Chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại An Giang: Kết quả khả quan Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất với tiêu thụ |
Trồng lạc theo hướng hàng hóa
Lạc là cây trồng truyền thống từ bao đời nay của người dân vùng cao huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Trước đây, người dân trồng diện tích còn nhỏ lẻ, chưa áp dụng kỹ thuật vào trồng, chăm sóc nên cây lạc phát triển kém, sản lượng thấp. Năm 2006, cấp ủy, chính quyền huyện Hà Quảng phối hợp với một số doanh nghiệp tập trung tuyên truyền, vận động bà con các xã vùng Lục Khu chuyển đổi diện tích một số cây trồng năng suất thấp sang trồng thử giống lạc mới. Qua kết quả trồng thử nghiệm, cây lạc giống mới chịu hạn tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, năng suất, sản lượng cao hơn lạc giống địa phương. Từ đó đến nay, cây lạc hàng hóa đã được bà con các xã vùng cao tập trung phát triển và coi đây là cây chủ lực giảm nghèo bền vững.
Thấy hiệu quả từ trồng lạc, đặc biệt là lạc hàng hóa, những năm gần đây, bà con huyện vùng cao Hà Quảng đã chuyển nhiều diện tích cây trồng một vụ kém hiệu quả sang trồng hai vụ lạc để nâng cao thu nhập. Năm 2022, Hà Quảng phấn đấu phát triển diện tích lạc hàng hóa đạt hơn 1.000 ha, sản lượng 1.500 tấn. Từ trồng lạc, hàng nghìn hộ dân có thu nhập ổn định 20 - 40 triệu đồng/hộ/năm, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Trồng lạc giúp bà con vùng Lục Khu tăng thu nhập |
Bên cạnh đó, vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn đã đồng hành cùng với nông dân, hỗ trợ về giống, vật tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con. Sản phẩm lạc Cao Bằng chủ yếu được tiêu thụ tại các tỉnh miền Trung và được đánh giá cao về chất lượng. Trước nhu cầu thu mua sản phẩm của các doanh nghiệp, huyện Hà Quảng tiếp tục vận động các địa phương mở rộng diện tích trồng lạc nhằm đem lại thu nhập ổn định; góp phần xóa đói, giảm nghèo ở nhiều địa phương, nhất là các xã vùng cao Lục Khu.
Liên kết và bao tiêu sản phẩm
Đặc biệt, năm 2020, Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Hà Quảng triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ trong chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ lạc vùng miền núi tỉnh Cao Bằng” với mục tiêu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ theo chuỗi sản xuất từ cung cấp giống, vật tư đầu vào, trồng trọt đến chế biến và tiêu thụ lạc đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Dự án đã ký hợp đồng với đơn vị chuyển giao là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển đậu đỗ (Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm) về quy trình sản xuất hạt giống lạc và quy trình sản xuất lạc thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP; ký hợp đồng với đơn vị chuyển giao là Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch về kỹ thuật bảo quản lạc sấy khô; ký hợp đồng với đơn vị chuyển giao là Viện Công nghiệp thực phẩm về quy trình sản xuất dầu lạc.
Để bảo quản lạc, công ty cũng xây dựng xưởng chế biến lạc sấy khô với quy mô 200 m2, bảo quản lạc sấy khô công suất 2.000 tấn/năm. Thực hiện đồng bộ quy trình về xây dựng nhà xưởng chế biến dầu lạc quy mô 300 m2, 1 hệ thống dây chuyền thiết bị chế biến dầu lạc công suất 200 tấn/năm; ứng dụng công nghệ sản xuất dầu lạc bằng phương pháp ép...
Việc xúc tiến thị trường tiêu thụ thông qua hình thức quảng bá sản phẩm được đa dạng hóa dưới nhiều hình thức: Xây dựng website bán hàng; tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá sản phẩm; hợp tác liên kết giữa người sản xuất và nhà kinh doanh; xây dựng và mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường tiếp thị đến hệ thống siêu thị và các kênh thực phẩm trong nước; xây dựng mạng lưới tiếp thị, đội ngũ nhân sự tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa và xuất khẩu. Xúc tiến và ký kết cung cấp sản phẩm lạc giống Cao Bằng với các đơn vị, công ty có nhu cầu giống lạc...
Dự án được xây dựng trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, công nghệ được ứng dụng trong dự án là những công nghệ tiên tiến, thích hợp, có tính khả thi cao khi ứng dụng tại địa phương, phù hợp với trình độ, năng lực khoa học, quản lý và các điều kiện về kinh tế - xã hội của tỉnh. Tạo ra mối liên kết bốn nhà, làm cơ sở để ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ lạc vùng miền núi.
Trong những năm tới, lạc vẫn được xác định là cây trồng chủ lực trong chương trình xóa đói, giảm nghèo của huyện Hà Quảng, đầu ra được nhiều doanh nghiệp, thương lái bao tiêu ổn định nên người dân yên tâm mở rộng diện tích. |