Thứ sáu 22/11/2024 04:20

Ca ngợi quân nhân vi phạm, đào ngũ là có lỗi với các bậc tiền nhân!

Ca ngợi một số quân nhân vi phạm thiếu tu dưỡng, rèn luyện, vô kỷ luật, tự ý bỏ trốn khỏi đơn vị là hành vi coi thường kỷ cương cần phải lên án.

Được đứng trong hàng ngũ của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng là niềm tự hào của mọi công dân. Mỗi thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự là niềm vinh dự, tự hào cho gia đình, quê hương bởi thực hiện nghĩa vụ quân sự chính là sự cống hiến một phần bé nhỏ của mình cho sự nghiệp của Đảng và toàn dân tộc. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ luôn là tấm gương sáng cho mọi thế hệ thanh niên Việt Nam noi theo. Còn gì hơn khi được tôi luyện ở môi trường quân đội, một trường học lớn để hoàn thiện nhân cách, góp phần năng lực và phẩm chất của mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Song mới đây, Hiệu trưởng Trường Quân sự Quân khu 2 đã phải ra Quyết định số 303/QĐ-TQS, ngày 8/8/2023 về thi hành kỷ luật bằng hình thức: Tước danh hiệu quân nhân đối với Vàng A V (tên nhân vật đã được viết tắt) (sinh năm 2003), trú tại huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Nguyên nhân là bởi, V đang học tập tại Trường Quân sự Quân khu 2 (TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) nhưng đã bỏ trốn khỏi doanh trại vào ngày 5/7/2023.

Sau khi quân nhân V bỏ trốn, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng tích cực tìm kiếm, qua công tác nắm tình hình và bằng các biện pháp nghiệp vụ, đến 21 giờ ngày 07/8/2023 lực lượng chức năng đã tìm thấy quân nhân Vàng A V đang ở tại khu đô thị Vinhomes Smart City phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Vàng A V tại cơ quan công an - Ảnh CACC

Điều đáng nói, khi thông tin này được đăng tải để góp phần cảnh tỉnh, giáo dục ý thức cho các bạn trẻ tránh đi vào vết xe đổ của V thì một số tài khoản mạng xã hội lại gửi lời “chúc mừng” hoặc ca ngợi hành động của V như một “hảo hán”.

Trước đó, vào năm 2022, phạm nhân Triệu Quân Sự (nguyên là chiến sĩ tại Đại đội 1, Tiểu đoàn 18, Sư đoàn 3, Quân khu 1) đã liên tiếp bỏ trốn khỏi đơn vị để ra ngoài chơi điện tử. Hết tiền, Sự đã thực hiện hành vi giết người, cướp tài sản. Sau đó, Sự lĩnh án chung thân để trả giá cho những tội ác man rợ…mà y gây ra. Song trong quá trình thụ án, Sự tiếp tục thiếu rèn luyện, sám hối, không cố gắng cải tạo tốt để sớm nhận được sự khoan hồng của pháp luật mà liên tiếp trốn trại và gây án. Trước những hành vi coi thường pháp luật của Sự, đại đa số ý kiến đều phản đối kịch liệt. Song thời điểm đó cũng có một số tài khoản mạng xã hội lại ca ngợi Sự như những thần tượng, anh hùng (không có thật, viễn tưởng) trong series phim “Vượt ngục” do nước ngoài sản xuất. Thậm chí, một số còn ngợi ca Sự là thông minh, giỏi tính toán và có đẳng cấp, trở thành “thánh vượt ngục”.

