Bài 3 (Bài cuối): ''Hoá giải'' thách thức tạo ''đòn bẩy'' cho phát triển công nghiệp
Phát huy nguồn lực chính sách
Với tầm nhìn dài hạn và những quyết sách của Đảng vì mục tiêu phát triển ngành công nghiệp đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc trong suốt thời gian qua cũng như giai đoạn tới.
Theo các chuyên gia, nhà quản lý, muốn phát triển công nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, cần có hệ thống giải pháp, chính sách đồng bộ, thống nhất từ lý luận đến thực tiễn để huy động nguồn lực và phát huy thế mạnh của các ngành công nghiệp Việt Nam.
Và, để có một nền công nghiệp thực sự phát triển, đóng vai trò then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từ góc độ của Bộ Công Thương, cần có cách tiếp cận, tư duy mới về mô hình, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam trong bối cảnh và điều kiện mới của giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp nền tảng; khuyến khích phát triển hài hòa/hợp lý các ngành công nghiệp mũi nhọn, các ngành công nghiệp mới; dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Các chính sách vĩ mô cần được điều chỉnh theo hướng tạo thuận lợi cho các nguồn lực xã hội (vốn, nguồn nhân lực…) hướng vào lĩnh vực sản xuất nói chung và các ngành công nghiệp nền tảng nói riêng. Sản xuất công nghiệp hiện nay được tổ chức theo chuỗi giá trị (thượng nguồn - trung nguồn - hạ nguồn) rất chặt chẽ, do đó, ưu tiên của việc phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp nền tảng là tham gia sâu nhất vào chuỗi giá trị của ngành, phù hợp với lợi thế cạnh tranh của đất nước so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, cũng như nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Công nghiệp hỗ trợ xác định giữ vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp cũng như tăng trưởng bền vững của nền kinh tế |
Theo đó, việc xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm là một bước quan trọng để tạo động lực mới thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững và khắc phục những khó khăn trong phát triển công nghiệp đã tồn tại trong những năm qua. Đây là một cơ hội để tập trung vào các ngành công nghiệp quan trọng và định hướng cho sự phát triển ổn định, bền vững của kinh tế.
Ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, việc xây dựng và ban hành Luật Phát triển công nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo sự đồng bộ và tính liên kết, phát huy hết tiềm năng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, nhằm khuyến khích, kích thích ngành công nghiệp phát triển, tạo sự đột phá để góp phần hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
“Đáng chú ý, Luật Công nghiệp trọng điểm không hướng tới các công cụ quản lý theo hướng tăng cường sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường và hoạt động của doanh nghiệp. Các chính sách dự kiến quy định tại Luật Công nghiệp trọng điểm hướng đến nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững ngành công nghiệp, đưa ra giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp theo định hướng của Đảng - đặc biệt là ngành công nghiệp nền tảng trong từng thời kỳ hướng tới phát triển bền vững, đảm bảo hiệu quả kinh tế cao”- ông Trương Thanh Hoài nêu rõ.
Theo các chuyên gia, Dự thảo Luật Công nghiệp trọng điểm được biết đã đề xuất nhiều chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp công nghiệp muốn phát triển về số lượng và chất lượng, nâng cao hàm lượng kỹ thuật trong sản phẩm của mình, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm cũng như giá trị gia tăng của các sản phẩm ngành công nghiệp chính, cần có chính sách hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất.
Chia sẻ thêm TS. Vũ Tiến Lộc- chuyên gia kinh tế bày tỏ quan điểm: "Chúng ta đã có chiến lược phát triển công nghiệp nhưng nên cụ thể hóa thành khung pháp luật, chính sách. Theo đó cần thiết phải có Luật Công nghiệp trọng điểm với các chính sách để định hướng liên kết doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, tạo ra mạng lưới liên kết vùng, các cụm, các chuỗi công nghiệp...".
Nhìn chung, những giải pháp và mục tiêu của Luật đều hướng đến việc tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và ngành công nghiệp, kiến tạo động lực tăng trưởng trong tình hình kinh tế hiện nay.
