Thứ tư 20/11/2024 20:27

Chiêu trò xuyên tạc, chống phá qua các vụ án "chuyến bay giải cứu" và kit test Việt Á: Bổn cũ soạn lại

Khi Việt Nam đưa vụ “chuyến bay giải cứu” ra xét xử, các thế lực thù địch đã sử dụng các thủ đoạn quy chụp, vu cáo để phủ nhận thành tích chống dịch Covid-19.

Có thể nói, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta luôn "được" các thế lực thù địch quan tâm để chống phá, xuyên tạc với những luận điệu lặp đi, lặp lại từ trước đến nay. Có thể kể đến như: “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng được vì Đảng cũng tham nhũng, suy thoái” hay là “xã hội Việt Nam thiếu dân chủ nên không thể chống tham nhũng”… Để minh họa cho những luận điệu này, các thế lực thù địch cố tình bao biện rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhiều lần phát động chống tham nhũng nhưng chẳng bao giờ thành công, càng chống lại càng gia tăng”. Những kiểu "lập lờ đánh lận con đen" này nhằm mục tiêu gieo rắc tâm lý hoài nghi, dao động, mất niềm tin của Nhân dân vào Đảng, vào chế độ.

Những vụ án tham nhũng đều được xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật

Đặc biệt trong thời gian gần đây, khi Việt Nam đưa vụ “chuyến bay giải cứu” ra xét xử, trong đó có nhiều cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp bị truy tố về các tội “đưa hối lộ”, “nhận hối lộ”, “môi giới hối lộ”, “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân”… Các thế lực thù địch đã nhân cơ hội để sử dụng các thủ đoạn quy chụp, vu cáo… nhằm thực hiện đến cùng dã tâm mượn phiên xét xử “chuyến bay giải cứu” để một mặt phủ định sạch trơn thành quả chống dịch Covid-19 của Đảng, Chính phủ và Nhân dân ta, một mặt mưu toan khoét sâu, kích động tâm lý dư luận hòng nhào nặn sự việc theo ý đồ đen tối của chúng.

Cần khẳng định rằng, tham nhũng là vấn nạn mang tính toàn cầu, xuất hiện và tồn tại hầu hết các nước trên thế giới, không phụ thuộc vào thể chế chính trị nào. Trong hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam, nước ta đang trong giai đoạn xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn chuyển mình quan trọng đó, khó tránh khỏi việc nảy sinh những hạn chế, tiêu cực, trong đó nhức nhối nhất hiện nay vẫn là tệ tham nhũng, tiêu cực. Ý thức được vấn đề này, thời gian qua Đảng ta đã đề ra nhiều quan điểm, chủ trương quan trọng, then chốt thể hiện rõ quyết tâm đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, của hệ thống chính trị. Với quan điểm đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, những năm qua, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, xã hội quan tâm đã được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, có tác dụng cảnh báo, răn đe, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và trong bộ máy nhà nước.

Nhìn lại từ cuộc chiến đấu với đại dịch Covid-19, có thể thấy năm 2020, kinh tếchịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng GDP vẫn tăng trưởng gần 3%, là một trong những nước hiếm hoi có tăng trưởng dương trong khu vực và trên thế giới. Năm 2021 là năm kinh tế trong nước gặp phải khó khăn chưa từng có do đại dịch Covid-19 đã trực tiếp tác động tới mọi mặt của nền kinh tế. Thiệt hại kinh tế có thể tính từ năm 2020 và nếu tính cả 2 năm (2020 - 2021) lên tới 847 nghìn tỷ đồng, tương đương 37 tỷ USD. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,58% - đây là một thành công lớn trong bối cảnh đại dịch Covid-19. GDP năm 2022 của Việt Nam tăng 8,02% so với năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 – 2022 do nền kinh tế khôi phục trở lại.

Có được những thành quả này là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Đảng, sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời của Chính phủ để hiện thực hóa những chủ trương, đường lối của Đảng ở thời điểm “chống dịch như chống giặc” thành những bước đi, chiến lược cụ thể ở từng giai đoạn.

Thành công trong giai đoạn chống dịch Covid-19 của Việt Nam song song với giữ ổn định và phát triển kinh tế đã được thế giới ghi nhận, đặc biệt là được thể hiện qua các con số tăng trưởng kinh tế nêu ở trên. Thế nhưng, với thái độ thù nghịch, chia rẽ, kích động, các thế lực thù địch luôn vin vào một vài “mảnh ghép đen” trong bức tranh chống dịch đi cùng giữ ổn định kinh tế của Việt Nam như vụ “chuyến bay giải cứu”, kít xét nghiệm Việt Á để phủ nhận thành quả to lớn của công cuộc chống dịch của Đảng, Nhà nước và toàn dân ta, coi mọi việc chỉ để tham nhũng; các đối tượng rêu rao rằng, tham nhũng ở Việt Nam hiện đã trở thành “hệ thống”, bản chất và muốn chống không còn cách nào khác phải thay đổi cơ chế, phải “xóa bỏ chế độ”!.

