Chiều 25/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) |
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) đã được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV và đã nhận được sự quan tâm thảo luận, góp ý hết sức tâm huyết, trách nhiệm, với 113 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại tổ và hội trường; 50/63 Đoàn đại biểu Quốc hội và 6/9 cơ quan của Quốc hội gửi ý kiến tham gia về dự thảo Luật.
So với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương và 69 điều (trong đó, có 38 điều sửa đổi, bổ sung nội dung, 22 điều chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản, bãi bỏ 6 điều, bổ sung 11 điều và giữ nguyên 4 điều).
Một số ý kiến đề nghị điều chỉnh tên gọi dự thảo Luật phù hợp với nội hàm phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tên gọi “Luật Dầu khí” đã được sử dụng thống nhất trong thực tiễn hoạt động dầu khí từ khi Luật điều chỉnh về hoạt động dầu khí thượng nguồn được ban hành năm 1993 cho tới nay và được ghi nhận tại các hợp đồng dầu khí ký kết với các nhà thầu trong và ngoài nước về luật áp dụng đối với hoạt động dầu khí tại Việt Nam.
Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang sử dụng tên gọi Luật Dầu khí để điều chỉnh các hoạt động thượng nguồn. Quy định tại dự thảo Luật đã đủ rõ về phạm vi điều chỉnh chỉ bao gồm điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí thượng nguồn. Vì vậy, xin được giữ tên gọi dự thảo Luật như đã trình, bảo đảm tính kế thừa, ổn định, liên tục của pháp luật về dầu khí.
Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật hoạt động dầu khí trung và hạ nguồn; đề nghị bổ sung “dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ” vào phạm vi điều chỉnh, ông Vũ Hồng Thanh nêu, hoạt động dầu khí thượng nguồn có đặc thù về triển khai hoạt động và gắn kết chặt chẽ với các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Vì vậy, cần thiết có quy định riêng tại Luật chuyên ngành. Thực tế Luật Dầu khí hiện hành cũng đang xác định phạm vi điều chỉnh là hoạt động dầu khí thượng nguồn. Đối với các hoạt động dầu khí trung nguồn và hạ nguồn thực hiện theo quy định tại các luật có liên quan; trong quá trình triển khai cơ bản không gặp vướng mắc. Việc thiết lập chuỗi giá trị dầu khí từ tìm kiếm thăm dò đến chế biến dầu khí được thực hiện thông qua công tác lập, triển khai quy hoạch năng lượng và các quy hoạch khác có liên quan, bảo đảm tính tổng thể.
Đối với dự án dầu khí theo chuỗi, để tránh nhầm lẫn chuỗi giá trị dầu khí và chuỗi đồng bộ hoạt động dầu khí thượng nguồn, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh sửa, quy định rõ tại khoản 1 Điều 42 về nội dung này.
Về điều tra cơ bản về dầu khí (Chương II dự thảo Luật), nhiều ý kiến đề nghị rà soát, hoàn thiện quy định về điều tra cơ bản về dầu khí. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh sửa tại Điều 10 theo hướng bổ sung quy định về: Cơ chế thực hiện, hình thức tổ chức thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí; nhiệm vụ chủ trì của Bộ Công Thương và giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Có ý kiến đề nghị không quy định kinh phí điều tra cơ bản về dầu khí từ nguồn ngân sách nhà nước. Ý kiến khác đề nghị phân định rõ trường hợp bố trí chi phí từ ngân sách nhà nước; đối với hoạt động của doanh nghiệp thì doanh nghiệp tự cân đối.
Trước vấn đề này, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, công tác điều tra cơ bản về dầu khí là hoạt động nghiên cứu, khảo sát, điều tra ban đầu phải thực hiện để đánh giá tiềm năng, triển vọng dầu khí làm cơ sở cho việc định hướng hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí; kết quả của hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí thuộc Nhà nước quản lý; vì vậy, trước hết đây là nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, công tác này có tính rủi ro cao, nhu cầu vốn lớn, cần huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân khác ngoài nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện. Khi phê duyệt danh mục đề án điều tra cơ bản về dầu khí sẽ xác định cụ thể về nguồn kinh phí đối với mỗi đề án. Đối với kinh phí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí, khoản 1 Điều 64 dự thảo Luật quy định chi phí này được thanh toán bằng nguồn lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Về hợp đồng dầu khí (Chương IV dự thảo Luật), một số ý kiến đề nghị cân nhắc điều chỉnh quy định về thẩm quyền phê duyệt hợp đồng dầu khí, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, hợp đồng chia sản phẩm dầu khí là thoả thuận pháp lý quan trọng giữa Nhà nước và nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí (nhà đầu tư dầu khí), ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia thực hiện hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí quốc gia, có tính chất dài hạn, có nhiều nội dung đặc thù có liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền, mặt biển...
Vì vậy, cần thiết quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí, kế thừa quy định của Luật Dầu khí hiện hành. Ngoài ra, dự án Luật đã được tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, thiết kế theo tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định một số nội dung quan trọng như: Phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, nội dung hợp đồng dầu khí… Vì vậy, xin giữ quy định như tại dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022).
Có ý kiến đề nghị rà soát các quy định của các luật có liên quan về hợp đồng để bảo đảm sự thống nhất, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, các quy định về hợp đồng dầu khí đã được rà soát, hoàn thiện để quy định những nội dung đặc thù của hợp đồng dầu khí.
Trong đó, đối với quy định về tiếp nhận mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí từ nhà thầu trước khi hợp đồng dầu khí hết thời hạn, chỉnh sửa dự thảo Luật theo hướng: Bổ sung Điều 40 quy định về quyền của nhà đầu tư đang thực hiện hợp đồng dầu khí được đề xuất hợp đồng dầu khí mới trước khi hợp đồng dầu khí hết thời hạn.
Đồng thời, quy định về việc xem xét, phê duyệt chỉ định nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí mới trong trường hợp này và về việc sử dụng thông tin, dữ liệu, tài liệu, mẫu vật, công trình dầu khí và tài sản khác đã được lắp đặt, đầu tư trong cùng diện tích hợp đồng để thực hiện hoạt động dầu khí; bổ sung tương ứng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 21 về trường hợp chỉ định thầu. Ngoài ra, bổ sung, chỉnh sửa quy định tại Điều 41 về tiếp nhận mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí từ nhà thầu khí hợp đồng dầu khí hết thời hạn; giao Chính phủ quy định một số nội dung cụ thể.
Cùng với đó, có ý kiến đề nghị rà soát, quy định những nội dung có tính đặc thù; quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan liên quan; quy định cụ thể và phân nhiều quyền hơn cho Bộ Công Thương là cơ quan quản lý chuyên ngành.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã rà soát, chỉnh sửa tương ứng tại Điều 65 về trách nhiệm quản lý nhà nước về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí và chỉnh sửa quy định tại Điều 46 về thẩm quyền của Bộ Công Thương phê duyệt kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí, thống nhất với quy định về Bộ Công Thương phê duyệt kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí và kế hoạch phát triển mỏ dầu khí.