Thứ hai 25/11/2024 05:31
Chấn chỉnh những sai lệch để Phật giáo tốt đời đẹp đạo:

Bài 2: Họ xa rời Phật pháp chân chính, trái đời ngược đạo

Thay vì hướng tới việc xiển dương chính pháp, một số chư tôn tịnh đức đã lạc lối vào việc truyền bá các hành vi mê tín, thương mại hóa các nghi lễ tôn giáo.

Thời gian gần đây, dư luận bức xúc trước vấn nạn nhiều vị tu sĩ – giảng sư giảng sai kinh điển, phát ngôn tùy tiện trên mạng xã hội, dẫn dụ luật nhân quả theo tư ý gây hoang mang xã hội, dẫn dắt quần chúng tín đồ theo hướng không phù hợp với chính pháp, cũng như chủ trương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thậm chí, không ít vị tu sĩ đã lạc lối vào việc truyền bá các hành vi mê tín, thương mại hóa các nghi lễ tôn giáo, mê hoặc tâm trí phật tử vào các nghi lễ cúng dường không có cơ sở...

Phật pháp nguyên thủy không có thương mại hoá

Trong thời đại công nghệ số, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok… trở thành nơi chia sẻ và lan truyền những nội dung pháp thoại từ các giảng sư nổi tiếng, được nhiều phật tử mến mộ. Tuy nhiên, bên cạnh những bài giảng pháp là chân chính, đúng với tinh thần Phật dạy như: Vô thường, khổ, không, vô ngã, nhân duyên, nhân quả, nghiệp báo… thì cũng có một số bài giảng về cúng dường và bố thí gây ra nhiều tranh luận và suy ngẫm.

Một vị đại đức trong một bài giảng trước hàng ngàn thính chúng đã lớn tiếng khẳng định: “Nhà càng nghèo càng phải cúng dường để thoát nghèo”, và “bản thân các thánh tăng vẫn phải động viên các gia đình nghèo khó càng phải cúng dường...". Thậm chí, vị này còn nói rằng “việc cúng tiền là theo yêu cầu của... vong”, làm dấy lên những ý kiến trái chiều trong dư luận.

Hay, một vị thượng tọa khác được hàng triệu phật tử tung hô đã giảng giải rằng: “Cúng dường càng kín đáo càng được nhiều phước. Nếu ta cúng dường 500 triệu đồng kiếp này thì kiếp sau ta được hưởng 500 tỷ đồng, nhân quả là rất lớn...” và “cúng nhà cho chùa rồi ra chòi ở...”.

Thậm chí, có vị đại đức còn nhấn mạnh: “Khi cúng dường, không cúng thì thôi mà đã cúng thì cúng đồ ngon” và đặt câu hỏi “thầy chùa chẳng lẽ không biết ăn ngon?”.

Đại đức Nhuận Đức bị cấm thuyết giảng vô thời hạn, dưới mọi hình thức vì những lời, thái độ khiếm nhã. Ảnh: GNO

Những phát ngôn này đã làm bùng nổ phản ứng khác nhau trong cộng đồng. Với phật tử và những người yêu mến đạo Phật, cúng dường và bố thí là những việc làm thường ngày nhằm tích tụ phúc đức. Lễ phẩm dâng cúng không cần phải cầu kỳ hay đắt đỏ, thông thường là hương, đèn, hoa, trái, trà, bánh... Quan trọng nhất là tấm lòng thành tín, cung kính dâng lên Đức Phật, giúp con người thoát khỏi tham, sân, si, tiến gần hơn đến giác ngộ.

Kinh Trường A-hàm kể lại câu chuyện khi Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt cùng với hàng ngàn chúng đại Tỳ-kheo. Bấy giờ, Thế Tôn vào thành Câu-thi, đi về phía bản sanh xứ, giữa khu rừng song thọ của dòng họ Mạt-la và bảo A-nan:

- Ngươi hãy sửa chỗ ở giữa cây song thọ cho ta nằm, đầu xây hướng Bắc, mặt xây hướng Tây. Sở dĩ như thế, vì giáo pháp của ta sẽ lưu truyền lâu dài ở phương Bắc.

A-nan đáp: Vâng! Rồi dọn chỗ, cho đầu xây về phương Bắc. Thế Tôn tự mình lấy y Tăng-già-lê gấp làm tư, đắp lên mình, nằm nghiêng hông tay mặt như sư tử chúa, hai chân chồng lên nhau. Lúc đó giữa đám cây song thọ có các quỷ thần vốn dốc lòng tin Phật, lấy các thứ hoa sái mùa rải khắp mặt đất. Phật bảo A-nan rằng:

- Vị thần cây song thọ ấy lấy hoa sái mùa cúng dường cho ta như thế, chưa phải cúng dường Như Lai.

