Phát huy sức mạnh tổng hợp của báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới
Báo chí là bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng, văn hóa, là vũ khí tư tưởng sắc bén, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng; vừa là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, vừa là diễn đàn của nhân dân. Nhận thức rõ điều đó, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản quan trọng định hướng phát triển hoạt động báo chí, xuất bản, trong đó có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Đặc biệt, ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Nghị quyết nêu rõ: Phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông,... góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch….Đây là tư duy mới, định hướng quan trọng để các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông quán triệt và phát huy vai trò của mình trong triển khai thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng tiếp tục nhấn mạnh: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Theo Nhà báo Trần Thái Sơn – Giám đốc Cổng thông tin điện tử- Hội Nhà báo Việt Nam, báo chí luôn giữ vai trò tiên phong, đấu tranh công khai trên mặt trận này. Trên mỗi chặng đường phát triển của đất nước ta, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội vẫn ráo riết không từ bỏ ý đồ chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng; lợi dụng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, công nghệ internet và các trang mạng xã hội để có những hoạt động tinh vi, xảo quyệt hơn nhằm xóa bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Chúng thường xuyên, liên tục cấu kết với các thế lực phản động trong và ngoài nước, loan tin bịa đặt, vu cáo, công kích chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo cao cấp, truyền bá tư tưởng chống cộng cực đoan, phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng.
“Do đó, công cuộc bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ rất cần sự phối hợp trách nhiệm, đồng bộ, hệ thống của các bộ, ngành, địa phương, sự vào cuộc quyết liệt, bền bỉ của các lực lượng, đơn vị chức năng, và đặc biệt là sự xung kích trên tuyến đầu của các cơ quan báo chí, truyền thông – những người lính trên mặt trận tư tưởng của Đảng.”- nhà báo Trần Thái Sơn khẳng định.
Nhận diện các “chiêu trò, âm mưu” nhằm gây bất ổn an ninh, chính trị
Ngày nay, Việt Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, đồng thời đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đóng vai trò ngày càng nổi bật hơn trong Liên hợp quốc, trong ASEAN, tham gia sâu vào các tổ chức thế giới, các diễn đàn hợp tác đa phương, các hiệp định toàn cầu.
Càng phát triển và hội nhập sâu rộng, chúng ta lại càng phải đối mặt với các vấn đề phức tạp về tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, về bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; các vấn đề về chính trị quốc tế đan xen, cạnh tranh lợi ích, cạnh tranh địa chính trị khó lường giữa các nước lớn. Trong hoàn cảnh đó, nhiệm vụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của báo chí càng trở nên cấp thiết.
Với sự bùng nổ của công nghệ truyền thông và Internet, các thế lực thù địch đã và đang nắm trong tay những công cụ rất mạnh để chống phá ta. Chúng sử dụng các kênh thông tin Phát thanh, Truyền hình như RFI, RFA, VOA, BBC, truyền hình trực tuyến làm công cụ, tạo lập diễn đàn, thường xuyên tổ chức các chiến dịch tuyên truyền xuyên tạc, bịa đặt, chống phá Đảng, Nhà nước. Trong những năm gần đây, chúng triệt để lợi dụng mạng xã hội lập ra hàng ngàn kênh truyền thông, trong đó có những kênh thu hút hàng trăm ngàn lượt đăng ký, lượt theo dõi, để tuyên truyền, reo rắc tư tưởng độc hại, phá hoại niềm tin của nhân dân với Đảng, với Nhà nước.
Theo nhà báo Trần Thái Sơn, âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị thường tập trung vào các vấn đề:
Thứ nhất, xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
Thứ hai, hạ thấp, phủ nhận thành tựu, khoét sâu, thổi phồng những khó khăn, yếu kém, sai lầm trong phát triển kinh tế - xã hội;
Thứ ba, lợi dụng các sự kiện chính trị, lịch sử, truyền thống cách mạng, vụ việc phức tạp, nhạy cảm để gia tăng hoạt động chống phá;
Thứ tư, triệt để sử dụng lực lượng cơ hội, phản động trong tôn giáo, tín ngưỡng, mượn danh dân chủ, núp bóng nhân quyền, hình thành và hậu thuẫn các hội, nhóm dưới chiêu bài “xã hội dân sự” nhằm gây bất ổn về chính trị, an ninh, an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, các lực lượng cơ hội chính trị nước ngoài còn sử dụng mạng xã hội để tạo ra hệ thống “nhà báo công dân”, xây dựng các tổ chức “tự do báo chí”, “phóng viên không biên giới” nhằm dẫn dắt, lèo lái dư luận theo mưu đồ chính trị phản động.
