Nông dân xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu trồng dưa hấu dưới ruộng lúa đạt hiệu quả kinh tế cao |
Đưa cây màu xuống chân ruộng lúa
Ông Trương Vĩnh Hải – Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam - chia sẻ: Thực hiện dự án “Xây dựng mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp” giúp nông dân trao đổi chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận trong sản xuất. Bên cạnh đó, kết quả đạt được của dự án sẽ tạo nên sự đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, phá thế độc canh cây lúa, giảm áp lực sâu bệnh, hình thành những vùng sản xuất màu phù hợp.
Đến nay, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên chân đất ruộng đang được nhiều địa phương khu vực ĐBSCL tích cực thực hiện, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp. Như tại Đồng Tháp, kết quả phân tích hiệu quả kinh tế khi chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô lai cho thấy, tổng thu nhập của mô hình trồng ngô lai trên đất lúa kém hiệu quả đạt 31.500.000 đồng/héc-ta trong khi chỉ tiêu này đối với lúa là 23.925.000 đồng/héc-ta. Lợi nhuận thu được của mô hình trồng ngô lai cao hơn lúa 66,6% do năng suất ngô tăng cao... Vụ xuân hè 2015 vừa qua, ông Nguyễn Văn Trường ở xã Vĩnh Xuân (Trà Ôn - Vĩnh Long) lại chọn cây bắp nếp để tham gia dự án “Cánh đồng mẫu cây màu” do Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long triển khai với diện tích 0,8 héc-ta. Kết quả, cuối vụ, ông thu được 11,2 tấn bắp, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt 34,9 triệu đồng, cao gấp 2 - 3 lần trồng lúa.
Liên kết sản xuất với tiêu thụ
Mặc dù hiệu quả thu hoạch mô hình trồng cây màu trên đất lúa kém hiệu quả tại các tỉnh vùng ĐBSCL đã được khẳng định, nhưng theo TS. Trần Văn Khởi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá, khó khăn nhất trong việc chuyển đổi diện tích lúa năng suất thấp sang các cây trồng khác là khu vực ĐBSCL chưa có hệ thống thủy lợi chủ động tưới cho cây trồng cạn (bắp, đậu tương) vào mùa khô hay thoát nước trong mùa mưa để chuyển đổi cây trồng cạn trên đất trồng lúa nước. Sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún nên doanh nghiệp khó tổ chức thu mua sản phẩm. Ứng dụng cơ giới còn hạn chế, đẩy chi phí giá thành lên cao….
Để mô hình thành công và nhân rộng, ông Khởi cho rằng, việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm là điều kiện then chốt để mô hình thành công và bền vững. Đối với các vùng chuyển đổi ngô trên đất lúa khi thực hiện cần quy hoạch cụ thể vùng trồng, loại đất trồng, cơ cấu cây trồng và cải tạo hệ thống thủy lợi cho phù hợp, tránh úng khi mưa, đủ nước tưới trong mùa khô. Có chính sách đặc thù, đầu tư khuyến công cho mô hình trọn gói từ máy làm đất, gieo hạt, thu hoạch, tách hạt đến sấy, để nông dân thấy rõ lợi ích của đầu tư cơ giới hóa, hạ giá thành sản xuất. Đây là điểm mấu chốt, góp phần làm cho mô hình có tính ổn định lâu dài ngoài sản xuất, sau khi kết thúc mô hình ở các điểm.