Thứ hai 25/11/2024 08:18

Ngành Công Thương phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

Là Bộ kinh tế đa ngành, Bộ Công Thương đã bám sát và nghiêm túc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.

Bám sát và nghiêm túc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng

Nhiều năm qua, bảo vệ môi trường luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước ta quan tâm. Nhiều chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường đã được ban hành nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Kể từ khi đổi mới, một hệ thống các quan điểm về bảo vệ môi trường của Đảng ta đã thể hiện sự nhất quán, xuyên suốt. Từ thực tiễn và những vấn đề phát sinh do thực tiễn đặt ra, các nhiệm kỳ Đại hội Đảng thường xuyên tổng kết, bổ sung, hoàn thiện, phát triển các quan điểm về bảo vệ môi trường cho phù hợp với từng bối cảnh phát triển đất nước và thời đại; đồng thời ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về bảo vệ môi trường. Cụ thể: Chỉ thị số 36/1998/CT-TW, ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” được ban hành. Chỉ thị đã nêu lên những quan điểm cơ bản có tính xuyên suốt về sau: “…Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; Bảo vệ môi trường là một nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối, chủ trương và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các cấp, các ngành, là cơ sở quan trọng bảo đảm phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...”.

Xử lý các vấn đề môi trường cấp bách trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại là một trong những nội dung trọng tâm của ngành Công Thương

Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị khóa IX ban hành về bảo vệ môi trường (BVMT) trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xác định “… BVMT là một trong những vấn đề sống còn của nhân loại; là nhân tố bảo đảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống của Nhân dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta...”; “…BVMT vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững, phải được thể hiện trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và từng địa phương. Đầu tư cho BVMT là đầu tư cho phát triển bền vững…”.

Nghị quyết 24-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT, nêu rõ “... Môi trường là vấn đề toàn cầu, BVMT vừa là mục tiêu vừa là một nội dung cơ bản của phát triển bền vững. Tăng cường BVMT phải theo phương châm ứng xử hài hòa với thiên nhiên, theo quy luật tự nhiên, phòng ngừa là chính; kết hợp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; lấy bảo vệ sức khỏe Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Đầu tư cho BVMT là đầu tư cho phát triển bền vững…”.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, Bộ Chính trị chỉ đạo sơ kết và ban hành Kết luận số 56-KL/TW, ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, bổ sung quan điểm rất quan trọng “…không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế…”.

Bên cạnh đó, quan điểm của Đảng về BVMT cũng được thể hiện xuyên suốt qua các kỳ đại hội Đảng. Văn kiện Đại hội lần thứ IX, X, XI, XII, XIII của Đảng cũng đề ra các mục tiêu cụ thể như:

Đại hội XII, Đảng xác định “…ngăn chặn và từng bước khắc phục sự xuống cấp của môi trường tự nhiên do con người, nhất là do các dự án phát triển kinh tế gây ra. Hạn chế, tiến tới khắc phục căn bản tình trạng hủy hoại làm cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất... Hoàn thiện hệ thống pháp luật, ban hành các chế tài đủ mạnh để BVMT, ngăn chặn xử lý theo pháp luật nhằm chấm dứt tình trạng gây ô nhiễm môi trường, tăng cường phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường…”.

Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định quan điểm: “… đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước… bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường…”.

Như vậy, có thể thấy rằng, trong các giai đoạn phát triển của đất nước, về quan điểm, chủ trương, Đảng, Nhà nước ta luôn đặt vấn đề lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của nhân dân làm mục tiêu trong chiến lược phát triển đất nước, đồng thời luôn được bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn.

Là một Bộ kinh tế đa ngành, trong những năm qua, Bộ Công Thương đã bám sát và nghiêm túc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng; các chương trình, đề án, chỉ đạo của Chính phủ về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường phù hợp với các cam kết quốc tế thời kỳ hội nhập, đặc biệt là cam kết giảm khí phát thải bằng 0 vào năm 2050.