“Sự chống phá tinh vi, nham hiểm đó đang đặt ra thách thức rất lớn cho báo chí cách mạng Việt Nam với vai trò là vũ khí sắc bén của Đảng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa.”- nhà báo Trần Thái Sơn nói.
Báo chí phát huy sức mạnh tổng hợp, phản bác các quan điểm sai trái
Trong những năm qua, thực hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, báo chí đã tạo ra được một khí thế sôi nổi, lan tỏa và tạo động lực cho toàn xã hội trong việc tham gia vào các nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước, trong đó có việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Báo chí tích cực phổ biến tư tưởng, chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, tuyên truyền hiệu quả các quyết sách lớn về chính trị - kinh tế của đất nước; nhận diện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chủ động đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, những quan điểm sai trái của các phần tử cơ hội chính trị; phê phán việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, vấn đề chủ quyền biển, đảo... để kích động, lôi kéo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Công tác thông tin, tuyên truyền trên các cơ quan báo chí về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở cả Trung ương và địa phương đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Thực tiễn cho thấy, báo chí Trung ương với thế mạnh về nền tảng lý luận, tích cực thông tin sâu sắc mảng nội dung nghiên cứu chính trị, phân tích, khẳng định tính đúng đắn, khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tuyên truyền rộng rãi về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh...
Báo chí đã góp phần không nhỏ trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch (Ảnh minh họa) |
Nhiều tờ báo lớn đã tập hợp được các nhà khoa học, nhà lý luận, hoạt động thực tiễn có uy tín, viết bài trực diện đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch với những tuyến bài có chất lượng cao, tạo hiệu ứng xã hội tốt trên các chuyên mục, chuyên trang nổi bật.
Một số báo đã tổ chức tốt các diễn đàn trực tuyến, thông qua đó định hướng chính trị, tư tưởng và nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về các vấn đề “nóng”, phản bác các thông tin xấu độc, các luận điệu xuyên tạc, vu khống, định hướng đúng đắn dư luận xã hội.
Trong đó thể hiện rõ nhất các giải báo chí về xây dựng Đảng, cuộc thi viết về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới được phát động đã thu hút rất đông các nhà báo, cộng tác viên tham gia, thể hiện rõ tư duy sắc bén, trí tuệ, nhiệt huyết và trách nhiệm của người làm báo đối với công tác xây dựng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Trong khi báo chí địa phương với đặc trưng khác biệt về địa lý, dân cư, văn hóa vùng miền lại có những phương pháp, cách làm riêng trong đấu tranh, ngăn chặn các đối tượng chống phá, thù địch, nhất là đối với các vấn đề về dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền.
Nhiều kinh nghiệm thực tiễn đấu tranh với các đối tượng cộm cán núp bóng tôn giáo, dân chủ, đứng sau màn xúi dục, tổ chức các hoạt động phá hoại đã được các cơ quan báo chí áp dụng sáng tạo, phát huy hiệu quả. Với lợi thế thông thạo và bám sát địa bàn, báo chí địa phương luôn là những người nhanh chóng phát hiện vấn đề, kịp thời xử lý các điểm nóng, gióng hồi chuông cảnh báo, đưa ra giải pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn các quan điểm sai trái, phản bác các thế lực thù địch, góp phần tạo sự ổn định chính trị để phát triển kinh tế ở địa phương.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thông qua các bài viết phản ánh chân thực về các gương điển hình giúp dân phát triển kinh tế (Ảnh: BPHG) |
Nhà báo Trần Thái Sơn cũng chỉ ra rằng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một đề tài khó. Nhà báo viết về đề tài này cần có trình độ nghiệp vụ chắc chắn, bản lĩnh chính trị vững vàng, có lòng trung thành với Đảng, trách nhiệm với Tổ quốc. Công tác đấu tranh của các cơ quan báo chí cần có kế hoạch cụ thể, rõ ràng, có sự phối hợp bài bản, nhuần nhuyễn giữa các cơ quan báo chí với nhau và với các cơ quan quản lý, có định hướng xuyên suốt của cơ quan chỉ đạo.