A-nan thưa: Sao mới là cúng dường Như Lai?

Phật dạy:

- Người nào biết lãnh thọ và thực hành đúng chính pháp, mới là người cúng dường Như Lai".

Kể lại câu chuyện để thấy, theo Đức Phật, lễ phẩm cúng dường cao cả nhất đó là “biết lãnh thọ và thực hành đúng chính pháp”. Đời sống có vô số lễ vật dâng cúng Như Lai, có hằng sa pháp lành sinh phước, nhưng tất cả đều không tốt bằng học và tu theo chính pháp.

Trong kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật cũng dạy rằng: “Giả sử cúng dường hằng sa thánh. Không bằng kiên dõng cầu chánh giác”. Nghĩa là, giả sử có người đem của báu cúng dường chư Phật nhiều bằng số cát của sông Hằng, thì phúc đức cũng không bằng người này tự cầu đạo và giải thoát cho chính mình. Đức Phật ra đời là để độ tâm, độ tính của chúng sinh, chỉ lo cúng dường, bố thí sẽ chỉ giải quyết phần hiện tượng bề ngoài.

Giáo lý nhà Phật luôn nhấn mạnh mục tiêu chính của việc tu tập là sự giải thoát của mỗi cá nhân, chứ không phải là những hành động mang tính hiện tượng. Đức Phật đã từ bỏ cung vàng điện ngọc để tìm ngọn nguồn khổ đau và giúp nhân loại giải thoát. Mỗi người tu hành theo giáo lý nhà Phật cũng chỉ có ba bộ áo và một bình bát để đựng đồ khất thực. Trong Tỳ-kheo giới bổn, người tu hành thậm chí không được đếm tiền hay sở hữu tài sản. Đức Phật từng nói với các Tỳ kheo: “Không nên cất giữ vàng bạc. Nếu có ai nói nên cất giữ, thì đó là phỉ báng ta, không thật, không đúng pháp, không tùy thuận, là lời nghị luận trái với phép tắc hiện tại. Được cất giữ vàng bạc thì cũng được duy trì ngũ dục. Không được cất giữ vàng bạc. Ta không có lý do gì được phép cất giữ vàng bạc”.

Vậy vì sao lại có sự hiểu sai và thực hành lệch lạc của nhiều tu sĩ về bố thí, cúng dường? Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân của hiện tượng này bắt nguồn từ sự thay đổi địa vị trong xã hội và áp lực về kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, nhu cầu tài chính để duy trì các cơ sở tôn giáo và hoạt động từ thiện ngày càng tăng. Điều này khiến một số tu sĩ chọn cách thương mại hóa các nghi lễ tôn giáo để thu hút sự ủng hộ về mặt tài chính từ phật tử.

Thứ nữa, sự thiếu hiểu biết và lòng tham của một số tu sĩ đã dẫn đến việc lạm dụng quyền lực tâm linh để trục lợi cá nhân. Không ít tu sĩ cho rằng việc khuyến khích phật tử cúng dường nhiều tiền có thể mang lại lợi ích cho chùa của mình, dẫn đến có thể dễ dàng bỏ qua các nguyên tắc đạo đức và giáo lý cơ bản của nhà Phật.

Bên cạnh đó, nhiều người thiếu hiểu biết về giáo lý Phật giáo, dễ bị mê hoặc bởi những lời hứa hẹn về phúc đức và may mắn nếu cúng dường nhiều tiền. Sự mê tín và tâm lý tìm kiếm sự bảo hộ từ các nghi lễ tôn giáo khiến họ dễ dàng trở thành đối tượng bị lợi dụng. Ngoài ra, sự thiếu cơ chế kiểm soát và giám sát trong các hoạt động tôn giáo cũng là một nguyên nhân.

Tất nhiên, các tu sĩ trên đây chỉ là những “con sâu bỏ rầu nồi canh.” Trước vấn nạn gạ gẫm cúng dường, nhiều bậc chân tu đã lên tiếng phản đối, cho rằng nếu phúc đức và quả báo chỉ dựa trên sự đóng góp bằng tiền của thì đạo Phật rõ ràng là quá thiên vị người giàu, không thể nào gọi là bình đẳng được. Phúc đức rõ ràng không phải ở chỗ cúng nhiều hay ít, mà là ở chỗ “tâm thành” hay không? Đức Phật dạy: “Cúng dường, bố thí phải có trí tuệ” là vì vậy!

