Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê: Quyết định không thể dựa vào cảm tính!
Tin hoạt động 19/11/2017 10:41
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Với dự án mỏ sắt Thạch Khê, Bộ Công Thương sẽ làm việc trên cơ sở đúng quy định, có căn cứ khoa học thuyết phục, không cảm tính |
Công nghiệp, thương mại phát triển toàn diện
Tại buổi làm việc, ông Đặng Quốc Khánh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh - thông báo khái quát những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực công nghiệp, thương mại của địa phương.
Theo đó, năm 2017, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, nhất là những tác động bất lợi từ sự cố môi trường biển…; song, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, sự ủng hộ, tin tưởng của người dân nên kết quả đạt được khá toàn diện. Dự kiến, năm 2017, tăng trưởng kinh tế của địa phương đạt khoảng 10,71%, trong đó, công nghiệp dự kiến tăng trưởng 76,92%; dịch vụ tăng 3,51%.
Sản xuất công nghiệp, đang có những chuyển biến tích cực do những chính sách cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh đã phát huy tác dụng. Năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn có thể tăng trưởng 89,87% so với năm 2016; giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt gần 30 nghìn tỷ đồng, vượt 27,3% so với kế hoạch với nhiều sản phẩm chủ lực, như: điện, thép, sợi… dự kiến tăng trưởng cao.
Bên cạnh đó, địa phương cũng chú trọng phát triển công nghiệp nông thôn, nâng cao hiệu quả công tác khuyến công, hoàn thiện hạ tầng và thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Trong năm nay, tỉnh thành lập thêm 2 cụm công nghiệp; chấp thuận chủ trương đầu tư hạ tầng 1 cụm khác - nâng tổng số cụm công nghiệp trên địa bàn lên 22 cụm. Bố trí trên 2,5 tỷ đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương cùng 1 tỷ đồng nguồn từ chương trình khuyến công quốc gia để hỗ trợ cho 2 đề án; tổ chức bình chọn 38 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và có 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm tiêu biểu cấp quốc gia…
Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã khởi công, khánh thành các dự án quy mô lớn, thu hút được nhiều nhà đầu tư vào địa bàn, như: Tập đoàn VinGroup, FLC, T&T, DABACO…
“Địa phương đã chấp thuận chủ trương đầu tư 82 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 8.800 tỷ đồng” – ông Đặng Quốc Khánh thông báo và cho biết thêm, ngoài ra, còn có 1 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký là 2,1 triệu USD.
Lĩnh vực thương mại của Hà Tĩnh có bước tiến mạnh mẽ với tổng mức bán lẻ và dịch vụ xã hội ước đạt gần 35,4 nghìn tỷ đồng. Các lĩnh vực khác, như: Du lịch, xuất khẩu cũng tăng trưởng khá, lần lượt đạt tốc độ tăng trưởng 33,6% và 81,98%...
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm hỗ trợ địa phương phát triển nhanh, bền vững hơn nữa lĩnh vực công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu...
Ghi nhận kết quả đạt được của Hà Tĩnh, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao công tác phối hợp trong thời gian qua giữa địa phương với Bộ Công Thương trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các lĩnh vực liên quan đến ngành Công Thương; đóng góp tích cực vào kết quả chung của địa phương và ngành thời gian qua. Bộ trưởng khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương trong thực hiện nhiệm vụ thuộc thẩm quyền quản lý của ngành Công Thương.
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh phát biểu tại buổi làm việc |
Dự án mỏ sắt Thạch Khê: Sẽ làm đúng quy định, có căn cứ khoa học thuyết phục
Liên quan đến Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết, thời gian qua, tỉnh đã phối hợp tích cực, vào cuộc quyết liệt cùng nhà đầu tư để khởi động dự án và bóc đất tầng phủ. Đồng thời, tập trung nguồn lực bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, ưu tiên nguồn vốn xây dựng các tuyến giao thông trọng điểm phục vụ dự án.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, đôn đôc theo đúng chủ trương, chỉ đạo của Trung ương. Dự án tạm dừng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ do quá trình triển khai còn nhiêu bất cập kéo theo các hệ lụy sau gần 10 năm khởi động dự án là rất lớn.
Từ phân tích trên, UBND tỉnh Hà Tĩnh báo cáo và đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho dừng (kết thúc) dự án; chỉ đạo giải quyết tồn đọng, hoàn trả nguyên trạng, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân và chỉ nghiên cứu khơi động lại Dự án khi đủ các điều kiện, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững.
Trao đổi thẳng thắn về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, lãnh đạo Bộ Công Thương chia sẻ với những tâm tư, nguyện vọng của người dân và lãnh đạo địa phương.
“Trước ý kiến của chính quyền, người dân địa phương cũng như dư luận xã hội về dự án, Bộ Công Thương đã tổ chức nghiên cứu, đánh giá rất kỹ, thậm chí, đã mời đơn vị tư vấn nước ngoài xem xét, đánh giá toàn diện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ” – Bộ trưởng cho biết và nhắc lại quan điểm nhất quán của Bộ Công Thương là: Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, đồng thời, thể hiện trách nhiệm cao nhất của Bộ Công Thương đối với các vấn đề liên quan đến dự án mỏ sắt Thạch Khê.
Trên tinh thần đó, về nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trong phạm vi trách nhiệm được giao, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ (Cục Công nghiệp, Cục An toàn Môi trường, Vụ Khoa học Công nghệ…) tập hợp ý kiến của địa phương, các ý kiến phản biện của các tổ chức, cá nhân liên quan cũng như ý kiến của dư luận để đối chiếu với các nội dung công việc Bộ Công Thương đã thực hiện trong thời gian qua, cùng địa phương trao đổi, làm rõ từng nội dung liên quan đến dự án.
“Chúng tôi sẽ làm việc trên cơ sở đúng quy định, có căn cứ là những luận cứ khoa học thuyết phục, có số liệu, cứ liệu định lượng được. Không thể cảm tính!” – Bộ trưởng nhấn mạnh và kết luận, trên cơ sở đó, Bộ Công Thương sẽ có báo cáo Trung ương và Chính phủ.