Ngày này năm xưa 21/12: Kỷ niệm 68 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam
Chuyên mục “Ngày này năm xưa” Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện ngày 21/12 trong nước và quốc tế; các sự kiện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày 21/12.
* Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 21/12/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Nhà máy Điện Yên Phụ và Nhà máy Điện Bờ Hồ (nay là Công ty Điện lực Hà Nội). Ở hai nhà máy, Bác Hồ đã thăm hỏi sức khoẻ, tình hình sinh hoạt, công việc của công nhân, cán bộ. Bác nói: “Nhà máy này bây giờ là của nhân dân, của Chính phủ, của các cô, các chú. Các cô, các chú là chủ thì phải gìn giữ nhà máy làm cho nó phát triển hơn nữa”.
Bác Hồ về thăm và nói chuyện với cán bộ công nhân viên ngành Điện năm 1954 |
Sự kiện này đã trở thành một mốc son lịch sử và ngày 12/10/2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1594/QĐ-TTg lấy ngày 21/12 hằng năm trở thành ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam.
Truyền thống anh dũng trong chiến đấu bảo vệ dòng điện của Tổ quốc, sáng tạo trong lao động sản xuất của các thế hệ cán bộ công nhân viên và lao động ngành Điện đã hun đúc nên bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên cường trước mọi khó khăn thách thức của cả thời chiến và thời bình.
Từ chỗ năm 1954, điện chỉ cung cấp cho các trung tâm thành phố và khu công nghiệp ở một khu vực hạn hẹp, đến nay hệ thống điện Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Quy mô hệ thống nguồn điện của Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực Đông Nam Á và thứ 22 thế giới. Hệ thống lưới điện phát triển tới mọi miền Tổ quốc và đảm bảo cấp điện đến 100% xã, phường thị trấn; hầu hết các hộ dân trên cả nước đã được sử dụng điện lưới quốc gia.
Trong nhiều năm qua, ngành Điện lực Việt Nam luôn được gắn liền với những công trình điện lớn, mang tầm quốc tế và khu vực. Chẳng hạn như: Đường dây truyền tải điện siêu cao áp 500 kV Bắc-Nam từ mạch 1, nay đã được bổ sung thêm mạch 2, mạch 3; nhà máy Thủy điện Hòa Bình, nhà máy Thủy điện Sơn La - công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á; hoàn thành và đưa vào vận hành toàn tuyến đường dây 500 kV mạch 3 Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku 2 và đường dây 220 kV vượt biển Kiên Bình - Phú Quốc dài nhất Đông Nam Á đưa điện 220 kV từ đất liền ra huyện đảo Phú Quốc.
Ngày 21/12/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành 07 Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực hóa chất, gồm:
1. Thông tư số 45/2020/TT-BCT ngày 21 tháng 12 năm 2020 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hàm lượng thủy ngân trong đèn huỳnh quang (QCVN 02A: 2020/BCT).
2. Thông tư số 46/2020/TT-BCT ngày 21 tháng 12 năm 2020 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng natri hydroxit công nghiệp (QCVN 03A: 2020/BCT).
3. Thông tư số 47/2020/TT-BCT ngày 21 tháng 12 năm 2020 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng tiền chất thuốc nổ sử dụng để sản xuất vật liệu nổ công nghiệp (QCVN 04A: 2020/BCT).
4. Thông tư số 48/2020/TT-BCT ngày 21 tháng 12 năm 2020 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hóa chất nguy hiểm (QCVN 05A: 2020/BCT).
5. Thông tư số 49/2020/TT-BCT ngày 21 tháng 12 năm 2020 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng Poly Aluminium Chloride (PAC) (QCVN 06A: 2020/BCT).
6. Thông tư số 50/2020/TT-BCT ngày 21 tháng 12 năm 2020 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng Amôniắc công nghiệp (QCVN 07A: 2020/BCT).
7. Thông tư số 51/2020/TT-BCT ngày 21 tháng 12 năm 2020 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn hàm lượng chì trong sơn (QCVN 08: 2020/BCT).
Từ ngày 21-26/12/1965, đã diễn ra Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 12. Hội nghị đã định ra nhiệm vụ, chủ trương, phương châm thích hợp với tình hình mới, động viên cả nước kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 12 là một văn kiện lịch sử quan trọng về lý luận cũng như thực tiễn trong cuộc đấu tranh Cách mạng của nhân dân ta chống đế quốc Mỹ.
Ngày 21/12/1972, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà ra "Tuyên bố về bước leo thang chiến tranh mới của chính quyền Níchxơn" với quy mô và mức độ tàn phá chưa từng thấy và vạch trần thủ đoạn lật lọng xảo quyệt của chính phủ Mỹ không chịu ký Hiệp định "chấm dứt chiến tranh và lập lại hoà bình ở Việt Nam" như đã thoả thuận.