Báo chí phải linh hoạt, chủ động, khai thác lợi thế mạng xã hội trong định hướng thông tin
Nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus, TTXVN nhận xét: Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng đã và đang trở thành một trong những mặt trận quan trọng nhất, khó khăn nhất đối với báo chí chính thống hiện nay. Đối phó với những luận điệu xuyên tạc, thù địch ngày một gia tăng trên Internet đòi hỏi ở người làm báo nhiều kỹ năng, nhiều kinh nghiệm đặc thù.
Theo nhà báo Trần Tiến Duẩn, các cơ quan báo chí phải chủ động rèn luyện nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị cho phóng viên, biên tập viên. Để nâng cao chất lượng và số lượng của tuyến tin phản hồi, chỉnh hướng, bác bỏ thông tin sai lệch, điều trước tiên là phải rèn luyện, nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, sự nhạy bén nghề nghiệp cho mỗi phóng viên, biên tập viên. Đồng thời, cần phải linh hoạt, đảm bảo cho hệ thống báo chí điện tử khắc phục được tính máy móc, kém hiệu quả trong việc sử dụng sức mạnh của công luận đấu tranh chống các luận điệu sai trái; ứng phó hành công với các thủ đoạn của các thế lực thù địch.
Còn theo nhà báo Nguyễn Ngọc Ánh, Tổng Biên tập Báo Hải Phòng, các cơ quan báo chí cần khai thác lợi thế mạng xã hội để định hướng thông tin, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Nhà báo Ngọc Ánh đã dẫn chứng báo Hải Phòng trong thời gian qua đã chú trọng khai thác các công cụ mạng xã hội, áp dụng nhiều phương thức tiếp cận thông tin hiệu quả, bám sát đời sống xã hội tại địa phương, triển khai nhiều hoạt động đa dạng, góp phần tăng cường hiệu quả thực chất trong công tác bảo vệ nền tảng của đảng thời kỳ chuyển đổi số.
Còn nhà báo Lê Văn Tòa, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng cho biết: Bên cạnh việc “bút chiến” trên mặt báo để bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng, thời đại internet và mạng xã hội ngày nay còn đòi hỏi nhà báo có lúc, có nơi còn phải “khẩu chiến” với các phần tử cơ hội, phản động. Đặc biệt là trên mạng xã hội, nơi thật giả, thị phi lẫn lộn, nơi các quan điểm xấu độc lan tràn, quan điểm chính thống ít được lên tiếng.
Bảo vệ nền tảng trong thời đại công nghệ số
Để phát huy sức mạnh tổng hợp của báo chí trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng trong bối cảnh chuyển đổi số đã và đang diễn ra mạnh mẽ, theo Hội Nhà báo Việt Nam mỗi cơ quan báo chí cần phải đổi mới công tác chỉ đạo việc tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo và cơ quan Thông tin và truyền thông.
Đồng thời, xác định rõ vai trò xung kích của báo chí, truyền thông trong việc nhận diện các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, đặc biệt trong trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong các phương thức làm báo hiện đại phục vụ công tác này.
Cùng với đó các cơ quan báo chí phải căn cứ vào hoạt động thực tế, yêu cầu đặt ra trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; những đặc thù trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của từng đơn vị, địa phương với các yếu tố địa - chính trị khác nhau, các vấn đề dân tộc, tôn giáo, văn hóa vùng miền riêng biệt.
Cần làm rõ các kết quả đạt được, nhận diện những khó khăn, thách thức nảy sinh trong thực tiễn đấu tranh. Từ đó phân tích, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, giải pháp thiết thực trong việc áp dụng những thành tựu của công nghệ số nhằm xây dựng chuyên mục và tổ chức tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giúp nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền.
Đặc biệt, vấn đề nâng cao phẩm chất chính trị, bồi dưỡng trình độ chuyên môn cho đội ngũ những người làm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, đào tạo, rèn luyện lực lượng tham gia đấu tranh phản bác trong tình hình mới. Cùng với đó là xây dựng cơ chế, chính sách thỏa đáng để động viên, khuyến khích đội ngũ nhà báo chuyên tâm với nghề, luôn giữ vững phẩm chất, đạo đức của người làm báo cách mạng.