Mê tín dị doan từ đâu mà ra?

Đạo Phật là một hệ tư tưởng và đạo đức giáo dục con người về tu tâm, dưỡng tính, hướng thiện. Đây không chỉ là một tôn giáo mà còn là một triết lý sống, giúp con người tìm kiếm sự an lạc và giải thoát thông qua việc rèn luyện bản thân, thực hành các giá trị đạo đức cao đẹp. Triết lý nhà Phật không chủ trương các hành vi mê tín dị đoan như dâng sao giải hạn, thỉnh vong, giải oan trái chủ... Tuy nhiên, gần đây rất nhiều tu sĩ và chùa chiền đã tổ chức các buổi lễ dâng sao giải hạn với quy mô hàng nghìn người, biến không gian siêu thoát thành không gian giao dịch thương mại. Những buổi lễ này không chỉ làm mất đi bản chất thiêng liêng và thanh tịnh của chốn tu hành mà còn gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội.

Hẳn nhiều người còn nhớ những buổi lễ dâng sao giải hạn thu hút đông đảo người dân tham gia tại chùa Phúc Khánh (Hà Nội). Hàng nghìn người dân tràn ra đường, mang theo ghế nhựa hoặc trải ni lông để ngồi cúng sao giải hạn vừa không đúng tinh thần giáo lý vừa ảnh hưởng giao thông, nguy cơ mất an ninh trật tự.

Một buổi cúng dâng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh (TP Hà Nội) dịp đầu năm 2019. Ảnh: TPO

Một ví dụ khác là một ngôi chùa nổi tiếng ở Quảng Ninh từng tổ chức cúng vong, gọi hồn, thậm chí trong một số buổi thuyết giảng còn để phật tử tuyên truyền “vong báo oán,” thu hút phật tử đến chùa thỉnh vong. Những buổi thuyết giảng này đều được ghi hình, đăng tải trên YouTube, Facebook và có hàng chục nghìn lượt theo dõi. Trong các video, một phật tử khẳng định rằng “chuyện vong báo oán từ kiếp này sang kiếp khác là có thật, hay còn gọi là oan gia trái chủ.” Người này còn giải thích rằng trường hợp nữ sinh giao gà ở tỉnh Điện Biên bị sát hại, từng gây rúng động dư luận, là do "ác nghiệp tiền kiếp và duyên trong hiện tại”.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, việc cúng sao giải hạn không hề có trong giáo lý của nhà Phật. Với học thuyết về nhân quả và luân hồi, con người muốn có cuộc sống tốt đẹp thì phải tự tu thân, sống theo các điều răn của Phật, chứ không thể dùng tiền bạc hay vật phẩm thông qua các thầy pháp để thay đổi số phận. Hẳn nhiều người đã biết, cách đây hơn 2.600 năm, Đức Phật giác ngộ dưới gốc Bồ đề và đạt thành chánh quả, trở thành Đấng Giác Ngộ. Tư tưởng nguyên thủy của Ngài thể hiện một học thuyết triết học với vũ trụ quan và nhân sinh quan sâu sắc, không phải là một tôn giáo thuần túy dựa trên đức tin vào một Đấng Toàn Năng có khả năng làm được mọi thứ, kiểm soát vận mệnh của tất cả con người.

Phật giáo là một triết thuyết vô thần, không có các vị thần có quyền năng siêu nhiên như trong các tôn giáo hữu thần khác. Phật (Buddh trong tiếng Pali hay Buddha trong tiếng Anh) không phải là thần linh có quyền phép màu nhiệm mà là tôn xưng dành cho các bậc đã giác ngộ con đường dẫn đến Niết bàn (Nirvana). Niết bàn trong giáo lý nhà Phật cũng chỉ là trạng thái thanh thản, yên tĩnh và sáng suốt, chấm dứt mọi phiền não và sầu đau. Thực tế, với quan điểm vô thần, nhà Phật không chủ trương các hình thức bói toán, cúng sao giải hạn, bùa phép trừ tà hay các hình thức mê tín dị đoan khác. Do đó, các hoạt động thêu dệt về những thế lực siêu nhiên để quyến dụ và lừa gạt đức tin của người khác không chỉ báng bổ Phật pháp mà còn vi phạm pháp luật. Phật giáo nhấn mạnh vào việc tự thân tu tập, không cổ vũ các hình thức cúng bái vật chất để mong cầu sự giải thoát.

