Nâng cao ý thức của chính doanh nghiệp trong chống gian lận thương mại lẩn tránh thuế
Tin hoạt động 27/09/2019 20:51
Gian lận xuất xứ ảnh hưởng tới uy tín hàng xuất khẩu Việt Nam
Vấn đề lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ đang được áp dụng ngày càng nhiều khi môi trường thương mại quốc tế có những biến động phức tạp.
Thời gian qua, nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam như sắt thép, xe đạp điện, pin năng lượng mặt trời, gỗ ván ép… có kim ngạch xuất khẩu gia tăng đột biến từ 20% đến 50%, khiến nhiều mặt hàng của Việt Nam bị các đối tác nhập khẩu điều tra chống lẩn tránh thuế. Theo thống kê của Cục PVTM, Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2000-2016, có 15 vụ việc điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trung bình 1 vụ/năm. Tuy nhiên, trong mỗi năm 2017 và 2018, đã có 2 vụ việc được điều tra và 1 vụ việc đang trong giai đoạn thụ lý đơn kiện. Dự kiến, xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng do có những dấu hiệu về dịch chuyển đầu tư cũng như phạm vi, số lượng sản phẩm bị áp dụng trong các gói biện pháp tương đối rộng.
Bản chất của các biện pháp này thường chỉ hướng đến những mặt hàng có xuất xứ từ một hoặc một số quốc gia nhất định. Điều này tạo động cơ cho các hành vi gian lận nhằm hưởng lợi bất chính do có sự chênh lệch thuế nhập khẩu giữa hàng hoá đến từ các quốc gia bị áp dụng đến các quốc gia không bị áp dụng biện pháp PVMT.
“Các hành vi như vậy nếu diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam có thể chỉ đem lại lợi ích cho một bộ phận rất nhỏ doanh nghiệp, nhưng sẽ ảnh hưởng đến đại đa số các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính, cũng như đến hình ảnh và uy tín của hàng xuất khẩu Việt Nam” – Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội thảo |
Trước thực trạng này, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai nhiều biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ. Cụ thể, từ năm 2017, Bộ đã xây dựng danh sách hàng hóa trong diện cảnh báo nguy cơ lẩn tránh thuế; phối hợp, gửi thông tin tới các cơ quan liên quan để tăng cường kiểm tra, theo dõi.
Ngay sau khi Hoa Kỳ tăng thuế lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, Bộ Công Thương đã có công văn gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị tăng cường kiểm tra hồ sơ cấp chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ với các nhóm sản phẩm như: Gỗ, dệt may, da giày và túi xách, hàng điện tử và linh kiện, điện gia dụng và linh kiện, sắt thép, xe đạp...
Bộ Công Thương cũng thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa đối với các vụ việc lốp ô tô, thép cán mạ phủ sơn, tôm, pin mặt trời xuất khẩu sang EU... Trong các vụ việc này, sau khi kiểm tra những trường hợp nghi vấn, làm rõ thông tin, Bộ đã có kiến nghị và chuyển các đơn vị liên quan xử lý; đồng thời, tích cực phối hợp với các cơ quan điều tra của Hoa Kỳ, EU trong các vụ việc điều tra.
Cộng đồng doanh nghiệp chung tay ngăn chặn hành vi gian lận
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 824/QĐ-TTg (ngày 4/7/2019) ban hành Đề ánTăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ, Bộ Công Thương đã khẩn trương ban hành kế hoạch hành động; thành lập tổ công tác liên ngành về phòng, chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ hàng hóa…
Song song với đó, Bộ Công Thương đang tích cực tăng cường công tác tuyên truyền tới doanh nghiệp, hiệp hội và các cơ quan quản lý nhà nước về những vấn đề liên quan đến gian lận thương mại: thế nào hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải, lẩn tránh biện pháp PVTM và hậu quả của những hành vi này.
Tại hội thảo, bà Phạm Hương Giang, Trưởng phòng Điều tra thiệt hại và tự vệ, Cục PVTM đã thông tin chi tiết những quy định và thực tiễn của Việt Nam cũng như các nước trên thế giới về biện pháp chống lẩn tránh PVTM.
Hiện nay, đang có rất nhiều phương thức lẩn tránh PVTM bằng cách chuyển tải sang nước thứ ba để thay đổi xuất xứ với hình thức khai sai xuất xứ, thay đổi mô tả sản phẩm, dán lại nhãn hàng hóa, khai trị giá nhập khẩu thấp hơn thực tế.
Tuy nhiên, bà Giang cho biết thêm, việc phát hiện lẩn tránh PVTM đang ngày càng khó khăn hơn khi các doanh nhiệp sử dụng những phương thức lẩn tránh phức tạp hơn như: lẩn tránh thuế từ thượng nguồn sản phẩm, không xuất khẩu sản phẩm mà xuất khẩu linh kiện lắp ráp sang các nước không bị áp thuế PVTM (nước thứ ba). Hoặc thay đổi một số chi tiết nhỏ sản phẩm bị áp thuế PVTM; Xuất khẩu thông qua công ty có mức thuế thấp hơn hoặc thông qua các công ty đa quốc gia. Ngoài ra các công ty đã bị vi phạm sẽ chống lẩn tránh bằng việc cho ra đời các sản phẩm theo series, vòng đời ngắn, làm giảm thời hạn điều tra áp thuế. Thậm chí còn có công ty thay đổi hình dạng của sản phẩm…
Với các hình thức lẩn tránh này, khi bị nước điều tra phát hiện sẽ tiếp tục có những điều chỉnh, áp dụng điều tra và áp thuế mạnh hơn nữa lên không chỉ doanh nghiệp mà cả ngành sản xuất của nước thứ ba.
Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp tại buổi hội thảo |
Hội thảo còn có sự chia sẻ của ông Robert Thommen, đại diện Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ về những quy định điều tra chống gian lận xuất xứ, chống lẩn tránh biện pháp PVTM của Hoa Kỳ.
Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp trong việc đảm bảo quy tắc xuất sắc của sản phẩm theo quy định FTA mà Việt Nam đang tham gia và khuyến nghị các hoạt động cần làm để đảm bảo quyền lợi hàng hóa trong bối cảnh căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc vẫn tiếp diễn.
“Trên cơ sở nhận thức được hậu quả của những hành vi này, Bộ Công Thương mong muốn cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ không tiếp tay cho những hành vi gian lận và sẽ cùng phối hợp với các cơ quan chức năng để ngăn chặn” – Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Đề án 824 đặt ra 3 yêu cầu lớn cho các Bộ ngành trong đó có Bộ Công Thương về việc tiếp tục nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, bảo đảm việc thực hiện nghiêm túc các cam kết trong khuôn khổ WTO và các hiệp định thương mại tự do. Đồng thời, ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ để hưởng ưu đãi bất hợp pháp hoặc để lẩn tránh biện pháp PVTM của nước ngoài, giúp phát triển bền vững hoạt động xuất khẩu của nước ta. Mục tiêu thứ ba là bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế, trong đó có quyền và lợi của các doanh nghiệp chân chính Việt Nam. |