Thẳng thắn nhìn nhận rằng, có những thời điểm, ở một vài địa phương, chúng ta còn lúng túng trong chống dịch; thiệt hại và ảnh hưởng tới xã hội cũng có nhưng không kéo dài nhờ sự chuyển hướng kịp thời, linh hoạt của hệ thống chính trị; các sai phạm trong quá trình chống dịch bị xử lý quyết liệt, không có vùng cấm. Những bản án nghiêm minh đã được tuyên, những sai phạm vẫn tiếp tục được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ đảm bảo đúng người, đúng tội, giữ nghiêm kỷ cương phép nước.

Cũng cần phải nói thêm, hành vi trục lợi từ đại dịch Covid-19 không phải chỉ có ở Việt Nam như các thế lực thù địch rêu rao mà ở nhiều nước trên thế giới cũng xảy ra hiện tượng này. Đơn cử, theo báo The Guardian ngày 3/5/2022, Hãng dược Pfizer (Mỹ) đã kiếm gần 26 tỉ USD trong 3 tháng đầu năm, phần lớn từ vắc xin COVID-19 và thuốc trị COVID-19. Điều này đã dẫn đến việc Pfizer bị cáo buộc trục lợi từ đại dịch. Hay mới đây nhất, ngày 23/8, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết đã tịch thu hơn 1,4 tỷ USD bị chiếm đoạt từ quỹ hỗ trợ đại dịch Covid-19, đồng thời buộc tội hơn 3.000 bị can trên cả nước. Bộ Tư pháp Mỹ thông báo kết quả đợt thực thi pháp luật mới nhất trên toàn quốc nhằm chống tội phạm gian lận liên quan đến đại dịch Covid-19, trong đó nhà chức trách liên bang đã đưa ra các cáo buộc hình sự đối với 371 bị cáo liên quan đến việc gian lận hơn 836 triệu USD.

Mỹ đang điều tra nhiều vụ gian lận liên quan đến các chương trình hỗ trợ của chính phủ. Tháng 5/2021, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ - Garland đã lập một lực lượng đặc nhiệm xử lý gian lận trong đại dịch Covid-19.

Tháng 9/2022, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho biết các đối tượng đã chiếm đoạt khoảng 45,6 tỷ USD từ chương trình bảo hiểm thất nghiệp trong thời kỳ dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng thông qua việc sử dụng hàng trăm nghìn mã số an sinh xã hội của những người đã qua đời hoặc những người không đủ điều kiện để nhận tiền hỗ trợ. Cũng vào thời gian trên, các công tố viên liên bang đã truy tố hàng chục đối tượng với cáo buộc đánh cắp 250 triệu USD từ một chương trình hỗ trợ lương thực cho trẻ em trong đại dịch Covid-19.

Những dẫn chứng nêu trên không phải để biện hộ cho cái sai của Việt Á, hay vụ “chuyến bay giải cứu”, vốn được xem là vết đen ám ảnh trong tổng thể thành quả chống dịch đầy tự hào của Việt Nam, mà để thêm một minh chứng về sự nói lấy được của các luận điệu xuyên tạc, vu cáo.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã thể hiện quyết tâm không khoan nhượng với các hành vi tiêu cực, tham nhũng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định: "Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào".

Trong một thế giới mở và phẳng như hiện nay, những thông tin xấu, độc được cắt ghép tinh vi, xuyên tạc trắng trợn dễ khiến người đọc bị “nhiễu”, thiếu kiểm chứng và dẫn đến có những suy nghĩ, quan điểm sai lệch. Vì thế, cần chắt lọc thông tin, nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc để đập tan âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, đấu tranh phản bác những âm mưu, thủ đoạn vu cáo, bịa đặt hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, cố tình phủ nhận những thành quả cách mạng mà Đảng và Nhân dân ta đã đạt được.

Linh Anh

Tin cùng chuyên mục

Vùng 3 Hải quân bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo

Tinh gọn bộ máy: Không chờ hoàn chỉnh rồi mới hoàn thiện

Thắng 'giặc nội xâm' để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Không thể phủ nhận giá trị vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc: Kỳ 3: Khát vọng hùng cường, thịnh vượng

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc: Kỳ 2: Khai mở dư địa tiềm năng

“Đúng - Trúng - Hay” trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 5: Diễn đàn dân chủ

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc

“Đúng - Trúng - Hay” trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 4: Chi bộ tiên phong

''Đúng - Trúng - Hay'' trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 3: ''Thành quả'' thiết thực từ sinh hoạt chuyên đề

Bài 2: Tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Đúng - Trúng - Hay”

“Đúng - Trúng - Hay” trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 1: Nâng “chất” sinh hoạt chi bộ hàng tháng

Đường Hồ Chí Minh trên biển: Kỳ tích làm nên huyền thoại

Cảnh giác trên ‘chiến trường thông tin’, tăng giá điện bị đẩy thành ‘vũ khí’ chống phá

Thường xuyên thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như 'rửa mặt hàng ngày'

Đào tạo, phát triển cán bộ trẻ - lực lượng nòng cốt trong công tác xây dựng Đảng

Bảo vệ nền tảng tư tưởng hướng tới mục tiêu 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng

Báo Công Thương đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Đảng bộ Trường Đại học Điện lực chủ động đổi mới, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kép

Kỳ 2: Nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp khắc phục căn bệnh “sợ trách nhiệm”