Với quan điểm xuyên suốt là thúc đẩy sự phát triển bền vững; thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; từng bước phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch, Đảng ta nhấn mạnh trách nhiệm của tất cả các chủ thể trong bảo vệ môi trường; chú trọng kiểm soát ô nhiễm môi trường; khai thác sử dụng tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngành Công Thương đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc phát triển kinh tế của đất nước. Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại cũng phát sinh nhiều vấn đề về môi trường cần được quan tâm giải quyết.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường

Trong những năm qua, ngành Công Thương đã nỗ lực trong việc xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường, các “điểm nóng” về môi trường và từng bước kiểm soát các nguồn thải.

Bên cạnh việc góp ý cho các bộ, ngành khác hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về công tác bảo vệ môi trường nói chung, Bộ Công Thương đã chủ động xây dựng dự thảo và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương cho từng giai đoạn 5 năm, phù hợp với bối cảnh thực tế phát triển kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ cũng như các cam kết quốc tế thời kỳ hội nhập.

Đánh giá về công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương, một Lãnh đạo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) nhìn nhận, Bộ Công Thương cũng nhận thức rất rõ rằng, để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường của ngành, việc hoàn thiện khung khổ pháp lý có vai trò rất quan trọng, vừa thực hiện hoá chủ trương của Đảng, Nhà nước; vừa phục vụ công tác quản lý; vừa làm cơ sở để các ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân thực hiện.

Chỉ tính từ năm 2020 đến nay, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1375/QĐ-TTg ngày 8/9/2020 phê duyệt Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương giai đoạn 2020-2025. Ngay sau đó, Bộ đã ban hành các văn bản có liên quan như: Thông tư số 41/2020/TT-BCT, ngày 30/11/2020 Quy định về quản lý, vận hành hồ chứa quặng đuôi trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản; Thông tư số 42/2020/TT-BCT, ngày 30/11/2020 Quy định việc khai báo, quản lý và sử dụng cơ sở dữ liệu môi trường ngành Công Thương; Quyết định số 1818/QĐ-BCT, ngày 20/7/2021 về việc ban hành kế hoạch của Bộ Công Thương thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg, ngày 26/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng.

Thời gian qua, ngành Công Thương đã nỗ lực trong việc xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường, các “điểm nóng” về môi trường và từng bước kiểm soát các nguồn thải

Ngày 22/8/2023, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 980/QĐ-TTg ban hành Danh mục cụ thể công nghệ, thiết bị, sản phẩm ngành công nghiệp môi trường. Các chính sách này đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như tăng cường hiệu quả thực thi các nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực Công Thương.

Đồng thời, Bộ Công Thương đã tập trung thực hiện công tác phòng ngừa, kiểm soát, xử lý và loại bỏ các nguồn gây ô nhiễm môi trường, cụ thể: Thực hiện các quy định của Luật bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường, Bộ Công Thương hiện đang rà soát, đánh giá khả năng, nhu cầu tái sử dụng, tái chế chất thải và các quy định, hướng dẫn về tái sử dụng, tái chế chất thải trong một số ngành công nghiệp phát sinh nhiều chất thải.

Đáng chú ý, năm 2021, Bộ Công Thương đã hoàn thành điều tra, đánh giá nguồn phát sinh chất thải của các ngành: Hóa chất - phân bón, thép, nhiệt điện, thuộc da, sơn, giấy, gốm sứ - thủy tinh, nhựa, bia - rượu - nước giải khát. Trong đó, ngành nhiệt điện than phát sinh khoảng 13-14 triệu tấn/năm tro xỉ; ngành hóa chất phát sinh khoảng 0,8-1,2 triệu tấn/năm chất thải rắn công nghiệp; khoảng 10,1 triệu m3/năm nước thải công nghiệp; khoảng 21,8-25,2 tỷ m3/năm khí thải công nghiệp; khoảng 2.000 tấn/năm chất thải nguy hại; ngành giấy phát sinh khoảng 75,9-83,3 nghìn tấn/năm chất thải rắn; 8,5-9,3 triệu m3/năm nước thải; 1,14-1,30 tỷ m3/năm khí thải công nghiệp; 12,9-34,6 nghìn tấn/năm chất thải nguy hại…

Trong năm 2022, Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện công tác thống kê, kiểm soát các nguồn phát sinh chất thải và quản lý chất thải trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đồng thời tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm được giao theo Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương như: “Điều tra, đánh giá hiện trạng sử dụng, phát thải túi ni-lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các chợ, siêu thị và trung tâm thương mại trên địa bàn cả nước”; “Đánh giá nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và xây dựng Đề án quốc gia thiết lập hệ thống thu hồi, xử lý và tái chế tấm pin điện mặt trời thải bỏ”; “Xây dựng chính sách quản lý và tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường ở Việt Nam”.

