Bài 1: Từ khái niệm đến luật hóa công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
LTS: Tại Việt Nam, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ được luật hoá mà còn là vấn đề luôn giành được sự quan tâm của các Lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Điều này thể hiện xuyên suốt trong các văn kiện của Đảng, Nhà nước từ năm 1999 đến nay. Trong đó, phải kể đến Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (1999), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (2023), đặc biệt là Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/1/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng (Chỉ thị 30).
Từng bước xuất hiện trong các văn kiện của Đảng, Nhà nước
Trước Đại hội VI (1986) của Đảng, khái niệm “tiêu dùng” và “người tiêu dùng” chưa được đề cập đến do trong thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, hầu hết hàng hóa, dịch vụ đều do các doanh nghiệp Nhà nước hoặc thành phần kinh tế tập thể (hợp tác xã) sản xuất, kinh doanh và phải tuân thủ chặt chẽ các chỉ tiêu chất lượng do Nhà nước quy định. Do đó, người tiêu dùng không phải lo lắng, băn khoăn khi mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa - dịch vụ.
Cửa hàng mậu dịch thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp (Ảnh tư liệu) |
Đến Đại hội VI (1986), dù nước ta bắt đầu chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, song khái niệm về “tiêu dùng” và “người tiêu dùng” vẫn vắng bóng trong các văn kiện của Đảng.
Tuy nhiên, đến giai đoạn từ Đại hội VII (1991) - Đại hội VIII (1996) của Đảng, khái niệm “tiêu dùng” đã được đề cập, song chủ yếu mang tính chất khuyến khích sản xuất hàng tiêu dùng để phục vụ nhu cầu của nhân dân, hay mang tính chất “tiêu dùng với số lượng hợp lý” (tiết kiệm) hoặc giới hạn chi tiêu công. Còn khái niệm “người tiêu dùng” với tính chất là chủ thể của hoạt động kinh tế, thương mại lại chưa được đặt ra một cách chính thức. Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 (Đại hội VII) vẫn nêu: “Các cơ sở thương nghiệp, đặc biệt là thương nghiệp quốc doanh làm tốt chức năng đại diện cho người tiêu dùng để đặt hàng cho người sản xuất”.
Cho đến năm 1999, Nhà nước đã ban hành văn bản pháp lý cơ sở và đầu tiên cho hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam với tên gọi “Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Theo đó, Pháp lệnh có 6 Chương và 30 Điều đã quy định cơ bản về khái niệm, quyền và trách nhiệm hợp pháp của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ; quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm…
Tiếp đến giai đoạn Đại hội IX (2001) - Đại hội X (2006) các văn kiện của Đảng đã trực tiếp đề cập đến công tác bảo vệ quyền, lợi ích của người tiêu dùng. Cụ thể: Về phương hướng Phát triển đồng bộ các loại thị trường và tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng chỉ rõ: “Phát triển thị trường hàng hoá, dịch vụ theo hướng đẩy mạnh tự do hoá thương mại và đầu tư phù hợp với các cam kết song phương, đa phương của nước ta và theo thông lệ quốc tế; tạo bước phát triển mới, nhanh và toàn diện thị trường dịch vụ; thúc đẩy cạnh tranh, kiểm soát độc quyền, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng;…”.
Đến Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (khóa X, năm 2008) về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Trung ương nêu rõ chủ trương về hoàn thiện thể chế bảo đảm đồng bộ các yếu tố thị trường và phát triển đồng bộ các loại thị trường: “Ða dạng hóa các loại thị trường hàng hóa, dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại, chú trọng phát triển thị trường dịch vụ. Phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho các thị trường này. Thực hiện tự do hóa thương mại và đầu tư phù hợp với các cam kết quốc tế. Phát triển các phương thức giao dịch thị trường hiện đại, nhất là với hàng hóa nông sản và vật tư nông nghiệp để ổn định giá, giảm bớt rủi ro cho người sản xuất và người tiêu dùng...”.
Từ Đại hội VI (1986) nước ta bắt đầu chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa |
Luật hoá công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Không chỉ từng bước xuất hiện trong các văn kiện, để triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, đồng thời tăng cường hơn nữa việc bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 27/2008/NQ-QH12 ngày 15/11/2008 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009, trong đó có việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, trong Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ ngày 9/1/2009 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2009, Chính phủ đã quyết nghị giao Bộ Công Thương: “Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và địa phương xây dựng, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng”.
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong giai đoạn 2009 - 2010, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan đã tiến hành xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền xem xét nội dung dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đến ngày 17/11/2010, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII đã lần đầu tiên thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với 6 Chương, 51 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011.
Trong giai đoạn từ 2011 - 2022, sau khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 đi vào thực thi, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tiếp tục là vấn đề luôn giành được sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Một trong những điểm nhấn là ngày 10/7/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1035/QĐ-TTg về Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Theo đó Chính phủ lấy ngày 15/3 hàng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Quyết định 1035/QĐ-TTg nêu rõ, việc công nhận Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam nhằm “khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội và nền kinh tế đất nước; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tạo cơ sở để huy động, tập trung sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của toàn xã hội đối với công tác này; góp phần xây dựng môi trường tiêu dùng lành mạnh, giữ ổn định và tạo động lực phát triển, đổi mới, sáng tạo cho nền kinh tế đất nước”.
