hãy bảo vệ bản thân, gia đình, bận bè, và đất nước, không tiếp tay cho kẻ thù. Share gửi đến bạn bè và người thân của bạn để mọi người cảnh giác và tự bảo vệ mình”.
Từ đơn tố cáo này, Phòng 4, C50 Bộ Công an đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Nghệ An tiến hành điều tra, xác minh và xác định được đối tượng đăng tải nội dung trên là Trần Tuấn Vĩnh. Quá trình đấu tranh, Trần Tuấn Vĩnh đã thừa nhận toàn bộ hành vi sai trái của mình. Theo đó, để phục vụ mục đích kinh doanh (muốn những người thân quen chỉ sử dụng hãng bia mà gia đình làm đại lý), ngày 9/8/2016, Vĩnh đã tự tìm ảnh trên mạng, tạo tài khoản Facebook và đưa thông tin sai sự thật về Bia Hà Nội lên MXH.
Căn cứ theo điểm a, khoản 3, điều 64, Nghị định số 174/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, ngày 31/8/2016, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nghệ An đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Trần Tuấn Vĩnh bằng tiền là 12.500.000 đồng về hành vi cung cấp nội dung sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự cá nhân.
Đây là một trong những bài học về bất chấp pháp luật và đạo đức xã hội, cố tình lợi dụng tự do ngôn luận, tự do trên mạng để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
Qua quan sát, có thể nhận thấy, có nhiều thành phần và động cơ tham gia vào các hoạt động cố tình bôi nhọ, xuyên tạc, nói xấu và chống phá Đảng, Nhà nước ta nói chung, bôi nhọ đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói riêng:
Trước hết, đó là các lực lượng chống đối nhà nước XHCN Việt Nam trong và ngoài nước. Chúng khá đa dang, có người xuất thân từ chế độ cũ, mang nặng tâm lý thù hận hay hoài nghi; có người là cán bộ, người nhà nước nhưng thoái hoá, biến chất hoặc có những mâu thuẫn cá nhân … dần dần thù ghét chế độ và Tổ quốc của mình, tìm cách chống phá đất nước. Những người này thường sử dụng các thông tin một chiều, thiếu chính xác rồi nâng cấp và quy chụp cho cho toàn bộ hệ thống doanh nhân Việt Nam là thành công chủ yếu nhờ hối lộ, móc ngoặc, ăn cắp của nhà nước, của dân… để cuối cùng quy chụp cho thể chế kinh tế - xã hội của Việt Nam là ăn chặn, ăn cướp của dân…
Thứ hai, sự cạnh tranh “bẩn”, không lành mạnh dẫn đến sự thù địch và cản phá nhau giữa các đối thủ là các doanh nhân và doanh nghiệp, người nhà và người thân của họ cũng là một nguồn bổ sung vào danh mục các hành vi và lực lượng tham gia nói xấu, xuyên tạc, bôi nhọ đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt.. Thường là sau khi không đạt được nguyện vọng ở một vài việc nào đó trong cạnh tranh giành giật hợp đồng và thị trường, hoặc thua lỗ trước sức cạnh tranh của đối thủ, thì “bên thua cuộc” sẽ triển khai kịch bản hạ bệ “kẻ thắng cuộc” bằng mọi cách, kẻ cả thông qua tổ chức viết đơn, thư, bài hoặc thuê báo chí viết bài hoặc tung lên mang để bôi nhọ đối thủ và nói xấu chính sách của Đảng và nhà nước. Tiếp tay cho họ là một số nhà báo có quan điểm, có tay nghề và sở trường đánh đấm vì mục đích kinh tế, thường sử dụng thông tin một chiều, thiếu kiểm chứng và tính chất xây dựng…nhằm nhiễu loạn thông tin về đối thủ theo mục tiêu được đặt hàng. Bên cạnh đó, một bộ phận doanh nhân, doanh nghiệp, hễ tức nhau là viết bài, livestream chửi bới, bêu xấu nhau trên mạng, không suy nghĩ, bất chấp sự thật và hệ quả…Đây thực sự là một nét xấu, tiêu cực trong văn hóa kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân.