Kiến tạo động lực tăng trưởng
Đánh giá cao về việc xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm, TS Trịnh Thị Thanh Thuỷ - Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cũng khẳng định, trong bối cảnh cả thế giới đang bước vào cuộc Cách mạnh công nghiệp 4.0, hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, chuyển đổi số..., nhưng giá trị gia tăng, trình độ phát triển khoa học - công nghệ ở ngành công nghiệp chưa đồng đều, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo còn phụ thuộc nhiều vào nguồn linh kiện từ nước ngoài. “Việc sớm cho ra đời Luật Công nghiệp trọng điểm sẽ tạo hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghiệp tiếp cận nguồn vốn, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu”, TS Trịnh Thị Thanh Thuỷ nhận định.
Chia sẻ từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Vân - đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cho hay: “Chúng tôi rất mong muốn có được hệ thống pháp lý, định hướng rõ ràng để hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm; trong đó, có cơ khí, chế tạo, công nghệ cao, vật liệu… để doanh nghiệp có được hướng đi, theo đúng chủ trương về phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp trọng điểm nói riêng”.
Với khung pháp lý rõ ràng, doanh nghiệp ngành công nghiệp sẽ có điều kiện thuận lợi để phát triển và đầu tư hơn. Đặc biệt, nếu được ban hành sớm, Luật này dự kiến cũng sẽ tạo thuận lợi để các ngành công nghiệp trọng điểm nâng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Bộ Công Thương tổ chức Tọa đàm về Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm |
TS. Nguyễn Chỉ Sáng - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) góp ý thêm: Xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm là cần thiết và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và phát triển công nghiệp của Việt Nam. Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp trọng điểm thường liên kết mật thiết với các ngành công nghiệp hỗ trợ khác, góp phần thúc đẩy tiến bộ công nghệ và nâng cao trình độ của toàn bộ nền công nghiệp. Việc xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ này.
Đặc biệt, việc xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm sẽ giúp tạo ra những điều kiện thuận lợi để các ngành công nghiệp trọng điểm cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế. Điều này đồng thời tăng cường vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
TS. Trịnh Thị Thanh Thuỷ cũng cho rằng: Luật Công nghiệp trọng điểm được thông qua sẽ tạo cơ sở, nền tảng pháp lý thống nhất để Chính phủ có thể linh hoạt ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp.
“Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đã đặt mục tiêu tái cơ cấu ngành Công Thương nhằm thực hiện chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh; tạo lập các động lực tăng trưởng mới gắn với chuyển biến về chất mô hình tăng trưởng của ngành Công Thương cùng một mô hình quản trị nhà nước năng động, hiệu quả, hiện đại và có tính thích ứng cao để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững; phấn đấu đến năm 2030 là nước có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp cao…”, TS. Trịnh Thị Thanh Thuỷ chỉ ra.
Trong buổi làm việc với các đơn vị về xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm và chiến lược phát triển các ngành công nghiệp thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương tháng 1/2024, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên lưu ý: Việc xây dựng chính sách, pháp luật, chiến lược phát triển các ngành công nghiệp cần bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tại Nghị quyết 29-NQ/TW; chỉ đạo của Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tạo cơ sở pháp lý và chiến lược bền vững, thống nhất cho việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên của quốc gia.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, với quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị, trong đó có Bộ Công Thương, nhất định Luật Công nghiệp trọng điểm sau khi ban hành sẽ góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại của đất nước nhanh và bền vững.
Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm được nghiên cứu xây dựng với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn, ưu tiên theo định hướng của Nghị quyết số 29-NQ/TW phù hợp với bối cảnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hướng đến xây dựng nền công nghiệp độc lập, tự chủ, tự cường, góp phần phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa; kiến tạo được một số đột phá về chính sách để thúc đẩy việc phát triển, chuyển đổi nền công nghiệp theo hướng từ theo chiều rộng sang chiều sâu, từ gia công, lắp ráp sang nghiên cứu, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, đồng thời tạo đột phá về quá trình hiện đại hóa trong công nghiệp. Việc xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm do đó là trọng tâm công tác của Bộ Công Thương trong nhiệm kỳ này. |