Ngày này năm xưa 6/12: Nhà máy đèn Bờ Hồ ra đời - “cái nôi” của ngành điện Việt Nam
Chuyên mục “Ngày này năm xưa” Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện ngày 6/12 trong nước và quốc tế; các sự kiện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày 6/12.
Sự kiện trong nước
Ngày 6/12/1892, Nhà máy Đèn Bờ Hồ ra đời theo hợp đồng ký kết giữa Công ty Điện khí Đông Dương và Đốc lý Hà Nội . Đây là nền móng, cơ sở điện lực đầu tiên của Hà Nội gắn liền với sự nghiệp hình thành, phát triển của ngành điện sau này.
Bác Hồ thăm hỏi, động viên thợ điện Thủ đô ngày 21/12/1954 |
Tháng 7/1894, Hội đồng Thành phố thông qua hợp đồng và thời điểm khởi công xây dựng xưởng phát điện Hà Nội (còn gọi là Nhà máy Đèn Bờ Hồ) tại phố Francis Garnier (nay là phố Đinh Tiên Hoàng). Ngày 20/11/1894, việc thử nghiệm lò hơi được tiến hành và ngày 5/1/1895, Nhà máy Đèn Bờ Hồ chính thức đi vào vận hành phục vụ chiếu sáng. Lúc này, nhà máy có 2 máy phát điện một chiều tổng công suất là 500 kW.
Giai đoạn này Nhà máy Đèn Bờ Hồ do người Pháp, Công ty Điện khí Đông Dương quản lý, cung cấp điện cho 523 đèn điện ở những khu phố người Âu và phục vụ cho sinh hoạt của gia đình. Năm 1922, sản lượng điện do Nhà máy Đèn Bờ Hồ là 2.000.000 kWh, cung cấp điện cho Hà Nội, Hà Đông và các vùng lân cận.
Ngày 10/10/1954, Thủ đô Hà Nội được giải phóng, Nhà máy đèn Bờ Hồ được chính quyền cách mạng tiếp quản và trở thành “cái nôi” của ngành điện Việt Nam và được đổi tên thành Nhà máy điện Hà Nội.
Vào ngày 21/12/1954, mặc dù rất bận việc nước nhưng Bác Hồ vẫn dành thời gian đến thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ. Bác căn dặn “Nhà máy này bây giờ là của nhân dân, của Chính phủ, của các cô các chú. Các cô các chú là chủ thì phải gìn giữ nhà máy, làm cho nó phát triển hơn nữa”. Lời Bác ngày đó đã trở thành kim chỉ nam trong hành động, là nguồn động viên to lớn cho các thế hệ thợ điện Thủ đô. Ngày 21/12 hàng năm đã trở thành Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam.
Năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, cùng với công cuộc tái thiết, xây dựng Thủ đô, ngành điện Hà Nội bắt tay vào khôi phục, hàn gắn vết thương chiến tranh, củng cố, phát triển lưới điện nhằm đáp ứng yêu cầu về điện cho sự phát triển của Thủ đô. Giai đoạn này, Nhà máy đèn Bờ Hồ được gọi là Sở Quản lý và phân phối Điện khu vực I.
Sau nhiều lần đổi tên, năm 2010, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) được thành lập trên cơ sở nâng cấp và tổ chức lại Công ty Điện lực TP Hà Nội hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con và là đơn vị thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Ngày 6/12/1953: Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tấn công thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ. Sau 56 ngày đêm chiến đấu cực kỳ anh dũng, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Quân ta đã tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, bắn rơi và phá huỷ 62 máy bay, thu toàn bộ vũ khí, kho xăng, đạn dược, quân trang quân dụng.
Chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống Pháp xâm lược, “đã được ghi vào lịch sử như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa ở thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”.
Ngày 6/12/1972, quân giải phóng miền Nam đã bắn phá căn cứ không quân Mỹ - Ngụy ở Tân Sơn Nhất (Sài Gòn) diệt hơn 200 sĩ quan và nhân viên kỹ thuật Mỹ - Nguỵ phá huỷ hơn 50 máy bay (trong đó có 27 chiếc phản lực và 3 chiếc C310), đốt cháy hai kho xăng lớn và nhiều phương tiện chiến tranh khác trong sân bay.
Ngày 6/12/1989, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) đã quyết định cho thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Từ đó, ngày 6/12 hằng năm được lấy làm Ngày truyền thống của Hội.
Sự ra đời của Hội Cựu chiến binh Việt Nam là dấu mốc lịch sử quan trọng trong đời sống chính trị, tinh thần, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của lực lượng cựu chiến binh để tiếp tục cống hiến xây dựng quê hương, phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ phục vụ sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước trong thời bình, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, gắn bó tình bạn chiến đấu…
Từ 6-9/12/2001: Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13 với chủ đề “Vì một nền điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Liên hoan được tổ chức tại thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An), với sự tham dự của 12 phim truyện nhựa, 22 phim truyện video, 57 phim tài liệu khoa học và 14 phim hoạt hình của 24 đơn vị sản xuất phim trong cả nước.