Thứ ba, một bộ phận khác bao gồm những người thiếu ý thức chính trị, thiếu thông tin và tinh thần xây dựng, manh động, cực đoan, thường vì lý do và lợi ích cá nhân, hễ thấy một thông tin tiêu cực cá biệt nào liên quan tới doanh nhân, doanh nghiệp và chính quyền, đất nước là lên mạng hoặc ra quán nước để chửi bới, trách móc doanh nhân, doanh nghiệp và hệ thống chính quyền…để thể hiện cái tôi và câu view, like, ăn tiền quảng cáo cho trang cá nhân.
Thậm chí, một số cư dân mạng nấp sau bàn phím và nghĩ rằng mạng xã hội không bộc lộ rõ danh tính cá nhân, lai mang nặng tâm lý đám đông, bầy đàn, hễ thấy thông tin mới, giật gân, không rõ đầu đuôi tranh luận thế nào, người trong cuộc với câu chuyện ai sai, ai đúng… nhưng sẵn sàng trở thành “quan tòa tự phong” hay “anh hùng bàn phím”, thể hiện thái độ và sự phản đối gay gắt bằng nhiều ngôn từ, hành vi cực đoan, kể cả lập nhóm tẩy chay, ghép hình “dìm hàng”, spam tin nhắn hàng loạt với nội dung đe doạ. Người ta có thể thoá mạ bất kỳ ai để thoả mãn cơn nóng giận nhất thời và bức xúc cá nhân về một chuyện hoàn toàn khác, bất chấp hình ảnh người Việt xấu xí, đố kỵ đã, đang và sẽ in hằn trong tâm thức cộng đồng quốc tế 1 và bị kẻ xấu, kẻ thù địch lấy làm hả hê và lợi dụng đẻ tạo hình ảnh xấu về dân tộc Việt Nam.
Những điểm sáng và thành tựu kinh tế không thể phủ nhận
Thực tế cho thấy, đội ngũ doanh nhân Việt cũng ngày càng thấm nhuần tinh thần yêu nước, cộng đồng, tuân thủ pháp luật và tăng cường trách nhiệm xã hội; đóng góp ngày càng to lớn vào các hoạt động thiện nguyện và hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội…Một triết lý sống và truyền thống quý báu của doanh nhân Việt Nam là tư tưởng “Lá lành đùm lá rách”; Tỷ lệ doanh nghiệp làm từ thiện ở Việt Nam đứng hàng đầu thế giới, với gần như 100% các doanh nhân Việt Nam đều làm từ thiện và có kế hoạch từ thiện hàng năm dưới mọi hình thức khác nhau, trực tiếp hay gián tiếp, công khai hay lặng lẽ. Chỉ riêng mùa Covid, các doanh nghiệp Viêt nam đã đóng góp cho từ thiện khoảng 3 tỷ USD trong đó có những doanh nghiệp đóng góp hàng trăm triệu USD. Một tinh thần, một trách nhiệm rất Việt Nam.
Đặc biệt, bản lĩnh và tầm nhìn kinh doanh của doanh nhân Việt ngày càng được tôi luyện và minh chứng sống động trong cả những lĩnh vực công nghệ thời thượng nhất; Qua đó khẳng định, doanh nhân Việt không hề thua kém các doanh nhân nước ngoài; những gì các doanh nghiệp nước ngoài làm được thì doanh nhânn và doanh nghiệp Việt cũng đã, đang và sẽ làm được.