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho rằng giáo lý Phật giáo nhấn mạnh đến học thuyết về luân hồi, nghiệp quả. Theo đạo Phật, tu là chuyển nghiệp, giải nghiệp. Không ai có thể “giải nghiệp” cho chúng ta, kể cả đức Phật. Chúng ta mới là người chuyển nghiệp của mình bằng việc tu nhân tích đức, làm các việc thiện, việc tốt, để chuyển hóa nghiệp xấu trong quá khứ. Đức Phật dạy chúng ta phải tu hành, làm nhiều việc thiện lành, tạo nhiều thiện căn tốt, duyên tốt để chuyển hóa nghiệp của mình, chứ không có việc thỉnh một cái gì đó để giải oan nghiệp. Đức Phật không dạy việc đi thỉnh vong như một số chùa đã thực hiện trong thời gian qua.

Thượng tọa cũng cho biết, việc đem hình ảnh của nữ sinh ở Điện Biên bị những đối tượng xấu trong xã hội hãm hiếp và giết hại để giải nghĩa cho những oan gia trái chủ là hoàn toàn không đúng với tôn chỉ, giáo lý của đức Phật, với chủ trương của Giáo hội và không phù hợp với đạo đức xã hội. Thượng tọa Thích Đức Thiện cũng cho rằng, dẫn dắt con người đi vào con đường tà kiến, mê lầm, là không đúng theo chính pháp. Dùng phương tiện để con người tu tập là tốt, nhưng đi theo con đường đó để cúng dàng rất nhiều, rồi đưa ra hình thức cúng dàng trả góp, không phải là chủ trương của đạo Phật cũng như Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Tất cả chúng ta đều thấy đau thương cho cái chết của một con người, cái chết do những kẻ rất dã man, bất nhân, vô đạo gây ra. Chúng ta lại mơ hồ rằng đó là kết quả của hành động kiếp trước, để cho rằng đó là oan gia, ngụy biện cho hành động tàn bạo trong xã hội là hoàn toàn không được. Chúng ta không thể chấp nhận được việc đó”, Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.

TS Bùi Hữu Dược, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ, từng chia sẻ du xuân, lễ Phật và thực hiện các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo là nét đẹp của người Việt. Tuy vậy, hiện nay ở một số nơi đang có biểu hiện lợi dụng hoạt động du xuân lễ hội để làm sai lệch giá trị văn hóa tốt đẹp. "Đặc biệt là việc lạm dụng tín ngưỡng nơi tôn nghiêm chùa, đình, đền, miếu, phủ để trục lợi qua thực hiện hoạt động mê tín như dâng sao giải hạn, xem bói, xem quẻ, sớ sách, vàng mã…", TS Bùi Hữu Dược nói.

Hiểu đúng về nhân quả trong kinh sách

Nhiều tu sĩ ngày nay lấy những bài kinh thông dụng được viết trong những bộ Kinh Nhật tụng, Kinh Địa Tạng, Kinh Dược sư, Kinh Nghiệp báo sai biệt, Kinh Nhân quả thiện ác... trong đó có nhắc đến việc làm phúc, bố thí, cúng dường, nhân quả, nghiệp báo, luân hồi, kiếp trước kiếp sau để làm cơ sở thuyết giảng. Tuy nhiên, việc giảng giải lại quá giáo điều, thiên về hình thức, nặng về trả nghiệp… Thực tế, nhân quả là một trong những trụ cột giáo lý nhà Phật, không chỉ là khái niệm về cơ chế báo ứng về hành động của con người, mà còn là nền tảng của việc giáo dục đạo đức và hướng dẫn tu hành. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngày nay, xã hội phát triển, dân trí nâng cao, xu hướng đánh giá lại cách hiểu truyền thống về nhân quả cũng cần được xem xét.

Cần hiểu đúng về nhân quả - nghiệp báo. Ảnh: GNO

Trong quan điểm truyền thống, nhân quả thường được giải thích dưới dạng cấu trúc đơn tuyến: Đời trước sát sinh, kiếp sau đoản mệnh. Điều này có thể được hiểu như là một cách tổng quát nhất về nhân quả, hướng đến mục đích giáo dục đạo đức và tạo động lực cho người tu hành. Nhưng những ý kiến hiện đại lại cho rằng việc giải thích nhân quả đơn giản như vậy có thể không phản ánh đầy đủ sự phức tạp của cuộc sống và sự biến đổi của nhân quả theo thời gian. Xã hội hiện đại đòi hỏi những phương pháp giảng giải linh hoạt hơn, phù hợp với sự hiểu biết và nhu cầu tâm linh của người nghe. Việc gắn kết nhân quả với thực tiễn và áp dụng vào cuộc sống hàng ngày là điều cần thiết để nhân quả không chỉ là một lý thuyết trừu tượng mà còn có ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống.