Để “gạn” ra một lý do cho hành vi bỏ trốn khỏi đơn vị của V và Sự có thể do bồng bột thiếu suy nghĩ của tuổi trẻ. Song đó chỉ là bao biện vì hành vi bỏ trốn khỏi đơn vị, đào ngũ của V và Sự khi đang là người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam là việc làm không thể chấp nhận. Hành vi ca ngợi việc làm vi phạm quy định, vô tổ chức, vô lỷ luật, ngại tu dưỡng kể trên càng đáng chê trách. Bởi chẳng nhìn đâu xa, hiện vẫn còn hàng nghìn chiến sĩ cũng độ tuổi như V và Sự vẫn đang học tập, rèn luyện với lòng quyết tâm cống hiến sức trẻ, phấn đấu rèn luyện, trưởng thành trong môi trường quân ngũ, xứng đáng là anh Bộ đội Cụ Hồ. Tại Trường Sa, nơi quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc dù còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn song những chàng trai “tuổi đôi mươi” cùng trang lứa với V vẫn không ngừng rèn luyện, tu dưỡng, sẵn sàng một ý chí kiên trung “súng cạnh người giữ trời với biển khơi” để giữ cho được từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Thậm chí, họ sẵn sàng hi sinh thân mình để tô thắm lên truyền thống vẻ vang, bất khuất của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Ngược về lịch sử hào hùng, trong những năm tháng chiến tranh, hàng ngàn, hàng vạn thanh niên của đất nước ta đã tình nguyện lên đường với ý chí “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Gian khổ, hi sinh vẫn một lòng sắt son vì độc lập, thống nhất non sông. Lớp lớp cha anh đã ngã xuống mới xứng đáng được ngợi ca vì những hi sinh, đóng góp quên mình. Vậy hành vi coi thường kỷ luật của V và Sự tại sao lại được “chúc mừng” như những chiến tích? Hành vi của V và Sự là biểu hiện của thói vô kỷ luật, ham vui với những thú vui vật chất, dễ để đánh mất mình mà quên đi trách nhiệm với gia đình, bản thân và cao hơn hết là trách nhiệm với Tổ quốc. Ca ngợi hành vi vô kỷ luật, cái tầm thường này liệu có công bằng, xứng đáng và hổ thẹn với những hi sinh, cống hiến không gì so sánh được của lớp lớp cha anh đã ngã xuống vì non sông gấm vóc?

Tháng 3/2023, Tòa án Quân sự khu vực 1 Quân khu 5 tổ chức xét xử lưu động sơ thẩm bị cáo Phạm Duy Ph về tội đào ngũ - Ảnh Quân đội nhân dân

Bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của toàn dân tộc, do vậy thực hiện nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm với Tổ quốc, với quê hương. Mỗi thanh niên phải coi đây là vinh dự của bản thân trước gia đình, quê hương và xã hội. Do đó phải tự giác tu dưỡng, rèn luyện để thực sự xứng đáng với những hình ảnh cao đẹp của một người lính. Quân đội cũng là môi trường để người lính được hoàn thiện những phẩm chất và năng lực cần thiết, để khi rời khỏi quân ngũ thì phẩm chất và năng lực đó lại được phát huy trên nhiều lĩnh vực.

Việc chối bỏ trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc của một số thanh niên như V, Sự rồi bị tước danh hiệu quân nhân là nỗi hổ thẹn của bản thân, gia đình. Cao hơn có thể đối diện với những bản án thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Đó là việc Triệu Quân Sự phải trải qua những năm tháng của thanh xuân, của tuổi trẻ trong chốn lao tù để chuộc lại những lỗi lầm đã gây ra. Đây là những bài học lớn cho những ai coi nhẹ kỷ luật Quân đội, không tu dưỡng, rèn luyện để tiếp bước truyền thống anh hùng của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Gia Minh
Bài viết cùng chủ đề: vi phạm pháp luật

Tin cùng chuyên mục

Vùng 3 Hải quân bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo

Tinh gọn bộ máy: Không chờ hoàn chỉnh rồi mới hoàn thiện

Thắng 'giặc nội xâm' để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Không thể phủ nhận giá trị vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc: Kỳ 3: Khát vọng hùng cường, thịnh vượng

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc: Kỳ 2: Khai mở dư địa tiềm năng

“Đúng - Trúng - Hay” trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 5: Diễn đàn dân chủ

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc

“Đúng - Trúng - Hay” trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 4: Chi bộ tiên phong

''Đúng - Trúng - Hay'' trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 3: ''Thành quả'' thiết thực từ sinh hoạt chuyên đề

Bài 2: Tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Đúng - Trúng - Hay”

“Đúng - Trúng - Hay” trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 1: Nâng “chất” sinh hoạt chi bộ hàng tháng

Đường Hồ Chí Minh trên biển: Kỳ tích làm nên huyền thoại

Cảnh giác trên ‘chiến trường thông tin’, tăng giá điện bị đẩy thành ‘vũ khí’ chống phá

Thường xuyên thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như 'rửa mặt hàng ngày'

Đào tạo, phát triển cán bộ trẻ - lực lượng nòng cốt trong công tác xây dựng Đảng

Bảo vệ nền tảng tư tưởng hướng tới mục tiêu 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng

Báo Công Thương đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Đảng bộ Trường Đại học Điện lực chủ động đổi mới, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kép

Kỳ 2: Nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp khắc phục căn bệnh “sợ trách nhiệm”