Ngay trong năm 2021, dù cộng đồng doanh nhân và DN Việt gặp khó khăn lớn gắn với đại dịch Covid-19, song theo Tổng cục Thống kê, cả nước bình quân một tháng có 13,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, trong khi có gần 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; Hơn nữa, dịch bệnh Covid-19 đã và đang tạo áp lực và cả động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ và bùng nổ kinh tế số ở Việt Nam cả về tốc độ và phạm vi, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tìm những hướng đi mới và hoạt động hiệu quả hơn…Hoạt động thương mại điện tử, làm việc, hội họp, học tập, tư vấn và kể cả vui chơi giải trí từ xa… ngày càng trở nên phổ biến. Các chỉ số xếp hạng trong nhiều lĩnh vực thuộc ngành Thông tin và Truyền thông đều được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Năm 2021, Việt Nam có 64.000 doanh nghiệp công nghệ số, tăng thêm 5.600 doanh nghiệp so với năm 2020 và so với chỉ có 45.600 doanh nghiệp công nghệ số năm 2019. Nhiều doanh nghiệp công nghệ số đã chuyển sang sản xuất các sản phẩm công nghệ 4.0... Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố 34 nền tảng số Make in Viet Nam. Các doanh nghiệp công nghệ số như VNPT, Viettel, CMC, FPT… có tiềm lực, có đóng góp lớn trong phát triển chính quyền số, kinh tế số với việc xây dựng các nền tảng số quốc gia. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hiện nay không chỉ gia công, lắp ráp cho nước ngoài, mà đã vươn lên, sản xuất và làm chủ những sản phẩm, nền tảng công nghệ chuyển đổi số trong nước. Doanh thu ngành thông tin và truyền thông đạt 3.462.170 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2020 và cơ bản hoàn thành 100% kế hoạch đặt ra. Trong đó, công nghiệp ICT, với doanh thu năm 2021 ước đạt hơn 136 tỉ USD, tăng hơn 11,4 tỉ USD so với năm 2020. Trong đó, doanh thu của các doanh nghiệp Việt Nam đạt 18,779 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng doanh thu (so với mức hơn 3,68 tỷ USD/ 103 tỷ USD của năm 2018, hơn 11 tỷ USD năm 2019, gần 13,4 tỷ USD năm 2020). Bên cạnh đó, giá trị của Việt Nam tạo ra trong doanh thu của các doanh nghiệp vốn FDI chiếm khoảng 15% (hơn 17,6 tỷ USD). Giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu công nghiệp ICT khoảng 33,568 tỷ USD (chiếm 24,65%).
Năm 2021, bất chấp dịch bệnh nặng nề, lần đầu tiên Việt Nam lọt vào top 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 19%; nhập khẩu tăng 26,5%; khu vực kinh tế trong nước đạt 88,71 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 247,54 tỷ USD, tăng 21,1%, chiếm 73,6%.
Hơn nữa, đầu tư từ khu vực ngoài Nhà nước của Việt Nam năm 2021 đạt 1.720,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 59,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành và tăng 7,2% so với năm trước, trong khi vốn khu vực Nhà nước giảm 2,9% và chiếm 24,7%; còn vốn khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 1,1% và chỉ chiếm 15,8%.
