"Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn" khích lệ mong muốn trau dồi nhân cách
Tại tọa đàm “65 năm nhà sàn Bác Hồ trong Khu Phủ Chủ tịch” trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 133 năm Ngày sinh nhật Bác tổ chức ngày 17/5, nguyên Trưởng phòng Sưu tầm Bảo tàng Hồ Chí Minh - bà Nguyễn Thị Thu Hà đã mang đến những câu chuyện và các giá trị của nhà sàn Bác Hồ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc nhiều nơi nhưng Khu Phủ Chủ tịch tại Hà Nội là địa điểm Người gắn bó lâu nhất trong 15 năm liên tục (1954-1969) |
Bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, tháng 5/1958, ngôi nhà sàn bằng gỗ 2 tầng, diện tích mỗi tầng gần 40m² kiểu nhà sàn đồng bào các dân tộc ở chiến khu xưa được xây dựng. Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh là tổng công trình sư, vừa thiết kế, trực tiếp chỉ đạo thi công, lắp ráp ngôi nhà theo đúng với ý tưởng và yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đây là ngôi nhà duy nhất làm bằng gỗ với lối kiến trúc hài hòa khiêm nhường bên cỏ cây hoa lá trong vườn. Vị trí đặt nhà sàn do Bác Hồ chọn vốn là bãi đất để không, mọc đầy cỏ lau, có chỗ cao che cả đầu người. Mặt trước nhà sàn nhìn ra hồ nước rộng có bậc xây bằng gạch, cầu ao nối với đường đi nội bộ bao quanh hồ nước Bác đặt tên đường 6008, mật danh của Đoàn Tân Trào. Bác cho thả cá, khi thu hoạch có những con nặng hàng chục cân.
Sau thời gian khẩn trương thi công và lắp ráp, nhà sàn hoàn thành, Bác Hồ rất vui lòng, Người cho liên hoan ngọt có bánh kẹo, hoa quả, chụp ảnh và Bác tặng mỗi thành viên một chiếc huy hiệu có hình Bác để kỷ niệm. Bác chuyển đến ở nhà sàn trong dịp sinh nhật lần thứ 68. Để tiết kiệm, Bác cho chuyển một số đồ dùng từ “nhà cao” vào nhà sàn”.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh khi thiết kế ngôi nhà đã thấu hiểu những yêu cầu của Bác. Nhà sàn dù diện tích xây dựng nhỏ song vẫn bố trí đáp ứng đầy đủ các công năng theo yêu cầu: Nơi ở, nơi làm việc của vị lãnh tụ tối cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, nơi họp Bộ Chính trị khi cần, phòng khách Bác tiếp và làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, nơi làm việc cá nhân yên tĩnh, độc lập, đủ ánh sáng… Đặc biệt cả hai tầng của ngôi nhà đều “mở” rất linh động, Bác có thể tiếp bạn bè quốc tế, các đoàn khách đối ngoại nhân dân thân tình.
Tại Nhà sàn, ngày 10/5/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu thảo tài liệu Tuyệt đối bí mật (Di chúc) để phòng khi Người "đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê nin và các vị cách mạng đàn anh khác thì đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột". Di chúc được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong thời gian từ năm 1965 đến năm 1969, trở thành một văn kiện lịch sử vô cùng quý giá, kết tinh trong đó những tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân suốt đời cống hiến hy sinh vì Tổ quốc.
Trong những năm đế quốc Mỹ leo thang đánh phá ác liệt miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh không đi sơ tán khỏi Thủ đô Hà Nội mà vẫn sống, làm việc tại Nhà sàn để chỉ đạo cuộc kháng chiến. Ngày 17/7/1966, Người đã ra Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước đoàn kết một lòng, kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng. Từ Nhà sàn Bác Hồ, chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã vang vọng khắp non sông.
Cũng tại Nhà sàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thân mật một số đoàn khách trong không khí cởi mở, chân tình, không bị ràng buộc bởi nghi lễ ngoại giao. Phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc nhiều nơi nhưng Khu Phủ Chủ tịch tại Hà Nội là địa điểm Người gắn bó lâu nhất trong 15 năm liên tục (1954-1969). Sau khi Người qua đời, nơi đây đã được Đảng và Nhà nước quyết định gìn giữ lâu dài nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh và trở thành Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Trong không gian tôn vinh, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Ba Đình Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, Nhà sàn Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch giữ vai trò trọng tâm, yếu tố đặc biệt, là nhân tố “cốt lõi” góp nên những giá trị lịch sử - văn hóa. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hi vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này.
Nhấn mạnh đến những giá trị lịch sử - văn hóa của Nhà sàn Bác Hồ, bà Nguyễn Thị Thu Hà chỉ rõ: Vào không gian Nhà sàn Bác Hồ là chúng ta đang đến với một cuộc đời, dù ở đâu làm gì đứng trước thử thách nào cũng lấy đạo đức, nhân nghĩa làm nền tảng, niềm tin và lấy yêu thương con người làm trọng.
Nơi sống và làm việc trong 15 năm cuối đời cũng là nơi Người từ biệt thế giới này đi vào cõi trường sinh bất tử - Đó chính là sự tôn vinh những giá trị văn hóa chính trị đối với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Hồ Chí Minh và của cả dân tộc Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà khằng định: “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn” là yếu tố cốt lõi các hoạt động tưởng niệm Hồ Chí Minh ở Ba Đình gần nửa thế kỷ qua đã không chỉ góp phần tạo ra nhận thức mới mà các hoạt động xuyên suốt ở đây đã khích lệ mong muốn trau dồi nhân cách, tu dưỡng bản thân theo tấm gương của Bác Hồ kính yêu. Mỗi người sẽ thêm ghi nhớ, thấm sâu hơn đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” để luôn xứng đáng với truyền thống và sự trao truyền tốt đẹp Việt Nam mà Hồ Chí Minh chính là tấm gương nổi bật.
Thực tiễn trong các hoạt động tưởng niệm Hồ Chí Minh ở Ba Đình trong đó có Nhà sàn Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch cho thấy mỗi người khi ở đây sẽ không chỉ cảm nhận, lý giải những giá trị lịch sử - văn hóa bằng tên địa danh, tên người, gắn với các câu chuyện lịch sử, từ các kiến thức về tiểu sử của một danh nhân, lịch sử của một dân tộc, về những di tích lịch sử, các hiện vật bảo tàng, câu chuyện kể,…mà còn trực tiếp trải nghiệm “mắt thấy tai nghe” ở chính tại nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống, làm việc.
Từ đó, sẽ giúp cho sự cảm nhận những cung bậc cảm xúc thực chất đúng với những giá trị văn hóa đạo đức nhân văn của một con người có nếp sống giản dị, cần kiệm, trong sáng của một con người mà cốt cách không chỉ đã trở thành biểu trưng của Việt Nam mà còn còn là một trong những yếu tố cơ bản góp phần kiến tạo xã hội tương lai bằng những phẩm chất, những nét tiêu biểu trong hình mẫu đạo đức Hồ Chí Minh.