Từ năm 2016, Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam được Bộ Công Thương phát động các chương trình hưởng ứng |
Tiếp đó, tại Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa yêu cầu: Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường; bảo đảm tính đúng, tính đủ và công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá hàng hóa, dịch vụ công thiết yếu. Không lồng ghép các chính sách xã hội trong giá hàng hóa, dịch vụ. Chuyển từ cơ chế cấp phát sang cơ chế đặt hàng; từ hỗ trợ cho các đơn vị cung cấp dịch vụ sang hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng thụ hưởng. Hoàn thiện pháp luật về phí, lệ phí theo hướng chuyển sang áp dụng giá dịch vụ phù hợp với cơ chế thị trường. Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phát huy đúng đắn, đầy đủ vai trò của người tiêu dùng, các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Rồi Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng yêu cầu: Tổ chức lại thị trường các sản phẩm công nghiệp. Đẩy nhanh việc thực hiện cơ chế giá thị trường theo lộ trình đối với các hàng hóa thiết yếu (như xăng dầu, than, điện, nước,...). Xây dựng và thực thi hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong ngành công nghiệp phù hợp để bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng trong nước. Hướng dẫn và có các biện pháp hỗ trợ phù hợp để các doanh nghiệp công nghiệp tham gia có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Tích cực tháo gỡ các rào cản, chống các hành vi độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh. Phát triển các loại hình và phương thức kinh doanh thương mại hiện đại; xây dựng và thực thi Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia đối với các sản phẩm công nghiệp.
Tiếp tục gia cố, phát huy nền tảng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có, công tác này cũng đạt được những kết quả bước đầu. Song, để quyền lợi người tiêu dùng tiếp tục được đảm bảo hơn, ngày 22/1/2019, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW (Chỉ thị 30) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Đây là một văn bản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi một trong những cấp Lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đã ban hành một văn bản chuyên biệt về lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với nhiều yêu cầu rất cụ thể và quyết liệt.
Chỉ thị số 30 nêu: Trong những năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm hơn và đạt được một số kết quả bước đầu, song vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Quyền lợi cơ bản của người tiêu dùng vẫn còn bị xâm phạm. Nếu tình trạng này không sớm được khắc phục, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhân dân, mà còn suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế và để lại hậu quả nặng nề cho xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên có yếu tố khách quan, nhưng chủ yếu là nguyên nhân chủ quan. Cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền các cấp và cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ và lãnh đạo, chỉ đạo chưa sâu sát, quyết liệt. Năng lực thực thi pháp luật, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa có giải pháp căn cơ, hữu hiệu để ngăn chặn vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng nâng cao khả năng tự bảo vệ. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật chưa đạt yêu cầu, hiệu quả kém. Thanh tra, kiểm tra, hỗ trợ, giải quyết yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng, xử lý vi phạm pháp luật còn nhiều hạn chế, chưa huy động hiệu quả các nguồn lực và các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chưa chủ động, tích cực hội nhập, vận dụng kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Chỉ thị 30 ra đời giúp gia cố, phát huy nền tảng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng |
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém, nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp thực hiện nghiêm túc 6 nhóm giải pháp chủ yếu:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng; phát huy vai trò tiên phong, giám sát của chi bộ, đảng viên trong công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Hai là, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tổ chức bộ máy chuyên trách, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng.
Năm là, đẩy mạnh xã hội hoá, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Sáu là, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trong các hoạt động hợp tác về bảo vệ người tiêu dùng trong khuôn khổ ASEAN và quốc tế.
Chỉ thị 30 giao Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và các cơ quan có liên quan thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Chỉ thị. Theo đó, để triển khai nhiệm vụ nêu tại Chỉ thị 30, Bộ Công Thương đã ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, trong đó phải kể đến: Phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương trong cả nước xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP (Nghị quyết 82) ngày 26/5/2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị 30.
Nghị quyết 82 đã xác định rõ các nhiệm vụ, hoạt động cụ thể của các bộ, ban, ngành liên quan, xác định rõ thời hạn thực hiện và các yêu cầu cần đạt được để từ đó triển khai đầy đủ, có hiệu quả các yêu cầu do Chỉ thị 30 đưa ra. Đồng thời, việc ban hành kịp thời và cụ thể các văn bản định hướng hoạt động đã góp phần nhanh chóng đưa các yêu cầu của Chỉ thị 30 vào thực tiễn các ngành, nghề, địa phương; tạo sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai các nội dung của Chỉ thị.
Phân tích về Chỉ thị 30, Nghị quyết 82 và sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Nguyễn Duy Nghĩa, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam từng khẳng định, nền tảng để thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam đã được hình thành, những Chỉ thị, Nghị quyết này sẽ gia cố, phát huy công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lên một tầm mức mới.
Theo ông Nghĩa, việc bảo vệ người tiêu dùng là việc không mới, song trong bối cảnh nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, độ mở ngày càng lớn, đặt ra yêu cầu vừa cấp bách vừa lâu dài, không nôn nóng chủ quan cũng không khoanh tay buông xuôi. Trong hành động phải kết hợp: Tuyên truyền, giáo dục - chế tài pháp luật - kinh nghiệm quốc tế.
“Có thể nói, Chỉ thị 30 ra đời kịp thời đáp ứng mong mỏi của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội và cộng đồng người tiêu dùng. Với Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Chỉ thị là món quà và là cẩm nang cho hoạt động của Hội trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng”, ông Nghĩa khẳng định.
Bài 2: Chuyển biến tích cực từ trung ương đến địa phương