Theo đánh giá và xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đã cải thiện, từ thứ hạng 68/131 vào năm 2007 lên thứ 78/140 năm 2018, tăng 12 bậc so với năm 2017 (trong đó, năm 2018 và 2019 đứng thứ 27/190 nước về Chỉ số tiếp cận điện năng), và tăng tiếp lên thứ 67/141 nền kinh tế vào năm 2019. Cũng trong năm 2019, trước khi dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới, Việt Nam được coi là quốc gia có nền kinh tế ổn định và tăng trưởng nhanh tốp đầu khu vực và thế giới; là năm thứ 2 liên tiếp cả nước đạt toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch, và được IMF đánh giá nằm trong số 20 nền kinh tế có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu năm 2019. Đồng thời, Việt Nam cũng lọt vào Top 10/163 nước đáng sống nhất thế giới của HSBC Expat 2019; đứng thứ 83/128 nước trong Xếp hạng 2019 về các nước an toàn nhất và xếp thứ 128/192 nước giàu nhất thế giới do tạp chí Global Finance công bố. xếp hạng 94/156 nước trong bảng xếp hạng 'Quốc gia Hạnh phúc' năm 2019, World Happiness Report, được Mạng lưới các giải pháp phát triển bền vững của LHQ (United Nations Sustainable Development Solutions Network) công bố vào ngày 20/3/2019. Việt Nam thứ 84/161 nước trong Xếp hạng bảo vệ nhà đầu tư (Best Countries for Business) của Forbes năm 2019 (Anh số 1), với 15 chỉ số như sáng tạo, thuế, công nghệ, tham nhũng, hạ tầng, rủi ro chính trị, nhân lực, bảo vệ nhà đầu tư); Việt Nam xếp 39/80 nước trong xếp hạng các nước "tốt nhất thế giới" theo đánh giá của trang U.S. News & World Report …
Việt Nam đã được 79 nước công nhận kinh tế thị trường và đạt được những thành tựu nổi bật về tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua và có nhiều khả năng tiếp tục giữ đà tăng trưởng cao trong tương lai trung hạn nhờ khung đầu tư tổng thể đã được hiện đại hóa, chi phí đăng ký kinh doanh đã được cắt giảm và tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài, cũng như hoạt động khởi sự kinh doanh (theo công bố xếp hạng các nền kinh tế tốt nhất để đầu tư của Tạp chí U.S. News & World Report, Việt Nam xếp thứ 8 trong top 20 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư năm 2019, tăng từ vị trí 23 của năm 2018.
Theo bảng xếp hạng về Chỉ số tự do kinh tế năm 2021 (Index of Economic Freedom 2021) mới công bố của Heritage Foundation (Mỹ), với điểm tổng thể của Việt Nam là 61,7 điểm (cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới). Việt Nam là nền kinh tế tự do đứng thứ 17/40 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đứng thứ 90/184 nền kinh tế trên thế giới trong bảng xếp hạng điểm số tự do kinh tế của Heritage Foundation - một tổ chức nghiên cứu và giáo dục, chuyên thúc đẩy tự do kinh doanh được thành lập năm 1973 tại Mỹ) công bố hằng năm từ năm 1995. Đây cũng là năm đầu tiên kinh tế Việt Nam bước vào nhóm các nền kinh tế có "tự do trung bình" (Moderately Free), tăng 15 bậc so với năm trước, từ nhóm được xem là hầu như không tự do kinh tế.
Ngoài ra, Việt Nam đã đạt được sự tiến bộ trong xếp hạng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) – cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc. Năm 2021, Việt Nam được WIPO xếp thứ 44 tức nằm trong khoảng tin cậy (từ khoảng 42 đến 47) của thứ hạng này.
Còn theo Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu (Brand Finance Global Soft Power Index Report) năm 2021, được Brand Finance - công ty tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới, có trụ sở tại London (Anh) công bố tại “Hội nghị thượng đỉnh 2021 về quyền lực mềm toàn cầu” ngày 25/2/2021 (giờ Việt Nam), Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu, tăng 2,5 điểm, và xếp thứ 47/105 quốc gia được xếp hạng.
Bên cạnh các chỉ số về kinh tế, theo khảo sát và đánh giá của Liên hợp quốc, chỉ số phát triển bền vững (SDG) của Việt Nam đã liên tục gia tăng từ vị trí 88 vào năm 2016 lên 57 vào năm 2018 và 49 vào năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 9,88% cuối năm 2015 xuống dưới 3% vào năm 2020, với mức giảm trung bình là trên 1,4% mỗi năm.