Ngày 21/12/1972 có 180 lần chiếc máy bay chiến thuật Mỹ đánh phá Ga Hàng Cỏ, Sở Công an Hà Nội, cầu Phủ Lý và đánh 6 đợt vào khu vực thị xã Thanh Hóa.
Ngày 21/12/2012, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 21/CT-TW về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
* Sự kiện quốc tế
Ngày 21/12/1639, ngày sinh của Giăng Raxin (Jean Racine) - nhà soạn kịch cổ điển vĩ đại nước Pháp. Ông được coi là người đã đưa bi kịch cổ điển Pháp sánh ngang với bất cứ nền bi kịch nào của chủ nghĩa cổ điển châu Âu. Ông mất ngày 21/4/1699.
Ngày 21/12/1821, ngày sinh của Gustave Flaubert - nhà văn hiện thực lớn nước Pháp. Sáng tác đầu tay của ông là “Xmar” (1849). Bảy năm sau ông ra đời tiểu thuyết "Bà Bôvary" (1856) và ngay lập tức gây chấn động dư luận đương thời. Ngoài tác phẩm trên ông còn có các tác phẩm “Xalambô” (1862), “Giáo dục tình cảm” (1869), “Ba truyện” (1887).
Ngày 21/12/1937, phim hoạt hình Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn được trình chiếu tại Los Angeles, phim đầu tiên trong loạt phim hoạt hình kinh điển của Walt Disney.
Ngày 21/12/1972, Đông Đức và Tây Đức ký hiệp định chính thức chấm dứt hai thập kỷ thù địch trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Sự kiện, kỷ niệm về Bác Hồ
Ngày 21/12/1941, Báo Việt Nam Độc lập đăng bài “Thế giới đại chiến và phận sự dân ta” của Nguyễn Ái Quốc. Sau khi phân tích nguy cơ chiến tranh, bài báo nêu câu hỏi “Thế thì dân ta nên làm sao để tránh khỏi cái nạn ấy?” và trả lời: “Dân ta nên làm hai việc: 1 là - Bất kỳ quân đội nào tới gần vùng mình, dân ta phải làm cách “nhà không vườn trống”... Chỉ bao giờ Việt Minh có lệnh giúp cho quân đội nào thì dân ta sẽ giúp cho quân đội ấy. 2 là - Dân ta phải mau mau tổ chức lại. Nông dân phải vào “Nông dân Cứu quốc hội”. Thanh niên phải vào “Thanh niên Cứu quốc hội”. Phụ nữ vào “Phụ nữ Cứu quốc hội”... Các bậc phú hào văn sĩ vào “Việt Nam Cứu quốc hội”... Hỡi đồng bào! Cơ hội giải phóng đến rồi, mau mau đoàn kết lại!”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đồng bào Hùng Sơn, xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên năm 1954 |
Ngày 21/12/1946, hơn một ngày sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ trên cả nước, Bác viết thư “Gửi dân chúng Việt Nam, dân chúng Pháp, dân chúng các nước đồng minh”. Trong đó nêu rõ: “Dân tộc Việt Nam nay bị đặt trước hai đường: một là khoanh tay, cúi đầu trở lại nô lệ; hai là đấu tranh đến cùng để giành lấy tự do và độc lập. Không! Dân tộc Việt Nam không để cho người ta trở lại thống trị nữa. Không! Dân tộc Việt Nam không bao giờ muốn trở lại nô lệ nữa. Dân tộc Việt Nam thà chết chứ không chịu mất độc lập và tự do... Tất cả quốc dân Việt Nam phải đứng dậy bảo vệ Tổ quốc!”.
Ngày 21/12/1951, Báo Cứu Quốc đăng bài “4 thành 0, 6 thành 4” của Bác kêu gọi: “Quân ta hăng hái thi đua giết giặc lập công. Dân ta hăng hái thi đua nộp thuế nông nghiệp để nuôi bộ đội giết giặc. Thì giặc Pháp sẽ hết ngõ, cùng đường”.
Ngày 21/12/1954, Bác viết bài “Đế quốc Mỹ ráo riết phá Hội nghị Giơnevơ nhưng chúng đã thất bại nhục nhã” đăng trên Báo Nhân Dân, khẳng định: “Thành công của Hội nghị Giơnevơ là thắng lợi vĩ đại của nhân dân Đông Dương, nhân dân Pháp và nhân dân thế giới” .
Ngày 21/12/1960, Báo Nhân Dân đăng bài có nhan đề “Tiết kiệm” của Bác với lời kết luận: “Thực hành tiết kiệm tức là trực tiếp góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Đồng bào ta nên luôn luôn ghi nhớ điều đó!”.