HRW lại xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền của Việt Nam
Đây không phải là lần đầu tiên Tổ chức giám sát nhân quyền – Human Rights Watch (HRW) tuyên truyền những thông tin, nhận định, đánh giá sai lệch về tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam. Hành động của HRW thể hiện rõ cái nhìn thiếu thiện cảm, thiếu khách quan đối với chế độ, Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) không phải là cái tên xa lạ tại Việt Nam. Trong những năm qua, tổ chức này thường xuyên đưa ra những bản “báo cáo”, “phúc trình”, “thông cáo”, “tờ trình” v.v… với các nội dung sai lệch về vấn đề dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam. Ngay trên website của mình, HRW trắng trợn đưa ra những nhận định sai trái như: “Hồ sơ nhân quyền của Việt Nam vẫn còn tồi tệ trong hầu hết các lĩnh vực”, “các quyền cơ bản bị hạn chế nghiêm trọng, bao gồm quyền tự do ngôn luận và truyền thông, hội họp công khai, lập hội, lương tâm và tôn giáo”, “các nhà hoạt động nhân quyền phải đối mặt với sự đe doạ, quấy rối, hạn chế đi lại, bắt giữ tuỳ tiện” v.v…
Bộ mặt thật của HRW
Có tiền thân là tổ chức Helsinki Watch (một tổ chức do Robert L.Bernstein thành lập năm 1978 để “giám sát” Liên Xô), năm 1988, Helsinki Watch hợp nhất với một số tổ chức quốc tế khác và đổi tên thành Tổ chức Theo dõi nhân quyền - Human Rights Watch (HRW). Hiện tại, HRW có trụ sở đặt tại New York, Hoa Kỳ. Dù tuyên bố mục đích hoạt động là để bảo vệ và thúc đẩy các giá trị dân chủ, nhân quyền trên toàn thế giới. Tuy nhiên, những gì HRW đang thực hiện lại đi ngược hoàn toàn với mục đích được đưa ra. Không chỉ riêng Việt Nam, HRW cũng có những đánh giá sai lệch về tình hình dân chủ, nhân quyền của nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Với Việt Nam, không khó để nhận thấy HRW luôn giữ một thái độ hằn học, thiếu thiện cảm. Núp dưới vỏ bọc “dân chủ”, “nhân quyền” HRW đã tiến hành trợ sức, tung hô, phô trương thanh thế cho các “con rối dân chủ”, “nhà bất đồng chính kiến”, “nhà đấu tranh” trong nước như Lê Văn Dũng, Lê Mạnh Hà, Đinh Văn Hải, Bùi Văn Thuận, Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm, Trương Văn Dũng, và Nguyễn Lân Thắng. Đồng thời, HRW của là đạo diễn của cái gọi là “giải thưởng nhân quyền Hellman/Hammet” để trao cho những kẻ có “thành tích” chống phá đất nước gồm Huỳnh Thục Vy, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Bắc Truyển v.v…
Những gì mà HRW đang thực hiện cho thấy đây chỉ là một “con rối” được các thế lực thù địch sử dụng để phục vụ mục đích chính trị, tiến hành “diễn biến hoà bình” tại Việt Nam. Trong đó, phương châm của chúng là: Lấy chống phá về chính trị, tư tưởng là khâu đột phá; lấy mua chuộc về kinh tế làm mũi nhọn; lợi dụng vấn đề nhân quyền, dân tộc, tôn giáo làm ngòi nổ; dùng ngoại giao để hỗ trợ, hậu thuẫn. Đích đến cuối cùng của HRW chẳng phải là thúc đẩy các giá trị dân chủ, nhân quyền mà chỉ là gây bất ổn xã hội, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đưa Việt Nam đi vào quỹ đạo lệ thuộc, dần dần lật đổ chế độ chính trị hiện tại, đưa xã hội chuyển hướng sang con đường “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập”.
Không thể xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam
Trong bản thông cáo “Australia: Hãy gây sức ép với Việt Nam về hồ sơ nhân quyền yếu kém” mới được tung ra, HRW tiếp tục “nhai lại” những luận điệu vô căn cứ như: “Trong năm qua, chính quyền Việt Nam đàn áp mạnh tay hơn đối với các nhà hoạt động NGO”, “việc thiết yếu đối với Australia là gây sức ép về phóng thích tù nhân chính trị”, “Chính phủ Australia cũng cần kêu gọi Việt Nam sửa đổi hoặc hủy bỏ các điều 109, 116, 117, 118 và 331 của bộ luật hình sự, thường được chính quyền Việt Nam sử dụng để đàn áp các tiếng nói bất đồng chính kiến” v.v… Đây rõ ràng là những thông tin phiến diện, phi lý, xuyên tạc sự thật. Đằng sau những luận điệu này là mục đích bôi nhọ, hạ bệ uy tín, hình ảnh của Việt Nam đối với bạn bè thế giới, chia rẽ mối quan hệ tích cực mà Việt Nam và Australia đã thiết lập và đang củng cố.
Dân chủ, nhân quyền luôn được Đảng, Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo đảm. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tham gia 7/9 Công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người. Dù đất nước còn gặp không ít khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn cố gắng, nỗ lực để hoàn thành các cam kết quốc của mình. Đến nay, nước ta đã hoàn thành các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, trong đó có nhiều mục tiêu về giảm nghèo, y tế, giáo dục hoàn thành trước thời hạn.
Những gì mà Việt Nam đạt được đã nhận được sự đánh giá cao từ bạn bè quốc tế và bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên Báo VOV, ông Gérard Daviot, nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp-Việt (AAFV), đã đánh giá: “Việc Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc đối với tôi là hết sức bình thường và chính đáng vì đó là cả một chặng đường đã được Việt Nam vạch ra và thực hiện thành công. Việt Nam đang đi trên con đường đúng đắn. Bản thân tôi tự coi mình như một công dân thế giới và tôi đánh giá rất cao con đường mà Việt Nam đã đi qua, một con đường hoàn toàn hợp lý, vinh danh những nhà lãnh đạo và nhân dân Việt Nam. Đó là một sự công nhận của quốc tế. Giờ đây Việt Nam được bầu vào Hội đồng nhân quyền, cần phải nhìn nhận rằng, đó là một sự công nhận của toàn thế giới. Tôi xin chúc mừng các nhà lãnh đạo và nhân dân Việt Nam vì đã trở thành một trong những quốc gia được thế giới vinh danh về nhân quyền”.
Phát triển con người luôn là chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Tại Đại hội XIII, Đảng cộng sản Việt Nam đã khẳng định quan điểm: Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ. Hiện nay, Đảng, Nhà nước Việt Nam đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy sự phát triển con người một cách toàn diện nhằm đưa con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Ở một khía cạnh khác, pháp luật là nghiêm minh và bình đẳng. Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam luôn tôn trọng vào bảo đảm các quyền con người. Tuy nhiên, mỗi công dân cũng phải chấp hành nghiêm chỉnh nghĩa vụ của bản thân đối với Nhà nước và xã hội. Không chỉ riêng Việt Nam mà ở tất cả các quốc gia trên thế giới đều không thể chấp nhận những thứ dân chủ quá trớn, “dân chủ cao hơn chủ quyền”.
Vì vậy, mọi hành vi lợi dụng quyền tự do, dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của cá nhân và của cộng đồng đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định. Tại Việt Nam, không có cái gọi là “đàn áp người bất đồng chính kiến”. Tất cả những người được HRW khoác lên mình tấm áo “nhà đấu tranh”, “nhà hoạt động” như kể trên thực tế đều là những người có hành vi vi phạm pháp luật và đã bị xử lý theo đúng quy định.