Năm 2022, kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi mạnh mẽ và là năm đầu tiên trong giai đoạn 3 năm dịch Covid-19 qua, Việt Nam đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kinh tế kế hoạch đặt ra, với tăng trưởng GDP tới 8,02% và nhiều chỉ tiêu đạt đỉnh cao mới; cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phục hồi và củng cố mạnh mẽ cả lượng và chất. Thương hiệu quốc gia được thăng hạng. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s vào tháng 9/2022 đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng ổn định (chỉ kém mức đầu tư một bậc). Fitch cũng đang xếp Việt Nam ở hạng BB và triển vọng tích cực. Việt Nam được kỳ vọng trở thành thị trường tiêu dùng toàn cầu lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030, vượt qua cả Đức và Anh…
Đặc biệt, Việt Nam xếp thứ 30/85 trong bảng xếp hạng các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới 2022 của tạp chí Mỹ US News & World Report (US News), với GDP được ước tính là 363 tỷ USD, GDP bình quân đầu người 11.553 USD. Bảng xếp hạng “hùng mạnh” theo đó dựa trên điểm trung bình được tính từ năm yếu tố liên quan đến quyền lực của một quốc gia: sự lãnh đạo, có ảnh hưởng kinh tế, có ảnh hưởng chính trị, liên minh quốc tế mạnh và quân đội mạnh. Bảng xếp hạng là một phần của nghiên cứu "các quốc gia tốt nhất" mà tạp chí Mỹ thực hiện hàng năm, đánh giá 85 quốc gia dựa trên phản hồi từ 17.000 người.Theo US News, các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới cũng là những quốc gia luôn xuất hiện trên các bản tin, khiến các nhà hoạch định chính sách quan tâm và định hình các mô hình kinh tế toàn cầu. Chính sách đối ngoại và ngân sách quân sự của họ cũng được chú ý theo dõi. Khi họ đưa ra lời cam kết, ít nhất một số trong cộng đồng quốc tế tin rằng họ sẽ giữ lời cam kết đó. Các quốc gia này thể hiện ảnh hưởng của mình trên sân khấu toàn cầu….
Ngoài ra, năm 2022, Việt Nam đứng thứ 55 trên thế giới và đứng thứ 6 trong ASEAN (tăng 7 bậc so với với năm 2021 theo xếp hạng trên thế giới là 62/160) trong báo cáo "Chỉ số sẵn sàng AI của chính phủ (Government AI Readiness Index) năm 2022” do Oxford Insights (Vương quốc Anh) thực hiện. Đây là lần thứ 5 báo cáo chỉ số sẵn sàng AI toàn cầu được xuất bản, sau bốn lần vào năm 2017, 2019, 2020 và 2021 về đánh giá sự sẵn sàng AI của chính phủ từ 181 quốc gia trong việc khai thác những ứng dụng của AI để vận hành và cung cấp dịch vụ của mình. Điểm trung bình của Việt Nam đạt mức 53,96 (tăng so với năm 2021 là 51,82), vượt qua ngưỡng trung bình của thế giới (44,61). Phương pháp đánh giá năm 2022 sử dụng 39 chỉ số trên ba trụ cột (chính phủ, trình độ công nghệ, hạ tầng và dữ liệu) với 10 khía cạnh thuộc nhóm cơ sở hạ tầng, tính sẵn sàng của dữ liệu, tính đại diện của dữ liệu, nguồn nhân lực, năng lực đổi mới, quy mô, khả năng thích ứng, năng lực kỹ thuật số, quản trị và đạo đức, tầm nhìn.
