99,5% phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng tại VNPT được xử lý
Mới đây, Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức đoàn làm việc theo dõi, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Chỉ thị số 30) tại Đảng bộ Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (Tập đoàn VNPT).
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Triệu Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, VNPT là tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, có tổ chức Đảng, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thời gian qua, Tập đoàn đã có nhiều nỗ lực trong thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thông qua buổi làm việc, lãnh đạo Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia mong muốn được hiểu thêm về tình hình triển khai Chỉ thị số 30 của VNPT, kết quả đạt được, tồn tại và khó khăn, đặc biệt là các kiến nghị có tính khả thi để Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương và Ban Kinh tế Trung ương tổng hợp chuẩn bị cho hoạt động sơ kết 5 năm triển khai Chỉ thị số 30.
Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức đoàn làm việc theo dõi, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị số 30 tại Đảng bộ Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam |
Báo cáo về tình hình triển khai Chỉ thị số 30, ông Hoàng Đức Sơn, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Tập đoàn VNPT cho biết, Đảng bộ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam là Đảng bộ cấp trên cơ sở, trực thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương. Đảng bộ Tập đoàn hiện có hơn 4.000 đảng viên đang sinh hoạt tại 39 đảng bộ, chi bộ trực thuộc, trong đó có 12 đảng bộ cơ sở, 12 chi bộ cơ sở và 15 chi bộ trực thuộc. Tính trên cả nước, Tập đoàn VNPT có 12.000 đảng viên (bao gồm cả các đảng viên sinh hoạt tại các chi bộ tại địa phương) và 45.000 công đoàn viên.
Tập đoàn VNPT kinh doanh về lĩnh vực dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin, việc đảm bảo quyền lợi cho khách hàng cũng như đảm bảo uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp được Tập đoàn đặc biệt chú trọng, lấy khách hàng làm trung tâm để phục vụ và chăm sóc. Nhận thức được tầm quan trọng của khách hàng và việc bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, Đảng ủy Tập đoàn rất quan tâm quán triệt, phổ biến, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong đó có Chỉ thị 30 gắn với nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
99,5% phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng tại VNPT được xử lý |
“Trên cơ sở thực tiễn tại đơn vị, Đảng bộ Tập đoàn đã lồng ghép việc quán triệt Chỉ thị 30 vào các chương trình hành động của đơn vị để triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chuyên môn và các tổ chức chính trị - xã hội để thực hiện việc phối hợp chặt chẽ và đồng bộ trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tập đoàn thường xuyên ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để tăng tiện ích và giá trị gia tăng, sự thỏa mãn cho khách hàng, các phản ánh khiếu nại của người tiêu dùng được xử lý đạt 99,5%, chỉ số hài lòng của khách hàng tăng từ 97 lên 99% trong 3 năm gần đây”, ông Hoàng Đức Sơn thông tin.
Với những kết quả trên, ông Lê Triệu Dũng đánh giá cao sự vào cuộc của Đảng ủy, Ban Lãnh đạo Tập đoàn VNPT trong việc thực hiện Chỉ thị số 30. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa kết quả đạt được, cũng như thực hiện tốt phương châm khách hàng là trung tâm, trong thời gian tới Đảng ủy Tập đoàn cần ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc; trong đó lồng ghép nội dung của Chỉ thị 30 và Nghị quyết số 82/NQ-CP trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Đặc biệt, cần có các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn thông tin của người tiêu dùng khi sử các dịch vụ của Tập đoàn trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Đồng thời đoàn công tác đề nghị Tập đoàn VNPT hoàn thiện báo cáo công tác triển khai Chỉ thị 30 để Ban cán sự đảng Bộ Công Thương tổng hợp chuẩn bị công tác sơ kết.
Ngày 22/1/2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Chỉ thị số 30). Theo đó, Chỉ thị số 30 đã chỉ ra các hạn chế, yếu kém, các nguyên nhân khách quan và chủ quan đồng thời đưa ra sáu giải pháp để triển khai đó là: (i) Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; phát huy vai trò tiên phong, giám sát của chi bộ, đảng viên trong công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. (ii). Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tổ chức bộ máy chuyên trách, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. (iii). Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. (iv). Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng. (v). Đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. (vi). Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trong các hoạt động hợp tác về bảo vệ người tiêu dùng trong khuôn khổ ASEAN và quốc tế. Chỉ thị số 30 giao Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế trung ương và các cơ quan có liên quan thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Chỉ thị. |