Trong năm 2018, tình hình bảo hộ thương mại bằng thuế quan trên thế giới có nhiều biến động lớn, thể hiện rõ nét nhất là chiến tranh thương mại Mỹ và Trung quốc. Diễn biến của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng phức tạp, có ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế thế giới và thương mại quốc tế của Việt Nam. Về chính sách phi thuế quan, vì nhiều lý do khác nhau mà các quốc gia đều gia tăng mạnh các biện pháp bảo hộ bằng hàng rào kỹ thuật (TBT), vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS), chống bán phá giá (AD), chống trợ cấp (CD), phòng vệ thương mại (SG), hạn chế số lượng (QR). Trong đó, các biện pháp TBT và SPS được sử dụng phổ biến nhất, có tác động mạnh đến xuất khẩu, đặc biệt là hàng nông sản của Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại Hà Nội nhấn mạnh, báo cáo thường niên kinh tế và thương mại Việt Nam với chủ đề “Bảo hộ thương mại và tác động đến xuất khẩu hàng hóa Việt Nam”. Ngoài phần tổng quan về kinh tế vĩ mô thế giới và Việt Nam, báo cáo còn trình bày các vấn đề về hội nhập thương mại quốc tế, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, cân đối cung cầu của một số mặt hàng thiết yếu, phát triển các loại hạ tầng thương mại, dịch chuyển đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu hàng hóa. Đặc biệt, báo cáo tập trung phân tích sâu chủ đề chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và tác động của bảo hộ thương mại đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam.
Báo cáo thường niên Kinh tế và thương mại Việt Nam 2019 bao gồm 4 phần chính: Kinh tế Việt Nam 2018 (trình bày tổng quan những phân tích và đánh giá về kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2018); Thương mại Việt Nam 2018 (bao gồm đánh giá về các nội dung: Hội nhập thương mại quốc tế, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ, chỉ số giá tiêu dùng, cân đối cung cầu của một số mặt hàng thiết yếu…); Bảo hộ thương mại và tác động đến xuất khẩu của Việt Nam (phân tích sâu về các công cụ bảo hộ thương mại, tác động của bảo hộ thương mại đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt tập trung phân tích tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung); Triển vọng kinh tế-thương mại Việt Nam 2019 (đánh giá triển vọng kinh tế toàn cầu và kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2019, dự báo xu hướng bảo hộ thương mại trên thế giới và cơ hội, thách thức đối với Việt Nam; dự báo xu hướng bảo hộ thương mại trên thế giới và cơ hội, thách thức đối với Việt Nam; dự báo triển vọng thương mại Việt Nam 2019; những khuyến nghị chính sách áp dụng cho năm 2019 và những năm tiếp theo).
Đánh giá cao sự kỳ công của đội ngũ biên soạn báo cáo, PGS.TS.Đinh Văn Thành - Viên nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương cho biết, tăng trưởng thương mại năm 2018 đạt kết quả cao nhất kể từ năm 2013. Theo đó, báo cáo đã bao quát được toàn bộ bối cảnh thương mại Việt Nam. Tuy nhiên, báo cáo sẽ đầy đủ hơn nếu bổ sung Nghị định 09/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, để cập nhật theo đúng tính thời sự, cần chỉnh lý lại một số vấn đề liên quan như Hiệp định EVFTA vừa được ký kết, Anh rời EU, cập nhật dự báo tăng trưởng trong nước năm 2019 tác động đến tăng trưởng thương mại...
PGS.TS. Lê Xuân Bá – Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương CIEM cũng bày tỏ mong muốn, báo cáo cần có thêm nội dung mang tính chất cảnh báo. Ví dụ, nếu doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường liệu có đóng cửa không? Nếu không đóng cửa thì chấp nhận ở mức độ như thế nào?
Báo cáo thường niên Kinh tế và thương mại Việt Nam 2019 do GS-TS Đinh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại chủ biên, cùng với nhóm biên soạn là các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế- thương mại sẽ là tài liệu tham khảo tin cậy, với nhiều thông tin và khuyến nghị chính sách hữu ích về các vấn đề căn bản của kinh tế và thương mại Việt Nam.