Không thể xuyên tạc Cuốn sách của Tổng Bí thư về chống tham nhũng, tiêu cực
Khi cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” (Cuốn sách về chống tham nhũng, tiêu cực) của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được xuất bản; và nhất là khi các cơ quan, địa phương, đơn vị tổ chức tọa đàm và triển khai quán triệt những nội dung cốt lõi của Cuốn sách này, trên mạng xã hội xuất hiện không ít các luận điệu xuyên tạc, phản động.
Đó là những ý kiến bẻ cong sự thật về việc xuất bản này là “nhằm đánh bóng tên tuổi của Tổng Bí thư”, vì “cuốn sách không hề có ý nghĩa gì ngoài việc mang tính mị hoặc quần chúng nhân dân”; “phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam mãi chỉ là khẩu hiệu, hình thức” và “sẽ là một thất bại trong quản trị quốc gia, khi pháp luật được đứng sau các quan điểm chưa được kiểm chứng của một cá nhân” hay đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam “không thể thành công nếu không thay đổi thể chế chính trị, chấp nhận đa nguyên, đa đảng”...
Từ những giá trị không thể phủ nhận về ý nghĩa lý luận và thực tiễn của Cuốn sách của Tổng Bí thư, cần phải khẳng định rằng:
Cuôn sách là một cẩm nang quý báu về phòng, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực
Cuốn sách về chống tham nhũng, tiêu cực ra mắt bạn đọc đúng vào dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Sách được kết cấu làm 3 phần, với hơn 600 trang và gần 100 bức ảnh, trong đó có những bức ảnh lần đầu tiên được công bố. Cụ thể, Phần thứ nhất: “Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam”, gồm bài viết tổng quan; 4 bài phát biểu kết luận tại các Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các năm 2014, 2018, 2020, 2022 và trích kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại 36 phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo từ năm 2013 đến năm 2022. Phần thứ hai: “Nhất quán phương châm: Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm từ xa, cả ngọn lẫn gốc”,gồm 22 bài viết, bài phát biểu được tuyển chọn từ hơn 500 bài viết, bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và về việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Phần thứ ba: “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, tuyển chọn 97 trên tổng số hàng vạn ý kiến của các tầng lớp nhân dân, đại biểu Quốc hội và của chính khách, học giả nước ngoài bày tỏ sự tin tưởng, ủng hộ, đánh giá cao đối với công tác phòng và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư.
Không chỉ thể hiện rõ tư duy lý luận, nhận thức ngày càng sâu sắc của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác phòng, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà Cuốn sách về chống tham nhũng, tiêu cực còn tiếp tục khẳng định sự quan tâm sâu sắc, quyết tâm của Tổng Bí thư đối với những nhiệm vụ trọng yếu của Đảng để xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với vai trò tiền phong! Theo đó, quan điểm, tư tưởng nhất quán và xuyên suốt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Cuốn sách về chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ thêm một lần khẳng định rằng:
Thứ nhất, tham nhũng gắn liền với quyền lực và là vấn nạn của mọi quốc gia; ở đâu có quyền lực thì ở đó tất yếu đã, đang và sẽ có tham nhũng hoành hành, dù đó là thể chế chính trị nào, mà còn cho thấy phòng và chống tham nhũng là “một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và kẻ địch là tệ tham ô, lãng phí, quan liêu”, nên cần phải được tiến hành thường xuyên, kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, nhằm mục đích xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh…
Thứ hai, chú trọng, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh phòng, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là “một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược”. Trong phòng và đấu tranh chống tham nhũng, thì “Trung ương không bao giờ nhụt chí”, “nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm” và “việc xử lý cán bộ có sai phạm, trước nói đánh từ vai đánh xuống, nhưng giờ đánh từ trên đầu nhiều hơn”.
Thứ ba, đấu tranh chống tham nhũng phải thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ… “Khi phát hiện sai phạm thì phải xử lý kiên quyết, nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng, kỷ luật hành chính của Nhà nước, kỷ luật của đoàn thể và xử lý hình sự, không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”…
Thứ tư, nêu cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tính tiên phong, gương mẫu của tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên trong công tác phòng, đấu tranh chống tham nhũng. Đồng thời, “chú trọng cả phòng và chống, với tinh thần kiên quyết, kiên trì, liên tục, đúng pháp luật, nhằm tạo chuyển biến rõ rệt hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, củng cố niềm tin của nhân dân”…
Thứ năm, việc mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị phải nỗ lực rèn luyện về đạo đức, lối sống và phòng, chống sự "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ/chống và quét sạch chủ nghĩa cá nhân - “giặc nội xâm” cần phải được chú trọng phòng ngừa từ sớm, từ xa và tiếp tục được triển khai nghiêm túc từ Trung ương đến địa phương… là cần thiết, không thể sao lãng.
Thứ sáu, các cơ quan chức năng cần “phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám” tham nhũng, tiêu cực; xây dựng văn hóa liêm chính để “không muốn” tham nhũng, tiêu cực; và một cơ chế bảo đảm để “không cần” tham nhũng, tiêu cực”
đồng thời phải “tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, qua đó cảnh tỉnh, răn đe để không ai dám tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng” để phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng hiệu quả.
