Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Ngành dệt may cần chủ động gia tăng giá trị nội địa hóa
Tin hoạt động 03/05/2019 11:48
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải đáp ý kiến đề xuất của ngành dệt may tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 |
Hiện nay, dệt may đang là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Năm 2018, ngành này đã xuất khẩu 36,3 tỷ USD và mục tiêu năm 2019 đạt 40 tỷ USD. Tuy nhiên, theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - phát triển định hướng quy hoạch của ngành đến năm 2020 hiện đã “lỗi thời” và không còn phù hợp, cần giải pháp chiến lược để thực hiện phần cung thiếu hụt. Do đó, cần định hình giải pháp chiến lược giai đoạn 2035-2040; chính sách thuế VAT với các dự án đầu tư cần hợp lý hơn để khuyến khích đầu tư của các doanh nghiệp vào phần cung thiếu hụt. Ngoài ra, Việt Nam đang phải nhập khẩu cực lớn phần cung thiếu hụt.
"Chúng ta cần phát triển các khu công nghiệp để kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực dệt nhuộm. Quốc hội nên xem xét lại luật hiệp hội bởi đây là doanh nghiệp chứ không phải tổ chức. Liên quan đến vai trò của Chính phủ trong chiến lược phát triển nguồn lực, cần đào tạo đội ngũ kỹ sư ngành hoá nhuộm vì chúng ta đang rất thiếu" - ông Giang đề xuất thêm.
Đồng tình với quan điểm của ông Giang, ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam - cho rằng, trong 18 năm qua, ngành dệt may đạt tốc độ phát triển 15%. Đối với doanh nghiệp, nhiệm vụ sống còn là phải tăng giá trị, phải có vải, chứ không thể mãi dừng lại ở bước gia công. Nếu không có CPTPP thì các doanh nghiệp nước ngoài sẽ không thể vào Việt Nam vì quy mô dệt may của Trung Quốc quá lớn. Nhưng hiệp định này vừa là thách thức, vừa là cơ hội.
Vì vậy, nhà đầu tư trong nước cần làm chủ tình hình. Bởi hiện nay, ngành dệt may tại Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm 70%. Ngành dệt may Việt Nam có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ tạo công việc làm, thúc đẩy xuất khẩu lớn, tạo ra nhiều doanh nhân.
"Chúng ta cần quy hoạch cụ thể, cần đất, nhà máy công suất lớn tại các vùng miền. Bên cạnh đó, cũng cần thống nhất từ Trung ương tới địa phương các thủ tục pháp lý cho đầu tư, thúc đẩy đầu tư. Ban hành chính sách cụ thể, thống nhất xử lý nước thải, chất thải rắn. Bộ Công Thương hỗ trợ vấn đề kéo sợi, nhà phát triển khu công nghiệp đầu tư nước thải...." - ông Tuấn nói.
Phản hồi về vấn đề thu hút đầu tư vào dệt nhuộm để tận dụng lợi thế của CPTPP, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, nếu không cải thiện chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh, nhất là công nghiệp phụ trợ, Việt Nam sẽ bị thua thiệt trong CPTPP. Vì vậy, yêu cầu đầu tiên đặt ra là phải hoàn thiện hệ thống trong ngành dệt may, nhất là các ngành phụ trợ. "Đã đến lúc, Việt Nam chủ động gia tăng giá trị nội địa hóa, chủ động về công nghiệp phụ trợ là yếu tố then chốt" - Bộ trưởng nói.
Nhận thấy vai trò của ngành dệt may, Chính phủ có chủ trương chiến lược để phát triển ngành công nghiệp này. Dự kiến, chiến lược này sẽ trình Chính phủ trong quý III/2019 và mở rộng ra toàn quốc.
Liên quan đến ngành logistics, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, thực tế, ngành này phát triển nhanh, tăng trưởng 11-14% mỗi năm và đóng góp lớn cho ngành kinh tế. Tuy nhiên, logistics vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.
Trong giai đoạn từ năm 2017-2019, Chính phủ đã ban hành Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 phê duyệt Kế hoạch Hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025. Bộ Công Thương cũng mới ban hàng quy định mới, quy định 49 nhiệm vụ trong 6 nhóm: nâng cấp hạ tầng, nâng cao năng lực và chất lượng cung cấp dịch vụ logistics, rút ngắn thời gian và giảm chi phí.
Với những chính sách này, Bộ trưởng kỳ vọng thời gian tới, Việt Nam sẽ hướng tới vị trí hàng đầu trong khu vực ASEAN.