Những thành công trên đây là to lớn và không phải là ngẫu nhiên. Đó là kết quả tổng hợp và thước đo hiệu quả khả năng tự chủ, tự cường, phản ứng chính sách và phản ứng thị trường đồng bộ cùng một quá trình phấn đấu lâu dài, không ngừng nghỉ của Đảng, Chính phủ và Nhà nước, cũng như trí tuệ và bản lĩnh của toàn thể nhân dân, cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam; đặc biệt là từ việc chuyển hướng chiến lược từ "zero COVID" sang mở cửa, phục hồi kinh tế hiệu quả và bám sát các nguyên tắc nền tảng xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam, nổi bật là xây dựng nền dân chủ, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện chính sách ngoại giao độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, đối tác tin cậy, trách nhiệm vì mục tiêu hòa bình, hợp tác, phát triển; hướng đến con người, lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực và mục tiêu của phát triển…
Một số giải pháp cần thiết trong thời gian tới
Nhận diện, bóc trần và phòng chống các hành vi xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước của các thế lực thù địch là đòi hỏi cấp thiết từ cuộc sống và cũng là quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước; đồng thời, phải xuất phát từ thực tiễn đặc thù, các nguyên tắc của cơ chế kinh tế thị trường, cũng như các cam kết và thông lệ quốc tế trong xu hướng mở cửa, tăng cường, hội nhập quốc tế.
Trước hết, cần coi trọng công tác giáo dục tư tưởng và đề cao trách nhiệm công dân trong các chương trình giáo dục đào tạo và tuyên truyền báo chí, truyền thông xã hội. Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ban hành khuyến khích sử dụng họ tên thật của cá nhân, tên hiệu thật của cơ quan tổ chức; đồng thời khuyến khích chỉ chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; không đăng tải thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, quảng cáo trái phép... Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ TT&TT ban hành dù chỉ được xem là văn bản hướng dẫn, điều chỉnh hành vi để công dân tránh ngưỡng vi phạm pháp luật, không có giá trị bắt buộc thực hiện, nhưng đây sẽ là sự hướng dẫn tốt để tăng tính trách nhiệm trong mỗi nút like, bình luận hay chia sẻ, từ đó giúp xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh khi tương tác trên mạng xã hội….
Một trong những vấn đề mấu chốt khác tạo là môi trường kinh doanh và cạnh tranh thị trường đầy đủ, thực sự bình đẳng, công bằng trong và giữa các khu vực doanh nghiệp, kể cả trong đấu thầu; tạo điều kiện cho doanh nhân và DN tự do kinh doanh theo pháp luật, phát triển hợp tác cùng có lợi; coi trọng định hướng, hỗ trợ KTTN bằng chính sách, thông tin thị trường và tăng cường kiểm tra, kiểm soát , xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật và khích lệ, cổ vũ tinh thần dám nghĩ dàm làm, lập nghiệp, xây dựng văn hóa doanh nhân trên cả nước. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách nền hành chính, sàng lọc, kiểm soát và trừng trị những kẻ thoái hóa, biến chất, nhũng nhiễu, vô trách nhiệm, sợ và né tránh trách nhiệm trong quản lý kinh tế của nhà nước; Đồng thời, nghiêm trị kịp thời những hành vi bôi nhọ, xuyên tạc và làm tổn hại lợi ích hợp pháp của doanh nhân và DN; kiện toàn tổ chức, nâng cao vai trò, năng lực, trách nhiệm của các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp trong bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người lao động, tạo sự đồng thuận, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh trên cơ sở pháp luật và truyền thống dân tộc; giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc và trách nhiệm xã hội, bản lĩnh kinh doanh cho doanh nhân và người lao động; tạo dựng cộng đồng doanh nhân và DN tư nhân mạnh, được khuyến khích, tôn vinh và bảo vệ bằng những thể chế phát triển lành mạnh, được vận hành bởi bộ máy quản lý nhà nước có năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động thực tế cao…
Bên cạnh việc chủ động cung cấp các thông tin chính thống và bài viết phản bác kịp thời, có chất lượng, cần tiếp tục nâng cao năng lực tự chủ và bảo đảm an ninh mạng quốc gia; coi trọng chủ động, tích cực kiểm soát và phối hợp với các đơn vị cung ứng dịch vụ nền tảng quốc tế và trong nước để xóa bỏ, ngăn chặn phát tán các bài, tin giả, các luận điệu xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước dù được đăng ở mạng xã hội và trên các máy chủ đặt ở nước ngoài.