Ngày này năm xưa 10/2: Ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà
Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước và quốc tế ngày 10/2; Các sự kiện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày 10/2.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 10/2/1913 là ngày mất của nhà yêu nước Hoàng Hoa Thám. Ông tham gia chống thực dân Pháp từ nǎm 1895 dưới quyền chỉ huy của Cai Kinh. Sau khi Cai Kinh mất, ông trở thành lãnh tụ của nông dân Yên Thế chống thực dân Pháp. Nghĩa quân do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo, chiến đấu liên tục đến nǎm 1913, gây cho Pháp nhiều tổn thất.
Ngày 10/2/1925 là ngày sinh của “Vua phá bom” Vương Đình Nhỏ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Ngã ba Đồng Lộc đã hứng chịu hàng nghìn tấn bom địch trút xuống. Mặc dù vậy, Đồng Lộc vẫn bảo đảm được con đường huyết mạch, đó một phần là do công “phá bom” của Vương Đình Nhỏ. “Vua phá bom” Vương Đình Nhỏ được Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Ngày 10-2-1998: Thành lập Đoàn Kinh tế - Quốc phòng Mường Chà |
- Ngày 10/2/1998: Thành lập Đoàn Kinh tế - Quốc phòng Mường Chà (phiên hiệu Đoàn 22/12), tương đương cấp lữ đoàn, trực thuộc Quân khu 2. Đến ngày 19/5/1999, Đoàn 22-12 được đổi phiên hiệu thành Đoàn 379. Ngày 22/6/1999, Đoàn 379 được nâng cấp tương đương cấp sư đoàn.
Đây là đơn vị kinh tế - quốc phòng đầu tiên của quân đội được thành lập, thực hiện đầy đủ ba chức năng của quân đội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, gắn giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố thế trận quốc phòng - an ninh ở địa bàn chiến lược Tây Bắc của Tổ quốc.
Hơn 20 năm xây dựng và trưởng thành, Ðoàn 379 đã góp phần quan trọng làm “thay da, đổi thịt” một vùng đất biên cương phía Tây của Tổ quốc.
Ngày 10/02/1996, Bộ Công nghiệp ra Quyết định số 453/1996/QĐ-BCN về việc thành lập Hội đồng thẩm định Dự án đầu tư.
Ngày 10/02/1996, Bộ Công nghiệp ra Quyết định số 451/1996/QĐ-BCN về việc ban hành tiêu chuẩn ngành (Nước thải công nghiệp).
Ngày 10/02/1999, Ban Vật giá Chính phủ - Bộ Công nghiệp ra Thông tư liên tịch 01/1999/TTLT-BVGCP-BCN về hướng dẫn thực hiện giá bán điện tiêu dùng sinh hoạt đến hộ dân nông thôn.
Ngày 10/02/2009, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 03/2009/TT-BCT về hướng dẫn hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép thành lập và Quy định chế độ báo cáo của Sở Giao dịch hàng hóa theo quy định tại Nghị định số 158/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại ...
Ngày 10/02/2010, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 10/2010/QĐ-TTg về quy định Giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu.
Ngày 10/02/2011, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 198/QĐ-TTg về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang trong mùa lũ hàng năm.
Ngày 10/02/2011, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 198/QĐ-TTg về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang trong mùa lũ hàng năm |
Ngày 10/02/2011, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 17/2011/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung của Quy chế trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí.
Ngày 10/02/2012, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số về phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Ngày 10/02/2012, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 02/2017/TT-BCT quy định phương pháp, trình tự lập, thẩm định và phê duyệt giá truyền tải điện.
Sự kiện quốc tế
- Ngày 10/2/1763: Chiến tranh Bảy năm, cuộc xung đột toàn cầu mà người Mỹ gọi là Chiến tranh Pháp và người Da đỏ, kết thúc bằng việc ký kết Hiệp ước Paris giữa Pháp, Anh và Tây Ban Nha.
- Ngày 10/2/1923: Ngày mất nhà vật lý lỗi lạc người Đức Wilhelm Conrad Röntgen. Nǎm 1895, ông tìm ra tia X - tia Röntgen. Tia X sớm được sử dụng trong y học để chẩn đoán điều trị bệnh và trong công nghệ để làm phương tiện kiểm tra. Việc tìm ra tia X đã giúp cho vật lý nguyên tử tiến một bước quan trọng và có nhiều tác dụng rộng rãi, vững chắc trong đời sống và khoa học.