Tu sĩ Phật giáo cũng cần gạn đục, khơi gợi và chắt lọc tinh túy từ các kinh điển, thay vì chỉ đơn thuần áp dụng một cách máy móc hoặc thêm vào những câu chuyện giật gân mà không mang lại giá trị sâu sắc và thiết thực cho người nghe. Điều này sẽ giúp đưa đạo Phật gần hơn với cuộc sống hiện đại và có ảnh hưởng tích cực đến sự hiểu biết và lòng tin của mọi người.

Trong buổi họp mở rộng của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TP Hồ Chí Minh diễn ra vào đầu tháng 7/2024, Hòa thượng Thích Lệ Trang - Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TP Hồ Chí Minh khẳng định việc chấn chỉnh những sai lệch trong đời sống tu hành là cần thiết để Phật giáo luôn “tốt đời đẹp đạo”. Khi một số cá nhân xa rời Phật pháp chân chính và có hành vi trái đời ngược đạo, sẽ không chỉ làm suy giảm uy tín của cá nhân mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của toàn Giáo hội.

“Với tăng ni, mục đích duy nhất là tu và học; luôn đặt mình, sống trong chính pháp, trong đạo đức, góp phần làm thanh tịnh tăng đoàn, có như thế tổ chức Giáo hội mới trang nghiêm, để lại hình ảnh đẹp trong lòng Phật tử và đối với quần chúng”, Hòa thượng Thích Lệ Trang nhấn mạnh.

Để Phật giáo thực sự trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc, một hệ tư tưởng dẫn lối, việc chấn chỉnh những sai lệch và lầm lạc của các tu sĩ là điều vô cùng cần thiết. Phật giáo luôn đề cao giá trị con người, hướng thiện và xây dựng xã hội an bình. Trong nhiều khía cạnh, trí tuệ Phật giáo đã góp phần cùng với các tổ chức xã hội và nhân dân thực hiện ngày càng tốt hơn những chủ trương, quyết sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là trong công tác nhân đạo, từ thiện, hạn chế những tiêu cực và mặt trái trong xã hội hiện đại.

Hy vọng với việc hành đạo vì một đại sự nhân duyên, vì lòng thương tưởng, vì hạnh phúc của chúng sinh, vì sự an lạc cho mọi người, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ góp phần đưa Phật giáo Việt Nam tiếp tục trở thành một bộ phận không thể thiếu của văn hóa Việt Nam, của đời sống con dân đất Việt!

Nhóm Phóng viên
Bài viết cùng chủ đề: Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

Chuyển đổi số với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Vùng 3 Hải quân bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo

Tinh gọn bộ máy: Không chờ hoàn chỉnh rồi mới hoàn thiện

Thắng 'giặc nội xâm' để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Không thể phủ nhận giá trị vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc: Kỳ 3: Khát vọng hùng cường, thịnh vượng

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc: Kỳ 2: Khai mở dư địa tiềm năng

“Đúng - Trúng - Hay” trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 5: Diễn đàn dân chủ

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc

“Đúng - Trúng - Hay” trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 4: Chi bộ tiên phong

''Đúng - Trúng - Hay'' trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 3: ''Thành quả'' thiết thực từ sinh hoạt chuyên đề

Bài 2: Tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Đúng - Trúng - Hay”

“Đúng - Trúng - Hay” trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 1: Nâng “chất” sinh hoạt chi bộ hàng tháng

Đường Hồ Chí Minh trên biển: Kỳ tích làm nên huyền thoại

Cảnh giác trên ‘chiến trường thông tin’, tăng giá điện bị đẩy thành ‘vũ khí’ chống phá

Thường xuyên thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như 'rửa mặt hàng ngày'

Đào tạo, phát triển cán bộ trẻ - lực lượng nòng cốt trong công tác xây dựng Đảng

Bảo vệ nền tảng tư tưởng hướng tới mục tiêu 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng

Báo Công Thương đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Đảng bộ Trường Đại học Điện lực chủ động đổi mới, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kép