Trường Sa- Thế trận lòng dân
Trở lại Trường Sa
Sau 8 năm, tôi vinh dự lần thứ hai được đến quần đảo Trường Savào những ngày đầu tháng 5 năm 2024. Chuyến đi mà tôi vinh dự được tham gia lần này thuộc đoàn công tác số 15, do Chuẩn đô đốc Nguyễn Viết Khánh - Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân làm Trưởng đoàn. Đoàn công tác đến kiểm tra, tặng quà, động viên cán bộ chiến sĩ và nhân dân một số điểm đảo ở Trường Sa và Nhà dàn DK1.
Chuẩn đô đốc Nguyễn Viết Khánh - Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân cùng đoàn công tác đến thăm quân và dân trên đảo Trường Sa lớn (Ảnh: Thu Hường) |
Trở lại thăm Trường Sa, ấn tượng mạnh nhất đối với tôi là các điểm đảo có thêm nhiều cây xanh, nhiều công trình được xây dựng mới khang trang như: Âu tàu, Bệnh xá, Nhà văn hóa, Trường mầm non và Tiểu học, Nhà ở, Các dự án cấp điện, nước ngọt… Đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ chiến sĩ (CBCS) ở các điểm đảo được nâng cao.
Mặc dù, các điểm đóng quân xa đất liền, thời tiết khắc nghiệt, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo quản, bảo dưỡng trang thiết bị, đời sống sinh hoạt của CBCS và người dân trên đảo, nhưng ở Trường Sa đâu đâu cũng bừng lên sức sống. Giữa cái nắng, cái gió biển, làn da sạm đen vì nắng gió, nhưng ai nấy đều rắn rỏi, lạc quan, trong mắt của họ ánh lên niềm vui xen lẫn tự hào.
Đến với đảo Sinh Tồn (quần đảoTrường Sa) |
Việt Nam thực thi chủ quyền và quản lý 21 đảo. Bao gồm đảo Trường Sa, Trường Sa Đông, An Bang, Sinh Tồn Đông, Phan Vinh, Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca, Đá Nam, Đá Lớn, Đá Lát, Đá Đông, Đá Tây, Đá Thị, Thuyền Chài, Cô Lin, Len Đao, Tiên Nữ, Núi Le và Tốc Tan. Trong đó đảo Trường Sa là đảo lớn, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh, được mệnh danh là Thủ đô của huyện đảo Trường Sa (nay là thị trấn Trường Sa) nổi lên như một pháo đài sừng sững, kiên trung giữa biển Đông. Trước đây chỉ có đảo Trường Sa có dân thì nay có thêm 3 đảo nữa có dân, nâng tổng số đảo có dân lên 4 đảo.
Khu vực biển quanh đảo Trường Sa có nguồn hải sản phong phú có giá trị kinh tế cao. Có nhiều tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận… đến khai thác thủy hải sản. Cuộc sống tuy còn vất vả, khó khăn song tình cảm đồng chí, đồng đội, quân dân luôn nồng thắm, tỏa sáng, bền chặt. CBCS đảo Trường Sa luôn rèn luyện bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Hệ thống năng lượng mặt trời và biểu tượng Bản đồ Việt Nam trên nóc tòa nhà ở đảo Đá Tây A |
Trong những năm qua, quân và dân huyện đảo Trường Sa luôn được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Hải quân, sự chung tay góp sức của các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, địa phương, nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài cả về vật chất lẫn tình thần. Cùng ý chí, nghị lực, sức sáng tạo, tinh thần lao động hăng say của quân và dân trên đảo nên diện mạo của đảo Trường Sa hôm nay được đổi thay từng ngày: khang trang hơn, tươi đẹp hơn. Nơi đây còn được trang bị một số xuồng CQ có tốc độ và chất lượng cao, đáp ứng tốt nhiệm vụ tuần tra, xua đuổi tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển. Xuồng CQ hoạt động được trong điều kiện thời tiết sóng gió cấp 5, cấp 6 làm tốt nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn.
Bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, quân và dân thị trấn Trường Sa luôn làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân trên vùng biển đảo quản lý, góp phần tô thắm hình ảnh Bộ đội cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân trong lòng nhân dân. Thực hiện có hiệu quả chương trình Hải quân nhân dân là điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển. Những việc làm giản dị, bình thường của CBCS đảo Trường Sa góp phần củng cố, xây đắp tình đoàn kết quân dân, giúp ngư dân yên tâm bám biển, bám ngư trường, sát cánh cùng bộ đội Hải quân bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Âu tàu ở đảo Trường Sa lớn |
Với ý chí, nghị lực và quyết tâm cao, quân và dân trên đảo đã chăm chút cải tạo đảo Trường Sa từ đảo cát trắng trở thành hòn đảo xinh tươi, rợp mát bóng cây trái, bốn mùa xanh tốt. Những công trình quốc phòng kết hợp phục vụ dân sinh như sân bay, âu tàu, trạm thu phát tín hiệu truyền hình, điện thoại qua vệ tinh, đài khí tượng thủy văn, trạm Hải đăng, nhà khách Thủ đô, chùa Trường Sa, nhà thờ Bác Hồ, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, hệ thống năng lượng sạch, bệnh xá... được xây dựng đã nâng cao đời sống quân và dân trên đảo. Góp phần thực hiện thắng lợi chương trình phát triển kinh tế, xã hội trên các vùng biển và hải đảo của Đảng và Nhà nước.
Trường Sa- Thế trận lòng dân
Đảo Trường Sa được giải phóng ngày 29/4/1975. Trải qua 49 năm chiến đấu, và trưởng thành, quân và dân thị trấn Trường Sa xây dựng đảo mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan, môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Với những thành tích xuất sắc đạt được, quân và nhân dân đảo Trường Sa vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân (1985); Huân chương chiến công hạng Ba (1984); Huân chương chiến công hạng Nhì (2001); Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất (2006); Huân chương Quân công hạng Ba (2011); Nhiều năm liền được Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân tặng cờ là đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua về huấn luyện sẵn sàng chiến đấu; Có nhiều tập thể và cá nhân được tặng Bằng khen, Chiến sĩ thi đua cơ sở và các danh hiệu cao quý khác.
Trung tá Trần Quang Phú, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa |
Trung tá Trần Quang Phú, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, Chủ tịch UBND Thị trấn Trường Sa thông tin: Nhiệm vụ của đảo là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, giữ vững chủ quyền biển đảo được phân công; Là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển; Sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống; Phục vụ nghiên cứu khoa học về môi trường biển và thực hiện nhiệm vụ đối ngoại quân sự quốc phòng khi được cấp trên giao.
Trong năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024 quân dân thị trấn Trường Sa đã duy trì chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, chấp hành nghiêm các nguyên tắc, giữ vững chế độ sinh hoạt. Lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức HĐND, UBND thị trấn Trường Sa hoạt động đúng luật định. Chăm lo đời sống nhân dân nhất là về công tác giáo dục, y tế và giữ gìn an ninh, trật tự để các hộ dân an tâm gắn bó xây dựng đảo. Trung tâm y tế làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe, khám và điều trị cho các lực lượng trên đảo. Tham gia khám, cấp thuốc miễn phí, cấp cứu ngư dân.
Quân và dân Thị trấn Trường Sa lưu luyến vẫy chào tạm biệt Đoàn công tác |
Với những kết quả đạt được, năm 2023 đảo Trường Sa được Bộ Quốc phòng tặng cờ Đơn vị huấn luyện giỏi; Quân chủng Hải quân tặng cờ Đơn vị quyết thắng; Ban Chấp hành Đảng bộ Quân chủng Hải quân tặng Bằng khen: “Đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền: 2019 - 2023”; Có nhiều tập thể và cá nhân được các cấp khen thưởng.
Lâu nay những phong trào như “Góp đá xây Trường Sa”, “Triệu trái tim hướng về biển đảo Tổ quốc”, “Em yêu biển đảo Việt Nam”, “Xanh hóa Trường Sa”... như những nhịp cầu nối yêu thương giữa đất liền với đảo xa, chuyển triệu triệu tấm lòng của đồng bào cả nước gửi về nơi tiền tiêu, là niềm động viên tinh thần to lớn giúp quân và dân huyện đảo Trường Sa chắc tay súng, vươn khơi bám biển bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc.
Trở lại Trường Sa lần này, tôi thấu hiểu và trân trọng hơn cụm từ “Mang ra tình cảm, mang về niềm tin”. Thực tế đã giúp tôi cảm nhận sâu sắc hơn về cán bộ chiến sỹ và nhân dân huyện đảo Trường Sa, khắc phục mọi khó khăn, thách thức luôn chắc tay súng, bám biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm. Trường Sa với mỗi người dân Việt Nam luôn là: Thế trận lòng dân.