Borít Lêôniđôvích Paxtenắc (Boris Leonidovits Pasternak) nhà thơ, nhà vǎn lớn Nga, sinh ngày 10-2-1890. Thơ ca của ông chứa đựng những cảm xúc dồi dào. Đề tài chủ yếu của ông là con người trong quan hệ với thiên nhiên và lịch sử. Hiện thực Cách mạng đã ảnh hưởng đến một số sáng tác của ông, đặc biệt các bài thơ viết trong thời kỳ chiến tranh vệ quốc.
Các tác phẩm chính của ông có "Trên những chiến hào", "Chị tôi, đời sống", "Mùa Hạ", "Trung uý Smit", "Tái sinh", "Những vần thơ mới", "Bác sĩ Givagô"... Ông được trao giải Noben về vǎn học song rất tiếc vì lý do tế nhị, giải Noben này đã bị từ chối.
Ông qua đời nǎm 1960. Nǎm 1990 Uỷ ban di sản của ông đã quyết định đề nghị UNESCO tổ chức kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của nhà thơ trên qui mô toàn thế giới.
Sự kiện về Bác Hồ
- Ngày 10/2/1901 (tức là ngày 22 tháng Chạp năm Thành Thái thứ 12, Tân Sửu), cụ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời tại Huế. Sau sự cố đó, cậu bé Nguyễn Sinh Cung mới 11 tuổi được cha gửi về Nghệ An cho bà ngoại chăm sóc và bắt đầu theo học chữ Hán.
38 năm sau, ngày 10/2/1939, cậu bé Nguyễn Sinh Cung năm xưa đã trở thành một nhà cách mạng từng trải. Đang hoạt động tại Trung Quốc, từ Quế Lâm, Nguyễn Ái Quốc trong vai Thiếu tá Hồ Quang, nhân viên điện đài, cùng với tướng Bát Lộ quân Diệp Kiếm Anh đến Nam Nhạc (tỉnh Hồ Nam) tham gia huấn luyện về chiến tranh du kích trong thời kỳ Quốc-Cộng hợp tác để chống phát xít Nhật.
Ngày 10/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa Hội nghị Điền chủ toàn tỉnh Ninh Bình họp bàn việc đẩy mạnh kháng chiến - kiến quốc và đưa ra khẩu hiệu “Nước nhà trên hết, dân tộc trên hết, kháng chiến thắng lợi hơn hết!”.
- Ngày 10/2/1948 là ngày mồng Một Tết Mậu Tý, Bác Hồ động viên cả nước bước vào năm thứ hai của cuộc kháng chiến.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Liên Xô A.Kosygin. Ảnh tư liệu: TASS |
- Ngày 10/2/1965, Bác tham dự lễ ký Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Liên Xô, kết thúc chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Liên Xô A. Kosygin (từ ngày 6 đến ngày 10-2-1965). Đó là thời điểm Mỹ đẩy cuộc Chiến tranh phá hoại lên quy mô ác liệt hơn trước (từ ngày 7-2) và Bản Tuyên bố chung khẳng định cam kết của Liên Xô ủng hộ cuộc chiến đấu của nhân dân ta.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa - Tập 1 – NXB: Chính trị quốc gia - Sự thật 2010).
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Bài nói với cán bộ tỉnh Hà Tây ngày 10/2/1967 và đăng trên Báo Nhân Dân, số 4713, ngày 5/3/1967: “Đảng không phải chỉ cần con số cho nhiều, tuy nhiều là tốt, nhưng phải có cái chất của người đảng viên. Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng: Mình vào Đảng để làm đày tớ cho nhân dân… Làm đày tớ nhân dân chứ không phải làm “quan” nhân dân”.
Đây là lần Bác đến thăm và nói chuyện với Hợp tác xã Tảo Dương, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội), nhằm rút kinh nghiệm làm điểm trong xây dựng hợp tác xã, trong đó có vấn đề về xây dựng tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ.
Lời dạy của Người đề cập đến mối quan hệ giữa số lượng với chất lượng trong xây dựng đảng. Trong đó, Người nhấn mạnh đến cái chất, tức là phẩm chất cách mạng, năng lực công tác, bản lĩnh chính trị và tính tiền phong, gương mẫu của người đảng viên. Do đó, phát triển Đảng phải đặt trọng tâm vào chất lượng, coi trọng chất lượng, lấy chất lượng làm chính, không chạy theo số lượng thuần túy. Mặt khác, Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên trong quan hệ với nhân dân.
Lời dạy của Người có ý nghĩa rất quan trọng, là kim chỉ nam trong công tác xây dựng Đảng, đồng thời là cơ sở để người đảng viên xác định tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với Đảng, với nhân dân, góp phần khắc phục những khuyết điểm đang tồn tại trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.