Việt Nam - Lào nỗ lực đưa kim ngạch thương mại song phương phát triển
Tin hoạt động 23/12/2019 17:23
Tại buổi tiếp Thứ trưởng Bộ Công Thương Lào – ông Somchit Inthamit, ngày 23/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam – Đặng Hoàng An cho biết, quan hệ Việt Nam – Lào đang phát triển tích cực trên các lĩnh vực, nhất là về kinh tế, thương mại. Với sự quan tâm của Chính phủ, sự nỗ lực của các Bộ, ngành hai bên, năm 2019, kim ngạch thương mại Việt Nam – Lào đã có bước phát triển mới.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An tại buổi tiếp Thứ trưởng Bộ Công Thương Lào Somchit Inthamit |
Số liệu từ Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cho biết, 11 tháng 2019, kim ngạch thương mại Việt Nam – Lào đạt 1.038,4 triệu USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 633,4 triệu USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ 2018; kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 405 triệu USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ 2018. Với mức tăng hiện nay, dự kiến cả năm 2019 sẽ đạt khoảng 1.132 triệu USD, tăng trên 10% và hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 1—15% do lãnh đạo cấp cao hai nước đề ra tại kỳ họp lần thứ 41 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Lào.
Với kết quả trên, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhận định, tốc độ tăng trưởng thương mại hai bên đang hết sức tích cực, song vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Thời gian tới, để thúc đẩy kim ngạch thương mại Việt Nam – Lào phát triển, một trong những vấn đề hai bên cần quan tâm đó là tháo gỡ nhiều điểm nghẽn cho khâu vận tải, tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa hai chiều và tiếp tục đẩy mạnh hơn về hợp tác năng lượng. “Nếu dự án cao tốc Hà Nội – Viêng Chăn sớm triển khai, cũng như hợp tác về năng lượng mạnh mẽ hơn nữa thì kim ngạch thương mại hai bên sẽ có bước tăng trưởng mới”- Thứ trưởng An nói.
Đồng tình với những ghi nhận từ phía Bộ Công Thương Việt Nam, Thứ trưởng Somchit Inthamit nhấn mạnh, với tiềm năng lớn về hợp tác thương mại hai bên, Bộ Công Thương Lào cũng đang nỗ lực tạo điều kiện để tăng cường giao lưu, hợp tác thương mại đường biên; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án vận tải, giúp lưu thông hàng hóa, trong đó có dự án cao tốc Hà Nội – Viêng Chăn; hỗ trợ doanh nghiệp giao thương, trong đó tập trung tới các mặt hàng chủ lực, thế mạnh. Đặc biệt, Lào sẽ tạo điều kiện để hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường khác từ Lào một cách thuận lợi nhất.
Trên cơ sở mối quan hệ tốt giữa Bộ Công Thương hai nước, Thứ trưởng Somchit Inthamit cho biết thêm, hiện phía Lào đang quan tâm và mong muốn được Bộ Công Thương chia sẻ về quản lý, vận hành bộ máy tổ chức lực lượng Quản lý thị trường, nhằm đúc rút kinh nghiệm để xây dựng lực lượng Quản lý thị trường Lào chất lượng, phù hợp với tình hình mới; tạo cơ sở để tham mưu cho Chính phủ Lào xây dựng, ban hành Bộ Luật về Quản lý thị trường. Đồng thời, phía Lào cần Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm quản lý sản xuất, kinh doanh các mặt hàng điện tử, bảo vệ người tiêu dùng…
Đề cập tới lực lượng Quản lý thị trường, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho hay, quản lý thị trường là công việc hết sức phức tạp, liên quan đến nhiều Bộ, ngành, các cấp địa phương. Với chức năng quan trọng của lực lượng này, năm 2018, tổ chức bộ máy Quản lý thị trường Việt Nam đã được tái cấu trúc lại, hoạt động theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng Bộ Công Thương theo nguyên tắc tập trung thống nhất.
Chia sẻ thêm về quản lý kinh doanh, sản xuất mặt hàng điện tử, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, hiện mặt hàng điện tử chủ yếu là sản xuất trong nước. Tuy nhiên tình trạng giả mạo, gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn biến ngày càng phức tạp trở thành vấn đề nổi cộm, đáng lo ngại, bởi sẽ khiến cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng tại các thị trường có ký kết FTA; ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.
Trong bối cảnh đáp ứng yêu cầu thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế và các cam kết Việt Nam đã tham gia như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đặt ra yêu cầu rất cao trong các lĩnh vực, nhất là sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh, sau khi tái cấu trúc bộ máy, Quản lý thị trường Việt Nam đang nỗ lực, phát huy vai trò lực lượng chủ công quản lý không chỉ ở khâu lưu thông mà cả khâu sản xuất hàng hóa.