Thứ bảy, đặc biệt, mỗi cấp ủy, mỗi tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên vừa phải chủ động phòng và đấu tranh chống tham nhũng “vừa phải cảnh giác, đấu tranh với những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta” như Tổng Bí thư đã nhấn mạnh…
Vì thế, Cuốn sách không chỉ thực sự là “cẩm nang quý báu” với mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên trong quá trình tu dưỡng, rèn luyện để tự soi, tự sửa mình, để “cảnh giác trước mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài, tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ”, mà còn thực sự góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, để xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc, phủ nhận giá trị của cuốn sách
Thực tế cho thấy, không phải ngẫu nhiên quyết tâm của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam về sự kiên quyết, kiên trì, không khoan nhượng, không ngừng, không nghỉ trong cuộc đấu tranh đầy cam go, thử thách để chống vấn nạn tham nhũng, tiêu cực, nhất là yêu cầu “phải xây dựng các quy chế quản lý nội bộ của Đảng; các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, liêm chính, gương mẫu đi đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” trong Cuốn sách về chống tham nhũng, tiêu cực lại nhận được sự đồng tình, ủng hộ, cổ vũ của các chính khách, học giả, đại biểu Quốc hội, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân như vậy. Bởi rằng, nói như Tổng Bí thư thì “đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, thành xu thế không thể đảo ngược, được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân đánh giá cao, bạn bè quốc tế ghi nhận”; đồng thời, khẳng định sự quyết liệt nhưng cũng đầy tính nhân văn trong phòng và đấu tranh chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Tổng Bí thư.
Sự ra đời và được đón nhận của Cuốn sách về chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là một minh chứng thể hiện sự nhất quán, kiên định, phát triển sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng Cộng sản Việt Nam, của người đứng đầu Đảng về xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh nói chung, về phòng và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng cùng những giải pháp hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng hiệu quả; trong đó nhấn mạnh mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải gương mẫu rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư để “tránh tình trạng: “Chân mình còn lấm bê bê/Lại cầm bó đuốc đi rê chân người”; “Thượng bất chính, hạ tắc loạn!”; “Cấp trên ở chẳng chính ngôi/Cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào!”, mà còn cho thấy sự quy chụp hồ đồ của các phần tử bất mãn, của các thế lực thù địch rằng “phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam mãi chỉ là khẩu hiệu, hình thức” và cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam “không thể thành công nếu không thay đổi thể chế chính trị, chấp nhận đa nguyên, đa đảng” chỉ là chiêu trò, thâm độc nhằm chống phá Đảng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, hướng đến đòi đa nguyên, đa đảng đối lập…
Những trăn trở, tâm huyết, quyết tâm cũng như những gợi mở, định hướng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về phòng, đấu tranh chống tham nhũng gắn với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong Cuốn sách về chống tham nhũng, tiêu cực như “gắn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”[11] và nhất là việc cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị phải chú trong gương mẫu trong thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"” càng làm sinh động hơn, rõ nét hơn những nội dung trong Thông báo Kết luận số 12-KL/TW ngày 6/4/2022 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” (Thông báo Kết luận 12), chứ không hề trái trái với Điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng; lại càng không trái với luật pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cụ thể, việc “gắn bó chặt chẽ phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức”, “không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống”; “khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; các quy định và chế tài xử lý đối với tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực”… trong Thông báo Kết luận 12 gắn liền với việc thực thi Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018, để phòng và chống tham nhũng ngày càng hiệu quả, chứ không phải việc xuất bản, quán triệt nội dung Cuốn sách này là thay thế cho luật pháp, đứng trên luật pháp như xuyên tạc.
Có một sự thật cũng cần phải khẳng định là sự trăn trở, tâm huyết và quyết tâm của Tổng Bí thư về phòng và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực hiển hiện trong Cuốn sách đã tạo nên sự hấp dẫn, đón nhận của bạn đọc cũng như sự lan tỏa ngày càng sâu rộng trong hệ thống chính trị, trong xã hội. Đồng thời, “mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước. Đây là cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, không phải là cuộc đấu giữa các “phe cánh” hay “đấu đá nội bộ”, như có người không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc với động cơ sai, dụng ý xấu”, chứ đó không phải là sự dàn xếp, tranh giành quyền lực hay thanh trừng phe phái trong Đảng.
Thực tế, giá trị của Cuốn sách về chống tham nhũng, tiêu cực là không thể phủ nhận. Những giá trị cốt lõi cũng như những bài học kinh nghiệm thể hiện trong Cuốn sách về chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, mà còn cho thấy những trăn trở, tâm huyết và tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về công cuộc phòng, đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam không phải là “chưa được kiểm chứng”, càng không nhằm mục đích “lấn sân luật pháp” như các thế lực thù địch xuyên tạc, bịa đặt để bôi nhọ người lãnh đạo cao nhất của Đảng./.