… và những mục tiêu đề ra

Để quản lý hiệu quả công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương, Bộ Công Thương luôn bám sát và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1375/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương, góp phần cải thiện chất lượng môi trường, phòng ngừa các sự cố, rủi ro môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ngành Công Thương.

Cụ thể, theo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp trong thời gian tới, ngành Công Thương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ như: Phối hợp cùng các bộ/ngành, địa phương và các doanh nghiệp triển khai thực hiện và hoàn thành các mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1375/QĐ-TTg.

Chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm được giao tại Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn Luật. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tiễn trong quá trình triển khai.

Tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu, xây dựng, ban hành hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách, quy định pháp luật liên quan đến hạn chế việc sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học tại chợ, siêu thị và trung tâm thương mại; quản lý, xử lý các tấm quang năng thải, bỏ từ các nhà máy điện mặt trời; tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường...

Rà soát, nghiên cứu xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật hoặc quy định khi sử dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường làm nguyên liệu, vật liệu và tái sử dụng nước thải làm nước đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý theo đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Duy trì, phát triển cơ sở dữ liệu môi trường ngành Công Thương đảm bảo đồng bộ, liên thông với cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia theo quy định. Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đặc thù thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương như quản lý, tiêu thụ tro xỉ, thạch cao; quản lý vận hành các hồ chứa quặng đuôi trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản...

Xác định truyền thông có vai trò quan trọng trong việc lan toả thông điệp về bảo vệ môi trường, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và tập huấn các chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường cho các đơn vị (Sở Công Thương địa phương, tập đoàn/tổng công ty/doanh nghiệp ngành Công Thương) để tăng cường hiệu quả quản lý trong lĩnh vực bảo vệ môi trường...

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, với quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị, trong đó có Bộ Công Thương đã luôn quán triệt phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường phù hợp với các cam kết quốc tế thời kỳ hội nhập, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại của đất nước nhanh và bền vững.

Để quản lý hiệu quả công tác bảo vệ môi trường của ngành, Bộ Công Thương luôn bám sát và thực hiện các mục tiêu của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1375/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương, góp phần cải thiện chất lượng môi trường, phòng ngừa các sự cố, rủi ro môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ngành Công Thương.

Thanh Bình
Bài viết cùng chủ đề: Bộ Công Thương

Tin cùng chuyên mục

Chuyển đổi số với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Vùng 3 Hải quân bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo

Tinh gọn bộ máy: Không chờ hoàn chỉnh rồi mới hoàn thiện

Thắng 'giặc nội xâm' để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Không thể phủ nhận giá trị vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc: Kỳ 3: Khát vọng hùng cường, thịnh vượng

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc: Kỳ 2: Khai mở dư địa tiềm năng

“Đúng - Trúng - Hay” trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 5: Diễn đàn dân chủ

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc

“Đúng - Trúng - Hay” trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 4: Chi bộ tiên phong

''Đúng - Trúng - Hay'' trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 3: ''Thành quả'' thiết thực từ sinh hoạt chuyên đề

Bài 2: Tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Đúng - Trúng - Hay”

“Đúng - Trúng - Hay” trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 1: Nâng “chất” sinh hoạt chi bộ hàng tháng

Đường Hồ Chí Minh trên biển: Kỳ tích làm nên huyền thoại

Cảnh giác trên ‘chiến trường thông tin’, tăng giá điện bị đẩy thành ‘vũ khí’ chống phá

Thường xuyên thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như 'rửa mặt hàng ngày'

Đào tạo, phát triển cán bộ trẻ - lực lượng nòng cốt trong công tác xây dựng Đảng

Bảo vệ nền tảng tư tưởng hướng tới mục tiêu 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng

Báo Công Thương đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Đảng bộ Trường Đại học Điện lực chủ động đổi mới, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kép