Ngày 6/12/2004: Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện thành công ca ghép thận cho một bệnh nhi. Bệnh nhi được ghép thận tên là Nguyễn Hữu Hiệp (12 tuổi, quê ở Hải Dương) được chẩn đoán là bị viêm cầu thận cấp và suy thận mãn tính. Người cho thận là cha đẻ của bệnh nhân, anh Nguyễn Hữu Hùng, 45 tuổi. Tham gia ca mổ-ghép có: Giáo sư Jean Conté (chuyên gia của Pháp), PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm (Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương) cùng hơn 30 bác sĩ, y tá của Việt Nam.
Ngày 6/12/2012: Hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Lễ Giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức vào ngày 10/3 (âm lịch) hằng năm.
Sự kiện quốc tế
Ngày 6/12/1534, những người định cư Tây Ban Nha thành lập nên thành phố Quito, nay là thủ đô của Ecuador.
Ngày 6/12/1877, tờ Washington Post được thành lập và xuất bản số đầu tiên với 10.000 ấn bản. Như vậy, tính đến nay, tờ báo đã có 144 năm thành lập, là thương hiệu truyền thông lâu đời và là một trong những tờ báo hàng đầu có tầm ảnh hưởng và nguồn lực dồi dào nhất nước Mỹ.
Ngày 6/12/1897, London, Anh trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới có các xe taxi được cấp phép.
Ngày 6/12/2006, NASA tiết lộ các bức ảnh chụp bởi Mars Global Surveyor cho thấy sự hiện diện của chất lỏng nước trên Sao Hỏa.
Sự kiện về Bác Hồ
Ngày 6/12/1945, tại Nhà hát Lớn Thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự lễ tuyên thệ ủng hộ Chính phủ của Hội Cựu binh sĩ Cứu quốc, và dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về quy chế tài chính liên quan đến đường sắt Hải Phòng - Vân Nam, quy định bầu cử cho những người Cao Miên (Campuchia - BT) đã nhập quốc tịch Việt Nam.
Tại xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với các đồng chí trong Bộ Chính trị thông qua chủ trương, kế hoạch tác chiến Đông – Xuân (1953 - 1954), Quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 6/12/1953 |
Ngày 6/12/1946, trên Báo Cứu Quốc đăng bài “Chiến đấu vì chính nghĩa” của Bác nhìn nhận thực tế: “Rõ ràng quân đội Pháp đã thẳng tay tiến công, bất chấp tín nghĩa. Đối với cuộc chiến đấu tự vệ của ta, quốc dân đã theo dõi từng ly từng tý, nhưng không khỏi hoang mang. Vậy đứng về phương diện chiến lược, chúng ta thử xét sau này tình thế sẽ biến chuyển ra sao”.
Bài báo phân tích chiến thuật phòng ngự được coi là phương cách để trừ diệt địch để đi đến nhận định: “Ngoài điều kiện nhân hòa, chúng ta còn có điều kiện địa lợi và thiên thời. Từ hang cùng ngõ hẻm, núi sâu rừng rậm, đâu đâu cũng là đất nước Việt Nam, đâu đâu cũng có dân Việt Nam ở... Có đủ ba điều kiện nhân hòa, địa lợi và thiên thời như trên, cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam nhất định sẽ thành công”.
Ngày 6/12/1953, Bác cùng Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng Tư lệnh và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bác đã chỉ thị cho Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.
Ngày 6/12/1953, trong bài viết “Hội nghị đại biểu toàn quốc “bù nhìn” vạch trần thủ đoạn của thực dân cho thành lập tổ chức “Hội nghị đại biểu toàn quốc” của chính quyền Bảo Đại đăng trên Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết luận: “Chỉ có Quốc hội ta là Quốc hội thực sự đem lại quyền lợi cho nhân dân”.
Lời khẳng định đanh thép của Người là một chân lý bất di, bất dịch, là nền tảng, làm cơ sở lý luận và là kim chỉ nam cho mọi hoạt động xây dựng, hoàn thiện một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đây cũng là tư tưởng và quan điểm gần dân, quyền lực chính trị thuộc về nhân dân, phục vụ cho lợi ích của nhân dân là cốt lõi và xuyên suốt trong thể chế Nhà nước ta từ khi thành lập đến nay.
Ngày 6/12/1958, đến thăm Hội nghị cán bộ cao cấp nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 14, Bác nhấn mạnh: “Phải làm cho tư tưởng chính trị của nhân dân ta chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, có như thế chúng ta mới phát huy được hết thuận lợi, khắc phục được mọi khó khăn, hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước ba năm và chuẩn bị tốt cho kế hoạch dài hạn về sau”.